Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Chữ Tâm trong truyện Kiều hiểu theo tinh thần Tam Giáo Đạo Cao Đài. - Lê Tấn Tài



Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”
Chữ Tâm Tố Như tiên sanh tự hỏi, không biết 300 năm sau, có ai là kẻ tri âm, khóc với nỗi niềm tâm sự tiên sanh gởi gấm trong truyện “Đoạn trường tân thanh” (còn gọi là truyện Kiều) hay không? Sau khi truyện ra đời, nhiều độc giả đã say mê thưởng thức, khen ngợi, nhưng cũng có một số nghiêm khắc phê bình. Tuy nhiên, giá trị của truyện Kiều vẫn không bị suy giảm vì những lời phê bình gay gắt của ông Ngô Đức Kế: “ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi”, hoặc ông Huỳnh Thúc Kháng: “Truyện Kiều là phong tình hối dâm không đáng làm sách dạy, gieo cái nọc gió trăng, hoa liễu trong não thiếu niên nam nữ ta”
“Thật vậy, năm 1919, ông Phạm Quỳnh trong tạp chí Nam Phong đã nêu lên vấn đề khảo cứu truyện Kiều, phân tích văn chương truyện Kiều theo lối tây phương, trình bày cái hay, cái đẹp của truyện Kiều, và trong suốt năm năm, ông luôn luôn ca ngợi truyện Kiều về đủ mọi phương diện, chủ trương đem truyện Kiều làm sách giáo khoa. Và ông đã đi đến kết luận trong câu nói tóm tắt, đầy nhiệt tình: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”. Nam Phong, số 30, năm 1919 có đoạn bàn về truyện Kiều: “có cái đức nghiêm của người liệt nữ mà lại có vẻ tình của khách phong lưu, đức hạnh đủ khiến kính, tài tình đủ khiến yêu, giá trị đủ khiến quý, thân thế đủ khiến thương, vì cảnh ngộ mà nặng kiếp đào hoa, trong tình ý vẫn ra người tiết nghĩa, ở nơi ô trọc mà vẫn giữ được tiết thanh cao, gặp cảnh gian nan mà không hề đắm đuối, Kiều nương thật là gồm được bấy nhiêu tư cách, nên ai đọc cũng phải kính, phải thương, phải yêu, phải trọng”. (Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, quyển 2, Hà Như Chi, nhà xuất bản Tân Việt, năm 1956, các trang 141, 142, 144) (1)
Bàn về tư tưởng của Tố Như tiên sanh gởi gắm trong truyện Kiều, Hồ Đình Chữ viết: “Nguyễn Du đã đề cập đến thuyết thiên mệnh, lẽ vô thường gây ra đau khổ, luật thừa trừ “bỉ sắc thư phong” vì trời xanh luôn luôn ghen ghét cái hoàn hảo “tạo vật đố toàn”, để đặt vấn đề tài mệnh tương đố, hồng nhan bạc mệnh. (Trích giảng truyện Kiều, Hồ Đình Chữ, Sydney, Úc Châu, 1996, trang 288) (2)
Hà Như Chi cho rằng chữ mệnh của đạo Nho ở đây có ý nghĩa và tác dụng tương tự với chữ nghiệp của nhà Phật. Hồ Đình Chữ còn thêm: “Ngoài mệnh và nghiệp dung hòa, Nguyễn Du đã đề ra chữ Tâm:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Chữ “Tâm” hơn một lần xuất hiện trong lời của đạo cô Tam Hợp:
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời,
Và lời nói của hồn ma Đạm Tiên:
Tâm thành đã thấu đến trời.
“đã động hiếu tâm đến trời” và “tâm thành đã thấu đến trời” như đã trình bày được rõ ràng cái đại ngả của trời và tiểu ngả của người cộng thông trong triết lý Nho học và Đạo học rồi.
