Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

ĐỜI NGƯỜI QUA BỐN MÙA

  
                      
  ĐỜI NGƯỜI QUA BỐN MÙA
       Cuộc đời con người so với thiên nhiên thì cũng có 4 mùa: lúc mới sinh là mùa Xuân, cây cỏ đâm chồi, trăm hoa đua nở… Đến lúc trưởng thành là mùa Hè ấm áp, trời cao trong xanh, ánh nắng rực rỡ, thú vật cây cối vươn đầy sức sống, bước vào đời với tất cả tiềm năng, kỳ vọng, với tất cả khả năng sẵn có và kinh nghiệm tích luỹ… Khi bước sang tuổi luc tuần trở đi thì như bắt đầu mùa Thu, trời khi mưa khi nắng, lác đác lá vàng rơi rụng! Và đến lúc «gần đất xa trời» thì như mùa Đông lạnh lẽo, vạn vật không còn sung mãn tươi tốt, bầu trời không còn trong xanh mà chỉ còn một màu xám lạnh lẽo…
      Thế nhưng ngoài bốn mùa tiếp diễn tượng trưng cho một đời người thì bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cũng còn diễn biến trong đời sống mỗi người trên phương diện thành đạt, tình cảm hay vật chất nữa. Trên các phương diện này thì thứ tự diễn biến không còn tuân theo định luật tự nhiên là Xuân, Hạ, Thu, Đông và thời gian tác động cũng không nhất định, dài ngắn không chừng, từ Xuân chuyển trực tiếp qua Đông hay từ mùa Thu buồn bã bước hẳn sang mùa Hạ rực rỡ nắng vàng trong chốc lát!
      Sự đổi mùa trong đời sống tình cảm, vật chất hay sự thành đạt nói nôm na là «lên voi xuống chó» hay nói cho văn chương một chút là «sự thịnh suy» của đời người, mà cường độ và thời gian cho mỗi người không ai giống ai mặc dầu có thể là ở trong cùng một «bối cảnh»…
      Cái «thịnh» cùng cái «suy» của mỗi người tuỳ thuộc rất nhiều vào cá tính, khả năng và nền giáo dục hấp thu được ngoài ra cũng không quên được một phần nhỏ do «may mắn». Người xưa thường nói «có phước làm quan, có gan làm giàu» hay «phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc» những câu nầy muốn xóa đi cái tính «chủ động» của sự thành công hay thất bại của mỗi người và chỉ nâng cao những «yếu tố ngoại vi» tác động lên mỗi người để tạo ra sự thịnh suy!
      Nhưng ngay cả việc chấp nhận tác động ngoại vi lấn át tính chủ động trong mỗi người, người ta cũng không còn giải thích được cho không nhỏ những trường hợp nổi bật trong xã hội VN hiện nay:
• Cha mẹ, ông bà làm toàn việc thất đức nhưng con cháu vẫn là quan to chức lớn và tiếp tục con đường « hoạn lộ thất đức » thênh thang vạch sẵn. Cha mẹ ông bà tu nhân tích đức nhưng con cháu vẫn «Trần Minh khố chuối»!
• Người gan teo, mật nhỏ nhưng vẫn giàu sụ, tiền vẫn rơi từ trên trời xuống như mưa lũ mùa đông!
• Người gan dạ, có chí làm ăn nhưng vẫn gặt hái từ thất bại này đến thất bại khác.
• Người phú qúy nhưng lễ nghĩa cố tìm vẫn không thấy, lỗ mãng, hung hăng, hỗn láo còn hơn cả thứ « đá cá lăn dưa » ngoài đường.
• Là người bần cùng nhưng «giấy rách vẫn giữ lấy lề» chịu khó chịu khổ, không hề làm gì hoen ố đến thanh danh phẩm giá con người.
        Nếu như vậy thì là chỉ do cái tính «chủ động» đã tác động lên những trường hợp đó? Cũng không phải như vậy nốt! Những yếu tố chủ quan và khách quan của xã hội, của đời sống hiện nay là gì để có thể tạo nên những «thành phẩm độc đáo» như vậy?
