Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

VỀ CHUYỆN CHUYÊN GIA CAO CẤP MỸ THUẬT NƯỚC NGOÀI BỊ SẬP BẪY TRANH GIẢ VIỆT NAM

NGUYỄN TRỌNG TẠO
Qua câu chuyện một chuyên gia hàng đầu về thẩm định tranh của tổ chức đấu giá Christie’s International Hong Kong bị lừa mua tranh Tạ Tỵ vẽ năm 1952, lại hóa ra tranh của Thành Chương vẽ năm 1972, tôi nhận ra điều này, người Việt có khả năng siêu đẳng để làm mất uy tín của cả người nước ngoài.
Một nhà buôn tranh của Việt Nam làm sao lại có thể lừa được chuyên gia thẩm định tranh quốc tế? 
Thật đơn giản. Họ ghi tên “Tạ Tỵ 52” vào bức tranh, rồi dùng một tấm ảnh cũ chụp mấy người nổi tiếng (như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân – đã mất) đang trò chuyện trong căn phòng có treo bức tranh ấy để dẫn giải. Thế thì người mua tranh làm sao không tin được. Nhưng thực ra thì bức tranh đã được cấy ghép vào bức ảnh bằng công nghệ photoshop. Mãi đến khi họa sĩ Thành Chương nhận ra bức tranh ấy là của mình trong phòng triển lãm, mọi người mới té ngửa. Gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lập tức cung cấp bức ảnh gốc không có bức tranh “cấy ghép” vào, và họa sĩ Thành Chương đưa ra bức phác thảo trước khi vẽ tranh gốc thì câu chuyện lừa đảo như đã được phơi bày.
Nhưng ông Tuấn – người bán tranh cho chuyên gia thẩm định mỹ thuật Jean-Francois Hubert vẫn còn ở Hà Nội mà không ai liên lạc được.
Huber
Bị cú lừa ngoạn mục, ông Jean-Francois Hubert chỉ còn đưa ra được những bằng chứng do ông Tuấn cung cấp. Nhưng đau hơn là sau cú “sập bẫy” này, có phần nào ảnh hưởng đến uy tín của ông hay không?
Tháng 5.2013, tôi tình cờ gặp ông Jean-Francois Hubert tại Huế, sau cuộc đấu giá tranh quốc tế Hong Kong về chơi với 2 họa sĩ Huế được ghi danh nối theo 16 họa sĩ Việt Nam có tranh đấu giá quốc tế trước đó. Ông rất khó chịu với “phong trào” làm tranh giả mang tên các họa sĩ Việt nam nổi tiếng. Ông nói: “Những người làm tranh giả như thế muốn phá huỷ hình ảnh nghệ thuật tranh Viet Nam trên thế giới bởi vì họ là những người tồi tệ. Nếu không có ai ở Viet Nam phản ứng lại với những người kém hiểu biết này thì đây sẽ là sự chấm dứt của nền Mỹ Thuật Việt Nam”. Rồi ông nói với tôi: “Ông Tạo là một nhà báo, ông nên cất một tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ nền mỹ thuật Việt Nam. Tôi muốn ông đặt ra những câu hỏi mạnh mẽ và tôi sẽ sẵn sàng trả lời một cách thẳng thắn về điều này vì tôi thực sự bức xúc”.
Vậy mà ông đã gặp phải cú lừa ngoạn mục về tranh giả. Sự bức xúc của ông hôm nay chắc phải lên đến tột đỉnh.
Nghe câu chuyện này, tôi thấy như chính mình cũng có lỗi với ông. Sao người Việt nam mình lại chơi trò tồi tệ với ông đến thế!
Họa sĩ Thành Chương trước bức tranh của mình mang tên Tạ Tỵ.
Họa sĩ Thành Chương trước bức tranh của mình mang tên Tạ Tỵ.

Ông Jean-Francois Hubert, ông không có lỗi. Chỉ vì ông quá tin yêu người Việt nam nên tin cả những “bằng chứng” bịa đặt chứ không phải vì ông kém khả năng để thẩm định tranh.
Nhớ một lần ở châu Âu, có anh bạn Việt lái xe đưa chúng tôi đi uống rượu. Khi ra về, bị hai cảnh sát bản địa chặn xe vòi tiền vì biết lái xe cũng đã uống rượu. Theo luật của nước họ thì cảnh sát sẽ đưa xe nhập kho và thu bằng tài xế, rồi đưa ra tòa xét xử; hai năm sau mới được thi lại bằng lái xe. Nhưng… hai cảnh sát này đã mặc cả 1000 USD… Tôi hỏi người bạn Việt sao cánh sát ở đây cũng biết ăn tiền xấu như ở ta? Anh bạn nói: “Trước đây đâu có vậy. Nhưng người Việt nam đã biến họ thành thói quen hư hỏng đó”.
May thay, ông Jean-Francois Hubert vẫn là người có lương tâm, và ông ngơ ngác trước câu chuyện bị lừa đảo mà mình không hay biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quần Đảo KERGUELEN

  Hòn đảo xa xôi này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ, tạm thời gồm khoảng 45 đến 100 người, chủ yếu là các nhà khoa học, quân nhân và...