Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Tại sao Mỹ thay đổi quan điểm về khẩu trang

Người Mỹ bắt đầu làm quen với việc đeo khẩu trang để ngăn Covid-19, dù từng cho rằng đây là thứ chỉ dành cho người bị bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong họp báo tại Nhà Trắng ngày 3/4 cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) kêu gọi mọi người che mặt bằng khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vải, để dành khẩu trang y tế cho các y bác sĩ.
Đây được coi là sự thay đổi quan điểm đáng kể của CDC, cơ quan vài tháng trước vẫn khẳng định phần đa người Mỹ không cần thiết đeo khẩu trang để ngăn nCoV. Khuyến cáo này được đưa ra khá muộn màng, khi nhiều địa phương tại Mỹ đã đề nghị người dân đeo khẩu trang, trong đó có thành phố New York, nơi ghi nhận hơn 57.000 ca nhiễm nCoV.
Thống đốc bang Pennsylvania cho rằng cách duy nhất để ngăn virus lây lan là "hành động như thể chúng ta đều đã bị nhiễm".
Trong họp báo về Covid-19 hôm 1/4, Eric Garcetti, thị trưởng Los Angeles, đứng trên bục phát biểu và đeo khẩu trang vải màu đen, lần đầu tiên kêu gọi 4 triệu cư dân thành phố hành động như mình để chống nCoV.
"Đeo khẩu trang khi ra phố là cách giúp chúng ta tránh nguy cơ lây nhiễm và quan trọng hơn, khi chúng ta vào cửa hàng tạp hóa hoặc nơi nào đó, nó giúp bảo vệ những người trên tuyến đầu", Thị trưởng Garcetti nói. 
Lời kêu gọi của thị trưởng Los Angeles được xem như tiền đề cho sự thay đổi quan điểm của người Mỹ về khẩu trang. Sự thay đổi này phù hợp với chiến lược chống Covid-19 của nhiều nơi khác như Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong, nơi hầu như tất cả người dân đều đeo khẩu trang trong các đợt dịch trước đây và hiện nay. Mỹ từ lâu xem hành động này là không cần thiết, nhưng sự nguy hiểm của Covid-19 đã buộc quốc gia này phải thay đổi suy nghĩ.
Eric Garcetti, thị trưởng Los Angeles, đeo khẩu trang tại cuộc họp báo ngày 1/4. Ảnh: AP.

Dữ liệu mới về Covid-19 có lẽ là yếu tố khiến CDC quyết định xem xét lại các chính sách về y tế hiện có. Giám đốc CDC Robert Redfield hôm 31/3 nói rằng cơ quan này phải nhanh chóng xem xét lại hướng dẫn về khẩu trang sau những báo cáo cho thấy 1/4 người nhiễm nCoV có thể không có triệu chứng bệnh. Điều này có nghĩa nhiều người mang mầm bệnh không thực hiện các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang và vô tình lây lan virus ra cộng đồng. Chính sách đeo khẩu trang rộng rãi sẽ giúp ngăn chặn tình huống này.
Những nghiên cứu mới được thực hiện ở Singapore và bang Nebraska, Mỹ cũng chỉ ra rằng nCoV có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt trong thời gian lâu hơn báo cáo trước đây. Do đó, việc tránh để virus xâm nhập vào cơ thể theo đường thở là điều vô cùng quan trọng và khẩu trang có thể giúp giải quyết vấn đề này.
"Theo quan điểm của tôi, sai lầm lớn nhất của Mỹ và châu Âu là người dân ở đây không đeo khẩu trang", George Gao, người đứng đầu Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, nhận định. Theo Gao, việc đeo khẩu trang có thể giúp ngăn chặn những giọt bắn chứa virus văng ra môi trường xung quanh và lây nhiễm cho người khác.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 7.400 ca tử vong và hơn 277.000 người nhiễm, gấp hơn hai lần số ca nhiễm của quốc gia đứng thứ hai là Italy.
Giống như hầu hết các bệnh về đường hô hấp, nCoV lây lan qua những giọt bắn từ miệng và mũi của người mang mầm bệnh, do đó khẩu trang có thể giúp ngăn chặn điều này. Khẩu trang y tế và N95 được thiết kế để ngăn chặn những hạt li ti chứa virus, trong khi khẩu trang vải hoặc khăn tay dễ thấm hơn nhưng vẫn có thể giúp hạn chế lây lan bệnh nếu mọi người đều sử dụng nó.
"Bất cứ giải pháp nào dù chỉ có hiệu quả 1%, 10% hay 50%, chúng ta đều nên thực hiện. Do đó, tôi hy vọng CDC sẽ nhanh chóng thông qua hướng dẫn về khẩu trang", Thị trưởng Garcetti nói. 
Garcetti cũng lưu ý rằng hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang vải hoặc khăn tay, thay vì khẩu trang đạt chất lượng y tế, để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm thiết bị bảo hộ ở các bệnh viện Mỹ.
"Nếu mọi người muốn đeo khẩu trang thì hãy sử dụng nó. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng nếu muốn, hãy sử dụng khăn tay hơn là đeo khẩu trang ra ngoài", Tổng thống Donald Trump nói hôm 31/3 và thêm rằng giới chức Mỹ không muốn những người dân bình thường "tranh giành" khẩu trang với bệnh viện.
Những hướng dẫn về cách làm khẩu trang vải tự chế tràn ngập trên mạng. Một video hướng dẫn làm khẩu trang tự chế đã thu hút 2,5 triệu lượt xem trên YouTube kể từ khi được đăng hôm 7/2.
Trong khi Mỹ mới bắt đầu làm quen với việc đeo khẩu trang, nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á, đã duy trì thói quen này từ lâu. Ở đặc khu Hong Kong, mọi người đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, trên phố, hành lang văn phòng, phương tiện công cộng. Một số người đeo khẩu trang y tế, trong khi một số khác chọn dùng N95, khẩu trang hai lớp hoặc sử dụng cùng với kính bảo hộ hay tấm nhựa che toàn bộ khuôn mặt.
Thói quen đeo khẩu trang của người Hong Kong bắt đầu từ đợt dịch SARS cách đây 17 năm. Thành phố này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi virus gây hội chứng suy hô hấp cấp, khi chiếm tới 40% số ca tử vong vì SARS trên toàn cầu. Garcetti nhận ra Mỹ chưa từng trải qua tình huống tương tự trong những năm gần đây, khi ông xem xét về các nước có "truyền thống dùng khẩu trang".
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các khu vực khác ở châu Á, khẩu trang rất thông dụng trong cuộc sống thường ngày, chứ không chỉ trong đại dịch hiện tại. Mọi người đeo khẩu trang khi bị cúm, khi không khí bị ô nhiễm và thậm chí xem như một phụ kiện thời trang khi ra ngoài.
"Chúng tôi giờ cũng đeo khẩu trang như nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng thực tế thói quen này của họ được hình thành là do từng trải qua những nỗi ám ảnh về sức khỏe trong quá khứ", Garcetti nói.
Athena Hayley, CEO của tổ chức Love My Neighbor Foundation, thử đeo chiếc khẩu trang vải tự chế tại thành phố Los Angeles. Ảnh: LATimes.
Mặc dù quan điểm bắt đầu thay đổi, nhiều người Mỹ vẫn "miễn cưỡng" đeo khẩu trang bởi họ luôn xem nó chỉ dành cho người bệnh, theo Priscilla Wald, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Duke ở Bắc Carolina. 
Nhưng Wald nhận định rằng khẩu trang sẽ trở nên phổ biến hơn, ngay cả khi đại dịch qua đi, việc đeo khẩu trang hàng ngày có thể "trở thành điều bình thường ở mọi nơi", khi mọi người bị cảm lạnh thông thường, không khí ô nhiễm hay trong mùa dị ứng.
"Tôi thích ý tưởng rằng mọi người hiểu nó không chỉ giúp bảo vệ chính họ, mà quan trọng hơn là bảo vệ những người xung quanh", Wald nói.
Thị trưởng Garcetti thừa nhận việc đeo khẩu trang có thể là hành động kỳ quặc với những người Mỹ không có thói quen này. "Nhưng tất cả chúng ta rồi sẽ phải làm quen với hình ảnh này", Garcetti nói trước khi tự tay đeo chiếc khẩu trang lên mặt.

1 nhận xét:

  1. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là đeo khẩu trang cho tất cả người dân khi đi ra ngoài, nơi công cộng

    Trả lờiXóa

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...