Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Những điều ít biết về cuộc đời Adolf Hitler( Nghiên Cứu Quốc Tế )



Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Phát xít Đức chiếm kỷ lục về giết đồng loại: ứng với mỗi chữ trong tự truyện của Hitler Mein Kampf (Cuộc chiến đấu của tôi) – bản tuyên ngôn của phát xít Đức – có 125 người bị chúng giết, ứng với mỗi chương sách này có 1,2 triệu người chết. Trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng chống phát xít, một nhà lãnh đạo Chính phủ CHLB Đức nói: Đó không phải là chiến tranh, mà là một cuộc tàn sát!
Đầu sỏ tội phạm lớn nhất gây ra cuộc đại tàn sát đó là trùm phát xít Adolf Hitler. Có thể nói không có Hitler thì không có chủ nghĩa phát xít Đức. Cho nên trước hết hãy xem xét con người Hitler.
Những năm đầu
Adolf Hitler (1889-1945) là con một chủ hiệu nhỏ ở thành phố Bruno nước Áo. 14 tuổi cha chết, dăm năm sau thì mẹ chết. Hai lần thi vào khoa Hội hoạ của Học viện Nghệ thuật thành Vienna đều rớt, hắn vô cùng cay cú doạ đánh bom Học viện này. Lớn lên, để nuôi mấy đứa em, hắn làm nghề vẽ tự do, bán tranh kiếm tiền thêm vào phụ cấp trẻ mồ côi và tiền tiết kiệm cha để lại. Năm 1913, Hitler dọn đến ở Munich, tiếp tục vẽ và bắt đầu hoạt động chính trị. Thế chiến I nổ ra, hắn đi lính, chiến đấu dũng cảm, từng hai lần bị thương và được thưởng huân chương Thập tự sắt.
Xuất ngũ năm 1918 với lon hạ sĩ và nỗi hận nước Đức thua trận, hắn tham gia Đảng Công nhân Đức ở Munich, là thành viên thứ 9 của đảng này. Hitler ra sức tuyên truyền quan điểm kết tội người Do Thái, người cộng sản và người xã hội dân chủ Đức đã làm cho nước Đức thua trong Thế chiến I và phải chịu các điều kiện hà khắc của Hoà ước Versailles.
Tháng 2/1920, hắn đề ra cương lĩnh “Chủ nghĩa xã hội quốc gia”, nêu khẩu hiệu mị dân “công nhân được chia lợi nhuận của nhà máy”, “nông dân không phải nộp địa tô”, và đổi tên đảng thành Đảng Công nhân XHCN Quốc gia Đức (viết tắt NAZI hoặc Quốc Xã). Năm 1921, Hitler công khai tuyên truyền tư tưởng độc tài, chống cộng, chống Do Thái, đề cao quan điểm chủng tộc Đức ưu việt.
Năm 1923, hắn tổ chức đảo chính ở Munich, nhưng thất bại và bị tù 9 tháng. Trong tù, hắn đọc cho bạn tù là Rudolf Hess viết “Cuộc chiến đấu của tôi” (Mein Kampf) trình bày chiến lược tái thiết nước Đức thành cường quốc số 1 châu Âu. Tập ghi chép này đưa ra ngoài in và được nhiều nhà báo Đức tung hô lên tận mây xanh. Năm 1929, cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới nhấn chìm nước Đức trong nạn lạm phát, thất nghiệp, chia rẽ, rối loạn, mất niềm tin. Giữa lúc đó Hitler đưa ra chủ trương cứu đất nước bằng cách bành trướng lãnh thổ ra nước ngoài và đàn áp mọi chống đối trong nước, cam kết lập lại trật tự. Người Đức coi hắn như một vị cứu tinh và hăng hái đi theo hắn. Đảng Nazi phát triển nhanh, năm 1932 đã có gần 1 triệu đảng viên.
