Ông Tư thường hay đùa, trêu chọc bạn bè
rằng: “Đời người đàn ông có hai lần sung sướng: Lần cưới vợ, và lần vợ chết.
“Bây giờ vợ chết, ông mới ý thức được cái câu đùa nghịch đó vô cùng bậy bạ và bất
nhân, không nên nói. Có lẽ anh chàng nào nghĩ ra câu nầy là kẻ độc thân, chưa
có kinh nghiệm chết vợ. Ông ân hận và tự giận mình.
Sau khi chết vợ, ông như mất hồn, lãng đãng, trí óc để trên mây. Nhiều lần trên đường về nhà, ông đi lạc, lái xe qua khỏi nhà rồi mà không biết. Ngày xưa, ông hay bực mình mỗi khi được bà nhắc nhở đi lối nầy, quẹo góc kia, và bà cũng nổi nóng la nạt ông mỗi khi đi lạc đường. Bây giờ, mong được nghe lời cáu kỉnh gây gổ đó, mà không có được. Ông thở dài và đau nhói trong tim như có vật nhọn đâm vào. Không thể ngờ, vợ ông không còn trên đời nầy nữa. Bây giờ bà nằm ngoài kia, nghĩa địa hoang lạnh âm u. Không còn chầm chập kiểm soát từng hành động của ông để mà phê bình sửa sai.
Mở cửa, bước vào nhà, ông nói lớn
như khi bà còn sống: “Em ơi! Anh đi làm về.” Trước đây, nếu không nghe tiếng trả
lời, ông chạy vụt lên lầu tìm vợ. Bây giờ, ông lẳng lặng đến thẳng bàn thờ, thắp
ba cây nhang, lạy bốn lạy. Ông thầm nghĩ, người ta chỉ lạy vợ khi vợ đã chết rồi,
tại sao không ai lạy vợ khi vợ còn sống? Dù có gây nên tội lỗi tầy đình, cũng
không ai lạy vợ bao giờ.
Ông nhìn tấm hình màu, ảnh bán thân của
bà, có nụ cười thật tươi, hai vành môi uốn cong, đôi mắt sáng tinh anh, có ánh
tinh nghịch. Ông thấy bà còn đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng. Thế mà bao nhiêu năm
nay, ông không hề biết, và chưa một lần nhìn ngắm kỹ cái nhan sắc của vợ. Sống
lâu ngày bên nhau, thấy nhau, nhưng quên nhìn ngắm, chỉ thấy hình thể tổng quát
của nhau. Cũng như nhiều ông có vợ thiếu nhan sắc, cũng không bao giờ biết vợ họ
xấu. Những ông lấy được vợ đẹp, lâu ngày, cũng chẳng còn biết vợ mình là đẹp.
Nhiều bà đi xâm môi, xâm lông mày xong, về nhà, ông chồng cũng không hề biết có
sự thay đổi trên mặt vợ.
Ông Tư gieo mình nằm vật ra tấm ghế
bành, hai tay ôm mặt khóc rưng rức như đứa bé đi về vắng mẹ. Tiếng khóc buồn bã
vang dội trong căn phòng vắng. Ông ước sao chuyện thật hôm nay là một giấc mộng
dữ, để khi ông thức dậy, thấy còn có bà bên cạnh. Có thể ông sẽ bị vợ cằn nhằn
trách móc một điều gì đó như thường ngày, nhưng thà còn có những phiền hà của vợ,
còn hơn là nằm đây một mình.
Ông đã khóc như thế cả tháng mấy nay, mỗi lần đi làm về. Bước vào căn nhà vắng vẻ lạnh lẽo, không còn bóng dáng người vợ thương yêu, làm trái tim ông se sắt, tâm trí ông trống rỗng mịt mờ. Nỗi đau cũng tan dần theo giòng nước mắt, rồi ông thiếp đi trong một giấc ngủ buồn, ngắn. Khi thức dậy, ông nhìn quanh, đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với bà. Tất cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của bà trước khi chết, vẫn còn để y chỗ cũ, giữ nguyên trạng. Ông không muốn thay đổi chuyển dịch gì cả. Trên bàn trang điểm, vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng đứng, hộp phấn, những chai thuốc bôi tay cho mịn da, tất cả đều không xê dịch, không sắp xếp lại. Ông tưởng như hương tay của bà còn phảng phất trên từng món vật dụng.
Mỗi bữa ăn, không còn ai thúc hối, hò
hét dục ông ngồi vào bàn ngay, sợ cơm canh nguội lạnh. Bây giờ, ông tha hồ lần
lửa, không tha thiết đến bữa cơm. Có khi chín mười giờ mới bắt dầu ăn, qua loa
cho xong, miệng nhạt phèo. Thường ông để thêm chén dĩa đũa muỗng đầy đủ cho bà.
