Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Báo động: Tỷ lệ chết sớm do khí thải từ than ở Đông Nam Á tăng mạnh, Việt Nam xếp thứ 2


Khí thải từ than đá ở khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030, khiến số trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm tăng theo, theo một báo cáo mới do Đại học Harvard thực hiện được công bố cuối tuần trước.
Kênh CNN dẫn lời các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard và Tổ chức Hòa bình xanh cho biết nhu cầu về điện tại khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng đáng kể tới 83% trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2035 – gấp đôi so với tốc độ trung bình của toàn cầu.
“Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Ấn Độ đã nhận được rất nhiều sự chú ý của khoa học”, nhà nghiên cứu Shannon Koplitz tại Đại học Harvard – người đứng đầu dự án nghiên cứu – cho biết trong báo cáo.
Tuy nhiên, bà cho biết những tác động của việc mở rộng các dự án nhiệt điện chạy bằng than ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á lại đang thu hút sự chú ý không kém.
Nghiên cứu cho rằng có 3 lý do khiến nhu cầu năng lượng có những bước nhảy vọt là sự phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và đô thị hóa, và tại khu vực Đông Nam Á – không giống như ở Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc hay Ấn Độ – nhu cầu này vẫn có thể được đáp ứng bởi các nhà máy điện than chứ không phải năng lượng tái tạo. Hậu quả là tình trạng sức khỏe của dân chúng sẽ gặp vấn đề.
“Sự phụ thuộc vào than đá tại các nước mới nổi ở khu vực Đông Nam Á sẽ có tác động đáng kể và lâu dài đến chất lượng không khí và sức khỏe dân chúng”, bà Koplitz cho biết.
Báo cáo ước tính rằng có khoảng 20.000 người trong khu vực tử vong mỗi năm vì khí thải từ các nhà máy điện chạy than, và con số này sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030, nếu tất cả các dự án nhà máy điện chạy than trong khu vực đi vào hoạt động như kế hoạch.
Số lượng các nhà máy điện của Indonesia được dự đoán sẽ tăng gấp đôi, từ 147 đến 323 nhà máy, của Myanmar sẽ tăng hơn gấp 3 lần, từ 3 lên 16 nhà máy. Các nước phát triển như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang tăng số nhà máy điện đốt than của họ.
Do đó, khí thải từ than ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030, trong đó Indonesia tăng mạnh nhất, tiếp đến là Việt Nam.
 
Tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm liên quan đến điện than ở châu Á
Biểu đồ trên cho thấy tỷ lệ tử vong sớm do tác động từ khí thải than đá tại Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 5.000 người năm 2011 lên gần 20.000 người vào năm 2030, xếp thứ hai sau Indonesia.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những tác động mà các quốc gia này đang gây ra chỉ là “một giọt nước trong đại dương”.
Riêng tại Ấn Độ, ước tính có khoảng 100.000 người chết mỗi năm do khí thải từ các nhà máy điện chạy than.
Và nếu so sánh sự tồi tệ của Indonesia hay Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ thì thật không công bằng, vì riêng Trung Quốc đã tiêu thụ than nhiều hơn 40 lần so với Indonesia.

Tuy nhiên, Lauri Myllyvirta, một chuyên gia về ô nhiễm không khí của Tổ chức Hòa bình Xanh và cũng là một tác giả nghiên cứu, cho rằng ít nhất thì Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang thay đổi về viễn cảnh năng lượng của họ khi họ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo báo cáo, chi phí thấp và tài nguyên than phong phú là lý do các nước như Indonesia và Việt Nam vẫn đang tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp những tác động tiêu cực thấy rõ về chất lượng không khí.
Hạo Nhân

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...