Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Lễ Tạ Ơn Có Lich Sử Như Thế Nào ?

Nguồn: How Thanksgiving became a secular, national holidayThe Economist, 22/11/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày Lễ Tạ ơn, hơn 46 triệu người Mỹ sẽ tỏa ra trên toàn đất nước để kỷ niệm ngày lễ này với gia đình và bạn bè. Sẽ có gà tây, bánh bí ngô và những lời chúc hân hoan chờ đón họ. Câu chuyện về ngày lễ này được cất giữ trong kho tàng dân gian của nước Mỹ. Vào tháng 11 năm 1620, một nhóm tín đồ Thanh giáo người Anh đã cập bến ở Cape Cod, Massachusetts, sau hai tháng lênh đênh trên chiếc thuyền Mayflower. Họ đã được giúp đỡ để vượt qua sự thiếu thốn của mùa đông đầu tiên bởi những người đa đỏ Wampanoag địa phương, những người đã cho họ lương thực cũng như những lời khuyên. Sau một vụ thu hoạch thành công vào năm kế tiếp, 50 người Thanh giáo và 90 người da đỏ đã ăn mừng với một bữa tiệc gà tây. Phần còn lại được cho là lịch sử. Nhưng lịch sử đầy những sự thật nửa vời, và Lễ Tạ ơn cũng không phải là một ngoại lệ. Cách người Mỹ ăn mừng kỳ nghỉ lễ này ngày hôm nay — như một sự kiện hàng năm mang tính thế tục – là một “phát minh” từ thế kỷ 19.
Người Thanh giáo là những người rất khắc kỉ. Họ hiếm khi có các ngày lễ hội. Giáng sinh, Phục sinh và các ngày lễ thánh đã bị cấm. Thay vào đó, những người Thanh giáo kỷ niệm ngày nhịn ăn cộng đồng hoặc lễ tạ ơn. Những ngày lễ này được tổ chức ứng với các sự kiện cụ thể, cho nên ngày tổ chức của chúng thay đổi theo từng năm. Người ta tin rằng việc nhịn ăn có thể làm dịu một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, chẳng hạn như hạn hán hoặc xâm lược, trong khi lễ tạ ơn đánh dấu một vụ thu hoạch tốt hay một chiến thắng quân sự. Cầu nguyện là tâm điểm của những sự kiện này.
Bằng chứng về việc tổ chức ngày lễ này vào năm 1621, mặc dù chỉ dài bốn câu, đến từ một bức thư của người lãnh đạo nhóm Thanh giáo, Edward Winslow. Những người da đỏ Wampanoag xuất hiện cùng với thủ lĩnh của họ, Massasoit, “người mà chúng tôi đã chiêu đãi và ăn mừng cùng trong ba ngày”. Những người Thanh giáo không đề cập đến sự kiện này trong những năm sau đó (điều khiến cho sự kiện này không phải là một lễ tạ ơn theo nghĩa đích thực, vì nó không liên quan đến lời cầu nguyện nào) và quan hệ với người da đỏ nhanh chóng trở nên xấu đi. Một cuộc chiến diễn ra giữa hai bên chỉ trong vòng khoảng 25 năm. Những người Thanh giáo đã thắng, và vào năm 1676 họ tuyên bố một ngày dành cho việc tạ ơn; họ treo đầu của con trai Massaoit trên cọc gỗ, “thịt cho những người sống trong vùng hoang dã”, như lời của một người Thanh giáo. Những người vùng New England tiếp tục kỷ niệm ngày lễ tạ ơn trong 200 năm tiếp theo, và mang theo phong tục này khi họ di chuyển về phía nam và phía tây đất nước.
Ngày lễ này trở nên bán cố định về mặt thời gian. Chủ yếu nó được tổ chức như là một sự kiện trong phạm vi địa phương hoặc toàn tiểu bang và được khởi xướng bởi một mục sư hoặc thống đốc. Nó có thể được tổ chức vào tháng Mười, tháng Mười Một, tháng Mười Hai hoặc thậm chí là cả tháng Giêng.
Một vài ngày lễ quốc gia đã được công bố ở Mỹ: George Washington tổ chức lễ đánh dấu việc thông qua Hiến pháp vào năm 1789; James Madison tổ chức kỷ niệm kết thúc Chiến tranh năm 1812…. Tuy nhiên, công trạng trong việc chọn một ngày cố định cho Lễ Tạ ơn, vào hàng năm và trên toàn quốc, thuộc về một nhà văn tên là Sarah Josepha Hale. Bà hiếm khi nhắc đến những người Thanh giáo khi theo đuổi ý tưởng về một lễ kỷ niệm mang tính yêu nước vào mùa thu trong suốt hai thập niên. Bà gửi kiến ​​nghị tới các tổng thống và thống đốc, và tạp chí Godey’s Lady’s Book, một tạp chí định kỳ dành cho phụ nữ nổi tiếng của bà, đã đăng các bài xã luận và tiểu thuyết giáo huấn ủng hộ mục tiêu này. Thành công đến vào năm 1863 trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Tổng thống Abraham Lincoln đã tuyên bố ngày lễ này trở thành một ngày lễ quốc gia sau các chiến thắng của quân đội Liên bang miền Bắc tại Gettysburg và Vicksburg hồi đầu năm đó. Năm 1941 Quốc hội đã đưa ngày lễ này vào luật, và nó sẽ được tổ chức vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một.
Việc kỷ niệm Lễ Tạ ơn trên toàn quốc có nghĩa là ngày lễ này đã trở thành một sự kiện ngày càng thế tục. Vào năm 1878, tờ New York Times đã phàn nàn rằng ngày lễ này đã “mất đi sự nghiêm trang và theo đó là hầu hết ý nghĩa tôn giáo của nó.” Các cuộc diễu hành địa phương được tổ chức, và vào năm 1924, hãng bán lẻ Macy đã tổ chức cuộc diễu hành đầu tiên của mình. Đối với Hale, ngày lễ này là “biểu tượng tốt nhất…cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của người dân Hoa Kỳ”. Đó cũng là một ngày để tôn vinh sự giàu có và truyền bá các giá trị Mỹ: lòng yêu nước, sự tận tụy với gia đình và chăm chỉ làm việc. Điều này diễn ra cho dù những người Thanh giáo hầu như không thừa nhận và có lẽ đã chối bỏ lễ kỷ niệm hiện đại bày. Đối với những người ủng hộ, điều cần thiết là một huyền thoại vững chắc về sự ra đời của một quốc gia trẻ.
Xem thêm :
LICH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN

https://hoainiemtayninh.blogspot.com/search?q=l%E1%BB%85+T%E1%BA%A1+%C6%A0n

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...