Sau khi Nazi thu được nhiều phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, qua dàn xếp với các thế lực tài phiệt, tháng 1/1933 Hitler được Tổng thống Đức Paul von Hindenburg (1847-1934) cử làm Thủ tướng. Hắn lập tức xé Hoà ước Versailles, dốc sức phát triển công nghiệp quân sự nhằm tái vũ trang nước Đức, nhờ đó kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh, thất nghiệp giảm. Sức mạnh và uy tín nước Đức lên cao. Đến năm 1935, Hitler đã giành được sự ủng hộ thật lòng của hầu hết nhân dân Đức. Hắn bắt đầu bành trướng lãnh thổ: trước hết lấy lại vùng Saar (1935), chiếm Rhineland (3/1936) và thôn tính Áo (3/1938), Tiệp Khắc (10/1938) rồi Ba Lan (9/1939).
Năm 1936, cựu Thủ tướng Anh D.L. George sau khi thăm nước Đức đã nói về Hitler như sau:“Người già tín nhiệm ông ta, thanh niên sùng bái ông ta. Đó không phải là sự khâm phục một lãnh tụ nhân dân mà là sự sùng bái một anh hùng dân tộc đã cứu đất nước ra khỏi nỗi chán chường và suy sụp. Ông ta như một nhà quân chủ độc tài không bị bất cứ ai phê bình. Nói như vậy chưa đủ, phải gọi ông ta là George Washington của nước Đức … Ai chưa tận mắt chứng kiến thì có thể nghĩ nói như vậy là quá lời.” Dĩ nhiên, Hitler có được uy tín cao như thế, một phần là nhờ nhà tuyên truyền đại tài Goebbells dựng lên và khuếch đại.
Tài diễn thuyết
Ngoại hình Hitler không có dáng lãnh tụ: hắn chỉ cao có 1,75m – chưa đủ tiêu chuẩn vào lính SS, chân nhỏ và dài, tóc lật trái, để bộ ria như một anh hề. Thế nhưng hắn cực kỳ có sức lôi cuốn, chủ yếu ở ánh mắt xuyên thấu tim gan người khác và khí thế nói dồn ép người ta phải nghe theo. Hitler còn là nhà diễn thuyết đại tài có một không hai trên thế giới. Hắn rất chú ý tập luyện và cải tiến kỹ xảo nói, rất thạo kết hợp nói với động tác. Hắn viết trong Mein Kampf: “Tôi tin rằng lời nói, chứ không phải là bài viết, có khả năng gây ra những sự kiện làm rung chuyển thế giới”. Hitler khoe mình là “diễn viên vĩ đại nhất toàn châu Âu”. Hắn dốc toàn bộ nhiệt tình vô tận của mình vào bài nói, tới mức những lời dối trá trắng trợn nhất cũng có mầu sắc chân lý. Hitler kể: sau mỗi buổi diễn thuyết hắn bị sụt từ 2 đến 3 kg, mồ hôi ướt đẫm quần áo. Hắn luyện kỹ xảo nói với mục đích không chỉ để thuyết phục, mà là làm cho người nghe phát điên lên như bị thôi miên. Hắn thường diễn thuyết vào buổi tối để có thể dùng ánh đèn tăng thêm hiệu quả.
Vài ngày sau khi Hitler nhậm chức Thủ tướng, 1 triệu người Đức kéo đến sân bay Berlin để nghe hắn diễn thuyết suốt từ 20 h cho đến 22 h đêm. Hitler nói hay đến mức khi hắn nghiêng ngả người thì cả triệu thính giả cũng nghiêng ngả theo, như một đại dương sôi sục. Phụ nữ bị xúc động hơn cả, có bà thét lên nằm vật xuống. Một số cán bộ ngoại giao các nước trung lập cũng giơ tay hô lớn “Hailơ Hitle”. Khi xúc động lên tới cao điểm, Hitler trợn mắt, vung nắm đấm như đánh vào kẻ thù không đội trời chung của hắn – người Do Thái, “bọn Đỏ” và những kẻ “phản quốc”.
Một nhà thơ nhận xét: các buổi diễn thuyết của Hitler mang lại hiệu quả kịch tính là “cưỡng dâm và giết chóc”. Sự so sánh ấy rất hợp với cá tính của Hitler. Hắn thường cho rằng quần chúng nhân dân là một quần thể “nữ tính hoá” và tỏ ra hãnh diện vì mình có thể điều khiển được họ. Trong “Mein Kampf”, hắn viết: “Quần chúng nhân dân chẳng khác gì giới phụ nữ, sự nhạy bén tinh thần của họ quyết định ở khát vọng về tình cảm đối với quyền lực, chứ không quyết định bởi lý tính trừu tượng.” Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, bao giờ hắn cũng cố giấu hết mọi nhược điểm của mình. Nhưng các cộng sự thân tín thì biết rõ Hitler là một kẻ cô độc, yếu đuối, bệnh hoạn, độc tài, tàn nhẫn đến táng tận lương tâm.
