Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN - Ngày Tết Của Người Có Đạo Cao Đài


Năm nay Tết Nguyên Đán rơi vào ngày:
                                          Saturday, January 28, 2017
                                           Tết Đinh Dậu
                                                (The Year of the Rooster)


       Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán Đinh Dậu năm nay rơi vào ngày Thứ bảy (28-01-2017) của Dương lịch.

       Tết Nguyên Đán – hay còn gọi là Tết Ta, Tết Cả, Tết Cổ truyền, Tết Âm Lịch, Tết năm mới hay chỉ đơn giản: Tết. “Tết” chính là “tiết”., đọc trại ra. Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên nếu đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.

       Tết Nguyên Đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương “Tết Ta”, cái Tết của dân tộc ta, là để phân biệt với “Tết Tây” (Tết Dương lịch).
1/ Tết Nguyên Đán được tính từ ngày nào?
       Do cách tính lịch âm của người Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên Đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc khác. Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 01 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 01 đến giữa tháng 02 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

2/ Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán:

         Tết Nguyên Đán không chỉ thể hiện sự giao giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông, mà còn thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn. Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng, trang trọng là tiễn đưa năm cũ, chào đón, chúc tụng năm mới sức khỏe con người tốt hơn, sinh kế khá hơn, hạnh phúc cá nhân – gia đình bền vững hơn và khởi đầu từ ý thức hệ nông nghiệp, sau dần tỏa rộng trong đời sống con người toàn xã hội, song vẫn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Người Việt chúng ta cho rằng: Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên đán. Khi thắp nén hương, bày mâm cỗ cúng dâng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán, người Việt mới thấy thỏa mãn và yên lòng trong cuộc sống tiếp theo khi bước vào năm mới. Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt. Chẳng hạn: ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất cứ giới nào: nam hay nữ, nông dân, thợ, kẻ sĩ hay chức sắc, lão bà hay lão ông. Ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn, Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng, nên có câu “giận đến chết đến Tết cũng thôi”. Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt mong muốn đạt tới và thường đạt tới. Cho nên, những ngày trong dịp Tết Nguyên đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.
        Tết Nguyên Đán vẫn là một sinh hoạt văn hoá vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

        Tất niên không phải là ngày năm mới như cái nghĩa đen của nó, ngày tất niên có thể là ngày 30 tháng chạp hoặc 29 tháng Chạp (nếu năm đó thiếu ngày 30 Âm lịch). Năm nay là ngày 30. Ý nghĩa thật sự của nó là ngày gia đình sum họp để ăn bữa tối tất niên ấm cúng bên nhau, có người còn làm cỗ cúng tất niên nữa cơ. Mọi thứ chuẩn bị trong ngày tất niên đều đợi đến thời khắc quan trọng nhất là giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng), thời khắc đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới . Thường để thật sự ý nghĩa bạn sẽ chúc tết đến người thân ngay trong thời khắc này vì mong điều may mắn sẽ đến với họ.

       Xông Đất hay còn gọi là đạp đất, mở hàng. Tục lệ này đã có lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày mồng một là ngày khai trương của năm mới. Ngày này mà may mắn thì cả năm sẽ luôn suôn sẽ và thuận lợi nên ai vào nhà sau giờ giao thừa được coi là Xông Đất cho gia chủ. Chú ý hơn thường việc Xông Đất chỉ diễn ra 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu ý nghĩa là mọi việc trong năm mới đều diễn ra trôi chảy và thông suốt. Thói thường người ta chọn bạn bè, thân thuộc có cái tên đọc nghe có điềm hên như Sang, Giàu, Phước, Vàng, ..v..v; rất sợ đầu năm mà có ai xông đất mang tên xấu như Mạc, Tử, Cuối, Liệt, Nợ, Mãn, Tiêu…v..v

       Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như Tết Táo Quân (23 tháng chạp âm lịch) và Tất Niên (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch). Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cùng tổ tiên… theo phong tục tập quán. Nguyên nghĩa của Tết chính là “tiết”. Văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

         Ngày nay, cùng với người Hoa, người Việt, các dân tộc khác chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa như Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan, H’mông Trung Quốc cũng tổ chức Tết âm lịch và nghỉ lễ chính thức. Trước đây Nhật Bản cũng cử hành Tết âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong âm lịch.

         Ngày Tết là dịp để mọi người hân hoan, chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới và bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ. Ai ai cũng đều tay bắt mặt mừng và dành nhiều thì giờ đến thăm họ hàng, bạn bè, và bà con lối xóm. Ngày Tết còn là ngày khởi đầu cho một hy vọng mới, một cố gắng mới, và một cuộc đời mới trong tương lai. Ngày Tết cũng là ngày đoàn tụ. Người đi làm ăn xa xôi đến mấy cũng cố trở về quê, tức là nơi mình được sinh ra hay quê quán của cha mẹ, để ăn Tết và cúng tổ tiên cùng mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, và bà con lối xóm. Mọi người đều nghỉ ngơi và ăn chơi cho bỏ những ngày làm lụng vất vả.
         Người Việt ta có thói quen là quanh năm chăm chỉ làm ăn. Suốt cả năm ở nơi thành thị, đa số những người buôn bán và các công nhân viên ở xưởng máy không có thì giờ nghỉ ngơi. Ở nơi nông thôn đồng ruộng cũng vậy, quanh năm người nông dân cũng không có ngày nào là ngày Chủ Nhật nên mọi người đều mệt mỏi và không có thì giờ để đi thăm họ hàng bà con cùng bằng hữu ở xa được. Chính vì thế mà người Việt ta đã nhờ những ngày Tết để có dịp nghỉ xả hơi và thăm hỏi nhau hầu xiết chặt mối dây tình cảm giữa gia đình, bạn bè, và hàng xóm.
         Tết Nguyên Đán, còn gọi Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết, là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.
3- Ngày Tết của người có Đạo Cao Đài:
        Sinh hoạt của Đạo Cao Đài trong những ngày cận Tết và sau Tết thật là bận rộn. Theo Nghi thức Lễ Đạo, trong dịp Tết Nguyên Đán có các Lễ quan trọng nhất là: Lễ Đưa Chư Thánh triều Thiên (24 tháng Chạp năm cũ), Lễ Rước Chư Thánh (khuya Mùng Một năm mới-Giao thừa), Lễ Cúng Sao Hội (Mùng 8 tháng Giêng, tại nhà thờ Mẹ), Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn (Mùng 9 tháng Giêng), Đại Lễ Rằm Thượng Nguơn (Rằm Tháng Giêng). Cả hai lễ nầy được long trọng tổ chức tại nhà thờ Cha (Đền Thánh hay Thánh Thất địa phương)
        Các lễ trên được tổ chức vào Tý thời (12 giờ khuya) tại Đền Thánh và Ngọ thời (12 giờ trưa) tại Đền thờ Phật Mẫu. Riêng Lễ Cúng Sao Hội đều tổ chức lúc Dậu thời (6 giờ chiều) tại Đền thờ Phật Mẫu trung ương và Điện Thờ Phật Mẫu địa phương các nơi.
        Sau khi đưa Chư Thánh vào ngày 24 tháng Chạp, đồng đạo các nơi đều đến các ngôi thờ Chí Tôn và Phật Mẫu cùng chung nhau lo sửa sang, sơn phết lại nơi thờ phượng, chùi lư đèn, bình hoa, …mọi thứ cho sáng sủa, đẹp đẽ để đón mừng các Đấng trong năm mới. Công việc chuẩn bị thật rộn rịp, lắm khi rất cực nhọc nhưng ai cũng vui vẻ, hân hoan cùng lo chung nhiệm vụ Thiêng liêng cao cả.
        Và ngày Tết đã đến. Dù bận rộn công việc làm ăn hay gia đình thế mấy, người Đạo Cao Đài đều nghỉ làm để dẫn dắt gia đình, con cháu đến ra mắt, trình lạy mừng năm mới Thầy Mẹ và các Đấng Thiêng liêng, cầu nguyên Ơn Trên ban phước lành cho gia đình năm mới sang được nhiều may mắn, phúc lợi. Các ngôi Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu từ trong nước cho tới hải ngoại, từ thành thị cho đến các vùng nông thôn, ngoại ô xa xôi đều tràn ngập một rừng người với sắc áo dài trắng tinh khôi, phất phơ trong ánh nắng mai rực rỡ của đầu Xuân mới. Đó là nét văn hóa độc đáo nhứt của Đạo Cao Đài. Nhiều nơi có phương tiện tổ chức hoàn chỉnh, có những đội lân, rồng phụng nhảy múa hòa nhập với tiếng nhạc, trống vang dội cả một vùng trời xinh lịch vào ngày xuân.
         Tại hải ngoại như Nam Bắc California, Texas (Houston, Dallas, Austin), Georgia, Seatte (WA), Oregon, Boston, Kansas, …hay Úc Châu, Canada, Pháp cùng nhiều nơi khác, các sinh hoạt chào Xuân của Đạo Cao Đài đã gây chú ý cho người dân bản xứ sống quanh vùng. Từ đó họ đến tìm hiểu thêm nền Đạo của Thầy, biết thêm mối Đạo cao cả mà Thượng Đế ban cho nhơn loại, do màu áo trắng đạo phục thân thương đã ghi một dấu ấn sâu đậm vào lòng người bản xứ. Cũng vì sự tinh khiết hồn nhiên thanh lịch của màu áo đó cũng đã nhắc nhở con cái của Thầy Mẹ phải lưu ý, cố tâm suy nghĩ và hành động những việc chánh thiện biểu hiện bằng TÌNH THƯƠNG YÊU, trước hết là THƯƠNG YÊU trong nội bộ Đạo, rồi ban rãi rộng THƯƠNG YÊU ra khắp nhơn sanh bá tánh.
         Xuân về, Tết đến vạn vật đều khởi sắc, hứa hẹn sự đổi thay đầy hy vọng, tốt đẹp. Muôn nhà sẽ chan hòa không khí vui tươi, hạnh phúc và may mắn!
        Vui Xuân, luôn nguyện cầu cảm tạ Ơn Thầy Mẹ Thiêng liêng cao cả!!
                             Happy New Year - God bless you, all!
                    


Hồ Xưa sưu tầm và viết thêm_________

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...