Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Ý NGHĨA CÁC LOẠI TRANH TREO NGÀY TẾT - Đỗ Chiêu Đức

 Ngày Tết, ngoài việc treo các câu đối và những lời chúc tết đầu năm ra, người ta còn treo các loại tranh vẽ để  vừa trang trí cho phòng khách đẹp hơn, vừa có ý nghĩa vui tươi, may mắn cho ngày đầu năm đầu tháng... Ta thử điểm qua việc làm vừa có tính nghệ thuật, vừa đem lại niềm tươi vui hy vọng theo tập tục cổ truyền nầy. Nào ta bắt đầu bằng....

     1. Tranh Cửu Ngư Đồ 九魚圖: Cửu 九 là số Chín, lại đồng âm với từ Trường Cửu 長久 là lâu dài. Ngư 魚 là Cá lại đồng âm với  餘 (âm Quan Thoại) là Dư Dả, Có Thừa, lại vẽ chung với hoa sen là Liên Hoa 蓮花, đồng âm với Liên 連 là Liên Tục 連續, không gián đoạn. Nên tranh Cửu Ngư vẽ chung với hoa Sen, có nghĩa là: Luôn luôn sung túc dư dả có thừa liên tục mãi mãi!

                 

    2. Tranh Cá Chép: Tất cả các tranh cá đều có nghĩa là "Hữu Dư 有餘 "(do âm Quan Thoại Dư 餘 và Ngư 魚 đồng âm). Có Cá tức là Có Dư, Dư ăn dư để. Tranh Cá còn mang 2 Ý chính sau:

      * Như Ngư Đắc Thuỷ 如魚得水: Ta nói là "Như Cá gặp nước!" Chỉ Như Ý, Thuận Lợi. Đây là câu nói của Lưu Bị đời Tam Quốc khi ông vừa gặp được Khổng Minh Gia Cát Lượng, mặc dù bị sự phản đối quyết liệt của Quan Vũ và Trương Phi, Lưu Bị vẫn nói là: "Ta gặp được Ngọa Long Tiên Sinh, như là Cá gặp được Nước vậy!"
       * Như Hóa Long Ngư 如化龍魚: là "Như Cá Hóa Rồng"chỉ sự đổi đời, thay đổi hoặc thành công vượt bực. Theo tích: Sách Tân Thị Tam Tần Ký 辛氏三秦記 ghi: Nơi cửa sông Hoàng Hà đổ ra biển rất hẹp nên thường gây lụt lội ở vùng đồng bằng trung lưu của sông, cửa sông nầy gọi là Long Môn. Sau nhờ vua Hạ Vũ hướng dẫn trị thủy, mở rộng cửa sông thêm hơn một dặm để dân chúng không bị lụt lội, nên Long Môn còn được gọi là Vũ Môn. Tương truyền cá Lý Ngư, ta gọi là cá Chép, khi nhảy vượt qua được Vũ Môn thì sẽ hóa thành Rồng bay lên trời. Ngày xưa ví những chàng thư sinh mười năm đèn sách thi đậu được Trạng Nguyên, Tiến Sĩ thì như cá Chép vượt qua được Vũ Môn vậy! Ngày nay, Cá hoá Rồng dùng để chỉ những sự thành công vượt trội mà người đời không ngờ tới được. Trong bài Hát nói "Cuộc Phong Trần" của Cao Bá Quát có câu:
                      Hẵn bền lòng chớ chút oán vưu,
                     Thời chí hĩ Ngư Long Biến Hóa...
Có nghĩa :
                Hãy bền lòng mà đừng oán trách gì cả, khi thời đến thì Cá sẽ hoá Rồng mà thôi!


