Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

. Nhìn ra thế giới: Nước Thụy Sĩ và nền dân chủ trực tiếp

Hoàng Tư Sang
17-1-2017Tarasp Castle ở Thụy Sĩ. Ảnh: internet
Tarasp Castle ở Thụy Sĩ. Ảnh: internet

Ngày 12/01/2017, BBC báo tin: Thụy Sĩ đã khai trương và đưa vào hoạt động từ ngày 11/12/2016 đường hầm xe lửa dài 35,5 dặm, được cho là dài nhất thế giới, xuyên bên dưới núi đá Saint Gotthard cao 1828 mét của dãy núi Alps, kết nối miền bắc và miền nam Thụy Sĩ, cho phép tầu khách chạy với tốc độ 155 dặm/ một giờ (1 Dặm Anh = 1 Mile = 1,609 Km).
Nhà báo Lina Zeldovich bình luận: “Trong khi sự chia rẽ chính trị xảy ra khắp thế giới, Thụy Sĩ nổi bật là một quốc gia gồm cư dân nói 4 thứ tiếng khác nhau, nhưng có tinh thần quốc gia rất mạnh, rất đoàn kết, cùng chung tay chế tạo thành công nhiều thứ một cách chính xác hoàn hảo, trong đó có công trình khổng lồ là đường hầm Gotthard này”.
Một trong những nguyên nhân cho phép Thụy Sĩ đạt được sự nổi bật này là Thụy Sĩ có nền dân chủ trực tiếp và lịch sử của Thụy Sĩ đã được mô tả trong tiếng Đức là “đất nước đoàn kết vì ý chí của người dân”. Nền dân chủ trực tiếp ấy đã được Bách khoa toàn thư Wikipedia giới thiệu tóm tắt dưới đây:
Tên gọi đầy đủ về nước Thụy Sĩ: Nước Cộng hòa Liên bang Thụy Sĩ. Khẩu hiệu của quốc gia: “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Diện tích lãnh thổ Liên bang: 41.285 Km2. Vị trí quốc gia: nằm ở miền trung Châu Âu, giáp các nước Ý, Pháp, Đức, Áo. Thủ đô Liên bang trên thực tế: Bern (không quy định trong Hiến pháp)
Có 5 thành phố lớn: Zurich, Geneve, Lausanne, Basel, Bern. 2 thành phố được coi là thành phố toàn cầu và trung tâm kinh tế của Liên bang, có chất lượng sinh hoạt đặc biệt cao là Zurich và Geneve.
Địa hình: Thụy Sĩ có 1 dãy núi cao là Alpes chạy dọc trung tâm quốc gia, chiếm 60% diện tích lãnh thổ. Cao nguyên Thụy Sĩ nằm ở phía bắc, chiếm 30% diện tích lãnh thổ, là nơi cư trú của đa số dân. Thụy Sĩ không có biển nhưng có trên 1. 500 hồ, trong đó có nhiều hồ nước ngọt lớn như hồ Geneve, hồ Bodensee, hồ Maggione.
Thời tiết ở Thụy Sĩ: không phải là một hệ thống ổn định. Khí hậu về tổng thể là ôn đới. Dãy núi Alpes có tình trạng ẩm nhất. Mùa thu là mùa khô nhất. Thụy Sĩ hiện là quốc gia có thành tựu môi trường tốt nhất thế giới.
Thụy Sĩ có 20 bang và 6 bán bang. Bang lớn nhất là Graubunden, nằm hoàn toàn trên dãy núi Alpes. Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Romansh. Đa số cư dân Thụy Sĩ nói tiếng Đức. Tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất trong các trường học ở một số bang.
Tiền tệ: Franc Thụy Sĩ (CHF). Tỉ giá ngày 16/01/2017 của NHNNVN là VND/CHF = 22.618, USD/CHF = 0,9951.
