Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Chuyện đọc mùa lễ

Dăm câu chuyện thật được kể lại trong mùa lễ. Có thể có người sẽ quên đi. Nhưng cũng có thể chúng lại khơi niềm cảm hứng và sự suy ngẫm nơi những tâm hồn thường rung động với cái đẹp, cái nghĩa cử của đời sống được bắt gặp đó đây. Bởi vì họ đồng cảm hay bắt gặp chính mình cũng sẽ hành xử tương tự như trong những câu chuyện. Hoặc chúng giúp họ sống tử tế và độ lượng hơn với tha nhân. Đời sống có quy luật của nó. Cứ làm điều gì đó nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa, ít nhất một lần với ai đó. Hệt như những gì mà những người lạ nào đó đã từng làm cho mình. Để cái đẹp cứ vậy mà tiếp nối. Lan truyền. Bằng cái tâm tình mùa lễ Tạ Ơn.
chuyen-doc-mua-le4
Jim và công việc: Jim, người láng giềng của tôi đang đắn đo xem đã đến lúc nghỉ hưu hay chưa. Thế rồi ông gặp một người cha trẻ có ba con nhỏ và không tìm ra việc đã vài năm nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Ngày hôm sau ông đến văn phòng nộp đơn nghỉ hưu và đề nghị thu nhận người cha trẻ kia vào thế chỗ của ông. Người cha trẻ này vậy mà đã làm việc được ở đó đã sáu năm nay. (Miranda MacLean, Michigan)
Những quả táo từ Max: Cháu ngoại Max của tôi bảo mẹ cháu là Andrea rằng, thay vì cho tiền nhân ngày sinh nhật 21 của nó thì cứ hiến tặng hay làm cái gì đó cho người khác. Vậy là Andrea nghĩ ra một cách, cô ra ngân hàng rút 21 tờ $10, mua thêm 21 quả táo và nhờ đứa em của Max là Charlie mang theo máy quay phim. Andrea dừng lại trước một người vô gia cư và cho ông $10 cùng một quả táo rồi bảo, “Hôm nay là sinh nhật 21 của Max, con trai tôi. Max bảo cứ tặng quà cho người khác để mừng sinh nhật của nó”. Vậy là người đàn ông cầm tiền và táo rồi nhìn vào máy quay phim, vừa cười vừa nói, “Chúc mừng sinh nhật Max”. Những người khác đến xếp hàng nhận tiền và táo cũng đồng hô to “Chúc mừng sinh nhật Max”. Ðó là món quà sinh nhật mà Max vui nhất khi xem lại phim (Dr. Donald Stoltz –  Pennsylvania).
Người đàn ông trong chợ: Khi người nhân viên thu ngân đã tính hết tiền các món hàng, tôi bị thiếu 12 đô. Ðang lựa bỏ ra dăm món đồ thì người đàn ông phía sau đưa tôi tờ 20. Tôi quay người, “Ông không cần làm vậy”. Người đàn ông từ tốn trả lời, “Ðể tôi kể cô nghe chuyện này. Mẹ tôi bị ung thư và đang nằm trong bịnh viện. Ngày nào tôi cũng mua hoa vào thăm mẹ. Sáng nay bà không vui vì tôi cứ mua hoa, bà bảo hãy làm gì đó với số tiền mua hoa. Thì đây, cứ cầm lấy tiền đi, đó là những bông hoa từ mẹ tôi”. (chuyện kể từ Leslie Wagner- Arkansas)
chuyen-doc-mua-le1Người đàn ông trong chợ – nguồn Reader’s Digest

Tai nạn trên đường: Khi chúng tôi gặp tai nạn giữa đường, một gia đình từ tiểu bang khác chạy ngang đã dừng lại giúp chúng tôi. Khi thấy chúng tôi bị thương nhẹ, họ chở chúng tôi vào bịnh viện để nhân viên y tế xem xét, rồi chờ ở đó cho đến khi chúng tôi được bác sĩ cho về. Họ chở chúng tôi về nhà, giữa đường còn dừng mua đồ ăn cho chúng tôi, đợi mọi chuyện yên ổn mới đi. Quả là bất ngờ khi biết họ đang trên đường lái xe đi nghỉ mát và dừng lại giúp chúng tôi như vậy. (Cindy Earls – Oklahoma)
Bảy dặm đường: Rời cửa tiệm quay lại xe tôi mới hay là mình bỏ quên cả điện thoại và chìa khóa xe trong xe. Thấy bộ dạng của tôi, một cậu thiếu niên chạy xe đạp ngang qua dừng lại hỏi chuyện. Tôi bảo, “Tôi có chìa khóa phụ ở nhà nhưng dù vậy thì vợ tôi cũng chẳng làm gì được vì đây là chiếc xe duy nhất mà chúng tôi có”. Ðưa điện thoại cho tôi, cậu thiếu niên bảo, “ông gọi về cho bà nhà đi, tôi chạy đến lấy chìa khóa xe cho”. Thế rồi hồi sau cậu ta quay lại với chìa khóa, đạp xe bảy dặm đường. Tôi cảm ơn thì cậu bảo “Có gì đâu đạp tập thể dục vậy thôi”. (Clarence Stephens, Kentucky)
chuyen-doc-mua-le2Bảy dặm đường- nguồn Reader’s Digest