Nếu trời là cái muôn sự, cái tất cả, cái không và tâm thành là cái một, cái cá thể, cái sắc, thì “tâm thành đã thấu đến trời” và “bán mình đã động hiếu tâm đến trời” có nghĩa là “nhất cữ tề thâu” trong kinh Hoa Nghiêm của Phật giáo nữa. Như vậy, Nho Phật Lão vẫn hội ngộ trong lối giải quyết của Nguyễn Du”. (Trích giảng truyện Kiều, Hồ Đình Chữ, Sydney, Úc Châu, 1996, trang 288, 289) (2)
Thật vậy, chữ Tâm được Nguyễn Du đề cập trong truyện Kiều rất quan trọng trong tinh thần Tam Giáo: Nho Phật Lão của Đạo Cao Đài. Ý nghĩa chữ Tâm sẽ được trình bày theo giáo lý Đạo Cao Đài qua Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển...
Sau đây, xin trích ý nghĩa chữ Tâm trong vài quyển tự điển:
Thiều Chửu định nghĩa chữ Tâm: (Tim):
“Đời xưa cho tim là vật để nghĩ ngợi, cho nên cái gì thuộc về tư tưởng, đều gọi là tâm. Phật học cho muôn sự, muôn lẽ đều do tâm người tạo ra, gọi là phái duy tâm. Nhà Phật chia tâm ra nhiều thứ, nhưng rút lại có hai thứ tâm trọng yếu nhất:
  • Vọng tâm: cái tâm nghĩ ngợi lan man, xằng bậy.
  • Chân tâm: Cái tâm nguyên lai vẫn sáng láng tinh thông, đầy đủ mầu nhiệm, không cần phải nghĩ mới biết, cũng như tấm gương trong suốt, vật gì qua nó là soi tỏ ngay, khác hẳn với cái tâm phải suy nghĩ mới biết, phải học hỏi mới hay. Nếu người ta biết rõ cái chân tâm mình như thế mà xếp bỏ sạch hết cái tâm nghĩ ngợi lan man xằng bậy thì tức thì thành đạo ngay.
Nghĩa thứ hai: Tâm là giữa, phàm nói về phần giữa đều gọi là tâm”. (Tự Điển Hán Việt, Thiều Chửu, nhà XB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, Việt Nam, năm 2002, trang 178) (3). Nghĩa nầy không nằm trong nội dung đề cập ở đây.
Đoàn Trung Còn định nghĩa chữ Tâm:
Chữ Tâm có những nghĩa về vật chất và về tinh thần.
  • Về vật chất, tâm là trái tim, là chỗ chính giữa.
  • Về tinh thần, tâm thường dịch nôm là lòng, nghĩa là:
    • Lòng dạ, nỗi niềm cảm động, như an tâm, loạn tâm.
    • Nội (bề trong), đối với ngoại (bề ngoài), như tâm nhãn.
    • Chí, lòng cương quyết; Ý; Thức; Trí.
    • Cái linh giác chung của chúng sanh, vạn vật, vỏ trụ, tức là tâm linh, thần hồn
    • Căn bổn, chỗ phát sanh, chỗ trụ cốt.
    • Tánh, tức tâm tánh
    • Chỗ bí mật. (Phật Học Từ Điển, quyển 3, Đoàn Trung Còn, không ghi năm và nhà xuất bản, trang 867) (4). Chữ Tâm trong bài nầy căn cứ vào nghĩa về tinh thần.
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa cho rằng: “Tâm trong duy thức học, gọi là “tám thức”, tức 8 cái tâm, gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, ý căn và tàng thức”. (Tu Tâm, Tám quyển sách quý, nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, năm 2000, trang 23) (5)
Đức Nguyên trong Cao Đài Từ Điển giải thích chữ Tâm, xin trích như sau:
“Tâm: lòng dạ. Tánh: tánh tình, tánh nết.
Tâm tánh là lòng dạ và tánh nết.
Tâm tánh tương thông: sự cảm thông lẫn nhau giữa tâm tánh của người nầy với người khác.
Mỗi người đều có một cái Tâm ẩn khuất bên trong, vô hình vô ảnh, nhưng rất mầu nhiệm thiêng liêng. Người chỉ biết được Tâm chớ không thể thấy Tâm.
Khi Tâm thể hiện ra ngoài bằng cử chỉ, hành động, lời nói thì gọi là Tánh. Thánh Nho nói: Tánh tự Tâm sanh, nghĩa là cái Tánh do từ cái Tâm sanh ra. Do đó, Tâm và Tánh liên hệ chặt chẽ mật thiết với nhau, làm cho đôi khi người ta nghĩ rằng: Tâm cũng là Tánh, mà Tánh cũng là Tâm.