Dân cư Thụy Sĩ năm 2003 là 7. 399. 000 người. Năm 2015 đã vượt qua con số 8 triệu người. Năm 2012 cư dân người nước ngoài chiếm 23,3% dân số Thụy Sĩ, hầu hết đến từ EU. Trong số người ngoại quốc cư trú tại Thụy Sĩ, người Ý chiếm 15,6 %, người Đức 15,2%, người Bồ Đào Nha 12,7%, người Pháp 5,6%.
Sơ lược lịch sử của Thụy Sĩ:
Lịch sử sơ khởi xuất hiện Người ở Thụy Sĩ được tính từ niên đại 150.000 năm trước. Liên bang Thụy Sĩ cũ được thành lập khoảng năm 1291. Năm 1648, theo Hòa ước Westfalen, các quốc gia Châu Âu công nhận Thụy Sĩ là độc lập và trung lập.
Trong lịch sử của Thụy Sĩ, thời cận đại tính từ khoảng năm 1712. Năm 1798 Chính phủ cách mạng Pháp, thời Napoleon đã chiếm Thụy Sĩ, biến Thụy Sĩ thành quốc gia vệ tinh của Pháp. Năm 1815 Đại hội Wien tái lập hoàn toàn nền độc lập của quốc gia liên bang Thụy Sĩ.
Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ ra đời năm 1848, lập theo cảm hứng từ mô hình Hiến pháp Liên bang Hoa kỳ, là căn cứ pháp lý của nhà nước Liên bang Thụy Sĩ hiện đại. Một Hiến pháp mới được phê chuẩn năm 1999 nhưng không có các biến đổi đáng kể về cấu trúc Liên bang Thụy Sĩ, so với Hiến pháp 1848. .
Lịch sử hiện đại của Thụy Sĩ tính từ 1920 là năm Thụy Sĩ tham gia Hội Quốc Liên. Năm 1963 Thụy Sĩ tham gia Ủy hội Châu Âu. Năm 2002 Thụy Sĩ là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc. Thụy Sĩ không phải là thành viên của EU nhưng tham gia Thị trường chung Châu Âu.
Nền kinh tế của Thụy Sĩ: là nền kinh tế ổn định, thịnh vượng và công nghệ cao, nằm trong số các quốc gia phát triển nhất thế giới. Lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất là chế tạo. Thành phần kinh tế tư nhân áp đảo. Mức thuế thấp so với chuẩn phương Tây. Năm 2010, Thụy Sĩ là quốc gia có của cải bình quân cao nhất thế giới. Năm 2011 được IMF đánh giá đạt GDP (tính theo PPP) cao thứ 8 thế giới. Năm 2007 mức thu nhập hộ gia đình trung bình tính theo PPP là 137. 094 USD. Tỉ lệ thất nghiệp năm 2014 là 3,2% (mức thấp so với toàn Châu Âu và thế giới).
– Thụy Sĩ đã hoàn thành quá trình đô thị hóa trong 70 năm, biến đổi từ 1 quốc gia nông thôn thành 1 quốc gia đô thị. Hiện 3/4 cư dân Thụy Sĩ sống trong các đô thị. 50% nhu cầu điện năng của Thụy Sĩ được đáp ứng bởi thủy điện, 39% từ điện hạt nhân. Hệ thống phát điện hầu như không thải ra khí độc CO2.
– Thụy Sĩ có mạng lưới 5.250 Km đường sắt, dày đặc nhất châu Âu, chỉ riêng năm 2015 đã chuyên chở 596 triệu lượt hành khách. Trung bình mỗi người Thụy Sĩ đi 2.550 Km xe lửa / 1 năm. Gần 100% mạng lưới xe lửa đã điện khí hóa.
Năm 2000, Thụy Sĩ đã có hệ thống xa lộ cao tốc dài 1. 638 Km
* Giáo dục và nghiên cứu khoa học: Hiến pháp Thụy Sĩ ủy thác cho các bang có thẩm quyền về hệ thống trường học (cả công và tư). Có 12 trường đại học. Đại học Basel được thành lập từ năm 1460. Đại học Zurich, theo xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải thì xếp hạng thứ 20 trong số 500 đại học tốt nhất thế giới năm 2015. Năm 2003, số sinh viên nước ngoài học tại các đại học Thụy Sĩ chiếm 18%. Tại Geneve và tỉnh Air (Pháp) đặt phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới (CERN) về vật lý hạt nhân. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Thụy Sĩ đã từng có dự án về vũ khí hạt nhân để tự vệ nhưng sau khi có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ra đời thì đã ngưng dư án này.
