Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Điển Tích Văn Học LÁ THĂM - Đỗ Chiêu Đức

            Inline image
            
      Điển tích “LÁ THẮM” được sử dụng rất nhiều và rất rộng rãi trong văn chương Việt Nam. Phần đầu Truyện Kiều, khi dò la chỗ ở của Thúy Kiều, Kim Trọng đã đụng phải :
Thăm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng LÁ THẮM dứt đường chim xanh !

Lá Thắm là từ Nôm của từ “Hồng Diệp 紅葉” là Lá đỏ thắm; mà Hồng Diệp lại là từ nói gọn lại của nhóm từ “Hồng Diệp Đề Thi 紅葉題詩” là “Lá Đỏ Đề Thơ”, hay là “Thơ Bài Lá Đỏ” như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải :

Thực nhân tình THƠ BÀI LÁ ĐỎ,
Mạch sầu kia hầu tỏ cùng ai.
lắm lúc lại được nói trại đi thành “Thả Lá Doanh Câu” như trong Bích Câu Kỳ Ngộ là :

Trông hoa lặng ngắt giờ lâu,
Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người ?!


Hồng Diệp đôi khi còn được nói thành nửa Hán nửa Nôm là “Lá Hồng”, như thơ của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện trong Hoa Tiên Ký :

Gớm nơi ngôi bảng duềnh khơi,
LÁ HỒNG bỗng đến chi nơi nổi chìm.


Hồng Diệp còn thường đi chung với Xích Thằng, thành “Hồng Diệp Xích Thằng 紅葉赤繩”, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng :

Nàng rằng : HỒNG DIỆP Xích Thằng,
Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri !


Và như trong Tây Sương Ký :
Sự đâu nói gió bàn trăng,
Mà nghe HỒNG DIỆP Xích Thằng như chơi !

Hồng Diệp Xích Thằng nói Nôm na thành ra “Lá Thắm Chỉ Hồng”, cũng lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình :

Dù khi LÁ THẮM Chỉ Hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.


Ta thấy, điển tích Lá Thắm được sử dụng hết sức rộng rãi trong văn học cổ Việt Nam ta, và được biến thể rất đa dạng từ Hồng Diệp đến Lá Thắm, Lá Hồng, Hồng Diệp Đề Thi, Thư Bài Lá Đỏ, Hồng Diệp Xích Thằng … Nên muốn hiểu hết, cảm nhận hết ý nghĩa của các câu thơ trên, ta phải tìm hiểu xuất xứ của điển tích này để thấy được hết cái hay, cái ý vị hàm chứa trong các câu thơ đó.




Có 3 xuất xứ cho điển tích LÁ THẮM như sau :

1. Theo THỊ NHI TIỂU DANH LỤC :
Con gái nuôi của tài nhân nhà Phụng Ân Vương đời Đường là Phượng Nhi 鳳兒 thường đề thơ trên lá đỏ, rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Tiến sĩ Giả Toàn Hư 賈全虛 bắt được lá. Quan Kim Ngô tâu việc ấy lên vua. Nhà vua bèn gả Phượng Nhi cho Giả Toàn Hư và phong cho chức Kim Ngô.

2. Theo sách VĂN KHÊ HỮU NGHỊ :
Thư sinh Lư Ốc 盧偓 đi ngang qua ngự câu ( dòng nước chảy từ cung vua ra ngoài ), Ngẫu nhiên vớt được một chiếc lá đỏ trên đó có đề một bài thơ. Ốc nâng niu và cất vào trong tráp. Khi vua Đường thải cung nữ cho đi lấy chồng. Lư Ốc lấy được một cô, lại đúng là người thả chiếc lá kia. Lúc trông thấy chiếc lá đỏ trong trap, người vợ nói :” Khi ấy thiếp chỉ ngẫu nhiên đề thơ, không ngờ chàng lại chính là người đã bắt được !”.

3. Theo THANH TỎA CAO NGHI và THÁI BÌNH QUẢNG KÝ :
Cung nhân Hàn Thị 韓氏 đề một bài thơ trên lá đỏ, thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Thư sinh Vu Hựu 于祐 nhặt được đem cất đi. Hựu lại viết hai câu thơ, rồi đợi nước lớn thả ngược vào trong cung. Hàn Thị bắt được lá cũng cất vào trong rương. Sau vua Đường cho thải ba ngàn cung nhân, Hàn Thị được thải ra và rất tình cờ lấy được Vu Hựu làm chồng. Khi phát hiện ra lá đỏ của nhau, vợ cùng cùng cảm kích mà nói :" Chúng ta phải tạ ơn cho hai người mai mối, chính là hai cái lá đỏ nầy đây ".

