Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC 2 : CH Ỉ HỒNG

                        Inline image
          
       Điển tích “ CHỈ HỒNG “ cũng được sử dụng rất nhiều trong văn học cổ Việt Nam ta, như khi nghe Kim Trọng tỏ tình, Thúy Kiều đã trả lời một cách rất khéo léo và khôn ngoan rằng :

                          Dù khi lá thắm CHỈ HỒNG,
                    Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

      Chỉ Hồng còn được nói trại đi thành CHỈ THẮM, như trong Tây Sương Ký :

                          Nhân duyên sao khéo hẹn hò,
                    Rắp đem CHỈ THẮM xe cho Trịnh Hằng.

      Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Chỉ Hồng không gọi là Chỉ Thắm mà còn được gọi là DÂY THẮM như :

                     Ý cũng rắp ra ngoài đào chú,
                     Quyết lộn vòng phu phụ cho cam.
                     Ai ngờ trời chẳng cho làm
                     Nở đem DÂY THẮM mà giam bông đào.

      Nhưng Dây Thắm, Chỉ Thắm hay Chỉ Hồng gì đều cùng một gốc Hán Việt là XÍCH THẰNG ( là sợi dây màu đỏ ) mà ra cả.  Như lời Thúy Kiều đã nói với Kim Trọng trong lần đầu Kim Kiều hội ngộ :

                      Nàng rằng hồng diệp XÍCH THẰNG,
                     Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.

hay như lời Mã Giám Sinh đã thề và hứa với Vương Viên Ngoại khi sắp lên đường ở “Bề ngoài mười dặm trường đình “  là :

                          Cạn lời khách mới thưa rằng :
                  Buộc chân thôi cũng XÍCH THẰNG nhiệm trao.
                          Sau dù sinh sự thế nào,
                   Kìa gươm nhật nguyệt nọ dao qủy thần !

hoặc như nàng cung nữ của trong Cung Oán đã than van oán trách :
                         
                        Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế,    
                    Sợi XÍCH THẮNG chi để vướng chân

… và Xích Thằng hay Chỉ Thắm, Chỉ Hồng gì gì … đều do tay NGUYỆT LÃO mà ra cả. Nguyệt Lão đã xe Chỉ Hồng rồi thì … chạy trời không khỏi nắng, đôi lứa tất phải lấy nhau mà thôi, cho dù nàng cung nữ của Ôn Như Hầu có nghi ngờ thì cũng đành cam chịu :

                        Tay NGUYỆT LÃO chẳng xe thì chớ,
                        Xe thế nầy có dở dang không ?

      Đôi khi Nguyệt Lão còn được gọi là NGUYỆT SỨ, như trong truyện Từ Thức gặp Tiên :
                          Lọ là NGUYỆT SỨ băng môi,
                     Phận này duyên ấy ắt thời trong tay.

      Nguyệt Lão là từ nói gọn lại của nhóm từ “ NGUYỆT HẠ LÃO NHÂN 月下老人“ là “Ông gìa dưới trăng “, vì chuyên xe tơ cho trai gái lấy nhau, nên còn được gọi là ÔNG TƠ, như khi Kim Trọng đến từ biệt Thúy Kiều để đi Liêu Dương hộ tang chú, thì Thúy Kiều cũng đã oán trách :

                            ÔNG TƠ ghét bỏ chi nhau,
                       Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.

       Hay khi bị Hồ Tôn Hiến ép gã cho thổ quan, Thúy Kiều lại một lần nữa lên tiếng oán trách :

                            ÔNG TƠ sao khéo đa đoan,
                         Xe tơ sao lại vơ quàng vơ xiên ?!