Rồi thì thầm mời vợ ăn, tưởng như bà còn sống, ngồi đối diện và cùng chia vui hạnh
phúc trong từng giây phút của thời gian. Ông có ảo tưởng như bà còn ngồi đối diện,
đang lắng nghe ông nói. Hôm nay bà làm biếng phê bình, không mắng trách khi ông
làm rơi cơm canh ra bàn. Với cách đó, ông tự dối lòng, để có thể nuốt trôi những
thức ăn, mà vì buồn chán, ông không còn cảm được hương vị ngon ngọt.
Nhiều khi thức giấc nửa đêm, vòng tay
qua ôm vợ, ôm vào khoảng trống, ông giật mình thảng thốt, chợt hỏi thầm, bà đi
đâu rồi? Khi chợt nhớ bà không còn nữa, nước mắt của ông chảy ra ướt cả gối. Có
khi úp mặt khóc rưng rức, khóc cho đã, cho trái tim mủn ra, và thân thể rã rời.
Chiếc giường trở thành trống trải, rộng thênh thang. Ông vẫn nằm phía riêng,
bên kia còn để trống, dành cho bà. Ông ôm hôn cái gối, mùi hương của bà còn phảng
phất gợi bao kỷ niệm của tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Khi không ngủ được, ông
bật đèn nằm đọc sách, bây giờ ông không sợ ai cằn nhằn, ngăn cấm đọc sách giữa
đêm khuya. Trước đây, nhiều khi ông tha thiết thèm đọc vài trang sách trước khi
đi ngủ, mà vợ cứ cằn nhằn mãi, làm ông mất đi cái thú vui nầy. Bây giờ ông nhận
ra vì thương chồng, sợ ngày hôm sau ông buồn ngủ, mệt, nên bà ngăn cản, bảo là
chói mắt không ngủ được.
Ông tiếc, vợ chồng đã hay cãi vã những
chuyện không đâu, chẳng liên quan gì đến ai, mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp
của gia đình. Có khi chỉ vì tranh luận chuyện con khỉ bên Phi Châu, mà đi đến
to tiếng, giận hờn, khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau, dại dột như hai đứa
trẻ con ngu dại.
Tại sao phải gắt gỏng, đâu có được gì,
mà làm nhau buồn. Bây giờ muốn nói lời ân hận, thì làm sao cho bà nghe được.
Ông tự xét, ông là một con người tệ mạt, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc
trong tay thì không biết trân trọng, để đến khi mất đi, mới ân hận, mà không
còn kịp nữa.
Nếu được làm lại, ông sẽ đối xử với bà tử
tế hơn, nói nhiều những lời êm ái dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi bà làm chuyện
ngang phè, sẽ nhường nhịn bà nhiều hơn, và sẽ phớt tỉnh mỗi khi bị bà chê bai,
mai miả. Nhất là bày tỏ cái lòng ông, nói ông yêu thương bà, yêu thương lắm lắm.
Đâu có gì ngăn trở, mà những ngày bà còn sống, ông không nói được những điều
đó. Ông chợt nhớ có ngưòi viết rằng, vợ chồng phải đối xử như ngày mai thức dậy
sẽ không còn nhau. Vì chẳng ai được sống mãi, và cũng không biết chắc chuyện gì
sẽ xảy ra trong giờ sắp tới, cho ngày hôm sau. Cuộc đời con người vốn bấp bênh
trong định mệnh.
Lấy kinh nghiện đó, nhiều lần nói với những
người bạn mà vợ chồng còn được sống bên nhau, cho họ biết rằng, họ đang có hạnh
phúc quý báu, họ nên trân trọng giữ gìn, kẻo mai đây, khi chiếc
bóng, thì tiếc thương cũng đã muộn màng. Đa số có lắng nghe, và tin lời ông là
đúng, nhưng họ quên phứt ngay sau đó, và không thực hành điều hiểu biết.
Mẹ ông mất trước vợ sáu tháng. Ông cũng
buồn, thương. Nghĩ rằng mẹ già thì chết là chuyện thường tình. Nhưng khi mất vợ,
ông cảm thấy đau đớn và buồn khổ vô cùng tận. Buồn hơn mất mẹ mười lần. Ông tự
cảm thấy xấu hổ, vì mất mẹ mà lại không đau buồn bằng vợ chết! Có phải ông đã
thương vợ hơn thương mẹ chăng? Có phải ông là đứa con bất hiếu? Ông cũng không
biết, và không so sánh được hai cái đau vì mất mát. Nhưng rõ ràng, ông đã ngã gục
khi chết vợ
Có khi quẩn trí, ông muốn chết theo bà.
