Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

4 bí ẩn lớn của hẻm núi Yarlung Zangbo ở Tây Tạng

Yarlung Zangbo ở Tây Tạng là một trong những hẻm núi sâu nhất thế giới, trải dài trên 240km với nhiều cảnh quan kỳ vĩ, nơi đây chứa nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa vẫn đang cố gắng tìm ra câu trả lời.

Hẻm núi hùng vĩ Yarlung Zangbo.

Bí ẩn 1: Thác cầu vồng

Việc bên trong hẻm núi Yarlung Zangbo từng có một thác nước là chủ đề đã gây nhiều tranh luận trong suốt một thời gian dài.
Đầu những năm 20 của thế kỷ trước, một nhà thám hiểm người Anh từng đi vào hẻm núi, theo ông miêu tả, ông phát hiện ra bên trong hẻm núi có một dòng thác vô cùng hùng vĩ. Khi nhìn thấy dòng thác, xung quanh đó có cầu vồng cho nên ông đã đặt tên là “thác cầu vồng”. 10 năm sau, một người Mỹ có tên là Pele một lần nữa chứng thực có sự tồn tại của dòng thác này. Thế nhưng từ đó về sau, trong suốt 70 năm qua, người ta không tìm lại được dòng thác này nữa.
Vào năm 1998, một đoàn thám hiểm khoa học Trung Quốc đã tìm thấy một vách đá thẳng đứng khô cạn, đây có thể là “thác cầu vồng” từng được nói đến. Năm 1950, ở huyện Mêdog từng xảy ra một trận động đất 8,5 độ richter, có lẽ “thác cầu vồng” đã biến mất trong trận động đất này. Chính sự chuyển động của vỏ trái đất đã “rút cạn” nước của “thác cầu vồng” hay do lở đất đã chặn nước từ thượng nguồn chảy xuống? Hay “thác cầu vồng” này luôn tồn tại nhưng ẩn mình bên trong hẻm núi không để cho con người nhìn thấy? Tất cả những điều này đều cần được chứng thực thêm.

Bí mật 2: “Người hoang dã” và cây ăn thịt người

Ở hẻm núi Yarlung Zangbo và những khu vực lân cận từ xa xưa đã truyền tai nhau truyền thuyết về “người hoang dã”, từ núi tuyết cách mặt biển 6.000m cho đến những khu rừng bên dưới hẻm núi đều đã từng phát hiện thấy dấu vết của “người hoang dã”. Theo lời miêu tả của người dân địa phương, sinh vật bí ẩn này cao khoảng 2m, cơ thể có màu đỏ hoặc lông đen, mắt sâu, miệng hơi lồi, biết đứng thẳng và có thể phát ra những âm tiết đơn giản. Những truyền thuyết này có một số là kinh nghiệm của chính người dân địa phương, cũng có một số điều được truyền miệng qua hàng nghìn năm. Tất cả những truyền thuyết này làm tăng thêm phần bí ẩn của hẻm núi Yarlung Zangbo.
Bên cạnh đó, còn có thông tin về “cây ăn thịt người”. Người ta kể rằng, trong những khu rừng ở hẻm núi này có một loại cây đặc biệt kỳ lạ, cành của nó có lực quấn rất mạnh, có thể nhanh chóng quấn chặt lấy những loài động vật đến gần, và tiết chất gây mê khiến con vật dần dần bất tỉnh, cuối cùng máu và thịt của con vật sẽ chuyển hóa thành dưỡng chất nuôi chúng.
Đến ngày nay, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về sự tồn tại thật sự của 2 loài sinh vật bí ẩn này.

Bí mật 3: Cây thủy tùng quý hiếm, loài côn trùng Zorotypus cổ đại

Một phát hiện quan trọng khác của các nhà thám hiểm khoa học vào năm 1998 đó là bên trong hẻm núi có một diện tích lớn loài cây quý hiếm sắp tuyệt chủng – cây thủy tùng. Trên thế giới, rừng thủy tùng hoang dã tự nhiên phân bố không nhiều, trước đây ở Trung Quốc chỉ phát hiện ở một vài khu vực như Vân Nam, Tứ Xuyên, không có nhiều nơi bảo tồn diện tích lớn thủy tùng thiên nhiên như ở hẻm núi này.
Các nhà khoa học còn phát hiện ra “hóa thạch sống” của loài côn trùng Zorotypus. Loài côn trùng cổ này vốn sinh sống ở những nơi như châu Phi, trôi dạt đến hẻm núi Yarlung Zangbo cùng với sự dịch chuyển của các địa tầng. Những thay đổi to lớn trong hàng tỉ năm đã khiến loài côn trùng Zorotypus ở những nơi khác trên thế giới gần như tuyệt chủng, chỉ còn tồn tại được ở nơi có môi trường sinh thái bảo tồn tốt nhất như hẻm núi này. Việc phát hiện ra côn trùng Zorotypus có ý nghĩa quan trọng đối với sự thay đổi và phân bố của các mẫu nghiên cứu địa lý sinh vật.

Bí ẩn 4: Lai lịch và khả năng sinh tồn mạnh mẽ của cư dân hẻm núi

Hẻm núi này là nơi sinh sống của người dân tộc Monpa, về lai lịch của họ, có người cho rằng họ đến từ khu vực Bomê bên ngoài hẻm núi, còn có người xưa kể rằng nguồn gốc của họ bắt đầu từ thời thượng cổ. Điều này cũng chứng minh rằng từ thời xa xưa đến nay người Monpa chỉ gắn với mảnh đất này, họ có khả năng sinh tồn rất mạnh mẽ.
Hẻm núi nằm trên cao nguyên, không khí loãng, khí hậu lạnh lẽo, một năm có khoảng nửa năm là tuyết rơi dày đặc, giao thông khó khăn, gần như hoàn toàn ngăn cách với thế giới bên ngoài. Trước năm 2009, Mêdog là huyện duy nhất không có đường lộ trong cả nước. Không có kỹ thuật canh tác tiên tiến, hàng nghìn năm nay người dân địa phương luôn mưu sinh dựa vào việc săn bắt và câu cá. Điều kiện kỹ thuật đã hạn chế sự khai thác tài nguyên thiên nhiên phong phú nơi đây, điều kiện sử dụng sản vật cũng khá thiếu thốn, bên trong hẻm núi còn có sương mù dày đặc, rắn độc thú dữ, tuyết lở, sạt đất xảy ra thường xuyên… Điều gì đã giúp người dân tộc cao nguyên bí ẩn này trụ vững vàng trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế? Những bí mật này đều đang chờ người đời sau lý giải.
(Ảnh: Internet)
Thanh Vân

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...