Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

LỤC DỤC THẤT TÌNH LÀ GÌ?


  Trong bài Kinh Di Lạc của Đạo Cao Đài, có câu nguyện “Niệm thử Nhiên Đăng Cổ Phật thường du ta bà Thế giái giáo hóa Chơn Truyền phổ tế Chúng sanh giải thoát lục dục thất tình thoát đọa luân hồi tất đắc giải thoát”.
       Vậy, “Lục dục thất tình” là gì?
       1- Lục dục (六欲) gồm 2 từ: Lục (sáu); Dục (ham muốn). The six human passions (ou: Les six passions humaines).
       Lục dục là sáu (6) cái ham muốn của con người. Đó là:
1. Sắc dụcham muốn nhìn thấy sắc đẹp.
2. Thính dụcham muốn nghe âm thanh êm tai.
3. Hương dụcham muốn ngữi mùi thơm dễ chịu.
4. Vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng.
5. Xúc dụcham muốn sờ mó cho xác thân có cảm giác sung sướng.
6. Pháp dụcham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.
        Con người có Lục căn nên mới có Lục thức. Lục thức bị Lục trần cám dỗ mới sanh ra Lục dục. Bốn thứ ấy liên hệ mật thiết nhau, tương tác nhau.
       2- Thất tình (七情)gồm 2 từ: Thất (bảy); Tình (cái tình cảm của con người). The seven human feelings. (ou: Les sept sentiments humains).   
1- Theo Phật giáo, Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục. (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn)
2. Kinh Lễ của Nho giáoThất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục. (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn)
3. Đại Thừa Chơn Giáo: Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ. (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ)
4. Dưỡng Chơn Tập: Thất tình gồm: Hỷ, Nộ, Ai, Lạc, Ưu, Khủng, Kinh. (mừng, giận, buồn, vui, lo, sợ, hoãng sợ)
5. Trong bài Thuyết Đạo của Đức Hộ PhápThất tình gồm: HỈ, LẠC, ÁI, AI, DỤC, Ố, NỘ (mừng, vui, thương, buồn, ham muốn, xấu, giận)
        Bảy trạng thái tâm lý nầy luôn luôn tiềm ẩn ở nơi tâm thức chúng ta, hễ khi nào gặp một cơ hội thuận tiện, tự nhiên cái tình cảm ấy sẽ hiện nguyên ra bên ngoài như bộc lộ ra nơi nét mặt hay nơi cử chỉ, trong lời nói v.v...rồi sẽ đi đến những hành động. Như khi vui, người ta có bộ mặt tươi tắn, lúc buồn mặt ủ dột, lạnh nhạt. Còn giận thì mặt tái mét, xanh xao; yêu thương mặt đỏ, nóng bừng v.v...
       Một trong 7 thứ tình cảm trên thái quá cũng khiến cho tâm sinh lý con người xáo trộn mất quân bình và gây ra những hành động thiếu ý thức và tai hại. Để đối phó lại với thất tình, Phật giáo đưa ra Thất-giác-chi tức là 7 điều hiểu biết đúng đắn là: Chọn lựa phương pháp, chuyên cần, mừng vui, nhẹ nhàng, suy nghĩ, định tĩnh tâm thức và xã bỏ những ý tưởng thấp hèn. 
       Nếu để ý, khi bước vào bên trong Đền Thánh Cao Đài ở Tây Ninh, là ngôi Bạch Ngọc Kinh tại thế, chúng ta thấy phía sau hình Tam Thánh, là Tượng Ba Ngôi: HỘ PHÁP, THƯỢNG PHẨM và THƯỢNG SANH đang đứng trên Tòa sen. Ba tượng được liên kết nhau bởi con rắn 7 đầu, gọi là Thất Đầu Xà. Bảy đầu rắn tượng trưng cho Thất Tình của con người; đó là HỈ, LẠC, ÁI, AI, DỤC, Ố, NỘ. Ba đức tính tốt gồm Hỉ (mừng), Lạc (vui), Ái (yêu) được đưa lên cao. Và bốn tính xấu gồm Ai (buồn), Dục (ham muốn), Ố (xấu) và Nộ(nóng giận) phải đè nén nên bị chân Hộ Pháp đè xuống không cho trổi dậy để tránh suy nghĩ và hành động xấu.
       Thế gian là giả huyễn, vô thường, vô ngã, sanh sanh diệt diệt. Khi nhân duyên hòa hợp thì vạn pháp sanh và khi nhân duyên tan rã thì vạn pháp diệt, cho nên tuy vạn pháp sanh sanh diệt diệt, diệt diệt sanh sanh mà chúng ta vẫn luôn luôn tự tại trước sự sanh diệt, diệt sanh nầy. Nếu biết áp dụng huyền nghĩa của đoạn kinh nầy vào trong cuộc sống, con người sẽ không còn chấp Tướng tức là chấp vào hình sắc, âm thanh, ngôn ngữ, lời nói, văn tự…thì cuộc sống sẽ an vui tự tại, không còn ràng buộc những khổ đau.