Sao cuộc sống vô vị quá chừng. Rồi mai mốt cũng già, bệnh, đâu có thoát được
cái chết. Chết bây giờ, nếu còn linh hồn, thì còn gặp lại vợ ngay. Nhưng ông sực
nhớ nhiều lần bà nói không muốn gặp ông lại trong kiếp sau. Bà đâu có thù ghét
ông mà nói câu đó nhỉ. Nói chi cho ông đau lòng lúc nghe, và còn đau cả đến tận
bây giờ. Ông nghe nói, có một loài chim, khi một con chết đi, thì con kia ngày
đêm kêu thương, bỏ ăn bỏ ngủ, than gào cho đến chết. Chim còn chung tình đến thế,
mà ông thì còn sống, còn ăn, còn ngủ, còn đi làm, còn giữ tiền bạc. Chẳng bằng
được loài chim sao?
Trong căn nhà nầy, đâu đâu cũng có dấu vết
của bà. Mở tủ đựng ly chén ra, ông đứng nhìn xem, bên trong sắp đặt thứ tự, gọn
gàng. Có những thứ mà bây giờ ông mới thấy, và không biết công dụng nó làm gì,
khi nào thì dùng đến. Bà đã mua sắm, sắp đặt cẩn thận. Ông cầm một cái ly, biết
vật nầy đã có bàn tay vợ đụng đến, ông ghé môi hôn, tưởng đang hôn bàn tay bà.
Ba bộ ấm pha trà xinh xắn, bà mang về trong dịp đi du lịch bên Nhật, để cho ông
thù tiếp bạn bè. Bà thương ông đến như vậy đó.
Hơn cả chục chai rượu nho, rượu mạnh
trong tủ kiếng, cũng do một tay bà mua. Bà không biết uống, nhưng hễ nghe ai
khen rượu ngon, rượu quý, thì bà cũng cố mang về cho chồng một vài chai. Ông
thường dặn nếu không biết uống rượu thì đừng mua, vì khẩu vị của mỗi người khác
nhau. Cũng như mình khen mắm nêm thơm ngon, nhưng cho Tây ăn, thì họ bịt mũi mà
oẹ ra. Bây giờ đứng đây, đưa tay sờ vào những chai rượu màu nâu sẫm, lòng ông đầy
ân hận, đáng ra lúc đó, ông phải nói những lời tử tế ngọt ngào cám ơn, và bày tỏ
cái hân hoan với tình thương chăm sóc của vợ. Những khi đó, ông đã nói những lời
chân thật như đất ruộng, làm phụ tấm lòng yêu thương của bà. Ông định nhấp vài
hớp rượu để tưởng nhớ đến ơn vợ, nhưng rồi đặt chai xuống, và thì thầm hai câu
thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say
với ai?” Mắt ông cay cay, tim đập sai nhịp.
Tủ áo quần của bà còn nguyên vẹn đó. Những
chiếc áo giản dị, màu sắc khiêm tốn. Bà phải chờ cho đến khi bán hạ giá thấp nhất
mới dám mua. Bà cần kiệm, không dám hoang phí. Đi đám cưới, tiệc tùng, bà không
cần phải thay đổi áo mới, kiểu nầy, kiểu kia. Bà nói: “Ngay cả ông chồng, còn
chưa nhớ được kỳ trước mình mặc áo nào, màu gì, huống chi thiên hạ. Họ đâu có
dư thì giờ mà vớ vẩn nhớ đến cách phục sức của cả trăm người trong bữa tiệc. Mà
dù cho họ có nhớ đi nữa, cũng không sao, đâu có gì quan trọng. Chắc cũng chẳng
ai chê mình không có áo quần mới khi tham dự tiệc tùng.” Cái đơn sơ giản dị
chân thành của bà làm ông thương và mến phục.
Áo quần của ông, cũng do bà tìm tòi mua
giúp. Khi thấy cái áo quần tốt, màu sắc trang nhã, giá cả tương đối được, bà hối
hả kêu ông chạy gấp đến tiệm thử liền. Ngay cả áo quần lót, vớ, cà-vạt, cũng do
bà mua cho ông. Bà đem áo quần đã cũ sờn vất đi, thay vào các thứ mới. Ông cứ tự
nhiên dùng, chưa bao giờ biết kích thước đúng của chính ông. Đã có bà lo hết.