Khi Tâm rung động trước những sự vật biến đổi bên ngoài và Tâm phát tiết ra thì gọi là Tình.Tình cảm.
So sánh với chơn linh và chơn thần của con người thì:
  • Tâm là chơn linh (Thần).
  • Tánh là chơn thần (Khí).
Chữ TÂM, viết theo Hán tự, 心 tượng trưng hình trái tim: ở trên có 3 cái dấu tượng trưng 3 cái cuống (ống dẫn máu), ở dưới là cái túi chứa máu.
Ông Trần Đoàn, hiệu là Hi Di, mô tả chữ Tâm 心 và nói ý nghĩa của nó trong 4 câu thơ Hán văn sau đây:
Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tự nguyệt tà.
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật dã do tha.
三 點 如 星 象
橫 鉤 似 月 斜
披 毛 從 此 得
做 佛 也 由 他
GIẢI NGHĨA:
Ba điểm như hình ngôi sao,
Nét cong nằm ngang như mảnh trăng xế.
Mang lông theo đó mà được,
Nên Phật do đó vậy
Cái Tâm của con người được ví với trăng sao trên bầu trời, nên nó rất mầu nhiệm cao cả.
Thành Tiên tác Phật cũng do nơi Tâm, mà trở lại làm loài cầm thú mang lông, đội sừng cũng do Tâm.
Nếu người giữ được cái Tâm luôn luôn lương thiện, bác ái và công bằng, thì sẽ trở thành Tiên, Phật.
Nếu người để cho cái Tâm buông lung trở nên vạy tà, gian ác, thì sẽ gây ra biết bao ác nghiệp, nên phải bị đọa đày thành loài quỉ ma, hoặc luân hồi trở lại cõi trần mà làm thú cầm đền bồi tội lỗi.
Ngày xưa, người ta nghĩ rằng, trái tim là chỗ nghĩ ngợi, lo lắng, cũng là nơi phát xuất tình cảm, bởi vì có nhận xét là khi ta vui thì tim ta như nở lớn ra, khi buồn phiền thì trái tim như co thắt lại, khi giận dữ thì tim đập liên hồi. Lần lần người ta mới khám phá ra là sở dĩ tim nở lớn hay tim co thắt là do các dây thần kinh đem mệnh lệnh từ khối óc truyền xuống. Nhưng ai đã ra các mệnh lệnh ấy? Ra các mệnh lệnh ấy chính là một chủ nhân vô hình, ngự tại một nơi kín đáo trong cơ thể con người. Vị chủ nhơn đó được nhiều tôn giáo, nhiều phái triết học, gọi bằng nhiều danh từ khác nhau, nhưng tựu trung thì chỉ có một:
  • Người đời thường gọi là: Lương tâm, Linh hồn.
  • Nho giáo gọi là: Chơn tâm, Linh giác, Thần minh.
  • Lão giáo gọi là: Thiên lương, Huyền quang nhứt khiếu.
  • Phật giáo gọi là: Chơn như, Phật tánh, Chơn tâm, Bổn lai diện mục.
  • Đạo Cao Đài gọi là: Chơn linh, Tiểu linh quang, Tiểu Thượng Đế.
Tâm hay chơn linh, sở dĩ được gọi là Tiểu Thượng Đế là vì nó chính là một điểm Linh quang, được Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài để ban cho mỗi người, nên nó có đầy đủ bản chất của Thượng Đế là trọn lành, trọn tốt, linh diệu vô cùng, hướng dẫn con người làm điều hay, sự phải, thuận tùng Thiên lý, để tiến hóa và tiến hóa mãi cho đến khi trở về nguồn cội sanh ra nó là Thượng Đế mới thôi.
Tâm là cái bổn nguyên của Trời phú cho mỗi người để làm cái Thần minh chủ tể trong con người. Cái Tâm nầy luôn luôn có khuynh hướng thuận tùng Thiên lý, nên gọi là Chánh tâm. Nhờ có Chánh tâm, con người mới có lương tri, lương năng để hiểu biết điều nhơn nghĩa, lẽ phải trái. Người ta sở dĩ không làm được điều nhơn nghĩa như bực Thánh Hiền, là vì người ta để cho vật dục che lấp cái Tâm.
