Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

CHIÊU HỒN NƯỚC - Tác giả : PHẠM TẤT ĐẮC

Thân thế và sự nghiệp

Ông sinh ngày 15 tháng 2 năm 1909, quê ở làng Dũng Kim, tổng Công Xá, huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Cha ông là Phạm Văn Mười, một thông phán làm việc ở Nhà in Viễn Đông (Imprimerie d’Extrême orient - IDEO) tại Hà Nội.

Do điều kiện gia đình, ông được ăn học đầy đủ và tốt nghiệp bằng Sơ đẳng tiểu học Pháp-Việt (Certificat d'Études Primaire Franco-Indigène - CEPFI). Năm 1923, ông vào học ở Trường Thành chung Bảo hộ (Collège du Protectorat, tức trường Bưởi), tuy nhiên, vào năm 1926, ông tham gia kêu gọi việc bãi khóa để đưa tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Nhân sự việc này, ông sáng tác tập thơ Chiêu hồn nước, gồm 198 câu song thất lục bát, với lời lẽ thống thiết dấy lên lòng yêu nước của người Việt trước cảnh nước nhà bị người Pháp đô hộ.

Hoạt động nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa của ông khiến ông bị đuổi học và bị chính phủ Bảo hộ theo dõi. Năm 1927, nhân việc nhiều nhân sĩ trí thức để tang chí sĩLương Văn Can - người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa thục, ông cho phát hành tập thơ Chiêu hồn nước. Ban đầu, ông đưa đến Nhà in Nghiêm Hàn nhưng người quản lý không dám nhận. Sau đó, chủ nhà in Nhà in Thanh Niên là Lê Cương Đồng nhận in, phát hành dưới dạng sách khổ nhỏ, 12 trang. Khi tập thơ vừa phát hành, được giới học sinh, sinh viên đón nhận, nhưng chính quyền bảo hộ Pháp ra lệnh tịch thu và nghiêm cấm lưu hành. Phạm Tất Đắc bị bắt và bị kết tội tuyên truyền "vận động có tánh chất làm rối sự an ninh công cộng và gây ra những sự rối loạn trầm trọng", cùng với Lê Cương Đồng bị đưa ra xử ở Hà Nội ngày 15 tháng 6 năm 1927.
Khi tòa án cho gọi cha ông là cụ Phạm Văn Mười ra chất vấn về tội không biết dạy con, để con làm loạn, cha ông khẳng khái trả lời: "Con tôi lúc ở nhà, quyền dạy dỗ thuộc về tôi. Nay đi học trường Chính phủ Bảo hộ thì việc nó làm Chính phủ phải chịu. Chính phủ đã nhận việc giáo dục nó, sao lại hỏi đến tôi?".
Do mới 17 tuổi, chưa đến tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật, nên tòa án quyết định giam ông vào nhà trừng giới cho đến tuổi trưởng thành. Trên thực tế, ông bị đem giam ở trại giáo hóa Trị Cụ ở thượng du (nay thuộc xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Ở đây ông tiếp tục tuyên truyền chống Pháp và đứng ra tổ chức đánh giám thị nên lại bị đưa về giam ở nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội), mãi đến năm 1930 mới được tha.
Vì bị giam lâu năm nên ông hay bệnh. Ông mất ngày 24 tháng 4 năm 1935 tại Hà Nội, khi mới 26 tuổi.

Chiêu Hồn Nước

Tác giả: Phạm Tất Đắc
Hăm lăm triệu trẻ già trai gái 
Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng 
Cũng cửa nhà cũng giang san 
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời! 

Nghĩ lắm lúc đang cười hoá khóc, 
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang 
Vạch trời thét một tiếng vang, 
Cho thân tan với giang san nước nhà! 

Đồng bào hỡi con nhà Đại Việt, 
Có thân mà chẳng biết liệu đời, 
Tháng ngày lần lữa đợi thời, 
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương? 

Nay sóng gió bốn phương càng dữ 
Tính nết xưa còn giữ được sao? 
Đổng bào chút giọt máu đào, 
Thương ôi! Tội nghiệp đời nào xót đây? 

Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn, 
Mà xót thương đến chốn Nhị Nùng, 
Xưa kia cũng lắm anh hùng, 
Dọc ngang trời đất vẫy vùng bể khơi. 

Xưa kia cũng lắm người hào kiệt, 
Trong một tay nắm hết sơn hà, 
Nghìn thu gương vẫn không nhoà, 
Mở mày mở mặt con nhà Lạc Long. 

Non sông vẫn non sông gấm vóc, 
Cỏ cây xem vẫn mọc tốt tươi, 
Người xem cũng đáng con người, 
Cũng tai, cũng mắt như đời khác chi! 

Cảnh như thế, tình thì như thế, 
Sống mà chi, sống để mà chi? 
Dân Việt khổ oan tình thê thảm, 
Đời người đến thế cỏn gì nước non! 

Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ, 
Trông non sông lã chã giòng châu, 
Một mình cảnh vắng đêm thâu, 
Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san. 

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt, 
Tiếng quốc kêu đầy mặt anh hùng, 
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng, 
Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông. 

