Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Bảo Vệ Môi Trường Là Nhiệm Vụ Của Chúng Ta - Sean B.Carroll

Phạm Nguyên Trường chuyển ra Việt Ngữ

Xin hình dung câu chuyện sau đây. Đấy là năm 1966. Bạn đang đứng trong một văn phòng chính phủ ở Washington, DC, và đang quan sát một quan chức vận đồng phục nói với một người mặc trang phục doanh nhân: “Nhiệm vụ của ông là tiêu diệt kẻ thù đã giết chết nhiều người hơn cả hai cuộc thế chiến cộng lại. Ông sẽ có một ngân khoản không lớn, một nhóm nhỏ nhân viên, và nếu ông thất bại, Bộ trưởng sẽ từ chối, sẽ nói, chẳng biết gì về công ciệc của ông”.
Nghe như một cảnh trong phim Hollywood vậy. Và, đúng thế, là cảnh mở đầu của bộ phim Mission: Impossible (Nhiệm vụ bất khả), một bộ phim truyền hình được chiếu trong năm đó. Nhưng đã xảy ra đúng như thế, nếu không nói là chính xác những từ đó. Vị quan chức là tướng quân ý James Watt; còn người nhận nhiệm vụ là nhà khoa học Donald Henderson thuộc trung tâm Trung tâm các Bệnh truyền nhiễm(CDC), và kẻ thù là bệnh đậu mùa.
Nhiệm vụ chắc chắn dường như là bất khả. Lúc đó, mỗi năm, bệnh đậu mùa giết chết hai triệu người, và làm cho 15 triệu khác mắc bệnh. Nhưng, tương tự như trong phim, Henderson và nhóm của ông ở Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận thách tức. Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, bệnh đậu mùa đã - và, cho đến nay là bệnh lây nhiễm duy nhất – bị xóa bỏ hoàn toàn.