Bây giờ không còn bà, ông mới thấy rõ ràng hơn những gì đã nhận được xưa nay mà
vô tình không nghĩ đến. Cầm chiếc quần được lên lai trong tay, nhìn đường kim
mũi chỉ cẩn thận, ông thấy rõ tình thương của bà gói ghém trong đó. Áo quần mùa
đông, mùa hè của ông cũng được bà sắp xếp riêng từng ngăn cẩn thận. Bà đã cho
giặt sạch, kỹ lưỡng trước khi được treo xếp vào ngăn tủ áo quần, để dành mặc
vào mùa sau. Từ khi có bà trong đời, ông mất dần đi khả năng tự lo, tự lập mà
ông vô tình không biết.
Bà biết rõ ông ưa thích món ăn gì, để mỗi
ngày nấu nướng. Khi nghe ông khen món nào đó, thì hôm sau, bà nấu ngay cho ông
ăn. Ông chỉ lờ mờ nhận ra hảo ý của bà, nhưng không biết nói một câu nịnh cho
vui lòng vợ.
Nhiều lần ông bà rủ nhau đi du lịch xa,
ông có nhiệm vụ lên mạng mua vé máy bay, đặt khách thuê sạn. Thế là xong. Phần
bà lo cho tất cả các mục còn lại. Từ áo quần thường, áo lạnh, áo ngủ, đồ lót, vớ,
giày phụ, dép, bàn chải răng, kem, kiếng phụ, tăm, thuốc cấp cứu, thuốc dùng ngừa
bệnh, điện thoại di động, giây cắm điện thoại, máy hình, máy điện toán xách tay
và các thứ phụ tùng cần thiết. Danh sách của bà đủ bốn mươi tám món. Bà cũng
không quên mang theo một ít thức ăn khô, phòng khi lỡ đường. Nhiều khi thấy
va-li căng kè, nặng nề, ông gào to: “Đi chơi chứ đâu phải là dọn nhà? Sao không
mang theo cả cái tủ lạnh cho tiện.”
Một lần đi Âu Châu, cuộc đình công kéo
dài, điện tắt và trời bão tố. Ông bà bình tâm nằm trong khách sạn, không chút
nao núng, vì đã có sẵn một ít thức ăn khô mang theo. Thường trước khi đi, bà đọc
kỹ và kiểm soát lại chuyến bay, lộ trình, các hãng đưa đón, khách sạn, ngày giờ
của các ‘tua’ du lịch. Bà bắt ông xuất trình giấy thông hành, căn cước, thẻ tín
dụng, tiền bạc, kiểm soát lại từng chút một, để khỏi quên bất cứ vật gì. Ông cảm
thấy khó chịu vì bị vợ xem như đứa trẻ con. Nhưng khi vợ mất rồi, ông đi xa mà
để quên đủ thứ, nghĩ lại càng thương bà hơn.
Ông thường ham mê xem các trận đấu thể
thao. Nhiều lần ông đang đi chơi với bạn, bà sợ ông bỏ mất trận đấu, kêu điện
thoại nhắc nhở: “Anh nhớ chiều nay 5 giờ có trận chung kết bóng rổ đó nghe!”
Ông cám ơn bà, và thu xếp về cho kịp giờ khai đấu.
Từ khi có gia đình, ông phụ thuộc quá
nhiều vào vợ. Không có bà, ông như rơi xuống một vực sâu, tối tăm mù mịt, ngày
tháng tẻ nhạt. Không gian và thời gian dường như thành trống rỗng.
Mỗi chiều tan sở, ông bâng khuâng không
biết đi đâu,về đâu cho đỡ thấy quạnh hiu. Khi vợ còn sống, phải lo về ngay,
không dám ngồi quán cà phê lai rai, về nhà vợ hạch hỏi không dám trả lời thật.
Có khi ông điện thoại cho bạn, hỏi chiều nay ông đến chơi được không, và xin được
ăn cơm tối. Bạn biết ông đang buồn, đơn lẻ, nên thường niềm nở chấp nhận. Nhiều
lần, ông mua một vài món ăn ở tiệm, đem đến nhà bạn góp vào mâm cơm chiều và
sau bữa ăn, uống trà, cà phê. Ngồi trong ghế bành, đôi khi không nói gì, cầm tờ
báo lật qua lật lại, thế mà thấy bớt cô đơn trong lòng yên ổn. Rồi cũng phải về
cho gia chủ đi ngủ. Ông ra xe, nỗi buồn lại dấy lên thấm thiá. Trời đất như rộng
thênh thang. Đường về nhà hiu quạnh. Nghĩ đến căn nhà trống vắng, lòng ông rưng
rưng.