Hitler không chịu sửa các thói quen cổ quái của mình. Hắn chẳng quan tâm đến chức năng quản lý quốc gia của một Thủ tướng. Thiếu kiến thức điều hành Chính phủ nhưng hắn lại không chịu học. Tự cho mình là một nghệ sĩ cao quý và một nhà tư tưởng nhạy bén, Hitler tin vào tín điều: “Một ý nghĩ thiên tài giá trị hơn cả một đời ngồi trong phòng làm việc.” Vì thế hắn thoải mái chờ cho tới khi bất chợt xảy ra tình huống hiểm nghèo thì hắn nhảy lên sân khấu diễn một vở kịch xuất chúng.
Hàng ngày Quốc trưởng ngủ dậy rất muộn, vừa ăn sáng vừa đọc báo, sau đó tạt qua phòng làm việc, giải quyết vài việc hắn quan tâm, bỏ mặc mọi việc khác. Hắn tự bố trí việc tiếp khách, không ưa ai thì không tiếp, dù việc khẩn cấp đến đâu. Hắn ít ngồi mà hay đi lại trong phòng, ghét viết lách, thích ra lệnh miệng cho bất cứ ai có mặt, hoặc đọc cho thư ký chép. Buổi “biểu diễn” đặc sắc nhất của hắn là bữa ăn trưa, bắt đầu lúc 14h hoặc 15h, kéo dài cả buổi chiều, thường có mặt dăm chục cộng sự. Suốt bữa, hắn huyên thuyên độc thoại một mình, người nghe chỉ biết phụ hoạ, không dám nói lại. Bữa tối vắng hơn. Người giàu tự trọng thường tránh ăn chung với Hitler. Ngày làm việc ở Phủ Thủ tướng thường kết thúc bằng xem phim – thú tiêu khiển duy nhất của Quốc trưởng. Xem đến chỗ nào không thích là hắn hét lên: “Rác rưởi!”, cấp dưới lập tức thay phim khác.
Đời tư
Hitler ít khi có mặt ở Phủ Thủ tướng mà thường đi khắp nơi. Hắn thích đến bang Bavaria nhất, nơi đã ủng hộ hắn từ một kẻ vô danh tiểu tốt ngoi lên địa vị Quốc trưởng. Toà biệt thự Hitler mua bằng nhuận bút cuốn Mein Kampf cũng ở xứ này, dưới chân dãy An-pơ (Alps). Hắn thường đến đây ở ít lâu khi cần chuẩn bị một bài diễn thuyết quan trọng, nhưng lý do chính là để được sống tự do tự tại và có thể trút bỏ cái vỏ kẻ độc thân bí hiểm do hắn tạo ra nhằm tăng cường sức hút đối với nữ giới. Mỗi lần Hitler đến đây, người ta đều thấy cô tình nhân của hắn là Eva Braun xuất hiện và được bố trí vào ở phòng cạnh phòng hắn.
Cô gái trẻ xinh đẹp, ít nói, xuất thân thấp hèn này có sức nhẫn nhịn kỳ lạ. Trước mặt người khác, rất ít khi Hitler tỏ ra yêu mến Eva, có lúc còn xua cô ta đi chỗ khác, mặc dù hắn quen Eva từ năm 1930. Eva biết Hitler không thể nào quên mối tình đầu tiên và duy nhất với Geli Raubal, con gái bà chị cùng cha khác mẹ của hắn. Geli xinh tươi nhí nhảnh, trong trắng, kém Hitler 19 tuổi đã lập tức thu hút ông cậu độc thân khi họ gặp nhau lần đầu. Hitler cực kỳ nuông chiều cô, nhưng chưa làm gì quá mức. Hắn ích kỷ ép Geli không phút nào được xa hắn, cuối cùng cô gái bị bức bách đến tuyệt vọng đã tự tử bằng chính khẩu súng lục của Hitler.