Hồn hỡi hồn! Con Hồng Cháu Lạc, 
Mấy lâu nay đói khát lầm than, 
Mấy lâu thịt nát xương tan, 
Mấy lâu nát thịt thâm gan vì hồn! 

Trông bốn bể bồn chồn da ngọc 
Xem năm châu khôn khóc nên lời, 
Đêm khuya cảnh vắng im trời 
Khôn thiêng chăng hỡi, hồn ơi hãy về, 

Hồn về hồn cố cho nhờ 
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam 
Còn chi sung sướng vẻ vang, 
Bằng đem da ngựa chiến tràng bọc thây. 

Hồn trở về làm theo ý muốn, 
Chớ rụt rè sớm muộn sao nên 
Lẽ thường thành bại đôi bên, 
Chớ đắn đo quá mà quên việc mình, 

Hồn trở về hy sinh quyền lợi, 
Mà tận tâm đối với nước non, 
Dù mà thịt nát xương mòn, 
Cái bầu nhiệt huyết phải còn say sưa! 

Hồn trở về hồn mơ hồn mộng, 
Nên hồn thành ra giống ngựa trâu 
Hồn về hồn kịp đổi mau, 
Tự do hành động mặc dầu dọc ngang! 

Hổn trở về rèn gan đúc trí, 
Chớ có thèm mỹ vị cao lương, 
Tháng ngày dưa muối rau tương, 
Đêm khuya cảnh vắng vấn vương nỗi nhà 

Hồn thiêng chăng hỡi, hồn ơi hồn vế! 
Hồn trở về non sông đất cũ
Mà mau mau giết lũ tham tàn
Mau mau giết lũ hại đàn
Túi tham dám chứa bạc vàng của dân
Hồn trở về cho dân tỉnh lại
Không ngu ngu, dại dại như xưa
Không còn vất vả sớm trưa
Không còn nắng nắng, mưa mưa dãi dầu
Hồn trở về, mau mau hồn hỡi
Hồn trở về tôi đợi, tôi mong
Hồn về tô điểm non sông
Hồn về đánh thức con Rồng, cháu Tiên.

Hồn trở về đừng mê mẩn nữa, 
Mà thôi đừng lần lữa đêm nay, 
Xưa nay những kẻ tỉnh say, 
Hôn mê có nghĩ việc hay bao giờ! 

Hồn về đây thăm dò nước cũ, 
Thử nghĩ xem tiên tổ ta xưa, 
Do Thái đã phục nước rồi, 
Kìa như Nhật Bản có tài hay không? 

Sao các nước anh hùng như thế, 
Nước Nam ta bi sỉ vô cùng, 
Để cho nhơ nhuốc non sông, 
Để cho xấu hổ Tiên Rồng giống ta. 

Đêm tịch mịch canh trường man mác, 
Ve kêu sầu dế hát thâu canh, 
Trời cao đất thẳm một mình, 
Hỡi hồn non nước giải trình trước sau. 

Hồn hỡi hồn! Hồn hề hồn hỡi! 
Hồn hỡi hồn! Hồn hỡi hồn ơi! 
Hồn về hồn có cho nhờ 
Giống nòi Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam! 

Hồn trở về bặm gan mà chịu, 
Cảnh biệt ly tình hiếu đôi đường, 
Trượng phu lòng ở bốn phương, 
Lẽ đâu hồn lại vấn vương nỗi nhà? 

Hồn trở về nguyệt hoa chi nữa, 
Mà thoi đưa lần lữa qua ngày, 
Mặc đời say tỉnh, tỉnh say, 
Hôn mê hồn nghĩ việc hay bao giờ! 

Hồn hỡi hồn giang san là thế, 
Giống Lạc Hồng tôi kể hồn hay: 
Kể từ hồn lạc đến nay, 
Đêm đêm khóc lóc ngày ngày than van, 

Cũng có kẻ trên ngàn nhỏ máu, 
Cũng có người nương náu phương xa, 
Có người bỏ cửa bỏ nhà, 
Có người lo nghĩ tuyết sa mái đầu. 

Cũng có người làm thân trâu ngựa, 
Cũng có người đầy tớ con đòi, 
Cũng thằng buôn bán giống nòi, 
Khôn thiêng chăng hỡi! Hồn coi cho tường! 

Có mồm nói khôn đường mà nói, 
Có chân tay người trói chân tay, 
Mập mờ không biết dở hay, 
Ù ù cạc cạc công này việc kia. 

Hồn hỡi hồn đêm khuya canh vắng, 
Hồn nghe hồn có đắng cay không? 
Tôi đây cùng giọt máu hồng, 
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên. 

Trông thấy cảnh mà điên mà dại, 
Trông thấy tình mà dại mà điên, 
Mà sao không thể ngồi yên, 
Ba câu cạn ruột tôi biên mời hồn. 

Bài viết xong tai nghe miệng đọc, 
Miệng đọc xong giọt ngọc nhỏ sa, 
In nghìn tờ đưa ra công chúng, 
Công chúng xem mong bụng đổi dần... 

Đổi rồi thức kẻ xa gần, 
Ráng mau nên TRẢ NỢ NẦN NON SÔNG! 

PHẠM TẤT ĐẮC 
1909-1935

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...