Cái Tâm của con người sáng suốt, quán cổ, tri kim, hay khiến con người làm điều hay, sự phải, giục con người mến đạo đức, chuộng tinh thần, biết thuận theo Thiên lý. Nhưng người phải nhớ lấy, đừng cho lòng dục dấy lên, thì tội tình gây ra mãi. Cái Tâm là thiện, là sáng suốt, nhưng bị vật dục bên ngoài đưa đẩy vào, làm cho choáng hết cái thanh quang, sanh lòng quấy quá.
Người quân tử bao giờ cũng giữ cái Tâm cho thanh bạch, tịnh an, không cho phóng túng, chạy bậy ra ngoài. Biết cách gìn giữ cho định cái Tâm, rồi thì trăm mạch lưu thông khí huyết, nhơn dục tịnh tận, Thiên lý lưu hành.
Tâm Tánh không không, chẳng một vật chi dính vào. Ấy là: Vạn pháp qui tông, Ngũ hành hiệp nhứt. Chớ con người để cho cái Tâm buông lung, thì sự chết một bên chơn, quỉ vô thường chực rước. Vậy người phải suy cạn, nghĩ cùng.
Con người nên làm chủ cái Tâm, gìn cái ý, mà bảo tồn lấy Tam bửu, Ngũ hành. Tam bửu là báu nhứt của con người: thành Phật Tiên cũng do đó, mà làm ma quỉ cũng tại đó.
"Tiên phàm cũng bởi tại Tâm ra,
Tâm vạy thì làm những quỉ ma.
Tâm chánh còn nuôi thành Thánh đức,
Tiểu nhân vì bởi mất đi mà."
(Đại Thừa Chơn Giáo)
Đạo Cao Đài gọi Tâm là Tiểu linh quang, hay điểm linh quang, vì nó được chiết ra từ khối Đại linh quang của Thượng Đế, nên nó có đầy đủ bản chất của Thượng Đế. Đức Chí Tôn Thượng Đế có dạy rằng:
"Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Cần gì hạ giới vọng cao ngôi.
Sang hèn trối kệ, Tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi."
Đức Chí Tôn cũng có nói rằng:
Nơi lòng Thầy ngự, động Thầy hay.
Thánh Nho cũng có nói:
"Nhơn tâm sanh nhứt niệm, Thiên Địa tất giai tri."
Nghĩa là: “Cái Tâm của con người sanh ra một niệm thì Trời Đất ắt hẳn đều biết rõ”. Thầy đã nói rằng, nơi thân phàm các con mỗi đứa, Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sinh tồn. Thầy tưởng cũng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: Đấng chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Đấng trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán xét. Bởi vậy, một mảy không qua, dữ lành đều có trả, lại nữa, các chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn lương tâm là đó. Bởi vậy, chư Hiền và chư Thánh Nho nói rằng: “Khi nhơn tức khi Tâm, hoạch tội ư Thiên vô sở đảo dã”. Như các con nói dối, trước chưa dối với người, thì các con đã nói dối với lương tâm, tức là chơn linh. (Thánh Ngôn Hợp Tuyển)
Đức Phật Mẫu giáng cơ tại Báo Ân Từ ngày 15-8, năm Đinh Hợi (1947) dạy về chữ Tâm như sau: "Đời hay Đạo cũng vậy, muốn lập nền tảng cho sự thái bình, phải cần lập Tâm cho chơn chánh, đĩnh đạc, để gieo sự hòa nhã yêu đương, rồi mới mong tề gia trị quốc. Bạo tàn áp bức, oai võ chế kềm, chẳng qua là tạo cảnh khổ về sau, không trường tồn được.
Vậy cần trau giồi chữ Tâm cho lắm! Cái thất bại của Đạo và Đời vừa qua là nơi kẻ cầm quyền không trọn tâm đức và nếu được hòa hiệp thành một khối chặt chẽ rồi, thì các con mới dìu dắt nhơn sanh khỏi lo lầm lạc.
Mỗi người đều có một cái Tâm, đó là chơn linh hay điểm linh quang do Đức Chí Tôn ban cho mỗi người để làm một vị Thần minh chủ tể con người.
Gắng sức trau giồi một chữ Tâm
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đạt đường tu vững.
Tâm chánh mới mong mối Đạo cầm.
