Lời đầu truyện: Người bạn của kẻ viết truyện ngắn này đã đọc bài thơ Mưa Cẩm Giang theo ký ức, nhưng không nhớ danh tính tác giả bài thơ và nhạc sỹ phổ nhạc bài thơ này. Người bạn phỏng đoán, cả nhà thơ và nhạc sỹ là những nghệ sỹ ẩn danh, sống tại Cẩm Giang – tỉnh Tây Ninh. Kẻ viết chỉ còn biết cảm tạ hai nghệ sỹ xem như ẩn danh ấy, với bài thơ phổ nhạc Mưa Cẩm Giang, nguyên ủy để truyện ngắn này được viết ra.
Tôi đến trọ căn gác nhà anh H. đã được ba tháng. Căn gác lui hẳn ra sau nhà, nhìn xuống khu đất bỏ hoang có ngôi mộ đá ong. Lên xuống cầu thang bên hông nhà, tôi chưa một lần vào căn phòng anh đang ở. Chúng tôi như hai người khách gặp nhau ở quán cà-phê gần đường tàu xe lửa, thỉnh thoảng hai người khách ấy lại gặp nhau ở đâu đó.
Tôi dậy sớm chuẩn bị đi Hòa Thành miệt Tây Ninh thăm người bà con, nhân tiện rong chơi vài ngày ở đấy. Lấy chiếc xe bên hông nhà, tôi nghe tiếng nói trong căn phòng tối:
– Sữa cho thằng nhỏ hết rồi đó.
Tiếng anh H.:
– Chắt nước cơm cho con uống đỡ đi.
– Uống lạt nhách vậy hả? Đường hết lâu rồi.
Tiếp sau cuộc đối thoại ngắn ngủi là cái bặt thinh.
Ra quán, tôi gặp anh H., như mọi buổi sáng. Tôi nói về miệt sắp đi. Anh nói chuyện chay tịnh:
– Vì lẽ công bằng của đất trời… Ông phải biết, loài ăn thịt hung dữ, không hiền hòa như loài ăn cỏ… Chay tịnh, cái đầu mới thanh thoát được.
Hóa ra, anh H. đã quyết định ăn chay trường từ mấy bữa nay.
*
Tôi dừng lại ở Cẩm Giang vì không thể đi tiếp. Trận mưa đổ xuống mù
mịt, gió xô dạt, không sao giữ được thăng bằng trên chiếc xe, có lúc sắp
bị đẩy xuống dòng nước dưới chân cầu. Chiếc cầu sắt dẫn vào Cẩm Giang.
Dáng núi Bà Đen xanh thẫm trước mặt sắp tan biến, nhà hai bên đường hiện
lên bập bềnh trong bức tranh mờ xám.Phải trú mưa, tôi vào quán cà-phê phía bên dòng sông. Dòng sông chảy xuôi chiều nhà cửa, quốc lộ. Quán sạch sẽ giản dị, chỉ thấy một ông già ngồi đọc sách. Cửa sau của quán mở ra bãi sông, lò nung gạch sát bên. Dòng mưa tuôn xuống những cột khói hình vuông nhô cao trên lò nung gạch hình quả trứng, đẫm ướt.
Ông già nhìn lên thấy tôi, gỡ kính đặt trên quyển sách để ở bàn.
– Mắc mưa lạnh dữ hả chú? Uống cà-phê nóng cho ấm.
Một cậu bé mang cà-phê ra chỗ tôi. Ông già lại nói:
– Giả pha không biết được chăng. Đứa cháu nội giúp việc ở lò gạch… Cẩm Thi đi Long Hoa chưa về.
Ông đẹp lão và giản dị như cái quán, nói chuyện cởi mở. Tôi được biết ông có hai lò gạch, còn cái quán thì con gái ông, Cẩm Thi, trông nom. Người con trai lớn của ông là bác sĩ, mở phòng mạch ở thị xã Tây Ninh.
Tôi uống từng ngụm nhỏ ly cà-phê tỏa hơi. Tiếng mưa ran mái quán, đôi khi ngớt, tôi nghe tiếng long bong trên mặt sông.
– Chú làm việc chi ở Sài Gòn?
Ông châm điếu thuốc lá, hỏi tôi. Tôi nói làm nhiều việc, nhưng chẳng công việc gì ra công việc gì. Ông cười, bảo:
– Mấy chú nghệ sỹ đâu chịu ràng buộc… Chắc chú có biên thơ biên văn chi đó. Tôi thấy chú thiệt giống chú nọ, bạn Cẩm Thi… Ờ mà không chừng chú biết chú nọ…
Cách ông nói chuyện không đòi người nghe đối đáp, vẻ như ở tôi gợi dậy ký ức ông điều gì đấy, và ông hồi tưởng. Ông nhắc tới con như nhắc tới bạn, và gọi chàng trai ông bảo là giống tôi bằng một tên gọi mơ hồ.
– Chú nọ cũng ghé quán buổi chiều có trận mưa thiệt lớn… Trận mưa kéo dài suốt đêm… Chú nọ thức nói chuyện… Cẩm Thi lúc nói, lúc im lặng, cũng thức suốt đêm ấy. Tôi dậy kêu tụi nhỏ đốt lò nung gạch, thấy chú nọ vẫn ngồi hút thuốc ngoài hàng ba… Tôi rất thông cảm nếu Cẩm Thi xúc động trước chú nọ. Nói thiệt chú nghe, giống như chú, ngó diện mạo phong thái chú nọ tôi có cảm tình, chỉ gặp một lần cũng đủ tin cậy…
Mái tóc dài bạc trắng chạy ra phía sau, nét mặt đẹp thanh thoát, tôi có cảm tưởng ông đang nhớ lại tuổi trẻ mình.