Nhiệm vụ của chúng ta - cho dù chúng ta thích nó hay không – kêu gọi ý chí tập thể nhằm ngăn chặn chính sự hủy diệt đời sống của chúng ta.
Chìa khóa dẫn tới thành công to lớn này không phải là - như người ta có thể nghĩ - bước đột phá lớn về y tế (vaccine đậu mùa đã có từ thế kỷ XVIII). Đấy là công tác ngoại giao, thái độ uyển chuyển và hợp tác.
Ngay từ đầu, WHO đã không tin vào chiến dịch tiêm chủng. Nhiều người, trong đó có tổng giám đốc WHO, cho rằng, để chấm dứt bệnh đậu mùa, tất cả 1,1 tỷ người ở 31 nước bị ảnh hưởng, trong đó có cả những người sống trong những làng bản xa xôi, đều phải được tiêm phòng – đúng là một cơn ác mộng về mặt hậu cần.
Đó là lý do vì sao các đại biểu của WHO lại tranh cãi trong nhiều ngày trước khi đồng ý, mỗi năm chỉ cung cấp 2,4 triệu USD cho nỗ lực này - quá ít, không đủ trang trải các chi phí vaccine chủng ngừa không được hiến tặng, chưa nói tới kinh phí cần thiết về hậu cần. Nhiều nhà tài trợ cũng cảm thấy bi quan, họ tin rằng nên chi tiền vào cơ sở hạ tầng y tế. Thậm chí UNICEF quyết định không đóng góp cho chiến dịch này.
Trên thực tế, quyết định giao Henderson công việc khó khăn là lãnh đạo chiến dịch bắt nguồn từ quyết định của tổng giám đốc WHO, giao cho một người Mỹ phụ trách, do đó Hoa Kỳ, chứ không phải là WHO, sẽ chịu trách nhiệm nếu chương trình thất bại. (Henderson cố từ chối vai trò, nhưng không được). Nhưng, với hiểu biết thấu triệt, Henderson đã biết biến một việc xấu thành tốt.
Henderson biết rằng Liên Xô – đã thúc giục tiến hành chiến dịch tiêu diệt bệnh đậu mùa từ mấy năm trước rồi, và đã cam kết mỗi năm sẽ đóng góp 25 triệu liều vaccine - sẽ không nhiệt tình nếu người Mỹ lãnh đạo công việc này. Vì vậy, ông tìm tới thứ trưởng Bộ Y tế Liên Xô, Dimitri Venediktov, và thiết lập với ông này mối quan hệ tạo điều kiện cho hai bên hợp tác với nhau về chiến lược và hậu cần, bên cạnh việc đóng góp về vaccine (Hoa Kỳ đồng ý cung cấp mỗi năm 50 triệu liều). Hai nước không phải là đồng minh đã đồng ý cùng nhau lãnh đạo cuộc chiến đấu này.
Tài ngoại giao của Henderson cũng ngang với con mắt tinh đời trong việc tìm người và khả năng lãnh đạo. Ông nhấn mạnh rằng tất cả các nhân viên phải dành ít nhất một phần ba thời gian để làm việc tại hiện trường, làm việc với các quan chức địa phương và thăm viếng bản làng, để họ có thể tự mình nhìn thấy những thách thức của chiến dịch tiêm phòng đại trà.
Trong số nhân viên có William Foege, một bác sĩ trong đoàn truyền giáo dòng Luther làm việc như một nhà tư vấn cho CDC ở Nigeria. Một hôm, tháng 12 năm 1966, Foege nghe tin có người mắc bệnh đậu mùa ở làng bên và ngay lập tức đến đó để tiêm phòng cho gia đình nạn nhân và cho dân làng.
Nhưng Foege sợ rằng nạn dịch có thể lan rộng hơn và ông không có đủ vaccine để tiêm phòng cho tất cả mọi người trong khu vực. Vì vậy, phải áp dụng chiến thuật khác: ông cho người chạy vào tất cả các làng trong vòng 30 dặm để kiểm tra xem có thêm người mắc bệnh hay không, và sau đó, chỉ tiêm chủng cho những người ở bốn khu vực có dịch bệnh mà thôi. Điều này tạo ra một “vòng” tiêm chủng những người sống gần những người mắc bệnh và đã phá vỡ được chuỗi lây nhiễm.
Chiến lược của Foege được mở rộng sang miền Đông Nigeria, rồi sau đó được áp dụng cho những khu vực khác của Tây Phi, và cuối cùng, được áp dụng cho những khu vực khó khăn nhất: Ấn Độ, với nửa tỷ người. Phải cần tới 130.000 nhân viên y tế được đào tạo, làm việc vất vả trong 20 tháng, nhưng họ loại bỏ được tai họa của bệnh đậu mùa, căn bệnh đã dày vò Ấn Độ trong hàng ngàn năm. Sau đó, mặc dù có những vụ thiên tai, những vụ bắt cóc nhân viên WHO, và nội chiến, các nhân viên y tế cũng đã thu được thành công ở Bangladesh, ở Ethiopia và Somalia. Cuối cùng, năm 1980, thế giới đã chính thức giải thoát khỏi bệnh đậu mùa.
Năm mươi năm sau khi tung ra nhiệm vụ táo bạo này, các thành tựu to lớn của nó lại nổi lên từ bộ nhớ đang mờ dần. Nhưng những bài học mà nó mang lại, góp phần thúc đẩy cộng đồng trong việc giải quyết thách thức chung thì lại cực kì quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn, khi mà những vấn đề cấp bách như suy thoái môi trường đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính toàn cầu.
Như Foege đã chỉ ra, quá trình diệt trừ bệnh đậu mùa chứng minh rằng “những nỗ lực toàn cầu là khả thi”. Chúng ta không “phải sống trong thế giới của bệnh dịch, của những chính phủ chỉ biết phá hoại, của những xung đột, và nguy cơ không thể kiểm soát được đối sức khỏe”. Không những thế, “những hành động có phối hợp của những người tận tụy” có thể “mang lại một tương lai tốt hơn”.
Loài người không thể sống trong thế giới với không khí và nước bị ô nhiễm, biển không có cá tôm, không còn động vật hoang dã, và những vùng đất trống, đồi núi trọc. Những thách thức về sinh thái mà hiện nay chúng ta đang đối mặt là vấn đề y tế công cộng và phúc lợi xã hội, hệt như như bệnh đậu mùa ngày xưa. Nhiệm vụ của chúng ta - cho dù chúng ta thích nó hay không – kêu gọi ý chí tập thể nhằm ngăn chặn chính sự hủy diệt đời sống của chúng ta.
______________________________
Sean B. Carroll là phó chủ tịch khoa Giáo dục khoa học tại đại học Y mang tên Howard Hughes và là Giáo sư khoa Sinh vật phân tử và Di truyền học ở Đại học Wisconsin–Madison. Tác phẩm gần đây nhất của ông The Serengeti Rules: The Quest to Discover How Life Works and Why It Matters.
Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/smallpox-eradication-global-cooperation-by-sean-b--carroll-2016-07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quần Đảo KERGUELEN

  Hòn đảo xa xôi này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ, tạm thời gồm khoảng 45 đến 100 người, chủ yếu là các nhà khoa học, quân nhân và...