• Yếu tố khách quan: nền tảng xã hội không có, mọi thứ đều dựa trên những giá trị «hoang tưởng», từ kinh tế đến giáo dục, từ gia đình đến xã hội, mỗi cá nhân mỗi tập thể tự tạo cho mình một «cái nhìn khách quan» để làm phông màn cho chính mình mà không dựa được trên một căn bản hay một giá trị nhất định nào cả. Cái gì cũng có thể mua được và cái gì cũng có thể bán được!
• Yếu tố chủ quan: sự thành công không thể đánh giá được qua khả năng hay lý trí của từng người, mà qua sự «khôn khéo» (biết lọc lừa, biết tráo trở), «mềm dẻo» (biết luồn cúi, biết đi đêm), sự «nắm bắt » thời cơ (ngay cả thời cơ « phi nghĩa » và «phi nhân»).
Tiến trình « nhân hoá» đã trải qua hàng triệu năm, từ thuở « ăn lông ở lỗ », « ăn thịt đồng loại » cho đến con người văn minh ngày nay, « nhân tính » đã xoá bỏ được hoàn toàn « thú tính » của con người không ? Hay « thú tính » chỉ ở tình trạng « Đông Miên » (hibernation) và một ngày nào đó với một yếu tố kích động ngoại vi (hay nội vi?) cái thú tính này sẽ trỗi dậy và tạo nên cái «thịnh đáng nguyền rủa»?
      Những thay đổi «chắp vá» trong tư duy hay hành động của mỗi người tuy là « chắp vá » nhưng cũng có được cái gọi là «bắt đầu» nhưng tiếc thay những thay đổi đó ví như một ngôi nhà đã bị mối mọt từ lâu nay chỉ thay thế một số cột, kèo hư nát (thấy rõ) nhưng ngôi nhà vẫn còn đó, mối mọt vẫn tiếp tục đục khoét và một ngày nào đó ngôi nhà sẽ trở thành một đống gạch đổ nát.
      Muốn có mùa Xuân trong cuộc sống thì phải mạnh dạng ươm trồng cây, hoa như vậy thì mới có việc «đâm chồi này lộc» được, muốn có mùa Hạ ấm áp đầy sinh khí thì đừng có chui rúc mãi dưới đáy giếng để chỉ «thấy trời bằng vung» mà phải vươn vai đứng thẳng, nhìn thẳng vào bầu trời trong xanh mà tính chuyện chắp cánh bay xa, mà duy trì nắng ấm, mà đẩy lùi mưa gió, mà tính chuyện sưởi ấm khi Đông sang, có như vậy thì mùa Thu ảm đạm, mùa Đông lạnh lẽo mới rút ngắn lại và nhường chỗ cho mùa Xuân mùa Hạ, làm rực rỡ cho cuộc sống, làm hưng thịnh từ con người đến xã hội, xóa đi được phần nào những suy thoái đã đâm mầm mọc rể lâu nay.
       Xuân Hạ Thu Đông của một đời người là định luật thiên nhiên, nhưng Xuân Hạ Thu Đông của cuộc sống thì vẫn còn trong tầm tay của mỗi người, nếu mình tự nhận biết được «cái 4 mùa» trong cuộc sống của mình thì đã là một điều hay và là một nền tảng vững chắc cho sự thành công tương lai.
       Sự thành công của một cá nhân có thể thực hiện được qua một đời người, nhưng tạo được mùa Xuân mùa Hạ, đẩy lùi được mùa Thu mùa Đông cho cả xã hội thì phải qua nhiều thế hệ và với điều kiện là mỗi người phải kiên trì đóng góp một tay.
       Nhưng nếu thấy đường xa mà ngại bước, núi cao mà không trèo thì rồi quanh quẩn cũng chỉ là «cỏ mọc ven đường» chứ không bao giờ có được cây Tùng cây Bách chứ đừng nói chi là rừng xanh bách thú.
      Bước qua tuổi lục tuần, nhìn lại Xuân Hạ Thu Đông mà chẳng vui cũng chẳng buồn, chỉ lo cho lớp trẻ sau này có còn chăng được những ngày Xuân tươi thắm, những ngày nắng Hạ rực rỡ? Hay sẽ bị cuốn trôi vào giòng nước lũ của một số người vô luân mà mất đi những gì cao quý của một con người?