       Ngoài ra còn rất nhiều loại tranh cá khác như:

      * Ông Câu ôm con cá lớn với hàng chữ: Ngư Ông Đắc Lợi chỉ trong năm sẽ được cái lợi như của Ngư Ông, cái lợi nhẹ nhàng ít tốn nhiều công sức như trong thành ngữ "Duật Bạng Tương Tranh, Ngư Ông Đắc Lợi". 鹬蚌相爭,漁翁得利。" Ta nói là "Ngao Cò tranh nhau, ngư ông được lợi". Thành ngữ do tích: Thời Chiến Quốc, nước Triệu muốn đánh nước Yên, mưu sĩ của nước Yên là Tô Đại sang du thuyết nói với vua Triệu rằng: "Có một con Cò đi dọc theo bến nước, thấy một con Ngao đang mở vỏ ra để phơi nắng, bèn mổ vào phần thịt trắng nõn của con Ngao, Ngao vội vàng khép vỏ lại giữ chặc lấy mỏ Cò không buông. Cò nói: "Nắng gắt thế nầy, ngươi không buông ta ra thì sẽ bị nắng phơi cho khô chết mà thôi!" Ngao đáp: "Hôm nay ta không buông ra, ngày mai cũng không buông ra, thì nhà ngươi cũng sẽ bị đói chết luônn!" Còn đang dằng co, thì có một Ngư ông đi đến, nhẹ nhàng tóm hết cả 2 bỏ vào giỏ!" Nay, Triệu và Yên đánh nhau, khác nào Ngao Cò Tương Tranh, chỉ làm lợi cho nước Tần là Ngư Ông đang chực chờ để thủ lợi mà thôi". Triệu Vương nghe xong bèn không cử binh đi đánh nước Yên nữa.


      * Tranh các đứa bé ôm con cá, lấy Ý "Tử Tôn Hữu Dư 子孫有餘" , vừa có nghĩa "Con Cháu có Thừa" vừa có nghĩa  "Có thừa Con Cháu!" Tranh nầy thường có hàng chữ "Niên Niên Hữu Dư 年年有餘" Có nghĩa: Mỗi năm đều dư ăn thừa mặc. Năm nào cũng có của ăn của để hết.

               Image result for 年年有餘   Image result for 年年有餘   Image result for 年年有餘
 
    3. Tranh Hoa Mẫu Đơn:
          Nhớ bài Học Thuộc Lòng hồi nhỏ, Á Nam Trần Tuấn Khải đã viết:
                              ... Mẫu Đơn hương kín thơm xa,
                                 Liễu rơi trước gió ngỡ là bướm bay...
        Hương kín thơm xa, nên Mẫu Đơn được phong tặng là Phú Quý Chi Hoa (Hoa tượng trưng cho sự Phú Quý). Ngoài ra, Hoa Mẫu Đơn còn được xem như là một loài hoa Vương Giả Không Sợ Quyền Uy, theo tích sau đây:

                 

      Khi đã lên ngôi và xưng là Châu Thiên Tử xong, có một năm vào cuối đông khi Tết gần kề, Võ Tắc Thiên thấy mai vàng trong cung đều nở hoa rực rỡ, đang cơn tửu hứng, bèn cất bút viết lên một đạo Thánh Chỉ của nhà Vua bằng một bài thơ ngũ ngôn để ra lệnh cho Chúa Xuân như sau đây:

                             明朝遊上苑,火急報春知;
                            花須連夜發,莫待曉風吹。

                          
 Minh triêu du Thượng Uyển,
                           Hỏa cấp báo xuân tri.
                           Hoa tu liên dạ phát,     
                           Mạc đãi hiểu phong xuy!

Có nghĩa:
          Sáng mai ta sẽ dạo vườn Thương Uyển, hãy báo gấp cho Chúa Xuân biết là các loài hoa phải nở suốt trong đêm nay, đừng có đợi cho gió sớm thổi nhé! (Ý là: Tất cả các hoa phải nở trước khi trời sáng tỏ!.
Diễn nôm :
           
                          Sáng mai ta du Thượng Uyển,
                                     Hỏa tốc báo Chúa Xuân hay,
                                     Hoa phải suốt đêm nở rộ,
                                     Trước khi gió sớm hây hây !