Mỗi khi mở tủ lạnh tìm thức ăn, thấy trống
không, chẳng có thứ gì ăn được. Vài ba cây trái đã đen điu thồi? rữa thối. Mấy
bó rau đã đổi màu đen, khô quéo. Chai nước lọc cũng cạn. Không còn gì. Trong
nhà không có bàn tay đàn bà, thì xem như chẳng còn có cái gì cả. Ông thầm thán
phục những người bạn độc thân. Không biết làm sao họ có thể sống sót đến tuổi
già, mà vẫn vui vẻ, yêu đời, nói cười. Họ đã làm gì cho tiêu tán quãng thời
gian trống rỗng sau giờ tan sở nhỉ?
Như một thói quen, những chiều tan sở,
ông chạy thẳng ra nghĩa địa, thơ thẩn bên mộ bà. Trong nghĩa địa hoang vắng nầy,
ông thấy bớt cô đơn hơn là về nhà một mình. Cắm vài bông hoa, thắp nén hương. Rồi
ngồi trò chuyện, như khi bà còn sống. Nói đủ thứ chuyện, nói nhiều hơn cả khi
ông bà còn bên nhau. Ông độc thọai, và ông cứ tin ở dưới lòng đất, bà đang lắng
nghe ông tâm sự. Khi có người lạ đi đến gần, ông hơi xấu hổ, nói nhỏ lại, chỉ
thì thầm thôi. Ông sợ thiên hạ lần tưởng ông đau bệnh thần kinh. Rồi ông hát
cho bà nghe. Hát những bài kỷ niệm, mà ngày trước, ông bà cùng song ca trong những
buổi “Karaoke” tổ chức tại nhà bạn bè. Tai ông, vẫn còn văng vẳng giọng bà
thánh thót hoà lẫn với tiếng hát trầm ấm trên môi ông. Ông hát từ bài nầy qua
bài khác đến khô ran cả cổ. Nhiều khi ông nằm dài trên cỏ, bên tấm bia mộ ngang
bằng, nhìn lên trời cao mênh mông và tưởng tượng có bà đang thân thiết nằm bên
cạnh. Nghe được cả hơi thở của bà. Hơi thở có mùi hương quen thuộc của ngày
nào. Ông thèm nghe vài lời cằn nhằn trách móc của bà.
Khi bóng đêm bắt đầu phủ xuống trên
nghĩa địa, ông mới uể oải đứng dậy ra về. Ông nấn ná không muốn khu mộ, nhưng vốn
yếu bóng viá và sợ ma, không dám ở lại khi đêm đen bao trùm khu nghĩa địa hoang
vắng. Ông thì thầm: “Ngày mai anh sẽ đến thăm em.” Có những ngày chủ nhật, ông
cứ mãi thơ thẩn quanh khu mộ. Ông nhận ra rằng, bây giờ ông yêu thương yêu vợ
hơn nhiều lần khi bà còn sống. Tình cảm ông tha thiết, nồng nàn hơn xưa rất nhiều.
Mùa đông mưa dầm dề, gió thốc từng cơn
trên nghĩa địa trống trải, ông trùm áo mưa, ngồi co ro run rẩy trong buốt giá
bên mộ bà. Ngày nghỉ ông ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Tâm trí miên
man mơ hồ vô định.
Chỉ mới một năm thôi, ông hốc hác, gầy rộc,
vì mãi miết đắm chìm trong thương nhớ, khổ đau. Nhiều người khuyên ông nên đi
bác sĩ tâm lý để điều trị, để tránh sa vào tình trạng suy sụp trầm trọng. Ông nghĩ, bác sĩ cũng không giúp gì được khi
trong lòng ông thương nhớ bà. Bác sĩ không thể làm bà sống lại, không thể làm
phép lạ cho ông quên buồn.
Một buổi sáng khi nắng vàng rực rỡ nhảy
múa trên khu nghĩa địa, gió mát mơn man cỏ cây, tiếng chim kêu văng vẳng. Ông
Tư rầu rĩ mang bó hoa hồng đến đặt lên mộ bà, định than vãn vài câu cho bớt nỗi
buồn thương không dứt được trong lòng. Ông ngạc nhiên thấy một tờ giấy cuộn
tròn trong bình đựng hoa. Ông giật mình, ô kià, lạ chưa, có nét chữ của bà. Ông
mở tờ giấy ra đọc. Một bài thơ của ai chép tay chữ viết giống hệt nét chữ bà.
