Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Chuyện Tầm Phào : THIỆT LÀ KHỔ ( Chuyện về cây Sưa ) - Bùi Tho *


 Ông già Nguyễn trung Quân ở thành phố Long Xuyên, an dưỡng cái tuổi 70 của mình bằng cách chơi hoa lan, hoa kiểng thấy mà thèm. Nhưng mới đây ông ta có thêm một tin vui khá hào hứng vì đã tìm được giống một loại cây vô cùng quí giá, ông cho biết cây được trồng mọc phát triển rất tốt và theo đúng như dự kiến là 10 năm sau sẽ khai thác  bán với giá  mười mấy, hai mươi triệu một kí lô lận, quá mừng đi chứ. Nó phát triển tựa như cây keo tràm, cây bàng Đài loan thì chí ít phải nặng hàng tấn thì tiền đâu mà để cho hết.
 Ông gọi điện báo tin vui cho tôi và nhờ tôi cho biết một số thông tin cần yếu về cây cực kỳ qui hiếm này, ổng sợ rằng khi nghe tin ông trồng cây quí, khách thập phương tứ hướng và không chừng đám tây ba lô, các tours du lịch quốc tế đến tìm hiểu thì không biết đường nảo, đường nao mà trả lời.
       Tình bạn già chúng tôi là thế, không phải chỉ có bạn thường đâu bạn đồng tịch đồng sàn, bạn đồng môn đó, cho nên biết cậy nhờ ai, nhờ mấy bạn trẻ thì ổng mắc cỡ, sợ bọn nhỏ nó khinh vì nó có bằng kỹ sư tiến sĩ…, vậy thì hỏi bạn già, nêu có nói không đúng thì coi như già cả lú lẩn rồi phải không?
        Rõ ràng cây ông Quân hỏi đúng là cây vô cùng quí giá, bởi đâu đâu người ta cũng nói, báo viết, báo mạng, phim ảnh, vườn ương sản xuất giống, thầu nậu gỗ, lâm tặc, các đại gia, các sư phong thủy….
cái nhóm  thương lái từ “Chung quả” qua Việt nam lùng mua thì không biết danh tính, công ty nào ở bên ấy , đầu tiên là mua về đển xây dựng công trình Olympic Bắc Kinh rồi từ đó nó rùm beng từ Bắc chí Nam. Ở Hà nội thì nạn chặt trộm, ở Ba tơ Quãng Ngãi thì vào rừng xăm soi mấy gốc cây mục cách nay vài trăm năm, ở Pleiku, Darlak thì phá nhà rông ,gở sườn nhà, tháo hàng rào bán bạc tỉ, cái tầm cỡ loại cây như thế cho nên khi được ông Quân đặt câu hỏi, mình điếng người bởi lẽ ông ta là người miệt ruộng lại trồng cây rừng, hỏi người ở trên rừng, học nghê rừng như thách đố rồi.
Thực sự cái nghề của mình đã lâu không thèm ngó đến còn nhớ gì biết gì mà trả lời, tưởng ổng hỏi các loại cây như  mù u ,Điền điển, cây Đước , cây Bần  Hoặc cao hơn một chút là Sao,  Dầu, Vên Vên, Me, Muồng, Tràm,   hay Gõ Đỏ, Căm Xe…còn biết đường trả lời. Đàng này  cái loại cây mà ngày xưa  đóng bàn ghế giường tủ cho vua chúa dùng, làm hòm ướp xác..nó ở tận biên giới phía bắc..từ lúc đẻ ra tới giờ có lần nào thấy nó đâu mà biết, để mà trả lời.
Không trả lời thì quá “ quê “ đi chứ ! trả lời thì biết gì mà trả lời? Trời đất sinh chi cái cây kỳ lạ đó ? Đã sinh tui còn sinh chi cái ông già “cắc cớ xứ Long Xuyên đó chứ” !
Thiệt là khổ !
         Với ông Quân , vì tình bạn chí cốt cho nên tôi cố vận dụng hết công lực của mình để cố trả lời cho ông ta rỏ, thấy tội cho bạn vì cây mọc xinh đẹp quí báu như vậy mà lỡ có phái đoàn khoa học nước ngoài đến tham quan hỏi han không biết trả lời cũng tội thiệt !
