Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Thương hoài Mekong - Kỳ 1: Ký ức mùa nước nổi miền Tây

Từ hàng vạn năm nay miệt mài không ngừng nghỉ, nó đã mang biết bao nhiêu phù sa từ cao nguyên Tây Tạng, từ đất Trung Hoa, cả những chất màu mỡ trên đường nó đi qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambot để xuống đến đây. Chính nó đã lấn biển, thêm rừng, bồi đắp nên đồng bằng xứ Nam Việt, nơi chúng ta đang đặt chân lên và gửi gắm cho nó cả cuộc sống

Xa quê đã hàng chục năm trời, tôi chưa có dịp quay lại mảnh đất miền Tây yêu dấu, nhưng trong lòng tôi luôn khắc khoải một nỗi nhớ quê hương. Đêm qua, tôi lại mơ thấy mình được ngồi xuồng cùng ba, lênh đênh giữa cảnh trời nước liền nhau của miền Tây mùa nước nổi, giống như một ngày tháng 9 những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, lúc tôi lên 12, khi nước lũ về khiến làng quê bồng bềnh trong biển nước; những cánh đồng, những lũng cạn từ từ biến thành trắng xóa mênh mông.

Là người gốc Bắc, làm giáo sư ở một Viện đại học, nhưng ba đã rời Sài Gòn từ hơn nửa thế kỷ trước để về sống ở miền Tây, lúc đầu là ở mảnh đất Đồng Tháp. Người lấy má tôi là một cô thôn nữ địa phương xinh xắn đảm đang. Rồi anh em chúng tôi ra đời trong lúc ba má cứ đi lại dọc ngang trên sông nước miền Tây, vừa để mưu sinh, vừa để thỏa mãn cái thú “xê dịch” mà chính ba tôi - một trí thức yêu tự do, yêu thiên nhiên và những tâm hồn thuần hậu chân chất – đã truyền cho cả gia đình. Cũng có khi chúng tôi dừng lại một thời gian ở một nơi nào đó bên bờ nước, dựng một ngôi nhà tạm vách đất, mái lợp cỏ bàng, cỏ lát, hoặc một ngôi nhà sàn bằng gỗ cây chàm, lợp lá dừa nước. Ở chán rồi lại đi. Miền Tây đủ rộng cho thú ngao du của chúng tôi. Có thể nói, chúng tôi đã sớm coi nơi đây như quê nhà.

Chúng tôi dừng lại một thời gian ở một nơi nào đó bên bờ nước, dựng một ngôi nhà tạm vách đất, mái lợp cỏ bàng, cỏ lát... (Ảnh: Shuttersstock)
Sáng sớm, khi má và các em còn đang ngủ, từ xóm nhà lá, hai cha con tôi đã ngồi trên chiếc xuồng tam bản để chuẩn bị ra đồng. Xóm nhà lá có chừng đôi chục (1) ngôi nhà sàn dựng gần sát nhau. Xưa kia, người dân thường làm nhà trên những gò cao hơn mặt đồng chừng một vài mét, gọi là Giồng. Nhưng khi dân cư đến ở ngày càng đông hơn, số lượng Giồng cũng có hạn, nên để tránh lũ, người ta làm nhà sàn để ở.

Những ngôi nhà sàn sơn màu xanh đỏ hắt bóng xuống dòng nước đục nhờ nhờ thật vui mắt. Lúc này, nước chỉ cách mặt sàn chừng đôi ba chục phân. Xung quanh xóm nhà lá, bên những gốc dừa, có những ông lão ngồi trên xuồng tam bản buông câu lơ đãng như một thú vui chứ chẳng phải vì cá, bởi cá lội dưới sàn nhiều không đếm xuể, lũ trẻ chỉ cần phóng đinh ba xuống nước là trúng cá, các bà ngồi rửa chén cũng có thể tiện tay chém được những con cá lóc lớn.

- Ủa, giáo sư lại ra đồng hén? Một ngư ông da bánh mật, mặt mũi nhăn nheo, cười hồn hậu hỏi ba.

- Chết nỗi, cụ cứ gọi tôi là Hai Hành thôi. Vâng, cha con tôi ra đồng.

