Hôm nay (6/8), Nhật Bản đã tổ
chức lễ tưởng niệm 73 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố
Hiroshima, khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng.
Đúng 8h 15′ (giờ địa phương, ngày 6/8),
những hồi chuông tưởng niệm vang lên tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình
Hiroshima, Nhật Bản. Buổi lễ có sự tham dự của đại diện tới từ 85 quốc
gia và Liên minh châu Âu.
Gần 50.000 người tham dự đã dành 1 phút
mặc niệm đúng vào thời điểm quân đội Mỹ ném quả bom nguyên tử “Little
Boy” xuống Hiroshima.
Trong tuyên bố Hòa bình năm nay, Thị
trưởng Kazumi Matsui hối thúc Chính phủ Nhật Bản thông qua Hiệp ước cấm
vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Ông Matsui cũng cảnh báo về khả năng xảy
ra những căng thẳng về vũ khí hạt nhân như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ông kêu gọi các quốc gia nỗ lực để xây dựng một thế giới không phổ biến
vũ khí hạt nhân thông qua đối thoại, trong đó có việc giải quyết những
căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trong buổi lễ tưởng niệm năm nay, Mỹ đã cử đại diện đến Nhật Bản tham dự sau 3 năm vắng mặt.
Trước đó, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân
của LHQ đã được thông qua bởi 122 quốc gia vào tháng 7 năm ngoái. Tuy
nhiên, Nhật Bản – quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử, đã
từ chối tham gia Hiệp ước này.
Sau khi Thị trưởng Matsui kết thúc bài
phát biểu, hàng chục chú chim bồ câu đã được thả ở công viên như một cử
chỉ tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ ném bom 6/8/1945.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tham
dự buổi lễ. Ông cam kết, Tokyo sẽ làm cầu nối và dẫn đầu các nỗ lực quốc
tế trong vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) tại buổi lễ tưởng niệm. (Ảnh: AFP)
Lãnh đạo Nhật Bản tuyên bố, Tokyo sẽ
“duy trì 3 nguyên tắc phi hạt nhân”, gồm không sản xuất, sở hữu và cho
phép có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ; nỗ lực để tạo cầu nối giữa các
cường quốc hạt nhân và các quốc gia phi hạt nhân; xây dựng một thế giới
không vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio
Guterres đã kêu gọi tất cả các nước bằng hành động thiết thực của mình
hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ
của cộng đồng quốc tế đối với những nạn nhân còn sống sót sau thảm họa
hạt nhân tại Hiroshima.
Ông Guterres cũng cảnh báo về tình hình
căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như sự
mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Hiroshima nằm cách thủ đô Tokyo khoảng
700km về phía tây, là một trong 2 thành phố của Nhật Bản phải hứng chịu
bom nguyên tử của Mỹ năm 1945. Sự kiện đã san phẳng thành phố này, cùng
với Nagasaki.
Vụ việc đã cướp đi sinh mạng của hàng
trăm nghìn người, chưa kể vẫn còn nhiều người phải sống với những nỗi
đau thể xác và ký ức kinh hoàng.
.
An Yên
Thảm họa nguyên tử là vô cùng lớn
Trả lờiXóa