Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Cách động đất hình thành và những việc bạn nhất định phải biết khi nó xảy ra

Động đất là một trong các dạng thức thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp nhất nhưng không phải ai cũng biết những thông tin cơ bản về nó.
Phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BPBD) Sutopo Purwo Nugroho hôm nay cho biết ít nhất 82 người chết, hàng trăm người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại sau trận động đất mạnh 6,9 độ Richter xảy ra tối 5/8 trên đảo Lombok, đông nam Indonesia, theo Reuters.
Những căn nhà đổ sập trên đảo Lombok, đông nam Indonesia sau trận động đất mạnh 6,9 độ richter tối 5/8 (Ảnh: BBC)

Nhiều nơi như Nhật Bản xảy ra tới 126.000 trận động đất mỗi năm, tính ra trung bình cứ 4 phút/trận. Đây thực sự là dạng thức thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp nhất đối với con người. Và dưới đây là những thông tin bạn cần biết về nó.
Động đất là gì?
Động đất là hiện tượng rung động đột ngột của vỏ Trái đất, mạnh hay yếu tuỳ từng trận (xác định bằng độ Richter) do sự dịch chuyển các mảng kiến tạo hoặc các đứt gãy ở dưới mặt đất và truyền qua các khoảng cách lớn.
Một chấn động đơn độc thường kéo dài không quá vài giây, những trận động đất nghiêm trọng nhất cũng chỉ kéo dài tối đa là 3 phút.
Động đất là một trong các dạng thức thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp nhất (Ảnh: USA today)

Nguyên nhân dẫn đến động đất
Có ba nhóm nguyên nhân gây ra một trận động đất, bao gồm:
Đầu tiên là các nguyên nhân nội sinh. Chẳng hạn động đất hình thành do sụp lở các hang động ngầm dưới mặt đất, các vụ trượt lở đất đá tự nhiên với khối lượng lớn (loại động đất này thường chỉ làm rung chuyển một vùng hẹp và chiếm khoảng 3% tổng số trận động đất thế giới)
Động đất do núi lửa, chủ yếu liên quan với các hoạt động phun nổ của núi lửa (loại động đất này không mạnh lắm –chiếm khoảng 7%).
Đa số động đất xảy ra do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo (Ảnh: kienthuc)

Động đất kiến tạo (chiếm 90%) liên quan với hoạt động của các đứt gãy kiến tạo, đặc biệt là các đứt gãy ở rìa các mảng thạch quyển, vận động kiến tạo ở các đới hút chìm; liên quan đến hoạt động macma xâm nhập vào vỏ trái đất làm phá vỡ trạng thái cân bằng áp lực có trước của đá vây quanh làm đá phát sinh ứng suất và khi bị đứt vỡ thì xảy ra động đất; liên quan đến sự biến đổi tướng đá từ dạng tinh thể này sang dạng tinh thể khác gây co rút và dãn nở thể tích đá làm biến đổi lớn về thể tích cũng gây ra động đất.
Những tòa nhà đổ nát sau một trận động đất.
Thứ hai, các nguyên nhân ngoại sinh: động đất hình thành do thiên thạch va chạm vào trái đất.
Và cuối cùng, nguyên nhân nhân sinh: động đất xảy ra do hoạt động làm thay đổi ứng suất đá gần bề mặt đặc biệt là các vụ thử hạt nhân, nổ nhân tạo dưới lòng đất hoặc tác động của áp suất cột nước của các hồ chứa nước, hồ thủy điện.


Mức độ nguy hiểm của động đất
Động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần. Khi xảy ra động đất ở trong lòng đại dương, sức địa chấn đẩy khối nước khổng lồ lên cao. Trong khoảng mấy trăm km2 khối nước bị đẩy lên cao rồi rơi xuống, tạo ra những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền. Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu. Do lòng đất bị nứt ra tạo cơ hội cho nhũng dòng magma phun trào. Những hiện tượng này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra những tai họa không lường.
Động đất tạo ra sóng thần đánh vào bờ biển Nhật Bản năm 2011 (Ảnh: vnexpress)

Vì động đất xảy ra rất bất ngờ cũng như tính chất nguy hiểm của nó, trong khi chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nó, nên cách duy nhất để đối phó là làm sao để giảm đến mức tối đa thiệt hại mà động đất gây nên.
Độ lớn của động đất
Độ lớn của động đất M hay còn gọi là độ Richter, được hình dung dựa trên cấp độ như sau:
Từ 1 – 2: Không nhận biết được.
Từ 2 – 4: Có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại.
Từ 4 – 5: Mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể.
Từ 5 – 6: Nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt.
Từ 6 – 7: Nhà cửa bị hư hại nhẹ.
Từ 7 – 8: Động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất.
Từ 8 – 9: Nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng.
Trên 9: Rất hiếm khi xảy ra.
Những trận động đất có M > 7 không xảy ra khắp mọi nơi mà thường tập trung ở những vùng nhất định, gọi là đới hoạt động địa chấn mạnh.
Bạn cần làm gì khi xảy ra động đất?
1. Ngay lập tức tìm chỗ trú ẩn ở các vị trí được gọi là “Tam giác sự sống”. Khi tòa nhà sụp đổ, trần nhà sụp xuống và đè lên các vật phía dưới hoặc đồ đạc, gây sức ép trực tiếp lên chúng, và tạo ra một khoảng trống kế bên các vật đó – chứ không phải ở dưới các vật đó. Người ta gọi khoảng trống đó là “Tam giác sự sống”. Đồ vật càng lớn, càng chắc chắn, khả năng chúng bị biến dạng càng thấp, khoảng không được tạo ra càng lớn, khả năng sống sót cho người ở trong khoảng không đó càng cao. Tránh tuyết đối chạy ra ngoài khi động đất vừa xảy ra. Do lúc động đất mới xảy ra các vật sẽ bị rơi khá nhiều, ví dụ như đèn, mảnh kính, v.v… 
Tam giác sự sống (Ảnh: khoahoc)

2. Hãy ở trong nhà cho đến khi hết rung động và đã an toàn để ra ngoài. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết các chấn thương xảy ra khi những người ở trong nhà đang cố gắng di chuyển sang vị trí khác hoặc cố gắng dời nhà.
3. Khi cơn chấn động đầu tiên qua đi, tốt nhất hãy mở sẵn cửa, tắt hết ga và các nguồn điện không cần thiết. Nhớ khóa ga vì cháy, nổ, ngạt khói là thứ tối kỵ mà bạn phải tránh. Mở cửa để tránh bị kẹt cửa và bạn có thể thoát ra ngoài sau đó. Nếu nhà bị siêu vẹo và khóa cửa bị kẹt thì sẽ rất khó để bạn tự bò ra ngoài.
Cần trú ẩn tại các vị trí tam giác sự sống thay vì dưới gầm bàn (Ảnh: akira)

4. Nếu bạn đang ở ngoài đường, hãy tránh xa các nhà cao tầng, cột đèn, điện và các hệ thống dây công cộng.
5. Tuyệt đối không đứng dưới ô cửa và rầm cửa khi động đất xảy ra.
6. Nếu đang ở các tòa nhà cao tầng, không nên đi đến cầu thang. Ngay cả khi cầu thang không bị sụp đổ bởi trận động đất, chúng có thể sụp đổ sau khi quá tải bởi những người bỏ chạy.
Việt Nam là một quốc gia nằm trên khu vực có mảng kiến tạo ổn định, nhưng không phải là không thể không xảy ra các trận động đất lớn. Động đất đáng sợ nhưng sẽ không phải là mối nguy hiểm lớn với tính mạng của con người nếu bạn biết cách bạn chuẩn bị và ứng phó với động đất như thế nào. Hãy trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về động đất để luôn đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.
Hoài Anh (daikynguyen/tv)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...