- Nếu giáo sư ra đồng kiếm cá thì khỏi, giáo sư sang tui mà lựa tẹt ga, cá bự chà bá, cỡ nào cũng có hết á. Mấy hổm rày, tui bắt được lắm à nhen.

- Tạ ơn cụ. Cha con tôi đi việc khác. Cụ ngồi câu vui vẻ nhé.

Có một vài người địa phương biết ba tôi đã từng làm giáo sư đại học, vậy nên bà con vẫn gọi ba tôi là giáo sư. Những người dân quê chân chất chưa từng biết chữ nhưng lại rất trọng những người có học vấn và đạo đức. Tuy vậy, ba tôi là người giản dị, chẳng bao giờ lên mặt với ai, ba rất yêu quý và sống chan hòa với những tâm hồn thuần hậu nơi đây.

Chiếc xuồng hướng mũi ra cánh đồng nước mênh mông trắng xóa, mái dầm nhịp nhàng khua nước theo sự điều khiển khéo léo của ba tôi. Thân thể ba cao lớn, vững chãi, nước da ngăm ngăm, áo nâu khăn rằn, cánh tay gân guốc và động tác uyển chuyển, thành thử trông ba không khác gì một ngư phủ địa phương; chỉ có vầng trán cao rộng, đôi mắt sáng, ánh mắt sắc và thâm trầm của một người có tư duy và trải nghiệm sâu sắc… phân biệt ba với những người dân quê chất phác. Người ta có thể yên tâm đi với ba trên các kênh rạch đến cùng trời cuối đất.

Nước vẫn đang lên và nắng cũng đang lên màu sóng sánh và ngọt như mật ong rừng, cái nắng hiếm hoi giữa mùa nước nổi. Được cái, nước lụt ở đây lên từ từ, mỗi ngày chừng đôi ba chục phân là nhiều. Ba nói ở mùa nước nổi của miền Tây, nước không dâng lên và rút đi chớp nhoáng như ở Bắc và Trung kỳ để gây nhiều tai hại, trừ một số ít những năm lụt lớn.

Được cái, nước lụt ở đây lên từ từ, mỗi ngày chừng đôi ba chục phân là nhiều. (Ảnh: Shutterstock)
- Sao vậy hả ba? Tôi hỏi

- Chính là nhờ Biển Hồ Tonle Sap ở Cambot (2) và hai cánh đồng lớn: Đồng Tháp và Cà Mau đóng vai trò làm túi chứa nước. Rồi còn nữa, nước mưa trên thượng nguồn của dòng Mekong được rừng giữ lại bớt nên lũ về không ồ ạt. Trước khi nước nổi lại có những báo hiệu trước, ví như nước chuyển màu đỏ đục, gọi là “nước quay”, hoặc khi thấy có những mảng lục bình hay rau muống từ trên những cánh đồng ở Cambot trôi xuống đây mà người ta có thể chuẩn bị trước.

Trước mắt tôi là một mảng lục bình đang dập dềnh dưới chân một cụm dừa nước lớn, những cây dừa nước với tán lá xanh ngắt cao đến 9m đu đưa trong gió. Người dân nơi đây dùng lá dừa nước để lợp nhà; cơm dừa là món giải khát ngọt nhẹ, mềm dẻo, bùi bùi, thanh thanh. Dưới chân đám dừa nước là cả một thế giới thủy sản phong phú.

- Vậy thì đây là nước của dòng Mekong phải không ba? Mekong là sông gì ạ?

- Đúng vậy con ạ. Mekong là con sông lớn của thế giới. Bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng ở Tây Tạng, nơi quanh năm tuyết phủ, nó chảy băng qua những dãy núi trùng điệp của Trung Hoa, nơi nó được gọi là Lan Thương Giang và hạ phần lớn độ cao cũng như trải một nửa độ dài trên mảnh đất ấy. Rồi nó xuyên qua đất Miến Điện trong những khu rừng rậm rạp; mở ra rộng mênh mang đến vài cây số trên đất Luang Prabang của xứ Vạn Tượng – Lào; tạo thành biên giới tự nhiên của Lào và Thái Lan, nơi xuất phát cái tên Mekong của nó; rồi nó đổ sầm sập từ trên cao 18 thước ở thác Khone, gần biên giới Cambot và nghỉ ngơi trên Biển Hồ Tonle Sap của xứ Chùa Tháp trước khi len lỏi trong những vườn trái cây và trên những đồng nước này của miền Tây. Ở Việt Nam ta, nó mang một cái tên khác: Cửu Long Giang, với những phân lưu là Tiền Giang (sông Tiền) và Hậu Giang (sông Hậu).
 