        Vậy, Ông Tơ là ai, Nguyệt Lão là ai, chuyện xe tơ là như thế nào mà người thì cam chịu, người thì “đổ thừa “, người thì oán trách … Mời đọc tiếp phần xuất xứ sau đây sẽ rõ.
        Điển tích Chỉ Hồng, Chỉ Thắm, Dây Thắm, Xích Thằng, Ông Tơ hay Nguyệt Lão … có xuất xứ như sau :

                            Inline image
                             Nguyệt Lão  và  Vi Cố
                        
       Theo Tục U Quái Lục của Lý Phục Ngôn đời Đường 唐朝文学家李复言所著的《续玄怪录 : Vào năm Đường Trinh Quan thứ hai (638), đất Đỗ Lăng có thư sinh Vi Cố韋固, con nhà thế gia vọng tộc. Cha mẹ mất sơm, nên Cố đi du học bốn phương, vừa để học tập cầu tiến vừa để tìm kiếm hôn nhân. Khi đến Tống Thành, có người mai mối cho Vi Cố cưới con gái của quan tiền nhiệm huyện Thanh Hà là Tư Mã Phan làm vợ. Hẹn rằng sáng sớm hôm rằm sẽ gặp người mai mối ở trước cửa chùa Long Hưng Tự ở Nam Điếm để nói chuyện.
         Đến hẹn, Vi Cố vì nóng lòng với chuyện hôn nhân nên đêm đó không ngủ được. Trời chưa sáng mà đã lần mò đến trước cửa chùa. Bỗng chàng trông thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tiên phong đạo cốt ngồi trên bậc tam cấp trước cửa chùa đang giở xem một quyển sách. Hiếu kỳ chàng bèn đi tới ghé mắt nhìn vào, thì ngạc nhiên làm sao, trên sách là loại chữ rất đặc biệt không sao đọc được. Chàng bèn khẩn khoản hỏi thăm ông lão, thì được ông lão cho biết đó không phải là chữ của nhân gian, và bản thân ông cũng không phải là người của nhân gian nữa. Hiếu kỳ và thích thú, Vi Cố hỏi trong sách ghi chép những gì, thì ông lão cho biết đó là sách ghi chép tất cả những cuộc hôn nhân của trai gái trên đời nầy. Đoạn ông lấy ra một cuộn chỉ đỏ và giải thích rằng, khi ông đã buộc chỉ đỏ nầy vào chân của cặp trai gái nào rồi, thì dù cho có quan san cách trở hay thù oán lẫn nhau gì gì đi nữa, thì rốt cuộc cũng sẽ thành vợ thành chồng với nhau mà thôi. 
         Trong lúc đang tìm kiếm hôn nhân, Vi Cố bèn hỏi ông lão xem có biết mình chừng nào kết hôn và vị hôn thê của mình là ai không ? Ông lão bèn lật sách ra xem rồi nói rằng : Vợ của Vi Cố năm nay mới có ba tuổi và phải mười bốn năm sau thì hai người mới kết hôn được. Đang lúc nóng lòng muốn cưới vợ, nghe ông lão nói thế, Vi Cố nản qúa bèn hỏi tới rằng : “ Vậy chớ bây giờ vợ tôi đang ở đâu ?”. Ông lão đáp là : “ Vợ của cậu đang ở tại đây, ở phía bắc của Nam Điếm nầy, đang do một người đàn bà bán cải trông nom. Cậu đừng nóng ruột, trời sáng thì sẽ gặp mặt thôi !”
                                Inline image
                             
