Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Người Đức nghĩ gì về nạn diệt chủng của phát xít Đức?(NCQT )


Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa thể hiểu được tại sao nước Đức văn minh bậc nhất thế giới – nơi từng sinh ra những tài năng như văn hào Goethe, triết gia Hegel, bác học Humboldt v.v. – lại là thủ phạm của cuộc diệt chủng người Do Thái vô cùng tàn bạo trong Thế chiến II. Hiện nay, những người Đức cao tuổi rất khó trả lời con cháu là tại sao ngày xưa họ lại cam tâm đi theo Hitler làm những việc hoàn toàn mất nhân tính như vậy. Chế độ phát xít bị coi như một vết nhơ của dân tộc, vì thế nhiều người Đức đã cố xoá hết các di tích vật thể của nó. Nhưng những người Đức chân chính thì luôn nhắc lại quá khứ ô nhục đó để cảnh giác với chủ nghĩa phát xít mới và để cho thế hệ sau biết phải làm gì để tránh dẫm lên vết xe đổ.
Dù phát xít Đức hết sức giữ bí mật hoạt động diệt chủng, nhưng 3 triệu lính Đức trên mặt trận phía Đông khi nghỉ phép về nhà không thể không kể cho gia đình biết. Nghĩa là ít nhất 10 triệu người Đức biết, nhưng họ đã nói gì về chính mình?
Năm 1986, đài truyền hình Đức tổ chức thăm dò dư luận về vấn đề này; 6% người Đức trên 65 tuổi thừa nhận có tham gia hành quyết tập thể người Do Thái sau khi Đức tấn công Liên Xô; 15% nói hồi ấy họ có nghe nói. Nghĩa là 21% hoặc 11 triệu người Đức đã biết việc diệt chủng; 79% chỉ biết sau khi Thế chiến II chấm dứt. Một cuộc thăm dò khác cho thấy 22 triệu người Đức biết việc diệt chủng, 6 triệu người 65 tuổi trở lên thừa nhận có tham gia. Dĩ nhiên, biết không có nghĩa là đồng ý.
Goebbels từng than phiền: “Ở đâu cũng có người đồng tình với bọn Do Thái.” Ngay từ tháng 9/1941, dân Đức đã phê phán việc chính quyền bắt người Do Thái phải đeo ngôi sao 6 cạnh màu vàng, họ rất lo là người Đức ở Mỹ cũng sẽ bị buộc phải đeo huy hiệu chữ thập ngoặc như vậy. Nhiều người Đức biết việc chính quyền xua đuổi, tàn sát người Do Thái và họ không tán thành cách làm đó, nhưng họ phải nhắm mắt làm ngơ, vì phản đối thì sẽ bị trừng trị ngay.
Trong cuộc thăm dò dư luận năm 1986, khi được hỏi ai chịu trách nhiệm về tội giết người Do Thái, 70% người Đức nói Hitler và đồng bọn, 20% (chủ yếu dưới 30 tuổi) nói “tất cả người Đức” đều có tội.
Rõ ràng người Đức có lỗi trong tội ác diệt chủng nói trên. Phải thừa nhận Hitler có “tài”: năng lực phạm tội của hắn có thể “giải phóng” năng lực phạm tội của nhiều người Đức khác – đây là bi kịch của một dân tộc từng sinh ra không ít thiên tài.
Dù sao, rốt cuộc họ vẫn là một dân tộc tỉnh táo – và thế giới đều biết điều đó. Ngay từ năm 1934, thị trưởng Leipzig đã từ chức để phản đối chính quyền phát xít dỡ bỏ bức tượng nhạc sĩ Đức gốc Do Thái Felix Mendelssohn trước Cung Âm nhạc. Năm 1937, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, nguyên soái W. Blomumberg, và Tổng tư lệnh lục quân, thượng tướng W. Frasie, phản đối Hitler phát động chiến tranh với phương Tây, do đó cả hai đều bị sa thải.
Tháng 11/1939 tại Munich, một người Đức thân cộng sản cho nổ một quả bom hẹn giờ ở chỗ Hitler diễn thuyết. Tám đảng viên Quốc xã chết, hơn 60 tên bị thương. Hitler hôm ấy tình cờ quyết định nói ngắn và nói sớm, hắn đi được một lúc thì bom mới nổ. Đây là vụ ám sát Hitler lần thứ 7. Sau đó còn có nhiều vụ khác, nhưng tất cả đều không thành chỉ vì Hitler gặp may. Toàn bộ những người tham gia ám sát đều bị hành quyết; kể cả nguyên soái Rommel, Tư lệnh quân đội Đức ở Bắc Phi, nổi tiếng chỉ huy chiến đấu giỏi, được gọi là “Cáo sa mạc”.