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển.
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.
Đường Tâm, cửa Thánh dầu chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước Đạo tầm.
Do đó, bản chất của Tâm là:
  • Lương thiện, chơn chánh, nên gọi nó là Lương tâm, ưa đạo đức, chuộng tinh thần, thuận tùng Thiên lý.
  • Sáng suốt, phân biệt thiện ác, chánh tà, tốt xấu, tức là có được lương tri, lương năng.
  • Dao động luôn luôn theo sự biến đổi của cảnh vật bên ngoài, nên gọi là “Tâm viên, ý mã” (Tâm như con khỉ, ý như ngựa).
Chữ Tâm Thất tình lục dục luôn luôn chực hờ, lấy sự thỏa mãn vật dục làm miếng mồi ngon nhử cái Tâm đi theo đường tà của chúng. Cho nên, chỗ tối yếu của huyền năng chánh pháp là Tịnh Tâm, để điều khiển lục dục thất tình, hướng chúng vào đường cao thượng. Nhơn dục được lặng yên thì mới vẹt được vô minh, Tâm mới tỏ.
Tâm và Tánh rất quan trọng và liên quan mật thiết với nhau như thế, nên trong các phép luyện đạo của Tam Giáo đều chú trọng luyện Tâm và Tánh. Tâm và Tánh của con người cũng đồng như một, song Tâm là chủ tể, Tánh là chủ động, nghĩa là còn ở trong thì là Tâm, khi đã phát ra ngoài là Tánh.
Cái Tánh của con người thì bổn thiện, sở dĩ con người làm ác là vì cái Tánh bị nhiễm trược trần và cái Tâm bị lục dục thất tình che lấp.
Nho giáo dạy: Tồn Tâm Dưỡng Tánh, tức là giữ cái Tâm cho còn cái bổn nguyên, chí thiện chí mỹ của nó, mà nuôi dưỡng cái Tánh cho luôn luôn được chơn chánh thiện lương.
Phật giáo dạy: Minh Tâm Kiến Tánh, tức là phép Đốn ngộ, trực chỉ vào Tâm, kiến Tánh thành Phật.
Tiên giáo dạy: Tu Tâm Luyện Tánh, tức là luyện Tam bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt.
Tâm và Tánh được các Đấng Giáo Chủ Tam Giáo giảng dạy mỗi vị một cách khác nhau, dùng những từ ngữ khác nhau, nên làm cho kẻ hậu học rất khó khăn trong việc tìm hiểu cho đúng đắn. Ngày nay, thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn Thượng Đế dùng huyền diệu cơ bút dạy Đạo cho nhơn sanh, đã chỉ rõ Tâm và Tánh là cái gì, nguồn gốc của nó từ đâu, để nhơn sanh thấy rằng, tuy Tâm và Tánh được gọi bằng nhiều danh từ, nhiều cách, nhưng chỉ có một chơn lý mà thôi.
TÂM chính là điểm Linh quang của Đức Chí Tôn chiết ra từ khối Đại Linh quang của Ngài để ban cho mỗi người làm chơn linh hay linh hồn.
TÁNH chính là chơn thần, do Đức Phật Mẫu ban cho để làm xác thân thiêng liêng bao bọc linh hồn. Nhờ có chơn thần mà con người đầu kiếp xuống cõi trần để có thêm một xác thân phàm.