 Nguyệt Lão  và  Vi Cố

         Khi trời đã sáng hẵn rồi, mà người mai mối ước hẹn với Vi Cố cũng không thấy tới. Ông lão ngồi dưới trăng cũng cất sách vào bọc. Đoạn đứng dậy bảo Vi Cố đi theo ông ta vào chợ. Khi đến hàng cải, thấy có người đàn bà một mắt tay đang ẵm một đứa bé mũi dãi thò lò, đang mua cải. Ông lão bèn chỉ vào cô bé gái bảo : “Đây là vợ cậu đó !”. Vi Cố nghe xong cả giận nói : “ Nếu lời nói của ông không sai, thì tôi sẽ giết con bé nầy !”. Ông lão cười bảo : “Đây là mạng số đã an bày, e rằng cậu sẽ không giết nổi cô ấy đâu !”. Nói đoạn, ông lão quay lưng bỏ đi mất.
          Vi Cố là con nhà thế gia vọng tộc, cho là ông lão cố ý làm nhục mình, nên khi về đến nhà trọ, bèn đưa một con dao nhỏ cho một gia đồng, bảo ra chợ đâm chết con bé gái của người đàn bà một mắt. Trong thời buổi phong kiến, thì việc con nhà quyền thế, cậy quyền cậy thế để giết hại người nghèo cũng là chuyện thường tình, còn các đầy tớ do chủ nuôi thì cứ sai đâu đánh đó, nhắm mắt làm càng. Tuy nhiên, mạng người hệ trọng, giữa chợ giữa búa lại là lúc ban ngày ban mặt mà dám giết người giữa chợ thì cũng không phải là chuyện tầm thường. Nên khi ra đến chợ, tên gia đồng lừa thế đâm đứa bé một nhát rồi bỏ chạy trối chết. Khi về đến nhà trọ Vu Hựu hỏi kết qủa thế nào. Tên gia đồng bảo là vì có người đàn bà che chở, nhưng vẫn đâm trúng một nhát vào đứa bé, còn sống chết ra sao thì chưa biết !
         Sau vụ om sòm ngoài chợ, Vu Hựu cũng hối hận cho sự nóng giận bồng bột của mình, nên bỏ đi nơi khác. Những năm sau đó chàng tiếp tục tìm người hôn phối khắp nơi để cầu hôn, nhưng đều thất bại, cộng thêm mấy lần thi rớt, công danh không thành, hôn phối không xong, gia cảnh ngày một khốn khó. Cuối cùng, chàng đành phải dẹp lòng tự ái tự trọng để xin một chức phụ ấm của cha để lại : làm Tham Quân cho xứ Tương Châu. Lúc bấy giờ chàng đã ngoài ba mươi tuổi và vẫn còn độc thân trơ trọi có một mình.
         Thứ sử Tương Châu là Vương Thái thấy chàng tướng mạo đoan trang, lại có văn tài, giao cho chàng kiêm nhiệm luôn về tư pháp ty của địa phương, chàng đều hoàn thành thật xuất sắc. Thấy chàng đã ngoài ba mươi mà chưa thành gia lập thất, nên Vương bèn gả con gái út cho chàng làm vợ. Cầu hôn suốt mười mấy năm trời đều thất bại, bỗng dưng được vợ, lại là con gái cưng của thượng cấp, Vi Cố vui mừng quá đổi. 

                           Inline image
                              
Vi Cố cưới vợ

         Đêm động phòng hoa chúc, thấy cô dâu Vương Thị chỉ khoảng mười bảy mười tám tuổi, xinh đẹp vô cùng, lại theo thời trang đính một hoa vàng ở giữa đôi mày trông càng xinh xắn kiểu dáng vô cùng. Vi Cố rất thỏa mãn và hạnh phúc với cô vợ trẻ đẹp này. Nhưng không biết vì sao đóa hoa vàng làm dáng ở giữa mày, cả khi đi ngủ đi tắm nàng cũng không chịu mở ra, khiến Vi Cố vô cùng thắc mắc. 
          Một hôm, khi vợ chồng đang trò chuyện thân mật với nhau, chàng mới thừa cơ hỏi rõ nguyên do. Nàng bèn cười mà đáp rằng : “Đó chẳng qua là tính thích làm đẹp của phái nữ, muốn giữ cho đẹp mà thôi !” Đoạn kể cho chàng nghe về lai lịch của mình. Thì ra, nàng không phải là con ruột của Vương Thứ Sử, chỉ là cháu gọi bằng chú mà thôi. Lúc nhỏ vì trên đường đi làm quan xa, cha nàng bị bệnh mất sớm, chẳng bao lâu mẹ cũng buồn rầu mà mất theo. Lúc đó nàng chỉ mới ba tuổi, phải sống nương nhờ vào bà vú nuôi, trồng cải ở mảnh đất sau nhà, nên mỗi ngày phải ra chợ bán cải cho bạn hàng. Một hôm không biết vì cớ gì có một kẻ côn đồ cầm dao định đâm nàng chết, may mà bà vú nhanh mắt tránh sang một bên, nên chỉ sướt qua giữa chân mày, vì thế mà nàng phải đính một đóa hoa vàng để che đi cái thẹo còn để lại. Sau đó chú nàng là Vương Thái tìm đến đem nàng về nuôi nấng và nhận làm con nuôi.
          Vi Cố nghe xong cả kinh, mồ hôi ra ướt cả mình, hỏi lại rằng : “ Có phải bà vú của nàng là người đàn bà chỉ có một mắt hay không ?” Vương Thị cũng rất ngạc nhiên mà hỏi lại rằng : “ Sao chàng lại biết ?!”. Đến nước nầy, Vi Cố bèn kể lại chuyện Nguyệt Lão là Ông gìa dưới trăng đã định sẵn hôn nhân của hai vợ chồng cho nàng nghe. Vương Thị cũng vô cùng cảm khái cho cuộc hôn nhân tiền định nầy, vì thế mà vợ chồng càng yêu thương khắn khít nhau hơn là những cặp vợ chồng thường khác.
          Vi Cố vì hưởng phụ ấm mà được chức quan nhỏ, nhưng nhờ gia đình bên vợ nâng đở, nên đường hoạn lộ cũng hanh thông. Sau nhờ con trai trưởng là Vi Cổn bình loạn có công, được phong làm Thái Thú Nhạn Môn Quan, lại được vua ban hàm Tướng Quân, mẹ là Vương Thị cũng được phong hàm Thái Nguyên Quận Thái Phu Nhân. Vì thế, mà câu chuyện Nguyệt Lão ở Nam Điếm của Tống thành ngày xưa được nhân gian truyền tụng và nhắc nhở. Huyện lệnh Tống Thành bèn đổi Nam Điếm thành Định Hôn Điếm定婚店là nơi Định đoạt Hôn Nhân của người thế gian, đồng thời cũng cho xây miếu để thờ phượng Ông Già Dưới Trăng, gọi là Nguyệt Lão Miếu月老廟.