Cả ba xuất xứ trên của điển tích Lá Thắm đều có nội dung tương tự như nhau. Nhưng truyền tụng rộng rãi trong dân gian và được mọi người yêu thích nhất là Xuất Xứ Thứ 3 : Truyện của chàng thư sinh Vu Hựu và cung nhân Hàn Thị. Truyện được kể như sau :

Đời vua Đường Hi Tông (874-888). Thiên hạ loạn lạc. Giặc giã nổi lên khắp nơi, vì thế mà kẻ sĩ là những người chân yếu tay mềm đều nhập kinh lánh nạn, một số cũng nhân cơ hội nầy đợi kỳ ứng thí để tìm chút công danh. Trong số đó có chàng nho sinh Vu Hựu.
Sau khi lưu lạc ở đất Trường An, Vu Hựu cũng không tìm được việc làm thích hợp. Chàng hay lang thang đi về những nơi hẻo lánh của chốn kinh thành. Một buổi chiều thu, khi thả bộ bên dòng Ngự câu từ trong cung chảy ra, ngắm những lá phong vàng bị gió thu cuốn rơi lả tả trôi theo dòng nước. Cảm khái với thân phận của mình cũng giống như những chiếc lá vàng kia. Chàng bèn ngồi xuống một tảng đá bên bờ ngự câu mà nhìn lá rơi nước cuốn. Những chiếc lá phong đỏ rực lắp lánh bên dòng nước thu hút sự chú ý của chàng. Chàng chợt thấy thắp thoáng trên một chiếc lá phong ẩn hiện như có dòng chữ viết, bèn vội vả vớt lên xem, thì thấy có bốn câu Ngũ ngôn Tứ tuyệt sau đây :

Lưu thuỷ hà thái cấp ? 流水何太急 ?
Thâm cung tận nhật nhàn. 深宮盡日閒。
Ân cần tạ hồng diệp, 殷勤謝紅葉,
Hảo khứ đáo nhân gian ! 好去到人間!
Có nghĩa :


Nước chảy sao vội thế ?
Trong cung suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ là đỏ,
Đưa đến chốn nhơn gian !

Lời thơ thanh tân mà chất chứa bao nỗi u ẩn ở trong lòng : Nước ơi, sao mà chảy vội vả thế, trong cung cấm ta nhàn rỗi suốt cả ngày, nên mới ân cần nhờ chiếc lá đỏ gởi những dòng tâm sự nầy ra đến cỏi dân gian ! Vu Hựu cảm thương cho người cung nữ tài hoa, nàng đã gọi thế giới bên ngoài là " Nhơn Gian ", thế thì ở trong cung cấm là gì ?" Địa Ngục " sao ?. Chàng cứ ray rức ngẩn ngơ thương cho nàng cung nữ bất hạnh, bèn lên phía thượng lưu của ngự câu, chọn một chiếc lá thật đẹp, rồi thả trở vào cung hai câu thơ thất ngôn sau đây :

Tằng văn diệp thượng đề hồng oán, 曾聞葉上題紅怨
Diệp thượng đề thi ký A thùy ? 葉上題詩寄阿誰?
Có nghĩa :
Từng nghe lá đỏ đề thơ oán,
Lá đỏ đề thơ gởi đến ai ?


Bạn bè biết được sự si tình của Vu Hựu, lại chế giễu chàng bằng hai câu thơ sau :
Quân ân bất cấm đông lưu thủy, 君恩不禁東流水
Lưu xuất cung tình thị thử câu. 流出宮情是此溝.
Có nghĩa :
Vua không ngăn nước về đông,
Thả tình cung cấm theo dòng chảy ra !