Do đó, con người nơi cõi trần đều có đủ Tâm và Tánh. Đức Chí Tôn cho con người đầu kiếp xuống cõi trần là để học hỏi và tiến hóa, tiến hóa mãi đến mức Tâm và Tánh tận thiện, tận mỹ, chí diệu chí linh, để hiệp nhứt vào Chơn lý hằng hữu bất biến.” (Cao Đài Từ Điển, Đức Nguyên, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1997, các trang 178-189) (6)
Trương Hoành Cừ, Nho Giáo, còn phân biệt Tính (tánh) làm “Thiên địa chi tính và khí chất chi tính”, tính thiện là tính của trời đất phú cho, tính ác là tính của khí chất sinh ra. (Nho Giáo, Trần Trọng Kim, nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, năm 1991, trang 482) (7)
Trình Y Xuyên cũng nói: “Ở trời làm mệnh, ở người làm tính (tánh), luận cái sở chủ thì làm tâm. Tính là cái lý của tâm vậy, tình là sự động của tính, tâm là cái chủ của tính tình” (Nho Giáo, Trần Trọng Kim, nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, năm 1991, trang 505) (7)
Xét qua ý nghĩa của Tâm, cùng quan sát hành động của các nhân vật trong truyện Kiều, thì hành động là thể hiện cái tâm của từng nhân vật để định giá trị tốt xấu, thiện ác. Hà Như Chi chia nhân vật truyện Kiều làm hai loại: “Loại làm hại Kiều, tàn ác, bất lương, chẳng khác nào những tay sai của thần bạc mệnh, làm cho Kiều phải đau khổ và loại có thiện cảm với Kiều, bênh vực và che chở nàng. Loại thứ nhất gồm có Ưng, Khuyển, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Hoạn Thư, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến. Loại thứ hai là những kẻ có bụng tốt đối với Kiều, hoặc vì tình ái, hoặc vì nhân đạo mà ra sức để nâng đở Kiều, như Thúy Vân, Vương Quan, Thúc Sinh, Từ Hải, Kim Trọng...
Nhóm người có tâm ác, bị lòng tham dục làm lu mờ lương tri, nhân cách, Nguyễn Du vẽ ra những nhân vật xấu xa, độc ác:
Tú bà:
Thoát trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẩy đà làm sao.
Mã Giám Sinh:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ xôn xao...
Sở Khanh, kẻ chuyên môn dụ dổ, tán tỉnh đàn bà, con gái:
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
Hoạn Thư, người đàn bà ghen sâu độc, đã làm cho nàng Kiều phải một phen chua cay, điêu đứng nhất trên bước đường gian truân của nàng:
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Hà Tôn Hiến là một ông quan có tài, nhưng hành vi đê tiện. Không thể dùng võ lực dẹp Từ Hải, Hồ Tôn Hiến phải bày ra kế dụ hàng, rồi sau không giữ lời hứa, lừa giết Từ Hải. Hồ thành công phần lớn cũng nhờ Kiều, thế mà sau khi Từ Hải chết, Hồ không cho Kiều trở về quê hương, lại còn bắt Kiều hầu rượu, đánh đàn, vui đùa lơi lã. Đáng ghét hơn hết là cái hành vi “giữ thể diện” của Hồ, vì sợ “quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”, nên đem gả ép Kiều cho thổ quan, làm cho nàng Kiều cay đắng phải nhảy xuống sông Tiền Đường để kết thúc cuộc đời bạc mệnh.
Những nhân vật có tâm nhân ái, lương tri sáng suốt, như Thúy Vân thùy mị, đoan trang, hồn nhiên, vô tình, sống cái cuộc đời không sóng gió của một người vợ hiền. Vương Quan có tư cách đứng đắn, nghiêm trang, hòa nhã. Từ Hải, người anh hùng đất việt Đông, là một hình ảnh xuất sắc của truyện Kiều. Với một nét bút mạnh dạn, rắn rỏi, Nguyễn Du đã vẽ nên một Từ Hải oai dũng, hiên ngang khác thường, hình dung lẫm liệt đi đôi với một chí khí hào hùng. Kim Trọng, chàng là người tình nhân lý tưởng của đời Kiều. Chàng là cái mộng của biết bao thiếu nữ thuộc về thời văn minh Nho học. Chàng trẻ, đẹp, một cái đẹp hơi mềm yếu, phục sức ưa những màu thanh, nhu, lời lẽ dịu dàng, đi đứng êm nhẹ:
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao.

(Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, Hà Như Chi, quyển 2, nhà xuất bản Tân Việt, năm 1956, các trang 103-111) (1)
Dựa vào ý nghĩa chữ Tâm để xét đoán những nhân vật xung quanh nàng Kiều, có thể phân chia làm hai hạng như trên. Sau đây, xin phân tích thái độ, tư tưởng và tâm lý của nhân vật chánh, nàng Kiều, dựa vào sự phân biệt của “thiên địa chi tánh và khí chất chi tánh” được Trương Hoành Cừ đề cập. Hà Như Chi nhận xét: “Thúy Kiều là một người con gái tài sắc tuyệt trần mà phải sống một cuộc đời vô cùng đau khổ. Sự đau khổ của Kiều có thể quy vào 2 nguyên nhân:
* Nàng Kiều là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội. Cái xã hội truyện Kiều là một xã hội phong kiến, mục nát, nền tảng đã bị lung lay đến tận gốc: Quan lại tham nhũng:
Một ngày là thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
* Nỗi khổ của Kiều lại càng tăng thêm, vì nàng bẩm tính đa sầu, đa cảm. Sư Tam Hợp nói về Kiều:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Kiều có tài sắc, lại thêm có nhiều tình cảm, đáng lẽ phải gặp được người xứng đáng, trọn nghĩa trăm năm, vẹn toàn hạnh phúc, thì trái lại, duyên may không gặp, lạc bước phong trần, suốt mười lăm năm mang một mối tình vô vọng...
Đời Kiều tuy rối ren, nhưng sự phân chia trong bản ngả của nàng rất dễ nhận thấy, nhất là trong đoạn nàng than thở cho thân thế sa đọa sau những cuộc truy hoan:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường...
Nàng Kiều thương xót cho nàng Kiều, như thế, nghĩa là bên cạnh những gì bị đời làm hoen ố, nàng còn giữ được một phần bản ngả thanh cao. Sự hối tiếc của nàng chứng tỏ rằng lương tâm của nàng còn một phần chưa vẫn đục. Trong chỗ sâu xa thầm kín của tâm hồn, nàng Kiều vẫn còn là nàng Kiều đầy vẻ duyên dáng, xinh tươi, trong trắng như đóa hoa xuân nụ.” (Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, Hà Như Chi, quyển 2, nhà xuất bản Tân Việt, năm 1956, các trang 112-128) (1)
Cuộc đời nàng Kiều, dù trải qua 15 năm lưu lạc, nhưng lúc nào cũng giữ vững được tâm thành, lòng nhân ái và là người con hiếu thảo:
Tâm thành đã thấu đến Trời.
...
Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời.
Kinh Cao Đài tụng trong lúc cúng Tứ Thời đều nhấn mạnh đến chữ TÂM (lòng), cũng như nhắc nhở người tín đồ tấm lòng Trung, Hiếu. Kinh Niệm Hương mở đầu thời cúng lập đi lập lại 4 lần chữ “lòng” (Tâm):
Đạo gốc bởi lòng thành, tín hiệp,
Lòng nương nhang khói tiếp truyền ra.
... Kính thành cầu nguyện Tiên Gia chứng lòng,
... Lòng sở vọng gắn ghi đảo cáo...

(Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1992, trang 23) (8)
Bài Khai Kinh nhắc lại 4 lần chữ lòng (Tâm):
... Gốc bởi lòng làm phải, làm lành,
... Từ Bi Phật dặn: Lòng thành, lòng nhơn.
... Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh kinh.

(Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1992, trang 24) (8)
Kinh Nho Giáo xác quyết: Cái căn bổn của nhơn tâm là lòng hiếu thảo với cha mẹ và tận trung với chúa:
Khai nhơn tâm tất bổn, ư đốc thân chi hiếu,
Thọ quốc mạch tất tiên, ư trí chúa chi trung.

(Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1992, trang 30) (8)
Nàng Kiều cũng vì hai chữ “hiếu, trung” mà khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến:
Trên vì nước, dưới vì nhà, ,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Chữ Tâm trong đạo Cao Đài rất được coi trọng. Chữ Tâm quan trọng như vậy, nhưng vẫn có người để cho tâm vọng động, xúi giục làm chuyện sái quấy. Tâm của hạng người ấy là vọng tâm, không an trụ được. Hạng người đó là những người đã làm cho cuộc đời Kiều phải trải qua 15 năm trong chốn lầu xanh đầy ưu phiền, đau khổ. Đó là bọn Ưng, Khuyển, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Hoạn Thư, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến...
Để răn dạy tín đồ tu tâm, sửa tánh, tránh phạm vào ngủ giới cấm, tránh làm điều tàn ác, bất lương, Đạo Cao Đài có bài “Giới Tâm Kinh”, trích như sau:
Dễ gì lộn kiếp đặng làm người,
May đặng làm người chớ dễ duôi.
Lành, dữ, hai đường vừa ý chọn,
Lành như tòng, dữ tợ hoa tươi.
