Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

Ai sở hữu tài nguyên nào trong không gian vũ trụ? (Từ Nghiên Cứu Quốc Tế )


Nguồn: Who owns what in outer spaceThe Economist, 12/06/2018.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào năm 2015, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật để hợp pháp hóa việc khai thác tài nguyên trong không gian vũ trụ – đạo luật đầu tiên thuộc loại này trên thế giới. Các công ty mà một ngày nào đó có thể tìm cách khai thác các tiểu hành tinh để lấy các nguồn tài nguyên như nước hoặc kim loại quý từ nay trở đi sẽ được phép sở hữu, xử lý và bán bất cứ thứ gì họ thu được. Ngành công nghiệp khai thác không gian non trẻ đang vô cùng vui mừng. Ông chủ của một công ty với tên gọi Planetary Resources so sánh nó với Đạo luật Homestead 1862 – một đạo luật đã cấp lên tới 160 mẫu Anh đất ở miền Tây Hoa Kỳ cho bất kỳ người định cư gan dạ nào sẵn sàng mạo hiểm tới đó. Gần đây, Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, đã nói về việc tạo ra một môi trường pháp lý “thuận lợi” hơn về không gian và biến mặt trăng thành một “trạm xăng” cho các chuyến thăm dò xa hơn.
Các quốc gia khác cũng đang làm theo như vậy: Luxembourg đã thông qua một biện pháp tương tự vào năm ngoái và dành 200 triệu euro để đầu tư vào các công ty khai thác không gian vũ trụ. Nhưng không phải ai cũng hài lòng. Tại Ủy ban Liên Hợp Quốc về không gian vũ trụ, Nga lên án động thái của Mỹ là “hoàn toàn thiếu tôn trọng” luật pháp quốc tế. Các nhà phê bình nói rằng nước Mỹ đang trao các quyền mà họ không có thẩm quyền để trao. Thực tế có những vùng xám pháp lý về vấn đề này. Ai là người sở hữu những gì nằm trong không gian vũ trụ?
Không gian là một tài sản chung. Điều đó đã được xác định vào những năm 1950 bởi một ủy ban của Liên Hợp Quốc, và được quy định một thập niên sau đó trong Hiệp ước Không gian Vũ trụ. Không quốc gia nào có quyền yêu sách đối với mặt trăng, các tiểu hành tinh hay các thiên thể khác; không gian được mở cho tất cả mọi người khám phá. Quy định của các điều ước đầu tiên rất chung chung, với việc không gian được gọi là “cương vực của toàn nhân loại”. Thực tế phức tạp hơn như vậy. Năm 1957, Liên Xô đã phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái Đất. Thành tựu này đã làm gia tăng lo ngại của Mỹ rằng căng thẳng hạt nhân có thể vượt quá tầm kiểm soát và leo thang. Cả hai quốc gia quyết tâm bảo vệ không gian vũ trụ khỏi cuộc đối đầu hạt nhân bằng cách đưa ra nguyên tắc sử dụng hòa bình.
Một cuộc đối đầu hạt nhân trong không gian không còn là mối quan ngại hàng đầu. Vấn đề bây giờ là hoạt động thương mại, khi các công ty tư nhân – chứ không phải là các quốc gia – tìm kiếm lợi nhuận trong không gian. Được xây dựng vào những năm 1950 và 1960, luật không gian lấy nhà nước làm trung tâm và được cho là không phù hợp với nền kinh tế tương lai. Tình trạng pháp lý của các nguồn tài nguyên được khai thác trong không gian vẫn còn mơ hồ, và ngành công nghiệp muốn làm rõ điều này.
Các luật được thông qua bởi Mỹ và Luxembourg là những bước đầu tiên theo hướng đó. Nhưng luật pháp quốc gia sẽ chỉ bảo vệ các công ty khỏi những tuyên bố cạnh tranh đến từ những người cùng một nước, Tanja Masson-Zwaan, một chuyên gia về luật không gian, cho biết. Một công ty Trung Quốc sẽ không bị ràng buộc bởi luật pháp Hoa Kỳ. “Mọi người đều quan tâm đến việc có một số hệ thống quản trị quốc tế nào đó,” bà nói thêm. Một trường hợp tương tự là đối với khu vực biển cả, nơi một Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế có thẩm quyền cấp giấy phép khoan dầu. Một mô hình ít tương đồng hơn  là Nam Cực, nơi việc khai thác đã bị cấm trong 50 năm theo thỏa thuận quốc tế, bắt đầu từ năm 1998.
Liệu có điều nào trong số này có ý nghĩa không? Thị trường đối với các loại khoáng sản từ các tiểu hành tinh hiện không tồn tại. Nhưng điều đó có khả năng thay đổi, khi các rào cản kỹ thuật giảm xuống và hoạt động thương mại – chẳng hạn như du lịch vũ trụ – phát triển. Planetary Resources và Deep Space Industries, một công ty khác, đang lên kế hoạch triển khai các phái đoàn khảo sát vào năm 2020. Một ý tưởng là chiết xuất nước từ các tiểu hành tinh và phân tách thành hydro và oxy để tiếp nạp nhiên liệu cho tên lửa trong không gian. Cách này sẽ rẻ hơn nhiều so với vận chuyển nhiên liệu từ Trái Đất và sẽ cho phép các chuyến bay vươn xa hơn với tải trọng lớn hơn. Việc khai thác các tiểu hành tinh có vẻ sẽ mất ít nhất là vài thập niên nữa. Chúng ta có thể mong đợi một làm sóng chiếm hữu không gian khi điều đó xảy ra.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...