                           Inline image
                         Nguyệt Hạ Lão Nhân Miếu

          Ngày nay, khắp nơi đều có miếu thờ Nguyệt Lão, nếu không thì cũng có bàn thờ Nguyệt Lão được thờ chung với các vị thần khác ở tất cả các miếu. Riêng ở Trung Hoa thì miếu thờ Nguyệt Lão có ở khắp nơi trong nước, nhưng nổi tiếng nhất là Nguyệt Lão Miếu ở Hàng Châu, không phải vì nó đẹp và linh thiêng hơn các nơi khác mà vì nó có nét cổ kính và nhất là đôi câu đối bất hủ ở hai bên cổng miếu không biết do danh sĩ nào đã làm ra :

             Nguyện thiên hạ hữu tình nhân chung thành liễu quyến thuộc,
                  願   天    下   有   情    人       终      成     了    眷      屬,
             Thị tam sanh chú định sự mạc thác qúa nhân duyên !
                 是  三   生    註    定   事   莫    錯    過    良     緣。
Có nghĩa :
           Mong cho tất cả tình nhân trong thiên hạ, đều được nên gia thất,
           Là chuyện tiền định từ ba kiếp trước, đừng để lở mất duyên lành !

        Rất bình dân, rất nên thơ mà cũng rất thực tế, rất thiệt tình ! 

                     Inline image Inline image
                          Tượng Nguyệt Lão
        
        Còn một chuyện rất mỉa mai đến buồn cười là : Nguyệt Lão ở Trung Hoa là Ông Gíà Dưới Trăng lẻ loi đơn độc có một mình. Mặc dù chuyên xe tơ kết tóc cho người đời nên duyên chồng vợ với nhau, nhưng sang qua Việt Nam, có thể dân ta thấy tội nghiệp cho ông suốt đời chỉ mai mối cho người khác còn mình thì vẫn lẻ loi, và theo quan niệm của người Việt Nam ta, có “Ông” thì phải có “Bà”, nên mới “cưới” cho ông một “ Bà Nguyệt “ nữa, thành một cặp “Ông Tơ Bà Nguyệt”, và thành ngữ “Ông Tơ Bà Nguyệt” chỉ có trong ngôn ngữ và văn chương Việt Nam ta mà thôi, chớ ở bên Tàu thì “Ông Tơ” là Nguyệt Lão vẫn chỉ trơ trọi có một mình, không biết chuyện trai gái là gì cả, nên mới bị nàng Cung phi của Nguyễn Gia Thiều bỡn cợt :

                      Tay NGUYỆT LÃO khờ sao có một
                      Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.
                      Cái đêm hôm ấy đêm gì?    
                      Bóng gương lồng bóng đồ mi trập trùng.



                                                         Đỗ Chiêu Đức

Xem thêm :Điển Tích Văn Học LÁ THĂM - Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...