Với quyền lực cao tuyệt đối và tài diễn thuyết, tài thể hiện mình như một anh hùng độc thân, Hitler được nhiều phụ nữ yêu đến mê mệt, kể cả Magda Goebbels (vợ Goebbels) đã có 6 con. Mấy cô từng tự tử vì thấy Hitler thờ ơ với mình; Eva Braun cũng hai lần tự tử. Khi chỉ có đàn ông với nhau, Hitler thường tỏ ý khinh đàn bà. Có lần hắn nói với người khác trước mặt Eva: Đàn ông khôn ngoan chỉ nên kiếm một “người đàn bà chất phác ngu đần không bao giờ can dự công việc của mình”, và “Tôi không thể lấy vợ, – thử nghĩ xem, sau khi có con rồi thì còn làm được gì nữa!” “Điều tồi tệ nhất của hôn nhân là đẻ ra nhu cầu, do đó tốt nhất là nuôi một cô tình nhân.”
Tuy thế, Hitler kết thân với nhiều phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng, như Leni Riefenstahl, ngôi sao màn bạc và đạo diễn nổi tiếng nước Đức, hoặc diễn viên kịch Olga Tsecova; nghe nói Hitler còn từng đính hôn với con gái của nhạc sĩ Richard Wagner. Khi quân đội Liên Xô tiến vào Berlin, Hitler thất vọng quyết định tự tử. Ngày 29/5/1945 hắn đột ngột làm lễ cưới Eva Braun và chiều hôm sau cả hai cùng chết: Hitler tự bắn vào đầu, Eva uống thuốc độc.
Hitler thường nói, ngoài hai sinh mạng trung thành với hắn là Eva Braun và con chó Blondi ra, hắn không có bạn bè nào. Kiến trúc sư đại tài A. Speer rất muốn làm bạn với hắn cũng không thành, vì Hitler không muốn để lộ tình cảm thật của mình.
Tuy thế, Hitler có mối quan hệ lâu bền với Benito Mussolini, ca ngợi tên độc tài người Ý này là “cha đẻ của chủ nghĩa phát xít”, “một trong những người cô độc nhất từ xưa đến nay, họ không cần chịu sự thử thách của lịch sử bởi vì chính họ làm nên lịch sử ”. Ngược lại, Mussolini đánh giá Hitler là người “đầu óc mơ hồ”, “không có logic”, “trí lực có trở ngại”. Mussolini cầm quyền nước Ý từ 1922, đến 1943 bị mất chức Thủ tướng và năm sau bị Chính phủ mới bắt giam. Hitler đã cho lính SS đến giải cứu và dựng Mussolini lên làm thủ lĩnh chính quyền bù nhìn miền Bắc nước Ý.
Tính cách
Thói ăn kiêng của Hitler cũng làm nhiều người khó chịu vì hắn hay huyên thuyên tuyên truyền cho ăn kiêng; khi thấy người khác ăn thịt ngon lành, Hitler thường cố ý kể những chuyện buồn nôn về các lò sát sinh. Hitler rất khoái đọc những chuyện tra tấn, tùng xẻo, chặt đầu và ăn thịt người, ngược hẳn với việc hắn rất quý các con vật nuôi của mình và tìm mọi cách đưa ra các luật bảo vệ vật nuôi. Năm 1936, Hitler đưa ra kết luận: cách giết tôm hùm nhân đạo nhất là dùng nước sôi, và ra lệnh từ nay trở đi, chỉ được giết các loài động vật giáp xác bằng cách đó.
Hitler ăn kiêng trường chủ yếu do sợ bệnh tật. Hắn không uống rượu và hút thuốc lá, mê tín các loại dược phẩm và đòi hỏi bác sĩ luôn phải ở bên. Hitler luôn lo bị ung thư – vì mẹ hắn từng chết vì bệnh này. Do nói quá nhiều, giọng trở nên khàn, hắn nghi bị ung thư họng, tuy nhiều lần kiểm tra xác nhận không việc gì. Tháng 5/1935, hắn viết qua quýt một Di chúc, nói mình không còn sống được bao lâu nữa. Câu đầu tiên trong Di chúc yêu cầu đưa xác hắn về Munich, đặt trong “Phòng Nguyên soái” nơi kỷ niệm các liệt sĩ Nazi hy sinh đầu tiên; câu thứ hai viết đảng Nazi được hưởng toàn bộ tài sản của hắn … Nỗi lo bệnh hoạn này khiến Hitler nóng vội thực hiện kế hoạch xâm lược châu Âu, bỏ qua lời can ngăn của mọi người.
