Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

“CON GÀ” trong đời sống hàng ngày - Ngọc Huệ (k.3 NLS.Tay ninh)



Một giáp bằng 12 năm, năm Đinh Dậu (2017) đến như dòng đời luôn trôi chảy, khái niệm con gà là biểu  tượng cho sự no ấm, đầy đủ... mang lại niềm vui, phấn khích, chờ đón một năm thạnh vượng lại đến. “Con gà” – loài vật này thực sự giữ một vai trò nhất định trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Gà là loại gia cầm được con người nuôi phổ biến nhất. Ở Việt Nam, có thể nói gà là loại động vật đứng đầu trong những vật nuôi khác về số lượng.

Gà là giống gia cầm có hai chân, có hai cánh, có lông vũ che toàn thân như các loài chim. Mắt gà tròn, nhỏ không có lông mi. Gà không có vành tai. Khi gặp nhiệt-độ cao và nóng, gà thường há mỏ, thở gấp, duỗi cánh và uống nước cho mát. Tuy có hai cánh nhưng khả năng bay của gà không được tốt như các loài chim khác. Gà là con vật có cánh duy nhất trong bộ 12 con giáp, hình ảnh con gà và tiếng gáy của nó gây cảm hứng cho con người trong lĩnh vực thi ca, tranh họa, phú, đối… “Chó giữ nhà, gà gáy trống canh”.  
Hình ảnh thân quen của gà
            Con gà là vật nuôi gắn bó với đời sống của con người đã lâu đời, được nhân dân ta xếp vào loài lục súc (Trâu, chó, heo (lợn), gà, dê, ngựa). Nhà nông dùng chuồng để nuôi gà, lót ổ cho gà mái đẻ, gà mái đẻ trong tự nhiên khoảng từ 10-16 trứng thì gà ấp. Gà mái cục tác ầm ĩ sau khi đẻ trứng cho nên trong dân gian có câu “Gà đẻ gà cục tác”. Gà ấp 21 ngày thì nở ra gà con. Gà mái đẻ trứng ấp và nuôi con, tượng trưng cho sự tần tảo, đức hi sinh của người mẹ. Con gà sinh nở nhanh chóng đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc tràn đầy.

            Các giống vật đều có hai loại là đực và cái. Gà cũng vậy, đối với gà, người Việt ta gọi con gà đực là gà trống (gà sống) và gọi con gà cái gà mái. Thường trong một đàn gà do người ta nuôi thì trong đó người ta chỉ nuôi có một con gà trống và khoảng mười con gà mái. Cho nên gà giống đa thê. Gà trống thường trông khác biệt với gà mái bởi bộ lông sặc sỡ, chiếc đuôi dài, lưng thường màu sáng và đậm hơn. Cả gà trống và mái đều có mồng và yếm thịt, tuy nhiên ở đa số giống gà thì những đặc điểm này chỉ nổi bật ở gà trống. Mồng gà trống trưởng thành thường cao, còn có yếm thịt phía dưới mỏ gọi là tích. Chân gà trống có cựa, đây là vũ khí lợi hại khi hai con gà trống đá nhau. Gà trống thường gáy to vào buổi sáng, nhờ thế mà nó như là chiếc đồng hồ báo thức sinh học. Gà trống gáy còn là tín hiệu thông báo cho các gà trống khác về lãnh thổ của nó. Tuy nhiên, gà có thể gáy khi bất ngờ bị phá rối.

            Quan niệm về 5 đức tính tốt của gà trống trong phong tục Việt Nam; Gà trống có đủ 5 đức tính mẫu mực của một con người mà ví như người đàn ông đặc biệt cần như: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Văn: Mồng gà trống và cái tích ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ biểu hiện cho Văn; Võ: Cựa gà là vũ khí biểu tượng cho Võ; Dũng: Con gà trống trong đàn luôn sẳn sàng đá nhau với đối thủ để bảo vệ đàn, biểu tượng cho tính dũng khí; Nhân: Con gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi bầy của mình đến ăn cùng. Đức tính này biểu tượng cho Nhân; Tín: Gà trống luôn gáy đúng giờ biểu tượng cho chữ Tín. Đó là ý nghĩa của việc tại sao ngày xưa các cụ chọn gà trống để cúng chứ không bao giờ chọn gà mái.

