Tạp chí "Thư Quán Bản Thảo" số 73
tháng Giêng 2017
Sau khi du lịch một vòng Bắc Âu, vợ chồng Đức cùng nhóm bạn trở lại
Copenhagen để sáng hôm sau họ bay về Mỹ. Có thêm một ngày lang thang ở
thành phố nhộn nhịp này với khá nhiều vết tích cổ kính còn sót lại, họ
bắt xe điện từ khách sạn nằm gần phi trường đến trung tâm thành phố để
viếng vài danh lam thắng cảnh như lâu đài Christiansborg và Nyhavn (Tân
Cảng) được xây cất vào thế kỷ thứ 17. Cách đó một tuần, họ đã có dịp
chụp ảnh với The Little Mermaid (Mỹ Nhân Ngư) ngay hôm mới đến thành phố
còn được mệnh danh là Paris of the North (Ba Lê miền Bắc) này rồi.
Nhóm bạn viếng xong ngôi lâu đài Christiansborg thì chiếc điện thoại di
động của Đức bỗng mất sóng, không chịu chỉ đường nữa. Họ phải mất hết
nửa giờ mới tìm ra Tân Cảng. Dạo phố dọc theo con kinh đầy tàu cập bến,
tay luôn bấm máy ghi lại những hình ảnh sắc màu độc đáo của Tân Cảng,
mọi người đến Bryggebroen, chiếc cầu Love Lock (Ổ Khoá Tình Yêu), lúc
nào không hay. Nhìn những ổ khoá đủ loại treo chi chít trên lan can cầu
có khắc tên những đôi tình nhân và ngày tháng họ thề thốt không bao giờ
xa nhau, Đức hỏi đùa Lệ, bà xã của anh:
"Mình làm một ổ khoá nhen em?"
Nhưng Lệ không nghĩ đó là một chuyện đùa, chị nguýt chồng một cái thật dài, trả lời:
"Ủa, bộ anh quên chuyện con Rosie rồi à?"
Các bạn nghe thế, lao nhao hỏi Rosie là ai và chuyện gì đã xảy ra. Vì
vậy, họ kéo nhau đến một quán cà phê vỉa hè nằm trên bờ kinh và vợ chồng
Đức thay phiên kể lại câu chuyện như sau:
Rosie là một bạn học
của vợ chồng Đức và Lệ từ thời trung học. Sau đó, nàng ta được nhận vào
một trường đại học ở tận New York nhưng bạn bè vẫn thường xuyên liên lạc
qua điện thoại, điện thư. Khoảng một năm sau, Rosie gặp được ý trung
nhân qua một cuộc tình thật thơ mộng. Hôm ấy, một cơn gió vô tình đã
thổi bay chiếc khăn choàng của nàng và chàng tình cờ nhặt được, trao lại
cho nàng. Thế là hai người quen nhau, yêu nhau và mùa hè năm ấy họ làm
một chuyến du lịch "bụi đời" khắp Âu châu. Và, vào ngày cuối cùng của
chuyến đi, họ tình cờ tản bộ đến cầu Pont des Arts ở Paris. Nhìn lan can
cầu với hàng ngàn chiếc ổ khoá, họ muốn bắt chước thiên hạ mua một ổ
khoá, khắc tên hai người và ngày tháng, khoá nó vào lan can cầu rồi ném
chìa khoá xuống dòng sông Seine, thề nguyền yêu nhau suốt đời. Nhưng vì
túi tiền đã cạn kiệt, không thể mua ổ khoá, họ đành phải trở về khách
sạn, lấy chiếc ổ khoá số dùng để khoá hành lý của chàng để làm chuyện
ấy. Họ còn cẩn thận chụp hình ổ khoá và địa điểm để nhớ, hẹn 10 năm sau
trở lại mừng ngày yêu nhau. Sau khi tốt nghiệp, nàng có việc làm ở tận
Cali, chàng ở lại New York. Thời gian ấy việc làm khó kiếm và đây là một
dịp may hiếm có nên họ quyết định chọn sự nghiệp trên tình yêu. Xa mặt
cách lòng, họ gặp lại nhau được vài lần rồi từ từ xa nhau... Mấy năm
trôi qua, trong một chuyến công tác cho sở làm, Rosie trở lại Paris, có
dịp viếng cầu Pont des Arts, đến ngay chỗ cũ nhưng nàng không tìm ra
chiếc ổ khoá tình yêu của họ. Năm xưa, khi chàng mở ổ khoá ấy để khoá nó
vào lan can cầu, nàng chỉ biết đắm đuối nhìn chàng nên nào có biết số
để mở...
Nhóm bạn ngồi im lặng, nhâm nhi tách cà phê sau khi vợ
chồng Đức kể dứt câu chuyện tình với đoạn kết không vui ấy. Bỗng có
tiếng vỗ tay, huýt sáo từ chiếc cầu Bryggebroen. Mọi người vội nhìn về
hướng ấy, thấy một đôi tình nhân đang hôn nhau rồi mỗi người một chiếc
chìa khoá họ cùng nhau ném xuống con kinh Tân Cảng.
Nào ai biết
được ngày sau sẽ ra sao, nhưng ít ra đôi tình nhân ấy đã không dùng ổ
khoá số. Mong sao ước nguyện của họ sẽ thành sự thật.
Đào Anh Dũng
6/2015,CQ. Pháp đã tháo dở 1 số ổ khóa trên cầu vì nó làm cho cầu bị sập (ảnh:Daily Mail)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?
Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
rất tuyệt vời
Trả lờiXóa