Vì vậy từ khi nghe câu hỏi đó, tôi nguyện ăn chay nằm đất cho tâm thần thư thới để suy gẫm, vận dụng trí lực hòa nhập vào từ trường vũ trụ như các nhà ngoại cảm để xuất hồn đi đây đi đó, hi vọng xuống Rạch giá gặp Thầy Lê văn Ký  qua tận  nước Đức để gặp thầy Lê Thiệp, thầy Honninger hoặc sang tận Canada tìm gặp Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, …Cũng có thể lạc vào cảnh giới siêu nhiên lạc cảnh gặp được thầy Đồng Phú Hộ, Kỹ  sư Bùi Xuân Thanh.. nếu may mắn gặp được nhà thực vật học Gagnepain thì tuyệt biết bao vì để học, để hỏi cố tìm cho thật nhiều, hiểu biết thật nhiều của loại cây quí này về truyền đạt cho bạn già của tui cho trọn cái nghiệp ‘ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu “
      Thấm thoát  mà đã gần một tuần trăng, người cứ thờ thờ thửng thửng, ăn không ăn ngủ không ngủ, làm cho bà nhà tôi bắt đầu là lo  chăm chút xem có bệnh hoạn gì không ? chã có bệnh hoạn gì.  Sau đó nghĩ khác lại bắt đầu giằng giọc, ở cái tuổi này mà còn tơ với tưởng? phải lòng con nhỏ nào rồi phải không?? Bà ây tưởng mình tương tư ?
*
….Tôi ngồi ở đây không biết bao lâu rồi, cái không khí gây gây lạnh sao thấy lạ quá, chã lẽ Sài Gòn đang lập đông?

 Đi thăm mấy đứa cháu nội nhưng bố mẹ nó dẫn nó đi bơi rồi, một mình thất thểu vào Thảo Cầm Viên tìm lại cái thời thơ ấu ngày xưa tới đây tìm đọc và học tên các cây rừng, hay nhớ lại cảnh làm quen với các nường nữ sinh Trưng vương… hình ảnh xưa đâu không thấy mà cứ mỗi ghế đá có một cặp nam thanh nữ tú ngồi âu yếm nhau chẳng một chút e dè, mình bỗng thấy mắc cỡ quá xá, đành nằm  chiếm lĩnh luôn cái ghế đá, chứ không có cặp nhân tình nào đó bất kể có người vẫn đến ngồi rồi diễn trò yêu thương nhau thì mình làm sao mà chịu nổi, mắt lim dim dưới tàng cây lá thưa đang thả thòng những chùm hoa như hoa đậu màu trắng, thoang thoảng chút hương, thì bên kia tấm pa nô quảng cáo một tiếng nói vang lên :
- “Chính nó đây, đích thị nó rồi vì các ông ơi, các ông thấy ở gốc nó có một cái lồng sắt bảo vệ đây này, cây cực quí đây.
- Cây gì mà quí vậy
- Ái dà, cái ông này chã xem báo gì cả. cây Sưa đó.
Ghé mắt nhìn qua thì thấy khá nhiều người đang tập trung dõi mắt xăm soi cái cây mà tôi đang nằm núp bóng, tôi nghĩ thê vì một cuộc đối thoại bắt đầu :
-Tên Sưa lạ quá, tên tiếng Tàu hay của người miền núi xứ mình?
-Có thể là của người Thái, người Tày, Nùng gì đó nghe nói nó mọc gần biên giới gần Tầu mà.
     -  Nó có tên là trắc trắng ông ơi, vì các ông thấy nó ra hoa màu trắng đúng không? Có tiếng nói bâng quơ “thế thì cây trắc đen nó ra hoa màu đen nhỉ”
Thêm một giọng mới:
- Còn xứ tôi gọi là Trắc Thối các ông ạ, không tin các vị cứ gom lá tươi của nó dồn đống cho đến lúc rửa ra thì có mùi thối .
Một người Nghệ an lên tiếng:
” Đằng trong xứ tui gọi là gỗ Huê, hay là Huê Mộc các ông nà, mới năm ngoái đây thôi người ta bắt gặp một gộc to ở đưới lòng suối Tróc đấy, biết bao công sức mới vớt lên được nghe nói đấu giá bán bạc tỉ đó.
Với giọng Quảng lên tiếng “ Ở xứ tui Ba tơ , không thấy cây nào nhưng người ta vẫn vào rừng xăm xoi tìm gốc gỗ mục vì cả mấy trăm năm trước cây đã bị hạ làm đồ dùng cho vua chúa rồi.
Giọng Nam bộ khề khà :
-Có gì là lạ đâu ? Nhìn dáng cây và cái lá, miệt trong tui gọi là cây Huỳnh Đàn đó các ông.
cũng giọng miền nam nữa nói “ Chỗ tui gọi là cây Huỳnh Đường  anh ơi“
yên lặng một hồi, tưởng như chấm dứt cuộc hội thảo. thì một người lên tiếng  trịnh trọng:
-Thú thật với các bác, không phải tôi khoe chứ tôi vừa ở Singapore về  thấy bên bờ sông chỗ cái nhà hát hình trái sầu riêng ây, gần chỗ sư tử phun nước ấy,  có một hàng cây này gọi là cây Thàn mát  và một tên rất đẹp nữa là Mỹ lệ Tiên đấy các bác ạ.