Mặc cho bạn bè cười cợt, Vu Hựu vẫn mang chiếc lá về cất kỹ trong rương. Rồi từ đó về sau chàng đi thi mãi mà vẫn không đậu đạt gì cả. Vì cuộc sống khó khăn nên chàng mới xin vào làm gia khách, gia sư cho một qúy nhân ở Hà Trung là Hàn Vĩnh. Hàn rất kính trọng về nhân phẩm và học vấn của Vu Hựu nên đối với chàng rất tốt.
Mười năm sau, trong cung vua thải ra ba ngàn cung nhân, cho về quê lấy chồng sinh sống. Trong số đó có Hàn Thị là em họ của Hàn Vĩnh. Vĩnh biết Hựu chưa lập gia đình nên mới làm mai Hàn Thị cho chàng. Hàn Thị ở trong cung lâu ngày nên cũng tích lũy được một ít tài vật, lại có nhan sắc. Vu Hựu vốn là thư sinh cùng đồ mạt vận, nay bỗng được vợ đẹp lại có của thì còn gì sung sướng cho bằng. Còn Hàn Thị thì ngoài ba mươi mới lấy chồng, nên hết lòng thương yêu chăm sóc cho Vu Hựu. Sau tân hôn họ sống với nhau rất là hạnh phúc.
Một hôm, Hàn Thị sắp xếp lại sách vở cho chồng, bỗng phát hiện ra chiếc lá đỏ có đề thơ của mình được kẹp trong một quyển sách. Nàng rất ngạc nhiên mà hỏi chàng về lai lịch của chiếc lá. Vu Hựu bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện ngày xưa. Hàn Thị bèn cho chàng biết đó là bài thơ của mình, đồng thời cũng lấy từ trong trap ra chiếc lá có hai câu thơ của Vu Hựu mà nàng đã vớt được sau đó. Cả hai đều rất kinh ngạc và cảm khái cho duyên số đã an bài. Hàn Thị bèn từ trong trap lấy ra thêm một bài thơ nữa và nói với chồng rằng : “Đây là bài thơ của thiếp làm sau khi vớt được chiếc lá của chàng!”. Vu Hựu bèn đọc bài thơ như sau :

Độc bộ thiên câu ngạn, 獨步天溝岸,
Lâm lưu đắc diệp thì. 臨流得葉時.
Thử tình thùy khả đắc, 此情誰可得
Trường đoản nhất liên thi ! 腸斷一聯詩 !
Có nghĩa :
Lẻ loi bước giữa dòng câu,
Bên bờ vớt lá nghe sầu mênh mang.
Tình nầy ai thấu can tràng,
Đau lòng cung nữ đôi hàng thơ ai !

Hôm sau, vợ chồng Vu Hựu bèn đem chuyện Lá Đỏ Đề Thơ nói cho Hàn Vĩnh biết. Nghe xong Hàn Vĩnh cả cười, cầm bút lên viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú như sau :

Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, 一聯佳句題流水,
Thập tải u tư mãn tố hoài. 十載幽思滿素懷.
Kim nhật khước thành loan phượng hữu, 今日卻成鸞鳳友,
Phương tri hồng diệp thị lương mai. 方知紅葉是良媒.
Có nghĩa :


Đôi câu thơ đẹp chảy theo dòng,
Ấp ủ lòng son suốt chục năm.
May mắn hôm nay loan phụng hợp,
Mới hay lá đỏ chính mai dong !


Sau đó, Hàn Vĩnh còn cho tổ chức một Hồng Diệp Hội ( một Party về Lá Đỏ ) cho hai vợ chồng Vu Hựu và còn công khai chuyện Lá Đỏ Đề Thơ ra ngoài. Các văn nhân thi sĩ ở Trường An lúc bấy giờ hưởng ứng rất đông. Trong số văn thơ xướng họa, nổi tiếng nhất có bài thất ngôn tứ tuyệt của thi sĩ Cố Huống như sau :

Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi, 花落深宮鶯亦悲,
Thượng Dương cung nữ đoạn trường thì.上陽宮女斷腸時。
Quân ân bất bế đông lưu thủy, 君恩不閉東流水,
Diệp thượng đề thi ký dữ thuỳ ? 葉上題詩寄與誰?
Có nghĩa :
Hoa rụng thâm cung oanh cũng sầu,
Thượng Dương cung nữ quặn lòng đau.
Ơn vua không bế dòng lưu thuỷ,
Trên lá đề thơ gởi đến đâu ?!