* Y tế: Ở Thụy Sĩ, toàn thể công dân được yêu cầu mua bảo hiểm y tế và các Công ty bảo hiểm được yêu cầu chấp nhận bất cứ người nào nộp đơn. Năm 2010, chi tiêu cho y tế ở Thụy Sĩ bằng 11,4% GDP, ngang mức với Đức và Pháp. Chất lượng chăm sóc y tế ở Thụy Sĩ được người bệnh hài lòng.
* Tôn giáo: Thụy Sĩ không có quốc giáo. 75% công dân Thụy Sĩ theo Cơ Đốc giáo. Phật giáo chiếm 0,29%. 12% công dân tự nhận là vô thần.
* Văn hóa Thụy Sĩ: đa dạng, có nhiều phong tục truyền thống, gốc là văn hóa Tây Âu
* Văn học: Từ 1291 dạng văn học xuất hiện sớm nhất ở Thụy Sĩ được viết bằng tiếng Đức. Đến thế kỷ 18 có văn học viết bằng tiếng Pháp. Tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau được in rộng rãi và được nhiều người đọc ưa thích.
* Ở Thụy Sĩ các môn thể thao phổ biến nhất là trượt tuyết, trượt ván trên tuyết, leo núi, bóng đá, khúc côn cầu trên băng. Những thứ ăn uống được người Thụy Sĩ ưa thích là chocolate, rượu vang, sữa, fromage.
Nền chính trị hiện đại của Thụy Sĩ:
Hệ thống chính trị hiện đại của Thụy Sĩ có 2 đặc diểm nổi bật là Dân chủ trực tiếp và Chủ nghĩa Liên Bang. Có 3 cơ cấu quản lý chính ở cấp độ Liên bang là: Lưỡng Viện Quốc hội (cơ quan lập pháp), Hội đồng Liên bang (cơ quan hành pháp), Tòa án Liên bang (cơ quan tư pháp).
* Nghị Viện có 2 Viện: Hội đồng các bang gồm 46 đại biểu được bầu theo một hệ thống riêng do từng bang xác định và Hội đồng quốc gia 200 thành viên được bầu theo một hệ thống đại diện tỉ lệ tùy theo dân số mỗi bang. Khi 2 Viện họp chung thì gọi là Nghị Hội Liên bang.
Thông qua trưng cầu dân ý, công dân Thụy Sĩ có thể thách thức bất kỳ Luật nào do Nghị Viện thông qua và thông qua xướng nghị, có thể đưa các sửa đổi vào Hiến pháp Liên bang, biến nền dân chủ Thụy Sĩ thành nền dân chủ trực tiếp.
* Hội đồng Liên Bang gồm Chính phủ Liên bang, chỉ đạo Chính quyền Liên bang và giữ vai trò là cơ quan hành pháp cao nhất của quốc gia. Đây là cơ cấu hiệp nghị gồm 7 thành viên được Nghị Hội Liên bang bầu ra theo nhiệm kỳ ủy nhiệm 4 năm. Nghị Hội Liên bang cũng thực thị giám sát Hội đồng. Tổng thống Liên bang được Nghị Hội Liên bang bầu ra từ 7 thành viên này, theo truyền thống chức vụ này được luân phiên và có nhiệm kỳ một năm. Tổng thống chủ trì Chính phủ và đảm nhiệm các chức năng tượng trưng. Tuy nhiên Tổng thống là một người đứng đầu bình đẳng, không có thêm quyền lực, và duy trì là người đứng đầu một cơ quan trong chính quyền.