Tháng 5/1938, lo sợ việc Hitler tấn công Tiệp Khắc sẽ gây ra chiến tranh thế giới, trung tướng R. Becker Tham mưu trưởng Lục quân đã lôi kéo được một số tướng lĩnh cấp cao định làm đảo chính bắt Hitler và lập chính phủ mới. Nhưng do Anh, Pháp thoả hiệp ký Hiệp ước Munich mà Hitler dễ dàng chiếm được Tiệp Khắc, nên đảo chính đã không nổ ra. Nhóm đảo chính nhiều lần liên hệ với Đồng Minh, nhưng do sợ mắc bẫy, nên Đồng Minh đều phớt lờ họ. Cuối 1942, lo ngại trước các vụ tàn sát ở Ba Lan và Nga, một số tướng cấp cao, trong đó có viên chỉ huy tập đoàn quân trung lộ mặt trận Nga, đã chống lại Hitler. Sau thất bại ở Stalingrad, nhiều tướng Đức bất mãn định tổ chức ám sát Hitler khi hắn đến Nga thị sát, nhưng dự định này cũng không thành.
Khi Liên Xô bắt đầu phản công (1943), có thêm một số tướng Đức chống lại Hitler, nổi bật nhất là trung tá Schtaufenberg. Năm 1945, các tay chân thân cận nhất như Goering, Himmler đều bí mật đàm phán với Đồng Minh để xin đầu hàng.
Cần nhấn mạnh sự thật kể trên để thấy Đức khác với Nhật. Phát xít Nhật chống Đồng Minh ngay cả khi đã thua rõ ràng và hàng trăm nghìn dân bị bom nguyên tử Mỹ giết; nếu Nhật Hoàng không quyết định đầu hàng thì họ sẽ đánh đến người cuối cùng, không nghĩ gì đến sự tồn vong của dân tộc. Ngày nay các đời Chính phủ Nhật vẫn chưa hoàn toàn nhận lỗi về cuộc chiến tranh Thái Bình Dương do ông cha họ gây ra. Dù biết rõ tội ác của chính quyền nước mình, nhưng người Nhật vẫn tuyệt đối tin vào Nhật Hoàng; chưa ai từng có mưu mô ám sát nhà vua hoặc các tướng lĩnh Nhật phạm tội ác tầy trời. Khi biết Chính phủ mình quyết định cấu kết với Đức và Ý để chống Đồng minh, Đô đốc Isoroku Yamamoto đã tỏ ý phản đối – vì từng học và công tác ở Mỹ lâu năm, ông biết Nhật không thể chọi lại sức mạnh nền công nghiệp của Mỹ – và do đó ông bị những kẻ hiếu chiến ở Nhật đòi trừ khử. Thế nhưng khi Nhật-Đức-Ý đã lập Khối Trục, samurai Yamamoto lại là người nghiêm chỉnh nhất tiến hành chuẩn bị chiến tranh, chính ông đã vạch kế hoạch đánh úp Trân Châu Cảng (Pearl Harbor).
Năm 1970, Thủ tướng CHLB Đức W. Brand quỳ xuống trước bia kỷ niệm người Do Thái bị giết ở Ba Lan. Báo chí đưa tin này dưới cái tít “Brand quỳ xuống, nước Đức đứng lên”. Đúng vậy, họ đã đứng lên, đúng với bản chất một dân tộc văn minh. Các đời chính phủ Đức nghiêm chỉnh tiến hành bồi thường vật chất cho tất cả các nạn nhân Do Thái còn sống sót. Tám mươi tỷ USD đã được người Đức bù đắp cho các thiệt hại do phát xít Hitler gây ra. Khi dự lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz, Thủ tướng Đức G. Schroeder nói nước Đức xấu hổ vì nỗi nhục này. Bộ trưởng Ngoại giao Đức J. Fischer nói: Về đạo nghĩa và chính trị, nước Đức có trách nhiệm thừa nhận nạn diệt chủng của phát xít Đức. Đầu năm 2005, thủ đô Berlin khánh thành đài kỷ niệm người Do Thái bị giết.
Trái lại, người Nhật vẫn đến hành lễ ở đền Yasukuni, nơi đặt bài vị hơn 3 triệu quân nhân Nhật chết trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa suốt từ thời Minh Trị đến năm 1945, trong đó có các tội phạm chiến tranh Thái Bình Dương. Thế đấy! Văn minh Đông Tây vẫn khác nhau, dù nước Nhật có vẻ đã hoàn toàn Tây phương hóa.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...