Chẳng bao lâu sau, gặp loạn Hoàng Sào. Đường Hi Tông cùng bá quan văn võ lià bỏ kinh thành chạy loạn vào đất Thục. Vợ chồng Vu Hựu cũng cùng với Hàn Vĩnh theo phò giá. Vì trước kia từng ở trong cung nên rất am tường về nề nếp sinh hoạt của hoàng gia, vì thế Hàn Thị được vua triệu kiến. Nhà vua bèn hỏi nàng về chuyện đề thơ trên lá. Hàn Thị bèn kể lại chuyện mình. Vua lại triệu kiến Vu Hựu. Thấy chàng ăn nói chửng chạc đối đáp lưu loát, có văn tài, bèn cho theo làm tùy tùng bên cạnh vua.
Khi loạn Hoàng Sào được dẹp yên. Vu Hựu vì theo phò giá có công, nên được phong làm Thần Sách Quân Ngu Hầu. Mặc dù quan chức không lớn, nhưng khi trở lại trường an, vợ chồng Vu Hựu nổi tiếng với câu cuyện Lá Đỏ Đề Thơ của mình. Họ sống với nhau trong phú qúy hạnh phúc và mặc dù đã trên ba mươi mới lấy chồng, Hàn Thị vẫn sinh được năm trai hai gái. Đến khi con cái lớn lên thành đạt cả rồi mà câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ vẫn còn được dân gian nhắc mãi.
Tương truyền là Hàn Thị mất trước. Trước lúc lâm chung, bà còn yêu cầu chồng cho chôn chung chiếc lá đỏ với mình. Lá đỏ giờ đã phai màu, nhưng câu chuyện “ Hồng Diệp Đề Thi “ của họ vẫn thắm đượm mãi trong dân gian…
Lúc bấy giờ, Thừa Tướng đương triều là Trương Tuấn biết được việc nầy đã cảm khái mà viết nên bài ca sau đây :



Trường an bách vạn hộ, 長安百萬戶,
Ngự thủy nhật đông chú. 御水日東注。
Thủy thượng hữu hồng diệp, 水上有紅葉,
Tử độc đắc giai cú. 子獨得佳句。
Tử phục đề thoát diệp, 子復題脫葉,
Lưu nhập cung trung khứ. 流入宮中去。
Hán cung thiên vạn nhân, 漢宮千萬人,
Diệp quy Hàn Thị xứ. 葉歸韓氏處.
Xuất cung tam thiên nhân, 出宮三千人,
Hàn Thị tịch trung số. 韓氏藉中數。
Hồi thủ tạ quân ân, 回首謝君恩,
Lệ sái yên chi vũ. 淚灑胭脂雨。
Ngụ cư qúy nhân gia, 寓居貴人家,
Phương dữ tử tương ngộ, 方與子相遇。
Thông môi lục lễ cụ, 通媒六禮俱。
Bách tuế vi phu phụ. 百歲為夫婦。
Nhi nữ mãn nhản tiền, 兒女滿眼前,
Thanh tử doanh môn hộ. 青紫盈門戶。
Tư sự tự tiền vô, 茲事自前無,
Khả dĩ truyền thiên cổ ! 可以傳千古!


DIỄN NÔM :
Thành Trường An dân đông bách hộ,
Dòng ngự câu vẫn đổ về đông.
Chảy xuôi lá đỏ theo dòng,
Chàng Vu bắt được bâng khuâng sớm chiều.


Viết đôi câu đánh liều thả ngược,
Trôi vào cung theo nước phản hồi.
Lãnh cung nhan nhản những người,
Lá về Hàn Thị tìm vui cung buồn.


Thải về nguồn ba ngàn cung nữ,
Hàn Thị về vui chữ đoàn viên.
Cúi đầu lạy tạ ơn trên,
Lệ rơi ướt má hết phiền hết lo.


Đem thân trọ nhà anh Hàn Vĩnh,
Gặp chàng Vu định mối lương duyên.
Mối mai sáu lễ đã yên,
Trăm năm chồng vợ phỉ nguyền sánh đôi.


Con đàn cháu đống thảnh thơi,
Nên danh áo tía lộc trời vinh hoa.
Duyên lành LÁ ĐỎ đồn xa,
Lưu danh thiên cổ ai mà chẳng khen !




Sau bài ca nầy, câu chuyện “ Hồng Diệp Nhân Duyên “(Nhân duyên nhờ vào lá đỏ) của Vu Hựu và Hàn Thị được loan truyền khắp cả nước và … mãi mãi cho đến ngày nay !


Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...