      Phật đã dạy cách sống một đời như “bốn mùa đầy màu sắc”: Đời người có sinh lão bệnh tử, thời tiết có Xuân Hạ Thu Đông. Lấy bốn mùa để ví như một đời người.
      Mùa Xuân trăm hoa nở rộ, tràn đầy sức sống, giống như năm tháng niên thiếu, sáng lạng, rực rỡ.
      Mùa Hè ánh nắng chói chang, vạn vật hưng thịnh, như tuổi thanh xuân cường tráng, tràn đầy lý tưởng, nhiệt huyết.
      Mùa Thu những chiếc lá rơi chầm chậm, mặt đất có một chút tiêu điều, tượng trưng của cuộc sống về già, cô đơn hoang vắng.
      Mùa Đông tuyết tuyết phủ kín mặt đất, những ngày cuối năm lạnh lẽo, như người cuối cùng của cuộc sống, dần dần phai mờ rồi ra đi vĩnh viễn.
      Trên nhân gian, bởi vì bốn mùa luân phiên biến đổi sắc màu, đời người cũng giống như bốn mùa, cuộc sống phong phú dạt dào thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời.
       Vậy làm sao chúng ta có thể sống một cuộc sống phong phú đầy màu sắc như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông?
1- Sức sống như mùa xuân, phồn hoa như gấm vóc:
      Con người đến với thế giới, thời thơ ấu có bố mẹ yêu thương che chở, cuộc sống vô lo vô nghĩ. Mãi đến tuổi thanh niên, kết giao bạn bè, biết đến tình yêu nam nữ, tràn đầy lý tưởng.
     Vào thời điểm này thể lực, tinh thần là rất mạnh mẽ không gì so sánh được, mặc dù chưa thể 'hô mưa gọi gió', nhưng chỉ cần chăm chỉ, cơm áo của nhân gian vẫn được ấm no.
      Nhưng ý nghĩa của cuộc sống, không chỉ vì 3 bữa ăn no mỗi ngày, nên sống một cuộc sống như mùa xuân ‘đâm chồi nảy lộc’, là sinh mệnh của mùa xuân, hứa hẹn lộng lẫy như gấm vóc, nên thoải mái tận hưởng, sống hết mình, để những năm tháng thanh xuân lấp đầy tình yêu, hạnh phúc.
      Cuộc sống có tình yêu mới có hi vọng, mới thấy sống không vô nghĩa.
2- Tính cách phải giống như mùa hè, ấm áp và hữu ích:
      Sinh mệnh của con người phải sống giống như một mùa hè, dạt dào sinh khí, đặc biệt tính cách phải giống như ánh mặt trời buổi ban trưa, tràn đầy nhiệt huyết, vì dâng hiến cho thế giới, vì chúng sinh phục vụ.
       Người có nhân cách giống như ánh mặt trời có thể chiếu rọi thập phương, vạn vật được chiếu rọi bởi ánh hào quang sẽ ngày càng phồn thịnh.
Nhân cách một người có ấm áp, nhân hậu mới có ích cho đời, cho người. Vì vậy, cuộc sống tràn đầy nhiệt huyết, khắc tiến khắc lui, tất nhiên, đời người cũng phải có vui có buồn.
Thứ ba, hành vi giống như mùa thu, nội tâm bình thản:
       Mùa xuân, mùa hè đi qua, mùa thu sẽ đến. Điều này cũng giống như đời người đã từng trải qua những tháng ngày tôi luyện.
      Sau khi sinh mệnh đến tuổi trung niên, suy nghĩ, hành vi đến giai đoạn trưởng thành, cũng giống như ngũ cốc, trái cây đến mùa thu, từ từ kết bông, trưởng thành.
      Cuộc sống sau nhiều năm đào tạo, đến giai đoạn trưởng thành, đã biết làm thế nào để truyền nhận lợi thế, làm thế nào để sử dụng sự trưởng thành của mình, cái gọi là ‘hương thơm quả ngọt’ đến phân phát cho nhân gian. Cho nên, đời người như mùa thu, đừng đau khổ khi mình bắt đầu già đi.
      Trong thực tế, tinh hoa của đời người, ý nghĩa của đời người chính là ở trong những năm tháng trưởng thành của mùa thu, thậm chí ngay cả đến lúc nghỉ hưu, cũng có thể tạo ra ‘mùa xuân thứ 2’.