Tưởng là hết về cái tên của cây, vẫn còn một người lên tiếng :
-Quên nói cho các ông biết cây sưa này quí ở cái lõi, cây lõi đỏ gọi là Sưa Đỏ, cây có lõi trắng gọi là Sưa Trắng, Cây quí nhất là cây Sưa đỏ .
 Sau khi qua  phần mở màn về cái tên của cây quí này là đến phần chia sẻ hiểu biết cho nhau về cái quí cái đẹp của cây, người này chưa dứt người khác đã tiếp lời “ Cây này ngày xưa dùng đề đóng hòm chôn vua chúa, xác không bị rả mục.” “ Chỉ dùng đóng đồ mộc cho vua dùng, ngoài ra thì đóng bàn ghế thờ tự trong đình trong chùa thôi”  “ Gỗ của nó vừa cứng, vừa dẻo, đem đốt có tàn màu trắng có mùi thơm như trầm “ “ nó có tính dược liệu nếu trích ra trị được ung thư “ “ Gỗ cây này được dùng  trong phong thủy trị tà ma, trị sơn lam chướng khi nũa “ “ Đúng nó nhiều tính năng quá, giá bán mười mấy triệu một ký lô tôi cho vẫn còn rẻ chán”        “ ước gì có giống mà trồng vài cây để sau này con cháu nó nhờ nhỉ” “ lâu la gì mà phải đến đời con cháu, chỉ có mười năm thôi các ông ạ ! “
Cái gì cái cây quí hiếm như thế mà trồng chỉ có mười năm thu hoạch được à ?
Thế mới quí chứ ! Thời buổi này mà cứ đợi dài cổ thì biết làm sao có cái mà ăn, biết đến đời nào mới làm giàu ?
 Thì bỗng vang lên  tiếng quát nạt   “ Sưa với  chã sưa, thối với chã thối, Quí với chã quí … không còn chỗ nào nữa sao mà tập trung đến đây phá cái giấc ngủ của ông , Xéo,  Xéo đi ngay !
Tôi vội nhìn sang  thì thấy một chàng thanh niên ăn vận chim cò, nằm trên chiếc ghé đá, kịp thấy anh ta tung chân đá vào tấm pa-nô quảng cáo bằng tôn  đánh “ Rầm “ một phát. Cuộc hội thảo tắt tịt, đám hội thảo viên lấm lét bỏ đi. Tôi nhắm mắt giả vờ ngủ và bên kia tấm Pa-nô chàng trai kia vẫn còn lảm nhảm “ một cây mà biết bao nhiêu tên, chỗ nào cũng có, quí cái nổi gì ? “
 Rồi gã đứng dậy, bước ra sau vạch quần đưa của quý trên đầu tôi định tè, tôi vội vàng ú ớ  lấy tay che mặt.  Gã giật mình rút tay ra và la lớn  “ Quái ! ai cho ông nằm đây? “ tiếp theo, vung tay nhắm đấm vào ngực tôi,  đưa tay ra đỡ nhưng chẳng ăn thua  phía ngực trái tôi đau điếng, vì đã trúng đòn…….
                                                 ***
Tôi nhỏm dậy, định thần thấy đang ở trên giường quen thuộc  của mình.
 Tôi đang mơ ?
Lạ ở chỗ  là cái vai đang nhức?  Thì ra, vì giơ tay đở đòn của tên mặc áo chim cò kia tôi đã chạm đến chồng sách trên kệ làm cho một quyển trong ba quyển thuộc bộ sách Cây Cỏ Việt Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ  thuộc hàng nặng ký rơi trúng vào vai .
 Cho nên cái sự đau là  Sự thật .
 Còn cái sự hội thảo về cây Sưa là  Sự mơ.
Dù sao, tôi phải cảm ơn trời đất, được chợp mắt trong cái giờ thiêng đó để có được giấc mơ mà tôi gặp được  cuộc hội thoại quí báu giữa vườn Bách Thảo tận Hà nội về chuyện cây Sưa của nhiều học giả, nhưng cũng quá tức  vì không được biết quí danh cũng như học hàm học vị của quí vị ấy sẳn dịp khoe khoang làm minh chứng luôn, Và thực sự bực mình về cái tên mặc áo chim cò ngủ chèo queo trên ghế đá, nếu không có nó chắc tôi sẽ được nhiều tin tức về cây quí hiếm này trả lời cho ông bạn già của tôi ở đất An Giang rồi
Bùi Tho

* Là GS.Lâm Học tai trường NLS.Tayninh  , bài nầy copy từ trang NLSTayninh

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...