– Sáng ra, chú nọ lên đường. Cẩm Thi tâm sự tôi nghe về chú nọ… Tôi hiểu Cẩm Thi kết bạn khó tánh lắm… Một tuần sau đó, chú nọ trở lại. Hai bạn trẻ nói chuyện nhiều… Chú nọ trao tập thơ có biên bài thơ tặng Cẩm Thi… Thiệt ngộ, nửa năm sau có dịp về Sài Gòn, tôi mua được cuốn băng cát-xết nhạc mới, về nghe thấy bài thơ Mưa Cẩm Giang của chú nọ phổ trong bài nhạc. Tôi nghe thuộc lòng, để tôi đọc chú nghe.
Tiếng mưa vẫn ầm vỡ trên mái, ông xê dịch cái ghế tới gần để tôi nghe được bài thơ.
Đường dài thẳm nghe sông gió lộng
Đế giày mòn trọ quán đêm nay
Mưa Cẩm Giang niềm đau ai khóc
Đường sụt sùi mấy nẻo truông lầy
Uống cà-phê đen em mùa xanh tóc
Vị đắng trong đáy mắt ai say
Thoáng dư âm tiếng cười vỡ ngọc
Vẻ thơ buồn trăng sẽ tỏ bày
Tôi thường tìm đọc thơ nhưng chưa từng thấy bài thơ này, có thể vì bài thơ chú nọ làm riêng cho Cẩm Thi. Ông xê dịch cái ghế trở lại chỗ cũ, nhìn mông lung ra bãi sông. Bên gốc cây bông gòn, một khóm hoa um tùm, những bông hoa màu tím nở đầy dưới mưa, thứ hoa dại tôi thường gặp trong các nghĩa địa.
– …Hoa-khuất-dương, chú nọ kêu tên như vậy, chỉ nở khi chiều tắt nắng, chú nọ mang tới trồng. Tụi nhỏ đùa giỡn, đè giẫm muốn rụi. Cẩm Thi cố giữ, vun xới tươi tốt như chú thấy đó… Chú nọ ưa thứ hoa này. Thiệt tội…
Tôi không rõ ông nói thiệt tội loài hoa hay thiệt tội chú nọ. Tôi hỏi ông, người ấy còn trở lại nơi này?
– Đã bốn năm rồi… Khóm hoa khi chú nọ trồng chỉ có một cây nhỏ xíu… Cẩm Thi vẫn chờ… Chẳng biết chú nọ gặp chuyện chi. Hoặc giả, chú nọ không còn ở trên đời. Tôi từng nói vậy, Cẩm Thi biểu cũng từng nghĩ vậy; nhưng đã có đôi người dạm hỏi, Cẩm Thi lảng đi… Chuyện đó tôi tôn trọng… tôi hiểu mình không nên can dự, bớt đi hay thêm vô chút gì…
Trận mưa đã dứt, những cột khói bên lò gạch tuôn khói trắng đục lên bầu trời xám. Tôi sửa soạn đi Hòa Thành, chẳng bao xa, cách nơi này vài cây số. Ông già nói:
– Nếu chú không vội chi… Ở đây rộng rinh, dãy nhà bên lò gạch chú cứ nghỉ lại… Cẩm Thi sắp về tới, gặp chú chắc mừng lắm. Các chú nghệ sỹ, đời phiêu bạt…
Dù rất muốn ở lại gặp Cẩm Thi, nhưng cũng như ông nói, tôi không nên can dự, bớt đi hay thêm chút gì vào cơn mộng của cô gái.
Về Sài Gòn, tôi lại lên xuống căn gác trọ nhà anh H. Sáng ra gặp anh ở quán cà-phê gần đường tàu xe lửa, tôi nói về chuyến đi Hòa Thành, cuộc kỳ ngộ ở Cẩm Giang, về khóm hoa-khuất-dương và bài thơ của chú nọ. Anh H. ơ hờ nghe câu chuyện của tôi. Anh nói:
– Ông kể như ở trong tiểu thuyết.
Anh kéo tôi về chuyện chay tịnh của anh, bảo rằng anh đã ăn chay được tám ngày rồi, thấy người thơ thới nhẹ nhõm hẳn ra.
*
Đêm trăng mười sáu, tôi không thể ngủ, nối thuốc hút với cơn vương
vấn câu chuyện Cẩm Giang. Trăng ngoài cửa sổ. Đã khuya lắm, trăng đã lên
cao phía trên đầu, tôi nhìn xuống khu đất bỏ hoang có ngôi mộ đá ong .
Người nào đấy, xuất hiện từ bao giờ, đang đứng chỗ ngôi mộ, chợt quay
lại, và ngước nhìn lên ngay tức thì, thấy tôi bên cửa sổ căn gác. Anh H.Cả hai người không ai lên tiếng. Vẻ mặt anh thảng thốt. Anh vụt rời khỏi đấy, một khóm hoa-khuất-dương nơi anh vừa đứng, thấp thoáng hoa màu tím biếc dưới ánh trăng.
Trạng thái kỳ lạ, tê tái, đau buốt như vỡ mộng, tôi đứng hồi lâu, không biết bao lâu, bên cửa sổ căn gác trọ nhà anh H.
Nguyễn Đạt
rất thơ mộng
Trả lờiXóa