Rồi nó len lỏi trong những vườn trái cây và trên những đồng nước này của miền Tây. (Ảnh: Shutterstock)
- Con vẫn chưa hiểu ngoài việc đem nước về thì Mekong có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta?

Ba tôi trầm ngâm một lúc, rồi người chỉ tay xuống dòng nước bảo:

- Con hãy trông dòng nước đục này, mỗi giây con sông Cửu Long đem tới 6000 mét khối nước vào mùa khô, còn mùa mưa là gấp đôi con số đó. Trong mỗi mét khối nước có chừng nửa ký phù sa. Từ hàng vạn năm nay miệt mài không ngừng nghỉ, nó đã mang biết bao nhiêu phù sa từ cao nguyên Tây Tạng, từ đất Trung Hoa, cả những chất màu mỡ trên đường nó đi qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambot để xuống đến đây. Chính nó đã lấn biển, thêm rừng, bồi đắp nên đồng bằng xứ Nam Việt, nơi chúng ta đang đặt chân lên và gửi gắm cho nó cả cuộc sống. Phù sa và nước đã tạo nên cả một thế giới trù phú này. Vậy con nói xem Mekong có ý nghĩa gì với chúng ta không?

Như để chứng minh lời ba nói, hàng đàn cá lớn đi mừng nước mới làm đen cả vùng nước bên dưới xuồng tam bản. Những con cá lóc, cá trê, cá tra… to như bắp vế người lớn nhiều vô số kể. Xuồng chúng tôi bơi ngang qua những giồng cao giữa đồng, trên đó đậu cơ man nào là cò, là trích (3); cả rùa, rắn, cua đinh (baba)… cũng bò lên giồng. Trên trời rộn rã tiếng chim, dưới nước lao xao tiếng cá quẫy. Tôi lại nhớ câu thơ của Tế Hanh mà thi thoảng ba vẫn đọc tôi nghe: “Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu. Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy”.

- Ba, con muốn tấp vào giồng kiếm ít trứng chim.

Ba cười rạng rỡ lộ hàm răng trắng lóa đều tăm tắp, cặp mắt sáng thông minh ánh lên niềm vui.

- Được, lúc về ba sẽ đưa con lên đó nhặt ít trứng chim và bắt rùa, cua đinh về đổi món. Ở đây, ta đâu có lo đói. Người miền Nam nói chung, miền Tây nói riêng chẳng bao giờ lo đói rét. Thọc tay xuống nước có cá, ra đồng có chim trời, rau dại mọc khắp nơi, nhiều loại rau ăn được: từ bông điên điển, bông súng, củ sen, hạt sen đến đọt xoài, bằng lăng… nhiều vô số kể. Còn hoa trái ư? Lên vườn là đủ loại hoa thơm trái ngọt trĩu cành: xoài, cam, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, sầu riêng, sapoche (hồng xiêm), thơm (dứa)... Còn lúa gạo? chẳng phải gieo cấy vất vả, chỉ cần gieo sạ là có lúa ăn. Con xem chẳng phải ông Trời biệt đãi dân Nam chúng ta là gì, thông qua nước và phù sa của sông Mekong đấy.

Thọc tay xuống nước có cá, ra đồng có chim trời, rau dại mọc khắp nơi, nhiều loại rau ăn được: từ bông điên điển, bông súng, củ sen, hạt sen đến đọt xoài, bằng lăng… nhiều vô số kể. (Ảnh: Shutterstock)
- Con trông kìa, ba sẽ cho con thấy.

Ba tấp xuồng vào gần một vùng thực vật trông vừa giống lúa, vừa giống cỏ. Thân cây dài, phần nhô lên khỏi mặt nước cũng đến 2 mét.