Chính phủ Thụy Sĩ, từ năm 1959 là một liên minh của 4 Chính đảng lớn. Mỗi đảng có một số lượng ghế trong Nghị viện, chúng phản ánh đại thể tỷ lệ cử tri và đại diện của họ trong Nghi Viện Liên bang.
* Tòa án Tối cao Liên bang có chức năng phân xử kháng án phán quyết của các tòa án cấp bang và liên bang. Các thẩm phán được Nghị Hội Liên bang bầu ra, có nhiệm kỳ 6 năm.
Nền dân chủ trực tiếp ở Thụy Sĩ:
Công dân Thụy Sĩ là đối tượng của 3 quyền lực tư pháp: tại cấp khu tự quản, bang và liên bang. Hiến pháp 1848 /1999 xác định một hệ thống dân chủ trực tiếp. Các công cụ của hệ thống này tại cấp độ liên bang được gọi là quyền dân chúng (Volksrechte, droits populaires) bao gồm quyền đệ trình một “Xướng nghi liên bang” và một “ trưng cầu dân ý”. Cả hai đều có thể lật đổ các quyết định của Nghị viện.
Bằng cách yêu cầu một “trưng cầu dân ý”, một nhóm công dân có thể thách thức một luật do nghị viện thông qua, nếu họ thu thập được 50. 000 chữ ký chống lại luật trong vòng 100 ngày. Nếu vậy, một cuộc bỏ phiếu toàn quốc được lên kế hoạch để các cử tri quyết định theo thể thức đa số giản đơn về việc chấp thuận hay bãi bỏ luật. Tập họp gồm 8 bang bất kỳ cũng có thể yêu cầu trưng cầu hiến pháp về một số luật của liên bang.
Về “xướng nghị liên bang”, Hiến pháp liên bang Thụy Sĩ cho phép công dân đưa một số sửa đổi hiến pháp ra bỏ phiếu toàn dân, nếu 100.000 cử tri ký tên vào sửa đổi được đề xuất trong vòng 18 tháng. Hội đồng liên bang và Nghị Hội liên bang có thể bổ sung sửa đổi được đề xuất bằng một phản đề án, sau đó cử tri phải cho biết ưu tiên gì hơn trong trường hợp 2 đề xuất được thỏa thuận. Các sửa đổi hiến pháp do đó bất kể tiến hành xướng nghị hay tại nghị viện, cần phải được chấp thuận bởi đa số kép theo phiếu phổ thông quốc gia và phiếu phổ thông cấp bang.
Trở lại việc Thụy Sĩ xây đường hầm Gotthard, Andreas Banholzer, người Thụy Sĩ, tại văn phòng du lịch Vaud ở Geneve nói: “Mọi công dân Thụy Sĩ đều có tiếng nói trước những gì xảy ra với đất nước, bao gồm cả việc xây đường hầm này. Chúng tôi cùng nhau quyết định mọi thứ. Trước đây miền bắc và miền nam Thụy Sĩ bị dãy núi Saint Gotthard chắn giữa tách đôi. Năm 1882 người Thụy Sĩ đã nối 2 phần bằng các đoạn đường ray xe lửa. Năm 1980 chúng tôi lại nối bằng một đường hầm cho xe hơi. Nhưng ô nhiễm không khí gia tăng, chúng tôi lại quyết định bỏ phiếu vào năm 1992 thông qua việc xây con đường hầm mới này”.

Tài liệu tham khảo:
Nước Thụy Sĩ – Bách khoa toàn thư (Wiki)
Thụy Sĩ – Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (Ivivu)
Thụy Sĩ – đất nước nhỏ nhưng đáng sống nhất thế giới (TTXVN)
Đất nước, con người, văn hóa, lối sống Thụy Sĩ (Bridge Blue)
Tại sao Thụy Sĩ giàu có và phát triển (VNN)
Đất nước Thụy Sĩ kỳ lạ hơn bạn tưởng (GenK)
Tại sao Thụy Sĩ là đất nước hạnh phúc nhất thế giới? (Zing)

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...