Tính cách quái đản còn thể hiện ở thói gia trưởng, độc tài, hay nổi nóng vì những việc nhỏ nhặt; lúc ấy hắn mất hẳn vẻ nhân từ đức độ hàng ngày mà gầm lên, đấm bàn ầm ầm, hoặc dang hai tay lên tường. Một lần lính cần vụ bưng nước suối lên không đúng loại nước đóng chai Hitler thích, thế là người kia bị đuổi việc ngay dù đã phục vụ ở đây 5 năm. Thói xấu này của Hitler đã đem lại nhiều thất bại cay đắng cho quân đội Đức, nhưng hắn vẫn không thèm sửa chữa, vì cho rằng mình là một thiên tài quân sự và có sứ mạng thiêng liêng với nước Đức, nhất là thời gian đầu chiến tranh, Đức thắng như chẻ tre trên các mặt trận.
Lĩnh vực quân sự
Là một binh nhì trong Đại chiến I, Hitler hiểu rất rõ tâm lý người lính và hầu như dành cả cuộc đời còn lại vào việc lãnh đạo chuẩn bị chiến tranh. Hắn có trí nhớ cực kỳ tốt, đọc nhiều sách quân sự và nắm rất vững mọi chi tiết. Hitler nói: “Tôi vững tin vào các quyết sách tài trí và quyết đoán của mình. Chưa ai từng lập được những thành tích như tôi. Tôi sẽ dẫn nhân dân Đức tiến lên một đỉnh cao mới. Tôi phải lựa chọn giữa chiến thắng và huỷ diệt. Tôi đã chọn chiến thắng. Trong cuộc đấu tranh này tôi sẽ đứng vững hoặc ngã xuống. Không việc gì có thể làm tôi sợ hãi. Tôi quyết không nể nang với bất cứ ai chống lại tôi.” Vì chưa từng học lớp sĩ quan nào nên hắn không bị ràng buộc bởi các khuôn sáo cứng nhắc và dám đưa ra các quyết định mạo hiểm.
Hitler từng nói: “Tôi không yêu cầu các tướng lĩnh phải hiểu mệnh lệnh của tôi, mà chỉ yêu cầu họ chấp hành.” Đầu năm 1938, đa số các chỉ huy cao cấp phản đối việc Hitler định chiếm châu Âu, họ sợ nước Đức sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến không thể thắng. Hitler bèn thay hầu hết người ở các chức vụ cao nhất, bãi bỏ chức tổng tư lệnh lực lượng vũ trang và Bộ Chiến tranh, lập Bộ Thống soái Tối cao (OKW) do Hitler trực tiếp chỉ huy, thực chất chỉ là ban tham mưu cho cá nhân hắn. Khi Hitler ra lệnh chiếm Áo (3/1938), đa số các tướng phản đối; hắn bèn tự chỉ huy toàn bộ chiến dịch này. Tháng 5, Hitler thông báo kế hoạch chiếm Tiệp Khắc do OKW dự thảo, không hề hỏi ý kiến lục quân. Tổng tham mưu trưởng lục quân bèn từ chức để phản đối. Khi quyết định chiếm Ba lan, Hitler sai lầm cho rằng phương Tây sẽ không can thiệp, nhưng Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức sau khi Đức tiến vào Ba Lan; chiến tranh thế giới nổ ra. Khi Hitler thông báo kế hoạch tháng 8 tấn công sang mặt trận phía Tây, ngay cả cấp phó thứ nhất của hắn là Goering cũng bất ngờ vì các tướng Đức vẫn muốn hoà bình với Anh, Pháp. Chiến dịch tấn công Na Uy tháng 4/1940 bộc lộ rõ nhược điểm chủ quan của Hitler. Hải quân Anh đánh đắm 10 tầu tuần dương Đức. Phải mất 6 tuần Hitler mới chiếm được Na Uy.