       "Nói cũng lạ", sáng sớm hôm sau, khi Võ Tắc Thiên dẫn hết quần thần ra Ngự Hoa Viên để ngắm hoa, thì tất cả các hoa đều nở rộ trong đêm cả rồi, muôn hồng ngàn tía, sắc màu rực rỡ khắp nơi. Võ Tắc Thiên rất đẹp Ý, duy chỉ có một loài hoa không chịu nở, chính là Mẫu Đơn đó vậy! Võ giận cho loài hoa dám không tuân chỉ, mới hạ lệnh nhổ hết cả ngàn gốc Mẫu Đơn và ra lệnh đày xuống vùng Mang Sơn của đất Giang Nam. Và... "Nói cũng lạ", năm sau Mẫu Đơn bén rễ và nở đầy cả đồi núi Giang Nam một dãy...
       Trở lại với tranh hoa Mẫu Đơn, thường thì trên bức tranh luôn luôn có kèm theo 4 chữ "Hoa Khai Phú Quý" nên không cần phải giải thích nữa!

   4. Tranh Hoa Sen:
         Sen là Liên 蓮 đồng âm với Liên 連 là  Liên Tục. Sen cũng còn được gọi là Hà Hoa chữ Hà 荷 đồng âm với chữ Hòa 和, là Hòa Thuận, Hòa Hợp.
      Ngoài ra, Sen còn là biểu tượng của người Quân Tử trong sạch thanh cao, do câu nói "Liên xuất tự trọc nê, hữu Quân tử chi thanh đức 蓮出自濁泥,有君子之清德。Có nghĩa: Sen mọc ra từ bùn sình dơ dáy, nhưng lại có cái đức thanh cao của người quân tử. Trong tiếng Việt ta cũng có câu ca dao khen tặng bông sen là :
                            Trong đầm gì đẹp bằng sen,
                   Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
                             Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
                 "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" !


              Nên ...
      Tranh Sen chỉ để tặng cho những người làm các nghề thanh cao chính trực, như Nhà Văn, nhà Giáo, nhà Báo, Luật Sư, Quan Tòa ...

    5. Tranh Tùng Bách:
         Tùng Trúc Mai là "Tuế hàn tam hữu" 歲寒三友. Cuối năm mùa đông lạnh lẽo, các loại cây cỏ khác đều chết rụi cả, chỉ có 3 người bạn Tùng, Trúc và Mai là còn xanh tốt và phát triển mà thôi! nên Tùng Bách tượng trưng cho sự bền bĩ, dẻo dai, chịu đựng bất chấp thời tiết khắc nghiệt, vẫn vươn lên xanh tốt như thường! Ngoài ra, Tùng Bách còn có thân cây to lớn, tán lá rộng rãi là nơi núp bóng và che chở lý tưởng cho các thảo mộc thấp hèn yếu đuối khác dễ "núp bóng tùng quân!" như Vương Viên Ngoại đã gởi gắm Thúy Kiều cho Mã Giám Sinh vậy :
                        Nghìn tầm nhờ bóng Tùng Quân,
                 Tuyết sương che chỡ cho thân cát đằng!
         Tranh Tùng Bách thường có 4 chữ "Tùng Bách Trường Thanh" 松柏長青. Có nghĩa Tùng Bách luôn luôn trường kỳ xanh tốt. Thích hợp để tặng cho Khai trương, Tân gia, Chúc Thọ. Nếu Chúc Thọ thì chỉ thích hợp tặng cho đàn ông, không thích hợp tặng cho các bà.


   6. Tranh Hoa Lan:
            Lan có nét đẹp thanh thoát, mềm mại, đầy tính nghệ thuật. Hoa Lan lại có mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng dễ làm say đắm ngất ngây lòng người. Chả trách từ xưa cổ nhân đã ca ngợi: "Lan sanh ư u cốc, vi vương giả chi hương 蘭生於幽谷為王者之!Có nghĩa: Hoa Lan sanh ra trong những sơn cốc thâm u, nhưng lại có mùi hương của bậc vương giả! Trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng đã từng thương tiếc:
                       Lan mấy đóa lạc loài sơn dã,
                 Uổng mùi hương vương giả lắm thay!


           Tranh Hoa Lan chỉ thích hợp dùng để trang trí phòng khách, thư phòng... và chỉ thích hợp dùng để tặng cho các Bà các Cô mà thôi!