Những chữ h, chữ g và cả cách đánh dấu hỏi ngã. Ông run run đọc:
“Đừng đứng khóc lóc bên mồ em. Bởi em
đâu còn dưới đó nữa. Em đang là ngàn gió bay cao trên đồng nội, là ánh dương
quang lóng lánh giữa biển trời. Em đang tắm trong mưa thu mát dượi. Em đang
trên cao, ngàn sao của giải ngân hà. Và một sáng mai kia, tiếng chim đánh thức
anh. Thì hãy biết đó là tiếng em kêu anh. Thôi đừng khóc bên mồ em, chúng ta sẽ
gặp lại nhau sau…”
Ông đọc đi đọc
lại đến ba lần, và chợt nhớ ra đây là lời bản nhạc phổ từ bài thơ của bà Mary
Elizabeth Frye viết trong cơn xúc động trên một mẫu giấy vụn. Trước đó bà Frye
nẩy chưa hề bao giờ làm thơ. Bài thơ nầy về sau rất nổi tiếng, phổ biến rộng
rãi trên khắp thế giới, được phỏng dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Ông đã
từng nghe trong các đám tang người Mỹ. Nhưng khi đó, ông chẳng hề để ý. Bây giờ
được đọc lại, ông thấm thiá và ngộ ra: Đúng. Bây giờ bà đâu còn nằm dưới đó nữa.
Bà đang ở trên miền cực lạc. Bà đang sung sướng trong một thế giới khác, không
có khó khăn, vất vả, không giận hờn ganh ghét, không có chiến tranh giành giựt,
và không phải “Đổ mồ hôi trán mới có được miếng cơm vào mồm.” Thế thì, tại
sao lâu nay ông phải âu sầu thương tiếc khóc lóc. Ông đã tự làm khổ ông, tự đọa
đày trong vũng đau thương. Nếu bên kia thế giới mà bà biết được ông khổ sở rầu
rĩ như thế nầy thì bà vui hay buồn? Ông tự hỏi, ông đau đớn vì thương bà hay tự
thương mình? Bà đang hưởng lạc phúc, thì ông phải mừng, chứ sao lại sầu khổ? Nếu
ông tự thương mình, thì phải chống tay đứng dậy, làm cho ngày tháng còn lại nầy
được vui vẻ, hạnh phúc và lành mạnh hơn là chìm đắm trong tối tăm mịt mù. Ông đến
trước bia mộ và thì thầm: “Đúng, em đâu còn nằm dưới lòng đất nầy nữa. Thân xác
là cát bụi phải về với cát bụi. Không còn là em nữa. Em đã bay cao với gió trên
mây vàng long lanh, đang rong chơi nơi thiên đường cực lạc. Anh phải biết mừng
cho em. Phần anh, phải đi nốt tháng ngày còn lại trên hành tinh nầy với những
bước chân vững vàng, vui vẻ và hạnh phúc cho riêng mình. Đó là bổn phận cấp thiết
đối với bản thân.”
Ông lái xe ra về, lòng nhẹ thênh thang.
Con đường có nắng vàng reo vui, cây cỏ xanh ngắt yêu đời. Tiếng nhạc vui rộn rã
vang vang trong xe, ông đã tìm được ý nghiã cho tháng ngày vắng bóng vợ. Ông
tin rằng, nếu chết là chưa hết, chưa vĩnh viễn tan biến, thì ông sẽ gặp lại bà
trong tương lai, ở một nơi an bình hạnh phúc hơn ở cõi trần thế nầy. Nhưng nếu
chết là hết, là xong, thì cũng khỏe. Bà đã khoẻ, và mai đây ông cũng sẽ theo bước
bà tan vào hư không.
Về nhà, ông ngồi vào bàn, lập một chương
trình sinh hoạt mới cho ngày tháng còn lại. Trước đây ông không dám về hưu vì sợ
cô đơn, sợ không có việc chi làm bận rộn rồi sinh ra quẩn trí mà phát bệnh.
Nhưng bây giờ, ông đã có một chương trình năng động, phủ kín thời gian trong tuần,
còn sợ không đủ thì giờ để thực hiện. Nhưng không sao, với ông thì thi hành được
chừng năm mươi phần trăm cũng đã là thành công rồi.
Mỗi sáng ông dậy sớm, đi đến phòng tập
thể dục, chạy bộ trên dây?, cử tạ, bơi lội, tập yoga, tắm nước nóng. Sau đó họp
bạn già uống cà phê, bàn chuyện trời đất thời thế. Về nhà đọc vi thư bạn bè, giải
quyết các công việc lặt vặt. Rồi ngủ ngay một giấc ngắn. Tự nấu nướng lấy, mặc
dù có thể đi ăn tiệm, hoặc mua thức ăn về. Ông học cách nấu ăn trong liên mạng
vi tính. Đọc bốn năm bài dạy khác nhau, rồi chọn lựa, kết hợp, tìm ra cách nấu
hợp với khẩu vị mà ông nghĩ là ngon nhất. Từ đó, ông ghiền xem truyền hình dạy
nấu ăn, Ông nấu được những món ngon tiếp đãi bạn bè.