Hoa tươi, tòng bá khác nhau xa,
Tòng bá xơ rơ kém sắc hoa.
Gặp tiết đông thiên, sương tuyết bủa,
Chỉ còn tòng bá, chẳng còn hoa.
Còn hoa mà lại ích chi đâu,
Đẹp dáng, tươi màu, đặng mấy lâu.
Thử sánh bóng đèn cùng ánh nguyệt,
Gió dai đèn tắt, nguyệt làu làu.
Làu làu một tấm tợ đài gương,
Trung hiếu, tiết trinh vẹn mọi đường...
(Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1992, trang 88) (8)
Nàng Kiều đã làm tròn đạo hiếu, nàng còn vì lòng trung với vua, đã khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến, khiến Từ Hải bị hại, nhưng lại cứu được muôn người tránh khỏi vòng binh lửa, khổ đau vì chiến nạn:
Hại một người, cứu muôn người,
Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thuở công đức ấy ai bằng,
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!
Khi nên Trời cũng chiều người.
Quả thật, nàng Kiều có cái căn bổn thiện lành và tâm thành:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Hà Như Chi tiếp: “Nói tóm lại, càng đi sâu vào “Đoạn trường tân thanh”, hình ảnh của Kiều càng dễ nhận thấy và càng linh hoạt hơn trước, Nàng có một vẻ đẹp buồn, hình dung mảnh khảnh, dáng điệu ủ rũ nhưng dịu dàng, cử chỉ khoan thai, nói năng điềm đạm, từ tốn, và trong bước đường phong trần, bao giờ cũng giữ được cái vẻ thanh nhã, không quên được cái gốc gác nền nếp gia phong. Vẻ đẹp của Kiều có tính cách tinh thần nhiều hơn vật chất.” (Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, quyển 2, Hà Như Chi, nhà xuất bản Tân Việt, năm 1956, trang 133)
Khi Tố Như tiên sanh viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” có lẽ không thể tiên đoán được, vào ngày rằm tháng mười (âm lịch) năm Bính Dần (1926), một tôn giáo mới được khai mở tại chùa Gò Kén, xã Long Thành, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, với giáo lý lấy tinh thần Tam Giáo: Nho, Phật, Lão làm căn bổn. Người tín đồ Cao Đài khi đã hiểu rõ ý nghĩa chữ Tâm trong Tam Giáo, sẽ thích thú thưởng lãm truyện Kiều và chia xẻ tâm sự của Tố Như tiên sanh gởi gấm trong truyện, qua nhân vật chánh là nàng Kiều, dù trải qua 15 năm lưu lạc, phong trần, nhưng vẫn giữ vững Tâm Thành, và Lòng Nhơn Ái.
Tác phẩm truyện Kiều quả thật xứng đáng với sự ngưỡng mộ của ông Phạm Quỳnh: “Truyệu Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...”. Ngày nay, người Việt Nam sống tại hải ngoại không hổ thẹn với tiền nhân, vì đã ra sức bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc. Đó cũng là tâm nguyện của Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long vậy.
Thành Phố Sydney, Úc Châu, tháng 11 năm 2009
Tài Liệu Tham Khảo:
(1) Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, quyển 2, Hà Như Chi , nhà xuất bản Tân Việt, năm 1956.
(2) Trích giảng truyện Kiều, Hồ Đình Chữ , Sydney, Úc Châu, 1996.
(3) Tự Điển Hán Việt, Thiều Chửu, nhà XB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, Việt Nam, năm 2002.
(4) Phật Học Từ Điển, quyển 3, Đoàn Trung Còn, không ghi năm và nhà xuất bản.
(5) Tu Tâm, Tám quyển sách quý, nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, năm 2000.
(6) Cao Đài Từ Điển, quyển 3, Đức Nguyên, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1997.
(7) Nho Giáo, Trần Trọng Kim, nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, năm 1991.
(8) Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, năm 1992.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHỮNG CHUYẾN PHÀ KỶ NIỆM.

Năm 1986, ra trường tôi về Cà Mau dạy học (hồi đó là tỉnh Minh Hải, gộp chung Bạc Liêu và Cà Mau). Ngày ấy, chưa có cầu Mỹ Thuận và cầu Cần ...