   7. Tranh Rồng Ngựa Hổ:
          Rồng Ngựa là Long Mã, linh hoạt và uyển chuyển như Rồng, nhanh nhẹn và xông xáo như Ngựa. Hai con vật: Một Huyền thoại, một thực tế tượng trưng cho sự hoạt động mạnh mẽ liên tục không ngừng nghỉ, không chồn chân, không lười biếng. Đó là cái tinh thần của Long và Mã. Các công ty, công xưởng, khi khai trương hoặc khi nghỉ Tết vào thường hay dán câu "Long Mã Tinh Thần" ở nơi làm việc và sản xuất để nhắc nhở nhân viên, công nhân phải làm việc lại với cái tinh thần xông xáo như rồng như ngựa vậy!


          Về Tranh thì... trừ phi những người tuổi Thìn, hoặc tuổi Dần thì mới tìm mua tranh Rồngvà Cọp, còn bình thường thì không ai dại gì rước Cọp về nhà, càng không có ai dám tặng Cọp cho người khác, nhất là lại vào dịp Tết nhất. Cọp là dã thú hung ác không thích hợp để treo và tặng. Nhưng nếu lỡ... có một bức tranh cọp trong nhà, thì nhớ treo làm sao cho cái đầu cọp hướng ra ngoài, để cọp... giữ nhà, chớ treo cọp quay đầu vào, nó sẽ... cắn hết những người trong nhà đó! Mặc dù nghe có vẻ... hơi mê tín, nhưng "Tránh voi chẳng xấu mặt nào!", người ta vẫn rất úy kỵ Tranh Cọp! Trừ phi các Hổ Tướng ngày xưa, các vị Nguyên Soái hay treo hình con Cọp nhe nanh múa vút ở phía sau trướng của mình ngồi cho thêm vẻ oai phong, ta thường gọi là Trướng Hùm, như chỗ ngồi của Từ Hải và Thúy Kiều khi cô Kiều báo ơn báo oán:
                   TRƯỚNG HÙM mở giữa trung quân,
              Từ Công sánh với Phu nhân cùng ngồi!
       Tranh vẽ cọp thường có 4 chữ: Khiếu Chấn Sơn Hà 嘯震山河. Có nghĩa: Tiếng gầm thét vang động cả núi sông! để chỉ cái Uy Vũ dũng mãnh của Chúa Sơn Lâm.

                             Image result for 嘯震山河    Image result for 嘯震山河    Image result for 嘯震山河

         Tranh Rồng, nếu có treo và tặng cho ai, thì cũng thường thấy có 4 chữ "Vọng Tử Thành Long 望子成龍。"Có nghĩa: Ước mong cho con cháu mình, hoặc chúc cho con cháu người có được thành tựu vượt bực, trở mình hóa thân thành rồng!
          Ngựa là tranh thường thấy nhất, 2 con, 4 con, 6 con, hoặc 8 con gọi là Bát Tuấn Đồ. Dễ tặng dễ treo vì luôn có 4 chữ Mã Đáo Thành Công 馬到成功, không cần phải giải thích mà ai nấy đều thích, đều mua, đều tặng, đều treo... nhan nhản khắp nơi!.


   8. Tranh :
       Mùi: Đứng hàng thứ 8 trong Thập nhị Địa Chi, cầm tinh con Dê, từ Hán Việt là Dương 羊, đồng âm với Dương 陽 là Thái Dương, là Dương Khí sanh ra từ trời đất.
       Theo sách Chu Dịch. Sau tiết Đông Chí thì khí âm hàn bắt đầu tiêu thoái, và khí dương thì bắt đầu sanh trưởng, ta thường nghe các Thầy Bói gọi là Âm Tiêu Dương Trưởng, đêm sẽ ngắn dần, ngày sẽ dài thêm ra, cho nên Tháng Mười Một là tháng , thuộc quẻ Phục 復 là Nhất Dương Sanh, Tháng Mười Hai là Tháng Sửu, thuộc quẻ Lâm 臨 là Nhị Dương Sanh, và Tháng Giêng là Tháng Dần, thuộc quẻ Thái 泰 là Tam Dương Sanh. Vì thế nên Tết Nguyên Đán của tháng Giêng mới dùng câu Tam Dương Khai Thái 三陽開泰 mà chúc mừng cho năm mới mở ra vận hội mới, lấy Ý chữ Thái là Lớn, là Thông, như trong tiếng Việt ta thường nói "Hết vận Bỉ rồi thời lại Thái", hoặc "Bỉ cực thì Thái lai" và "Hết cơn Bỉ Cực, đến hồi Thái lai". Có nghĩa: Hết lúc Bế tắt, nghèo khó thì đến lúc Hanh Thông, khá giả!