Có một bà góa ỡm ờ đề nghị: “Anh nấu ăn
ngon thế nầy, mà ăn một mình cũng buồn và uổng quá. Hay là nấu cơm tháng cho em
đi, mỗi ngày tới bữa em đến ăn. Hôm nào anh bận, thì báo trước, em sẽ đi ăn tiệm.”
Ông cười lịch sự đáp: “Cám ơn chị quá
khen và đề nghị. Xin cho tôi suy nghĩ lại, xem có đủ sức phục vụ chị
không, rồi sẽ trả lời sau.”
Ông bóng bẩy nhấn vào hai chữ ‘phục vụ”
làm bà kia đỏ mặt e thẹn. Ông không thể tưởng tượng nổi có người nào đó thay thế
được vợ ông. Mỗi khi nói chuyện thân thiết với bà nào đó, mà trong lòng ông có
dấy lên một chút cảm tình, thì ông thấy như mang tội với người vợ đã khuất, ông
đã thiếu chung thủy. Cứ áy náy mãi.
Ông tham gia các chương trình du lịch
xa, đi chơi trên du thuyền. Ông gặp nhiều bạn bè, đàn ông, đàn bà, cùng vui
chơi. Tham dự các trò đùa tập thể trên du thuyền. Nhiều bà góa thấy ông cô đơn,
nhắm muốn tung lưới bắt mạng, nhưng ông cũng đủ khôn ngoan để né tránh. Ông nói
với bạn bè rằng, mình già rồi, khôn có lõi, không còn ngu ngơ dại dột như thời
trai trẻ, để nhắm mắt chui đầu vào tròng.
Đôi khi ông cũng muốn có bạn gái, có chút chất “mái”, dù không làm gì được,
nhưng mơ hồ thấy có sự thăng bằng nào đó trong tâm trí.
Ông đã cùng bạn bè tham gia các chuyến
du lịch xa, Âu Châu, Ấn Độ, Phi Châu. Bây giờ còn đủ sức để đi, có điều kiện
tài chánh thong thả, tham gia kẻo mai mốt khi yếu bệnh, khỏi luyến tiếc. Đi
theo đoàn đông đảo bạn bè, thì giờ rất sát, eo hẹp, làm ông không kịp nghĩ, kịp
buồn.
Trên du thuyền, gia đình người bạn giới
thiệu bà Huyền cho ông, bà đẹp, duyên dáng, hơi trầm tư, đôi mắt mở to như khi
nào cũng ngạc nhiên ngơ ngác, cánh mũi thon, môi hình trái tim chúm chím. Bà
Huyền xa chồng đã hơn ba năm. Lòng ông Tư mơ hồ dấy lên chút cảm tình vì bà đẹp,
hiền thục, ít nói. Mấy lần hai người ngồi gần nhau trong bữa ăn. Bà Huyền hé lộ
một chút tâm sự riêng tư cho ông nghe, rằng bà may mắn chạy thoát đến Mỹ vào
năm 1975, bà lặn lội thân cò nuôi chồng theo đuổi đại học trong bao nhiêu năm.
Nhờ may mắn trong thương trường, tiền bạc có thời vô như nước. Gia đình vui vầy
tràn đầy hạnh phúc. Rồi tai họa đổ xuống, chồng bà say mê một cô nhỏ tuổi hơn
con gái ông, cô nầy làm công cho cơ sở thương mãi của gia đình. Ông chồng li dị
bà để vui duyên mới. Bà nói rằng, chẳng trách gì ông, một phần cũng lỗi tại bà
không phòng xa, để cho ông chồng và cô gái có dịp tiếp xúc thường xuyên. Lửa gần
rơm thì phải cháy. Chia đôi gia tài, bà cho ông cơ sở kinh doanh, bà không cần
làm nữa, tài sản có thể sống đến khi già chết.
Ông Tư cũng cảm mến bà Huyền vì cái giọng
nói dịu dàng ngọt ngào, trái tim nhân áí, và tâm từ bi của bà cùng tấm lòng cao
thượng. Khi nhắc đến ông chồng cũ phản bội mà không thù hận, không gay gắt giận
hờn.