Sau khi chiếm nước Pháp, Hitler càng tự phụ mình có thiên tài quân sự, hắn phớt lờ các tướng lĩnh Đức và không cung cấp cho họ mọi thông tin cần thiết, nhằm tước đoạt quyền chỉ huy của họ. Trong cuộc tấn công Liên Xô, Hitler tưởng là chỉ vài tuần là chiếm được Moskva nên quân Đức không mang quần áo rét, do đó khi bị cầm chân trong băng tuyết ở ngoại vi Moskva, chúng đã bị thua đau trước sự phản công của quân Nga. Lúc đó Hitler không cho quân Đức rút lui theo đề nghị của các tướng, vì vậy thiệt hại càng nặng. Như mọi lần, hắn lại đổ tội cho cấp dưới, khiến nguyên soái Brauchitsch xin từ chức Tổng tư lệnh. Trong trận Stalingrad, Hitler càng chủ quan đến bệnh hoạn. Khi nghe báo cáo Liên Xô tập trung 1 triệu quân phản công và Stalingrad mỗi ngày sản xuất được 1200 xe tăng, Hitler không thèm nghe các tin này. Hắn phản đối đề nghị phá vây của tướng Paulus, ra lệnh đánh đến cùng. Cuối cùng Paulus dẫn 92 nghìn lính Đức ra đầu hàng Hồng quân. Hitler gầm lên: “Tôi không thể hiểu tại sao một người đàn ông như Paulus lại không chọn cách tự tử?” Trên mặt trận phía Tây, quân Đức ở Bắc Phi đầu hàng; Đồng Minh chiếm đảo Sicile của Ý, Mussolini bị hạ bệ. Từ đó trở đi, Hitler ngày một rút vào cô đơn, hắn không ăn chung với các hầu cận nữa và chỉ còn diễn thuyết có hai lần trước đám đông. Hitler giam mình trong phòng riêng tại Sở Chỉ huy của Quốc trưởng ở Đông Phổ, đôi lúc sang tận Sở Chỉ huy ở gần Kiev (Ukraine), cho đến 20/11/1944 mới về Berlin. Khi Đồng Minh đổ bộ Normandy, Hitler vẫn không tin là quân Đức có thể thua. Hắn ra lệnh chiến đấu đến cùng, mắng nhiếc các tướng lĩnh là dát như chuột và lừa dối.
Kiểu cai trị độc tài phát xít và uy tín to lớn của Hitler đã che dấu các nhược điểm của hắn. Khi nhiều người Đức nhận ra Hitler có thể đưa dân tộc mình đến chỗ chết thì họ đã quá muộn để chống lại, vì guồng máy phát xít đang chạy hết tốc lực. Đây chính là bi kịch của một dân tộc từng sinh ra những thiên tài như Goeth và Hegel.
Tư  tưởng
Về tư tưởng, Hitler bị nhiễm một số quan điểm lệch lạc của chủ nghĩa Darwin Xã hội (Social Darwinism) – dùng thuyết Tiến hoá sinh học Darwin để giải thích các hiện tượng xã hội và quy kết lịch sử nhân loại là “sự đấu tranh sinh tồn”, đề xướng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Hắn nói: “Đấu tranh sinh ra tất cả. Loài người sở dĩ có thể sinh tồn là do đã tiến hành cuộc đấu tranh tàn nhẫn nhất chứ không phải dựa vào sức mạnh của tính người.” Lý lẽ ấy Hitler học được từ các trận đòn thừa sống thiếu chết của bố hắn, một kẻ tàn nhẫn kinh khủng. Hắn thường tự hào kể cho mẹ biết đã bị bố đánh và chịu đòn giỏi thế nào. Học thói tàn ác ấy, hắn thẳng tay giết mọi đối thủ, kể cả các cộng sự gần gũi nhất, như các đồng chí cũ ở Munich, đô đốc Canaris trùm tình báo, thống chế Rommel Tư lệnh quân Đức tại Bắc Phi v.v.