                           Image result for 三陽開泰    Image result for 三陽開泰

          Vì 2 chữ Dương đồng âm, nên ta thường gặp những bức tranh vẽ hình 3 con dê thay thế cho khí dương của trời đất mà chúc nhau bằng câu Tam Dương Khai Thái như ta thường thấy!
          Tranh  rất thích hợp tặng nhau trong dịp Tết, để chúc cho đầu năm mở ra vận hội mới lớn hơn, phát đạt hơn năm rồi!.

   9. Liễn Treo, Câu Đối:


Liễn treo và Câu đối ngắn để chúc Tết thì nhiều vô số kể! Tiêu biểu như:
   * Nghinh Xuân Tiếp Phúc 迎春接福: Đón Xuân đón luôn Phước vào nhà.
   * Hoa Khai Phú Quý 花開富貴: Hoa nở tượng trưng cho sự phú quí của gia đình.
   * Trúc Báo Bình An 竹報平安: Tre Trúc luôn xanh tốt trong mùa đông như đem lại bình an cho mọi người.
   * Mai Khai Ngũ Phúc 梅開五福: Hoa mai nở 5 cánh như mang đến 5 cái phước cho gia đình (5 cái phước đó là: Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh. 五福 是: 寿,富,康寜,攸好德,考终命。Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, được tiếng tốt và chết an lành. Đó là 5 cái phước mà mọi người đều mong mỏi.)


   * Trúc Báo Tam Đa 竹報三多: Một chi nhỏ của nhánh trúc thường có 3 lá, như điềm báo mang đến 3 cái nhiều (Tam Đa) mà người ta thường mong mỏi. Đó là: Đa Phúc, Đa Thọ, Đa Nam Tử 三多 是:多福,多寿,多男子。Nhiều phước, nhiều thọ, nhiều con trai.


   * Vạn Sự Như Ý 萬事如意, An Khang Thịnh Vượng 安康盛旺, Cung Chúc tân Xuân 恭賀新禧 ....
            Đặc biệt năm Dê, thịnh hành thêm câu: Tam Dương Khai Thái 三陽開泰 !
                       
Ghi Chú:
     Xin được nói thêm về 3 chữ "Nói cũng lạ"....
          Sau khi đã "lỡ ra lệnh" cho Chúa Xuân bắt hoa phải nở suốt đêm để ngày mai mình đi ngắm hoa xong, thì Võ Tắc Thiên cũng ngầm... ra lệnh luôn cho những người trồng hoa trong vườn Thượng Uyển với sự phối hợp của Quân đội dùng vải căng lều để căng lều cho tất cả những nơi trồng hoa trong vườn. Đoạn cho nổi lửa nấu nhiều nồi nước khổng lồ trong vườn Thượng Uyển để tạo một luồn noãn lưu ấm áp khắp nơi, nhờ thế các hoa như ở trong các greenhouse ấm áp của mùa đông như ở MỸ hiện nay... Nhờ thế các loài hoa mới nở kịp cho bà ta ngắm, và bà ta mới có dịp diệu võ dương oai với quần thần để chứng tỏ cái Chơn Mạng Thiên Tử của mình đến cả Chúa xuân, hoa cỏ cũng đều phải khuất phục vâng lời!

                                 Đây cũng là cái cơ trí hơn người của Võ Tắc Thiên, chả trách bà ta là Nữ Hoàng Đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.
                                                                     
                                        Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...