Bà Huyền biết kiên nhẫn lắng nghe, tôn
trọng ý của người khác, dù có khi bất đồng quan điểm. Ông Tư cảm thương cho một
người đàn bà biết điều như thế mà gặp phải hoàn cảnh không may. Cái tình cảm
trong lòng ông đâm mầm nhú mộng êm ái. Đôi khi ông cũng giật mình, sợ trái tim
ông yếu đuối, đổi cái quan hệ bạn bè với bà Huyền thành tình yêu. Ông không muốn
mang mặc cảm phản bội bà vợ bên kia thế giới. Nhưng cũng là chuyện lửa gần rơm,
mối giao hảo thân thiết của ông với bà Huyền càng ngày càng khắng khít. Đã có
vài lần ông toan tính thổ lộ cho bà Huyền mối tình cảm chân thành của ông,
nhưng rồi vốn nhát, nên lại thôi. Ông tự cười, đã chừng nầy tuổi, trên đầu tóc
trắng nhiều hơn tóc đen, mà vẫn còn nhút nhát như thời mười sáu tuổi. Cuối
cùng, chính bà Huyền đã mở đường dẫn ông vào cuộc tình già. Khi ông đi gần đến
quyết định mời bà Huyền về sống chung, thì bạn bè can gián, cho ông biết bà Huyền
là một trong ba người đàn bà nổi danh đanh đá độc ác nhất của thành phố nầy. Ai
cũng biết, mà chỉ riêng ông Tư không biết mà thôi. Ông không tin một vài người,
nhưng phải tin khi nghe nhiều người khác nói. Ông quyết tâm tìm hiểu, và vô
tình gặp ông Duẫn là người chồng cũ của bà Huyền trong một buổi họp mặt. Ông
lân la đến làm quen. Thấy ông Duẫn hiền khô, không rượu, không trà, không cả cà
phê thuốc lá, và nói năng lịch sự dịu dàng. Bạn bè lâu năm của ông Duẫn cũng
xác nhận anh nầy là một ‘ông Phật đất’. Hoàn toàn không hề có chuyện gian díu với
một người đàn bà nào. Bà Huyền cũng không nuôi ông Duẫn một ngày trong đời như
bà nói, bà đã đặt chuyện, cứ nói mãi, nên tin là có thật.
Ông Tư mạnh dạn hỏi thẳng Duẫn: “Anh
nghĩ sao, nếu tôi cưới bà Huyền, vợ cũ của anh?”
Ông Duẫn gãi đầu, và nói ngập ngừng: “Ô…
ô, không nghĩ sao cả. Đó là chuyện riêng của bà ấy với anh. Tôi không can dự
gì. Chúng tôi đã li hôn lâu rồi. Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”
Ông Tư hạ giọng: “Không phải tôi xin
phép anh, mà tôi muốn hỏi ý kiến của anh về bà ấy. Nhận xét của riêng tôi, thì
bà Huyền là một người đoan trang, trinh thục, hiểu biết, có trái tim nhân ái.
Nhưng theo nhiều người khác thì đó là một trong ba bà ác độc nhất của thành phố
nầy. Có thật vậy không?”
Ông chồng cũ của bà Huyền ngửng mặt lên
trời mà cười ha hả: “Khoan khoan, đừng nói thế mà tội cho người ta. Phần tôi, nếu
không nói tốt cho bà ấy được, thì cũng không có quyền nói xấu. Tôi không dám có
ý kiến gì cả. Có thể bà ấy không hợp với tôi, nhưng lại hợp với người khác. Có
thể tại tôi bất tài, không tạo được hạnh phúc cho gia đình. Biết đâu, bà ấy với
anh đồng điệu, hai người có thể tạo nên thiên đàng dưới trần thế nầy.”
Ông Tư ngại ngần và chùn chân, âm thầm lảng
xa dần bà Huyền. Bà nầy biết được ý định, mắng ông Tư một trận nên thân, chửi
ông hèn nhát, bần tiện, keo kiết, không đáng xách dép cho bà. Ông Tư nghe xỉ vả
chửi mắng mà mừng húm. May mà chưa có cam kết gì với bà Huyền. Từ đó, ông đâm
ra có thành kiến với bất cứ người đàn bà nào muốn tiếp cận với ông.
Ông Tư đã hết suy sụp tinh thần, tự tổ
chức cho ông một đời sống có ý nghĩa, có nhiều niềm vui nhỏ nhặt trong đời sống,
tránh xa mọi phiền toái của thế gian. Trong nhà ông treo một tấm biển lớn, chữ
viết theo lối bút họa, ghi lời của một người bạn:
“Có thì vui. Không cũng vui. Được mất
đều vui.”
Tràm
Cà Mau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét