Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Ba bước khiến TQ phải thực thi phán quyết của PCA

Sau khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không chấp nhận. Nhưng theo tạp chí National Interest, Mỹ có thể áp dụng gói giải pháp 3 bước buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết của PCA.
PCA, Trung Quốc, biển Đông, tranh chấp lãnh hải, phán quyết
Hải cảnh Trung Quốc yêu cầu tàu cá Philippines rời Scarborough hôm 14/7/2016. Ảnh: Cắt từ clip của ABS-CBN

Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc tự vạch ra ở Biển Đông.

Sau đó, hàng loạt nước lên tiếng ủng hộ phán quyết của PCA và yêu cầu các nước liên quan tôn trọng phán quyết quốc tế đầu tiên về tranh chấp Biển Đông này. Philippines cũng tuyên bố tôn trọng phán quyết và nói Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết.

Về phần mình, Trung Quốc vẫn kiên trì quan điểm không chấp nhận, không thừa nhận phán quyết của PCA. Trung Quốc cũng tuyên bố "không bao giờ chấp nhận bất kỳ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết của PCA”.

Dẫu vậy, truyền thông Mỹ cho rằng vẫn có cách để buộc Trung Quốc thực thi phán quyết dưới tiền đề không làm Trung Quốc bị bẽ mặt.

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama cần biểu thị kiên định ủng hộ lập trường của Philippines về hàng hải và lãnh thổ. Mỹ cần nhanh chóng huy động sức mạnh hải quân để cùng với hải quân Philippines bảo vệ bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag).

Thứ hai, Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát cần chính thức phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Cuối cùng, theo National Interest, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cần tích cực ứng phó, đảm bảo kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Trung Quốc có thể áp dụng đối với Philippines như rút vốn đầu tư, ngừng giao dịch thương mại….

Trong một diễn biến liên quan, sau khi Ngoại trưởng Philippines từ chối đề xuất từ phía Trung Quốc nối lại đàm phán song phương với điều kiện không đề cập tới phán quyết của PCA, xuất hiện thông tin trên tờ Wall Street Journal rằng Tổng thống Philippines Duterte đã rất tức giận trước vì cảm thấy phía Trung Quốc đang giễu cợt mình.

Trong cuộc họp Nội các hôm 12/7, nguồn tin là một trong những trợ thủ thân tín nhất của ông Duterte cho hay tân Tổng thống Philippines đã tuyên bố hoan nghênh tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh.

Ông Duterte nói với các bộ trưởng của mình: “Hãy để họ (Mỹ) gửi tàu chiến của họ đến đây. Nhưng tôi không thể nói điều đó một cách công khai”.

Theo TTXVN .

Xem thêm :

Trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc Thiên Cung 1 là cái tên được truyền thông nhắc đến nhiều trong tuần qua, sau khi các chuyên gia theo dõi vệ tinh tuyên bố, nó có thể đang bị mất kiểm soát và chuẩn bị rơi xuống Trái đất, ở bất kỳ đâu, kể cả một khu vực đông dân cư.
Thiên Cung, Trung Quốc

Trung Quốc hiện là một trong nhiều nước đang xúc tiến các chương trình thám hiểm không gian bằng thiết bị có người lái và không có người lái. Năm 2011, nước này đã cho phóng trạm vũ trụ đầu tiên của mình - Thiên Cung - vào quỹ đạo quanh Trái đất, ở độ cao 350 - 400km so với mặt đất.
Module phòng thí nghiệm không gian này nặng 8,5 tấn, dài 12 mét với đường kính 3 mét. Với kích thước này, Thiên Cung vẫn tương đối nhỏ, thực tế là nhỏ hơn trạm Skylab được Mỹ phóng vào không gian năm 1973.
Thiên Cung có tuổi thọ ước tính là 2 năm. Mục đích chính của cơ sở này là nhằm kiểm tra các hoạt động neo đậu quan trọng, phục vụ việc tái cung ứng và vận hành một trạm vũ trụ. Trong thời gian vận hành ngoài không gian, Thiên Cung từng 2 lần đón tiếp tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh thám hiểm Thần Châu 9 và 10, chở theo 3 phi hành gia người Trung Quốc.
Cũng giống như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), chúng ta có thể dễ dàng quan sát được Thiên Cung từ Trái đất, vì nó rất sáng và di chuyển nhanh trên bầu trời. Do đó, các nhà thiên văn học nghiệp dư thường theo dõi nó cũng như các vật thể tương tự. Kết quả đo đường di chuyển và độ sáng của Thiên Cung được đánh giá là đáng tin cậy.

Các thông tin trên có thể giúp xác định quỹ đạo và sự quay vòng của Thiên Cung, giúp phản ánh tình trạng của trạm vũ trụ này. Nhà thiên văn học nghiệp dư Thomas Dorman, một người theo dõi vệ tinh giàu kinh nghiệm đến từ Texas, Mỹ nhận định, Trung Quốc đã mất kiểm soát Thiên Cung khi ông quan sát thấy trạm vũ trụ đang xoay theo một hướng nhất định.
Thiên Cung đã ở chế độ ngủ khi không được lên kế hoạch đón tiếp thêm tàu vũ trụ sau năm 2013. Trong thực tế, văn phòng Công nghệ không gian có người lái Trung Quốc từng tuyên bố, trạm vũ trụ này đã kết thúc sứ mệnh và chấm dứt các dịch vụ truyền tải dữ liệu vào tháng 3 năm nay. Cơ quan này cũng thông báo không còn liên lạc được với Thiên Cung được nữa. Các báo cáo mới nhất từ một số chuyên gia theo dõi vệ tinh thậm chí cảnh báo, trạm vũ trụ hiện có thể đang rơi tự do trong không gian và sắp đâm xuống Trái đất.
Theo các chuyên gia, Thiên Cung nhiều khả năng sẽ bị vỡ vụn và bốc cháy trong bầu khí quyển khi trở về Trái đất. Thảm họa sẽ xảy ra nếu mảnh vỡ khổng lồ không nóng chảy hết và rơi xuống khu vực đông dân cư, tiềm tàng nguy cơ gây sát thương nghiêm trọng.
Nhà chức trách Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về những phỏng đoán trên.
Tuấn Anh (theo Tech Insider)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quần Đảo KERGUELEN

  Hòn đảo xa xôi này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ, tạm thời gồm khoảng 45 đến 100 người, chủ yếu là các nhà khoa học, quân nhân và...