Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Ngành công nghiệp ‘bắt cóc và hợp thức hóa’ trẻ em tại Trung Quốc

Tóm tắt bài viết

Các bệnh viện, các bác sĩ và các quan chức Trung Quốc cùng âm mưu và hiệp lực tạo ra các giấy khai sinh giả để che dấu nguồn gốc của những trẻ em bị bắt cóc, những đứa sau đó được bán như là trẻ mồ côi.

Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đã nhiều năm phải đối mặt với một viễn cảnh đau đớn và khổ sở khi đứa con của họ bị bắt cóc và bán cho một đường dây buôn người. Vấn nạn này đã trở nên rất phổ biến và khó chữa, với hàng chục ngàn trẻ em bị mất tích ở Trung Quốc mỗi năm.

Tình trạng mua bán trẻ em bất hợp pháp với sự tham gia của công an, bác sĩ, y tá và bệnh viện, đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân khiến điều này phát triển trên phạm vi rộng lớn là do tồn tại một thị trường chợ đen chuyên mua bán giấy khai sinh giả mạo.

Ngay khi một đứa trẻ đã bị bắt cóc, kẻ môi giới có thể hối lộ nhân viên bệnh viện để làm một giấy khai sinh trong hệ thống máy tính của bệnh viện. Văn bản này sẽ giúp ‘rửa sạch’ đứa trẻ đó thông qua việc thay đổi thông tin nhận dạng của trẻ và cho phép cha mẹ mới khẳng định đó là con của họ.

Tuy nhiên, các giấy khai sinh giả mạo này không phải là đồ giả. Chúng được tạo ra theo cách thức gần như giống hệt với các giấy khai sinh thông thường, ngoại trừ các khoản hối lộ khổng lồ có liên quan.

“Sau khi tôi giúp anh có được giấy khai sinh, anh có thể kiểm tra với bệnh viện. Và nếu anh được thể truy cập vào hồ sơ bệnh án, anh sẽ thấy đó là giấy khai sinh thật”, theo Zhao Dapeng, 32 tuổi, người có 5 năm kinh nghiệm hành nghề môi giới trong ngành bắt cóc trẻ em ở Trung Quốc.

Zhao đã nói chuyện với một nhà báo của tờ ‘Tin tức Bắc Kinh’ (Beijing News), sau khi nhà báo này tiếp cận anh ta qua một mối quen biết. Zhao nói rằng anh ta có thể lấy giấy khai sinh trong vòng 2 tuần từ các bệnh viện hoặc khoa sản do nhà nước quản lý. Mỗi giấy khai sinh anh ta tính giá 100.000 Nhân dân tệ (khoảng 330 triệu đồng).

“Bất kỳ bệnh viện dù tốt thế nào, ở đó vẫn luôn có những bác sĩ, những người mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Lương tháng của họ chỉ có khoảng từ 3.000 đến 4.000 Nhân dân tệ (khoảng 10 đến 13 triệu đồng),” Zhao giải thích. Hắn hối lộ, đút lót các bác sĩ, giám đốc bệnh viện, y tá, và bất cứ ai cần thiết để tạo ra các giấy khai sinh giả.


Giấy khai sinh giả cũng được lưu vào cơ sở dữ liệu máy tính của bệnh viện, tương tự như giấy chứng khai sinh thật. (Ảnh: Alamy)

Vào tháng 11 năm 2014, công an Trung Quốc đã giải cứu 5 đứa con nuôi, chúng là những đứa trẻ đã bị đánh cắp khỏi cha mẹ ruột ở huyện Tongfang, tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc, theo tờ Tin tức Pháp luật Buổi tối (Legal Evening News) do nhà nước quản lý. Cha mẹ nuôi đã ‘hợp pháp hóa’ các em bằng cách trả hơn 20.000 Nhân dân tệ (khoảng 66 triệu đồng) để làm giấy khai sinh giả, sau đó đăng ký vào hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc.

Vụ án này đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng gian lận ở Trung Quốc. Các nhà chức trách đã phát hiện ra một bác sĩ chuyên bán giấy khai sinh giả – ông Liang Shaoquan, Giám đốc Trung tâm Y tế Tieyongzhen ở Quảng Đông. Ông ta đã trả tiền đút lót cho các y tá để họ làm giả các hồ sơ y tế chi tiết về việc mang thai giả, rồi bán cho các bà mẹ nuôi. Ông Liang đã bị tuyên án 1 năm tù vào tháng 7 năm 2015 vì tội hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Các quan chức chính phủ Trung Quốc cũng tham gia đường dây này. Một ví dụ là ông Liu Xin, cán bộ Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình tại huyện Longhui, tỉnh Hồ Nam. Vào tháng 8, ông ta đã bị bắt giữ vì bị phát hiện rao bán giấy khai sinh thật để người mua chỉ việc điền các thông tin cần thiết lên đó, và đã trở thành các ông bố bà mẹ mới.

Một kẻ mối giới có tên Xiong Mingzhong sau đó đã bán lại các giấy khai sinh này trên mạng với giá mỗi chiếc từ 7.500 USD (170 triệu đồng) đến 15.000 USD (340 triệu đồng), theo trang web tin tức trực tuyến “The Paper”.

Theo ước tính được công bố trên báo chí Trung Quốc, có hơn 70.000 trẻ em bị bắt cóc mỗi năm và chỉ có chưa đầy 0,1% trong số đó là được tìm thấy và đoàn tụ với cha mẹ.


Ông Xiao Chaohua, một người cha bên chiếc xe tải in hình các trẻ em bị bắt cóc. Con trai ông bị bắt cóc từ năm 2007.

Tình trạng mua bán giấy khai sinh trên thị trường chợ đen để hợp thức hóa việc bắt cóc đã làm cho vấn đề trở nên trầm trọng. Nếu không có giấy khai sinh, những người cha mẹ nuôi sẽ không thể cho con nuôi đi học, và cha mẹ ruột sẽ dễ xác định được tung tích con em bị bắt cóc của mình.

Vấn nạn này còn liên quan đến một diễn đàn trực tuyến nổi tiếng, được thiết kế để tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng tìm kiếm con nuôi và những cặp muốn từ bỏ con cái của mình. Zhou, người sáng lập diễn đàn Hoàn thành Giấc mơ Nhận con nuôi (Fulfilling Dreams of Adoption), đã bị buộc tội bán hơn 110 giấy khai sinh giả, và kiếm lợi bất chính là hơn 90.000 USD, theo báo Tân Hoa Xã vào tháng 9 năm 2014.

Zhou đã sử dụng Wechat, một ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, để nói chuyện với những người mua tiềm năng, và làm trung gian, dàn xếp mua bán thông qua một cửa hàng trang sức làm bình phong, ở trên mạng Taobao, một trang mạng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc, tương tự như trang mạng eBay nổi tiếng của Mỹ. Zhou đã bị bắt sau một cuộc điều tra của công an Trung Quốc tại 27 tỉnh, dẫn đến việc giải cứu 382 đứa trẻ con nuôi và hơn 1.000 vụ bắt giữ.

Các cửa hàng trực tuyến như của Zhou, đã hoạt động trong nhiều năm, thường bán các giấy khai sinh “chất lượng cao”. Khi một phóng viên của tờ Hoàn Cầu (Global Times) do chính quyền quản lý liên hệ tới một trong các “cửa hàng trang sức” vào năm 2013, hỏi xem cửa hàng này có thể cung cấp giấy khai sinh mới hay không.

Câu trả lời từ cửa hàng này là: “Dạ thưa ông, chúng tôi có thể”.


Frank Fang, Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh

Phạm Duy tổng hợp

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...