      Ví dụ, trong quá khứ bận rộn với sự nghiệp riêng, bận rộn chăm sóc gia đình, bây giờ đã nghỉ hưu, đúng lúc có thể làm việc thiện cho xã hội.
      Con người vào thời điểm này, do có khôn ngoan của bản thân, kinh nghiệm phong phú, vì vậy cuộc sống mỗi ngày, có thể hơn hẳn nhưng năm tháng xưa cũ.
4- Suy nghĩ như mùa đông, trưởng thành và thận trọng:
      Đời người vào mùa đông, suy nghĩ đến giai đoạn trưởng thành, bạn có thể đi du lịch khắp thế giới, tăng kiến thức, có thể chơi đùa với con cháu, tăng niềm vui, có thể viết sách, làm từ thiện, đưa ra những bài phát biểu có lợi cho xã hội...
      Vì vậy, cuộc đời đến mùa đông, không được cho rằng mình đã già, không còn làm được gì có ích. Trên thực tế, mùa đông là lúc thành công kết trái trọn vẹn, chỉ muốn lưu lại tất cả vui buồn của nhân gian, thậm chí ngay cả những đóa hoa héo tàn.
       Nhưng hạt giống chôn trong đất, còn sợ một ngày nào đó không nảy mầm, phát triển. Vậy con người còn sợ sinh mệnh không thể tiếp tục sống sao?
       Vô Môn thiền sư nói: “Mùa Xuân có hoa, mùa Thu có trăng, mùa Hè có gió mát, mùa Đông có tuyết, giống như việc không đáng nghĩ thì không nên để trong lòng, miễn là mọi người có thể được tự do, sống nhẹ nhàng bình thản”.
       Đúng vậy. Mỗi mùa đều có cái hay, cái đẹp, cái đáng quý và cũng có cái không hay nữa. Đời người cũng thế. Ai bảo tuổi Xuân không có tai ươn, ách tắc, phiền não âu lo?
Ai thấy mùa Hè trăm hoa đua nở mà không có phong ba bão táp, nắng hạn oi bức khô cằn và rừng thiêu, đất sụp?
       Còn mùa Thu của đất trời và tuổi Thu của con người? Thu sầu. Thu ãm đạm. Thu chim la, dế thãm, lá xào xạt khóc than, nai ngơ ngác tủi buồn. Nhưng nếu muốn sống vui thì sẽ thấy mây đẹp, tiếng chim hót trên cành, tinh thần thoãi mái lặng lẽ mà hưởng gió ngắm trăng.
       Cuối cùng của dòng xoay bốn mùa là mùa lạnh rét, xót xa. Cái lạnh thiên nhiên như cắt da, xé thịt. Cuối đời của một kiếp sanh 4 mùa cũng âu sầu thãm não và nhọc nhằn đi đứng, như cái lạnh của thiên nhiên. Ngồi một mình, âm thầm tự nghĩ: đời có gì, còn lại gì để mang theo. Buồn và buồn. Nhưng nếu muốn cho thanh thãn nào có khó gì. Đông lạnh lẽo nhưng có nàng tuyết trắng đẹp tuyệt vời, có lạnh mới biết tiếc cái ấm đã qua, mới biết giá trị của chiếc khăn quàng vấn cổ, chiếc vớ úm chân, cái thơm tho ấm cúng của ly cà phê trên bàn, tấm choàng trên giường ngủ và lời an ủi thăm hỏi của các cháu, các con và nhất là cái mĩm cười tươi trên nét mặt méo mó, da cằn nhưng đầy cảm thông ấm cúng của người bạn đời trong không khí mùa đông lạnh lẽo.
       Đời là thế! Thiên nhiên cũng thế! Tất cả cái đẹp, cái không đẹp của bốn mùa của thiên nhiên và của cuộc đời của con người đều giống nhau.
        Muốn hưởng bốn mùa thì PHẢI BIẾT HƯỞNG từng mùa một.
Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm và viết iại______________________________

1 nhận xét:

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA Của Trang Trình Và Vô Danh Tiểu Bối

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA   1 -THÚ NHÀN * TRẠNG TRÌNH Nguyễn Bỉnh Khiêm   Một mai một cuốc một cần câu Thơ thẩn nào ai vui thú nào! ...