       Nếu không chấp vào hình tướng thì con người sẽ không còn quan trọng đến nhà sang, xe đẹp, áo lụa quần là, se sua chưng diện xa hoa…mà chỉ cần đứng đắn chỉnh tề, tâm tư thanh thoát và ung dung tự tại. Nếu không chấp âm thanh, lời nói, văn tự vì chúng là giả huyễn, là sinh diệt thì con người sẽ dững dưng trước lời khen tiếng chê và xem những tiếng thị phi như gió thoãng ngoài tai mà hướng tâm thanh tịnh để thấy rằng: “Nhất thế sắc giai thị Phật sắc, nhất thế thanh giai thị Phật thanh”, nghĩa là nếu có tâm thanh tịnh thì tất cả hình tướng đều là hình tướng Phật và tất cả âm thanh đều là âm thanh Phật.
        Thất tình lục dục ví như những cục nam châm lúc nào cũng muốn hút con người vào trong quỷ đạo đam mê, tham đắm sắc dục mà không có lối thoát. Bây giờ có Tỉnh thức Chánh niệm thì tâm liền bừng sáng nên sống với tánh giác thanh tịnh của mình. Một khi tâm đã thanh tịnh thì cũng cái thế giới mà người đời gọi là “thất tình lục dục” đó, nhưng đối với ta thì bình yên thanh thãn, không còn cái gì quyến rũ nữa. Lúc đó, con người mới cảm thấy thanh thãn sống một cuộc đời có ý nghĩa; nhưng thực hiện được ý nguyện đó không phải là dễ. Phải có quyết tâm và chịu kiên trì khổ nhọc.
       Thất tình lục dục là mối loạn hàng ngày trong tâm trí, không phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí đánh phá ruồng trong núi cao rừng thẳm còn dễ trừ đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là Lục dục: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân và Ý dục, chúng nó phá hại hàng ngày.
       Nhãn thì ưa màu sắc tốt đẹp.
       Nhĩ thì thích nghe những giọng nói tao nhã thanh bai, vuốt ve trìu mến.
       Tỹ thì ưa thích mùi thơm ngon hơi ngọt.
       Thiệt thì ưa nếm vị lạ món ngon.
       Thân thì thích vợ đẹp hầu xinh, cả dục tình dâm niệm.
       Ý thì lại tư tưởng vất vơ quấy phá. Nhứt là Ý, nó là mối đại hại cho con người. Nó tư tưởng sự nầy sang sự nọ, chuyện nọ đến chuyện kia. Nó vẹt vô, nhảy ra lẹ làng không chi ngăn đón đặng, nên mới cho nó là đứa ăn trộm tài nghề, xách món nầy, lấy vật nọ trước mắt mọi người mà chẳng ai thấy, không ai biết đoán cái ý của người.
       Còn cái Thân, là thân thể muốn sự dâm dục quá độ, mới hao tán nguơn Tinh, nguơn Khí, nguơn Thần.
       Thiệt là cái lưỡi, miệng ham ăn món ngon vật lạ, đồ mỹ vị cao lương, nên phạm tội sát sanh, bị đọa vào Ngục đạo. Còn Tỹ là mũi, mũi ưa thơm tho mới khiến cho lòng tham ham muốn. Nhĩ lài tai lại thích nghe điều phi lễ. Mắt là mắt thấy, ngó thấy sắc đẹp thì động tánh ham mê sắc đẹp, giục lòng dục dấy lên, làm điều phi nghĩa, trái Đạo.
      Vậy mấy thứ mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân ham, đều xúm nhau làn cho thân xao động, sanh lòng quấy phá. Vã lại, Lục dục cũng là Sáu con quỷ, tức là sáu đứa du côn; nhưng nếu con người biết cách thâu phục chúng nó, điều khiển chúng nó thì chúng nó sẽ trở thành Lục thông mà đắc đạo.
       Nhưng muốn thâu phục chúng nó được thì phải làm sao? Đó là:
       Phải làm chủ cái Tâm, giữ sao cho Tâm thanh tịnh, định cái trí sao cho cái trí tự nhiên. Nếu Lục dục được an thì Lục thần đầy đủ. Hễ có Lục dục thì có Lục trần, mà hể có Lục trần  thì mới sanh Lục tặc. Có Lục tặc thì hại Lục căn, Lục thức, Lục thần, nên sẽ sa vào Lục đạo.
       Ấy là kiếp con người không có Nguơn Thần chấp chánh, để cho Thức Thần đương quyền thì dầu có sống, chỉ sống một cách vất vơ như bồ nhìn trơ trơ để gió lay người đẩy, lung lay bất định không an.
        Vì vậy, “Chúng sanh giải thoát lục dục thất tình thoát đọa luân hồi”mới “tất đắc giải thoát”như kinh cầu nguyện Đấng Di Lạc Bồ Tát giúp đỡ đó vậy./-       
                                                                    *                                                        
Bài do Hồ Xưa sưu tầm bố cục lại____________________________________

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                      Chữ TÂM   TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên...