Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Năm mới, chỉ cần chúc nhau một chữ này là đủ

Năm Mới  Mời Đọc 1 Bài Trên Daikynguyen.com.

Đầu xuân năm mới đã lướt qua, bạn đã chúc và nghe được những lời chúc như thế nào nhỉ? Người ta thường chúc nhau những gì trong lòng mong mỏi: Người ốm yếu cần sức khỏe, người kinh doanh cần tài lộc, trẻ em đi học cần sáng dạ thông minh, vợ chồng trẻ cần con cái, v.v… Có một lời chúc thiết nghĩ rất quan trọng, mà không phải ai cũng nhớ đến.

Ngược dòng lịch sử hơn một thế kỉ về trước, « thần thơ thánh chữ » Tú Xương (1870-1907) đã « Chúc Tết » với nước mắt đằng sau những nụ cười.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Chúc nhau sống lâu trăm tuổi, trường thọ, vốn là điều lành. Sống lâu để tu nhân tích đức, ấy là điều ai cũng mong mỏi. Nhưng nếu sống lâu chỉ để…ăn trầu thì, theo nhà thơ, cũng không có ích gì lắm. Lại nữa:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Có một câu chúc hài hước khá phổ biến hiện nay là: “Chúc bác năm mới: tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”. Nếu ai cũng chỉ biết nhận thật nhiều về mình mà không biết cho, thì “gà ăn bạc” đâu chẳng thấy, chỉ có tình người “bạc” là có lẽ chắc chắn rồi.
                                            “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau…”
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Những câu thơ này phản ánh thực trạng xã hội thời đó, nhưng giờ đây đọc lên, sao vẫn thấy mủi lòng. Vấn nạn tham nhũng, mua quan bán tước thời nay lại càng nhức nhối. Nguyên nhân sâu xa có lẽ chính tại lòng người. Ai cũng ham được giàu sang, ai cũng ham có quyền chức, hỏi ai sẽ là người lao động bình thường chịu thương chịu khó?
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Ai cũng con cháu đề huề, Tú Xương mỉa mai rằng sẽ khiến cho phố phường chật hẹp, cuối cùng phải dắt nhau lên núi mà ở. Xin không bàn chuyện đúng sai, chỉ mạn đàm về truy cầu của con người. Có người đi chùa cầu xin rất nhiều thứ: sức khỏe, giàu sang, con cái, v.v… Người nào mà được cả những điều trên thì được gọi là “có phúc”. Mà “phúc” thảy đều từ “đức” mà ra, ông bà ta hay nói “phúc đức” là vì lẽ ấy. Vậy để mạnh khỏe, bình an và sung túc, nên chăng chúng ta nên vun bồi cội “đức”?
Đây rõ ràng cũng là lời nhắn nhủ của nhà thơ đối với người đời:
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
Lời chúc quan trọng nhất, Tú Xương đặt ở câu cuối cùng: Chúc cho tất cả sống đúng đạo đức làm người!

Khổng Tử nói: « Người quân tử quan tâm đến đạo đức, kẻ tiểu nhân khao khát ruộng vườn nhà cửa. Người quân tử quan tâm đến phép tắc, kẻ tiểu nhân mong cầu ân huệ.” Con người là anh linh của vạn vật, người xưa vẫn nói: “Nhân thân nan đắc” (Thân người khó được) là có đạo lý trong đó. Được thân người rồi, mà lại đánh rơi đạo đức, sống không “ra cái giống người”, trong truy cầu đủ loại dục vọng mà tạo nghiệp, tự mình hại mình mà không hay.

Theo khang Hy Tự Điển :     
“Đức” nghĩa là “Thiện mỹ, chính đại quang minh, trong sáng”. Cuốn “Thuyết văn giải tự” lại viết thế này: “Đức giả đắc dã, nội đắc vu kỷ, ngoại đắc vu nhân” (Tạm dịch: Người có Đức thì bên trong làm chủ được bản thân, bên ngoài đắc được nhân tâm). Trong tiếng Hoa, “Đức” và “Đắc” (được) phát âm gần giống nhau. Chẳng phải có Đức sẽ có được tất cả hay sao?

Mã Lương

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...