Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Tại sao nông dân Pháp lo lắng về Trung Quốc?

Nguồn: Why France’s farmers worry about ChinaThe Economist, 27/03/2018.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hơn 670.000 người đã tham dự Hội chợ Nông nghiệp thường niên của Pháp tại Paris gần đây. Trong số đó có tổng thống Emmanuel Macron, người đã đến thăm vào ngày đầu tiên và dành 12 giờ tại hội chợ, một kỷ lục cho các tổng thống. Thời gian tại hội chợ của ông có cảm tưởng như kéo dài hơn vậy. Trước hội chợ này, những người nông dân đã chặn các đường cao tốc của Pháp để phản đối cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mercosur, khối Thị trường chung Nam Mỹ, mà tác động có thể thấy là sự gia tăng lượng thịt bò nhập khẩu vào Pháp, và phản đối cả các kế hoạch của Pháp để cắt giảm trợ cấp cho các trang trại gặp khó khăn. Ông Macron đã phải chịu một sự tiếp đón thiếu thân thiện trong một vài khu vực hội chợ (mặc dù ông đã tránh được số phận mà ông phải chịu năm ngoái, khi bị ném một quả trứng vào mặt). Tuy nhiên, nông dân Pháp cũng có một mục tiêu mới. Tại sao họ lại lo lắng về Trung Quốc?
Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện của mình ở vùng nông thôn Pháp từ cuối những năm 2000. Cho đến gần đây, điều này có thể nhìn thấy rõ nhất ở Bordeaux, khi người Trung Quốc mua những vùng đất trồng nho để cố gắng làm dịu cơn khát ở Trung Quốc đối với các loại rượu vang cao cấp của Pháp. Hiện tại, Trung Quốc sở hữu khoảng 2% số lượng nhà máy sản xuất rượu vang của khu vực. Sau đó, năm 2017, tin tức cho biết Keqin Hu, một tỷ phú Trung Quốc, đã thành công trong việc mua hơn 2.500 ha đất canh tác ở hai khu vực nổi tiếng về sản xuất ngũ cốc.
Các liên đoàn nông dân đã tố cáo các giao dịch này như là các vụ chiếm đoạt đất bí mật. Họ tức giận về việc lợi dụng những gì họ coi là một lỗ hổng trong luật pháp của Pháp, khi thông thường luật đòi hỏi các vụ mua bán đất nông nghiệp lớn phải được chấp thuận bởi một cơ quan nhà nước. Một ngoại lệ được áp dụng khi công ty sở hữu đất không bị mua lại toàn bộ, đã cho phép ông Hu mua lại tất cả ngoại trừ một phần nhỏ những tài sản đó mà không cần có sự chấp thuận của chính phủ.
Tuy nhiên, nỗi lo của những người nông dân vượt ra ngoài phương thức mua bán. Các ngoại lệ đã được sử dụng trước đây, cho những người mua từ Anh Quốc và Hà Lan, những người sở hữu nhiều đất nông nghiệp Pháp hơn so với các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều mà nông dân địa phương thực sự lo sợ là các nguồn tài chính khổng lồ của các nhà đầu tư Trung Quốc, những người họ nghi ngờ có thể được hậu thuẫn bởi các quỹ nhà nước của Trung Quốc.
Và họ nghĩ rằng ông Hu sẽ tìm cách né tránh các quy tắc trong đó yêu cầu các nhà sản xuất ngũ cốc ở Pháp phải bán sản phẩm của họ cho các nhà dự trữ – thương lái do nhà nước quản lý, mà về nguyên tắc sẽ khiến ông ta khó xuất khẩu trực tiếp. Nhà tỷ phú này thực sự dường như đã có một kế hoạch: ông đã thiết lập một thỏa thuận với Axereal, hợp tác xã ngũ cốc lớn nhất của Pháp, để tìm hiểu cách nướng và vận chuyển bánh đến Trung Quốc.
Ông Hu nói rằng ông chỉ đang theo đuổi một cơ hội kinh doanh tuyệt vời: khẩu vị ngày càng tăng của đất nước ông đối với món bánh mì baguette. Nhưng người dân địa phương nghi ngờ Trung Quốc đang cố gắng tăng cường an ninh lương thực của mình với cái giá phải trả dành cho nước Pháp.
Nông dân Pháp muốn sự minh bạch cao hơn với các giao dịch đất đai và gia tăng sự kiểm soát của chính phủ. Ông Macron dường như đã nghe thấy họ: “Chúng ta không thể cho phép hàng trăm hecta đất được mua bởi các cường quốc nước ngoài mà chúng ta không được biết mục đích của những vụ mua bán đó là gì”, ông nói hồi tháng 2. Kể từ đó, ông đã hứa sẽ sửa đổi vai trò của Safer, cơ quan chịu trách nhiệm điều tiết các giao dịch, như là một phần của việc kiểm tra toàn diện luật sở hữu tài sản ở nông thôn. Tuy nhiên, một cuộc cải cách được đề xuất dự kiến ​​sẽ không thể diễn ra trước năm tới và độ nóng của các cuộc tranh luận này cho thấy nó sẽ đòi hỏi những thỏa hiệp khó khăn.
Bất chấp sự phản đối của nông dân, tổng thống đang chịu áp lực phải tránh một cuộc đàn áp quá hiển nhiên (đối với nhà đầu tư Trung Quốc). Sau chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh hồi tháng 01, trong đó ông đã đảm bảo giành được việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu kéo dài 17 năm, Pháp đang bắt đầu xuất khẩu thịt bò trở lại Trung Quốc. Với những căng thẳng về các hình thức thương mại khác đang gia tăng trên toàn cầu, ông Macron có thể muốn tránh những tranh cãi trong lĩnh vực nông nghiệp.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...