Lòng tốt nhân đôi: Hai nhân viên chữa cháy đang sắp hàng mua đồ ăn fast-food thì còi xe báo động, cả hai vội vàng quay ngược lại chiếc xe đang đợi phía ngoài. Hai vợ chồng mới vừa nhận đồ ăn của mình xong thấy vậy, đưa hết bịch đồ ăn của mình cho hai người lính cứu hỏa rồi xếp hàng trở lại để mua lại phần ăn cho mình. Người manager của cửa tiệm khăng khăng không nhận tiền của họ. (JoAnn Sanderson, Florida)
Chỉ đường: Khi tôi rời một buổi tiệc, ra xa lộ thế nào mà tôi lạc mất phương hướng, không biết phải chạy ra làm sao giữa đêm. Tấp vào lề, tôi gọi cho số điện thoại giúp đỡ thân chủ của hãng xe, cô nhân viên cố nối tôi với nhóm nhân viên xa lộ nhưng không được. Cuối cùng cô bảo văn phòng cô tình cờ không xa lắm chỗ tôi đang ở và cô cũng chuẩn bị xong giờ làm, cứ đợi cô sẽ chạy ra đó. Khoảng mười phút sau cô có mặt và hướng dẫn cặn kẽ đường đi cho tôi. (Michelle Arnold, California).
Đã được dạy điều đúng: Quan sát các trẻ nhỏ chơi đùa tại khu trẻ em trong tiệm IKEA thì cháu gái 5 tuổi của tôi bất ngờ dừng lại trước một cậu bé khác. Con bé cúi xuống thắt lại dây giày cho chiếc giày của thằng bé vừa bị sút dây. Cả hai không nói điều gì, làm xong rồi cùng tự nhiên rượt đuổi nhau chạy tiếp. (Sheela Mayes, Louisiana)
chuyen-doc-mua-le3Đã được dạy điều đúng- nguồn Reader’s Digest

Lọ nước hoa kỷ niệm: Tôi mở bán garage sale thì một phụ nữ ghé mua. Cái mùi nước hoa khá đậm và đầy quen thuộc. Tôi hỏi, “chị xài nước hoa gì vậy?”. “White Shoulders”- bà trả lời. Té ra là vậy, đó là mùi nước hoa mà người mẹ thương yêu của tôi vẫn xài khi còn sống. Cả một trời kỷ niệm về mẹ ùa về với tôi khi tôi kể cho bà nghe. Bà mua vài món rồi bỏ đi. Mươi phút sau bà quay lại và tặng tôi lọ nước hoa “White Shoulders” của mẹ tôi ngày nào. Tôi không nhớ ai đã khóc trước. (Media Stooksbury, Tennessee).
chuyen-doc-mua-leLọ nước hoa kỷ niệm – nguồn Reader’s Digest

Chiếc áo đầm: Tôi bắt gặp chiếc áo đầm trong một cửa hiệu nhỏ mà tôi tin chắc là đứa cháu tôi sẽ rất thích. Túi tiền có hạn nên tôi ngần ngừ hỏi người chủ tiệm có thể để dành chiếc áo đầm đó lại cho đến khi tôi đủ tiền để mua. Từ phía sau, một phụ nữ bảo rằng bà sẽ trả tiền chiếc áo đầm đó cho tôi. Tôi lắc đầu không nhận thì bà ấy kể rằng, bà là một người từng lâm cảnh vô gia cư, được những người khác giúp đỡ rất nhiều. Bây giờ bà đã khá hơn rất nhiều và luôn tâm nguyện sẽ giúp đỡ bất cứ người nào khác cần giúp đỡ để đáp trả những tấm lòng độ lượng từng cưu mang bà trước đây. Bà trả tiền cho chiếc áo đầm và chỉ nhận cái ôm cảm ơn của tôi. (Stacy Lee, Maryland)
ĐYT
Dallas – TX
dịch từ Reader’s Digest

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...