Hitler cho rằng trên thế giới chỉ có chủng tộc Aryan là giống người thượng đẳng. Aryan trong tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa “quý phái”, “kẻ thống trị” – vốn là tên một chủng tộc xâm nhập thung lũng Indus ở Ấn độ 1500 năm trước CN, về sau được dùng để gọi những người nói ngôn ngữ Ấn-Âu. Phát xít Đức dùng Aryan đặt tên cho chủng tộc Đức và Bắc Âu là cách dùng từ không chính xác và sặc mùi cuồng tín phát xít, chỉ để phân biệt với các chủng tộc bị chúng coi là hạ đẳng.
Hitler chịu ảnh hưởng của thuyết tìm kiếm “Không gian sinh tồn” cho chủng tộc Đức do giáo sư địa-chính trị K. Haushofer nêu ra đầu thập niên 1920, chủ trương nước Đức phải mở rộng về phía Đông, đến dãy Uran ở Nga. Trong Mein Kampf, hắn viết: Nước Đức phải mở rộng, kẻ ngăn trở việc đó là hơn 20 triệu người Slavs và mấy triệu người Do Thái, đều là các dân tộc hạ đẳng; người Slavs bẩm sinh là lũ nô lệ; để nhường không gian sinh tồn cho người Aryan thuần chủng, phải đuổi 1/3 người Slavs sang châu Á, 1/3 giữ làm nô lệ, còn lại thì giết hết.
Căm thù người Do Thái
Việc Hitler căm thù người Do Thái còn có một nguyên nhân sâu xa mà mãi đến thập niên 1990 người ta mới biết: chính hắn có dòng máu Do Thái! Theo luật sư của Hitler kể lại, năm 1930, khi đang là thủ lĩnh Nazi khét tiếng chống Do Thái, Hitler được một người họ hàng cho biết ông nội hắn chính là người Do Thái. Từ lâu Hitler đã biết bố hắn là con riêng của bà nội – khi bà đang giúp việc cho một ông chủ Do Thái giàu có ở thành phố thì có thai và sinh ra bố của Hitler. Vì không xác minh được thật hư, hắn luôn tự dằn vặt về chuyện đó và về khả năng dòng máu Do Thái hắn cho là bẩn thỉu đang thật sự chảy trong người mình. Suốt đời Hitler suy nghĩ về nguy cơ “ô nhiễm’ chủng tộc. Để nội tâm được yên tĩnh, hắn luôn cho rằng huyết thống của toàn bộ người Đức đều không thuần khiết.
Đúng là không ít người Do Thái đã bị đồng hoá từ sau ngày họ đến nước Đức hồi thế kỷ I, khi đế chế La Mã chiếm Israel và xua đuổi họ. Do đạt được các thành công nổi bật về khoa học và thương mại, người Do Thái có vai trò ngày càng lớn ở Đức; năm 1871, pháp luật công nhận họ được bình đẳng với người Đức. 15% trong số hơn nửa triệu người Do Thái ở Đức đã chiến đấu vì nước Đức trong Thế chiến I. Thế nhưng sau đó thì họ cùng với những người cộng sản và xã hội dân chủ bị kết tội đã mang lại mọi bất hạnh cho nước Đức, từ nạn tham nhũng trong chính quyền đến việc tầng lớp vô sản yêu cầu làm cách mạng, nạn đồng tiền mất giá, kinh tế sa sút.
Năm 1935, Hitler ra lệnh thêm vào Luật Chủng tộc Nuremberg một điều khoản gọi là “bảo vệ huyết thống và vinh dự của nước Đức”, trong đó quy định: “Người Do Thái không được thuê phụ nữ giúp việc dưới 45 tuổi có huyết thống German hoặc liên quan” và “người Đức không được lấy người Do Thái hoặc giao cấu với họ”. Phải chăng, điều khoản đó có liên quan đến việc bà nội Hitler có thai ở tuổi 41 khi đang làm người giúp việc cho một ông chủ người Do Thái (phụ nữ ngoài 45 tuổi thì khó có thể có con)?
Với tài diễn thuyết hiếm có, Hitler đã truyền nỗi oán thù nạn “ô nhiễm” dòng máu của hắn cho tất cả người Đức, kích động họ “làm sạch huyết thống người Đức” bằng cách giết hại người Do Thái với quy mô diệt chủng.

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...