Một số câu thơ, ca dao, tục ngữ nói về gà phổ biến như: “Bút sa, gà chết”. “Chó cậy gần nhà, Gà cậy gần chuồng”, “Chớp Đông ngay ngáy, Gà gáy thì mưa”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, “Chị kia bới tóc đuôi gà, Nắm đuôi chị lại, hỏi nhà chị đâu?”, “Chó liền da, gà liền xương”, “Chó giữ nhà, gà gáy sáng”, “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”, “Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày ”(Ca dao)… Trong nền kinh tế thị trường, nhiều trại gà công nghiệp nuôi đến hàng nghìn, hàng vạn con. Thịt gà công nghiệp, trứng gà công nghiệp không ngon bằng thịt gà ta, trứng gà ta. Gà ta thả vườn qui mô nhỏ, thì giúp hộ chăn nuôi có đồng ra đồng vào hàng ngày, còn chăn nuôi theo hướng công nghiệp với qui mô lớn hàng ngàn, hàng vạn con thì giải quyết cho nhiều công lao động có việc làm chuyên nghiệp.

“Con gà” trong đời sống hàng ngày

 Con người thường sử dụng thịt gà, trứng gà và lông gà. Thịt gà là món ăn ngon, từ lâu, thịt gà là một loại thực phẩm rất được ưa chuộng trên thế giới. Nếu so sánh với thịt heo và thịt bò thì lượng đạm của thịt gà cao hơn rất nhiều lần, mà lượng mỡ lại thấp hơn. Ngoài ra, thịt gà được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau như cơm gà, gà rán, gà quay, gà nướng, gà hấp, canh gà, gà luộc xé phay trộn rau răm chấm muối tiêu... Trứng gà là nguồn thực phẩm lớn trong đời sống con người. Từ trứng gà có thể chế biến nhiều món ăn ngon như món trứng gà luộc, trứng gà chiên, trứng gà ốp la...Trứng gà đánh với bột mì có thể làm bánh thuẩn, bánh kem, trứng gà còn là một dược phẩm dùng để dưỡng da... Lông gà qua xử lí hoá học có thể dùng làm cây cọ để viết, vẽ, làm chổi, làm quạt, làm áo lông gà, làm cầu lông cho môn thể thao đá cầu... Có lẽ thoạt đầu, con người nuôi gà chỉ để lấy trứng và thịt. Dần dần gà được chọn làm thú vui tiêu khiển cho người. Tiêu biểu nhất là giống gà nòi, tức gà chọi (gà đá), kế đến là gà tre (gà che)– một giống gà rừng nhỏ con, được thuần dưỡng để chọi nhau. Ngày nay, có nhiều loài gà kiểng được nuôi làm cảnh, gáy báo giờ… Tiếng gà gáy có một giá trị nhất định, gây xúc cảm trong lòng người. Nhất là những người sống xa quê sẽ cảm thấy lòng man mác bâng khuâng, nhớ lại một thời bên ruộng lúa, bờ ao với tiếng gà eo óc gáy. Và với mỗi một người trong chúng ta chắc chắn tiếng gà gáy cũng đã để lại trong lòng ít nhiều kỷ niệm.

            Của tế lễ

Với phong tục Việt Nam, gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh. Con gà trống được chọn làm vật tế lễ thần linh, gia tiên là vì người xưa quan niệm rằng gà trống có các tính quý và đẹp hơn hẳn các loại gia cầm khác, gà trống được chọn làm vật phẩm để cúng tế tổ tiên, vào những dịp đầu năm, mọi người quan niệm có được con gà cúng như ý sẽ yên tâm đón một năm mới tốt đẹp. Con gà như biểu tượng văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, xuân về. Vì vậy, dịp Tết giá gà trống rất đắt, gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Thông thường được luộc để cúng, chúng được luộc rồi bày lên bàn thờ hoặc bày ra bàn để cúng và sau đó được đưa vào tiệc cho mọi người cùng thưởng thức. Để có một con gà cúng hài lòng, người nội trợ cần chọn gà rất kỹ, mồng phải đỏ tươi nhú cao đẹp, lông mượt, nhanh nhẹn, da vàng, ức đầy gà mới mập, chân nhỏ, nặng khoảng 1,2 kg - 1,4 kg, gà to quá thịt kém ngọt và dai không ngon.


NGỌC HUỆ - K 3 NLS TN.
Bài  nầy đã đăng trên báo DOANH NHÂN VÀ DÂN TỘC số TẾT
TG thăm 1 trại nuơi gà công nghiệp ở Bình Dương.

 

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...