- Đây gọi là lúa ma, cũng gọi là lúa Trời, một đặc trưng của đất Đồng Tháp. Nó là lúa dại, tự mọc, thân dài, hạt nhỏ, vỏ đỏ, vị đậm đà, nấu lâu chín hơn lúa thường. Lúa chín vào khoảng tháng 11 và chín vào ban đêm. Khi khai thác thì dùng hai cây sào đập vào bông lúa và hứng mền ở dưới. Con xem, không mất công trồng mà có cái ăn, chẳng phải của Trời cho là gì. Cũng như Trời đã cho người dân miền Tây chim trời, cá nước, rau tươi, hoa trái trĩu cành… con người ngày nay không cần quá vất vả, chỉ cần để cho thiên nhiên được yên, đừng can thiệp thô bạo vào nó là sẽ sống khỏe.

- Vậy người miền Tây sung sướng quá phải không ba?

Ba bỗng trở nên ngậm ngùi, đôi mắt nhìn xa xăm như nhớ về quá khứ.

- Nhưng chẳng bỗng dưng mà có được mảnh đất phì nhiêu màu mỡ này đâu con. Đó là công sức của bao nhiêu thế hệ người Việt, mồ hôi, nước mắt và cả máu của họ đã đổ xuống suốt dọc chặng đường mở đất đó.

- Ba kể cho con đi ba.

- Đi lại khó khăn, ít đường đất, lắm sình lầy. Giữa đồng nước, nắng chiếu trên cao xuống, hơi sình lầy dưới nước bốc lên, cỏ, sậy lại mọc cao quá đầu người nên gió không lọt vào đồng, nóng như hầm và sinh ra nhiều chướng khí. Lá cỏ lắm khi sắc như dao cứa đứt chân tay, lội đìa cũng dễ thụt lún chết người. Đó là cái nguy hiểm của địa hình cây cỏ. Dưới nước đỉa nhiều, mỗi con to như ngón cái; trên bờ bụi muỗi đông như cỏ, đặc như mây; rắn to rắn nhỏ nhiều vô kể; dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua … thiên nhiên nơi đây đã từng cực kỳ nguy hiểm, con người mất mạng cho nó không phải là ít. Mà nào chỉ có thế.
https://img.ntdvn.com/2020/05/ntdvn_...k-35693896.jpg
Rắn to rắn nhỏ nhiều vô kể; dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua … thiên nhiên nơi đây đã từng cực kỳ nguy hiểm. (Ảnh: Shutterstock)
- Thế còn chưa đủ sao ba? Con nghe đã rùng mình ba à.

Ba tôi nhìn những thân lúa dập dờn theo ngọn gió, giọng người vừa có chút thương cảm, lại rất đỗi tự hào:

Rừng thiêng nước độc dù hiểm trở vẫn không gây tai hại cho những người mở đất bằng nhân họa. Kể từ khi các chúa Nguyễn cùng những lưu dân khai khẩn đất này, họ đã phải tốn bao xương máu để bình định các thế lực địa phương: người Miên, người Chân Lạp. Kẻ địch mạnh nhất trong khu vực này là người Xiêm, những người luôn thèm khát vùng châu thổ màu mỡ và sẵn sàng tràn xuống theo lối Biển Hồ. Chỉ chừng 90 năm từ 1690 đến 1780 mà những người mở đất theo chúa Nguyễn đã chiếm cứ hết cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, mở ra cho Việt Nam một cuộc đất rộng lớn hơn mấy trăm năm trước cộng lại. Đất rộng, dân thưa mà ý thức cộng đồng làng xã chưa hình thành và phát triển vững mạnh như phần Bắc và Trung kỳ vốn có thời gian ổn định lâu hơn. Vì vậy, hết Xiêm La và sau này là Pháp quốc, họ đều chọn đánh vào vùng đất khó phòng thủ dễ tấn công này. Con nhớ bài học lịch sử không? Nam Kỳ lục tỉnh bị Pháp tấn công hai lần, lần đầu vào 1860 và những năm kế tiếp, lần sau là 1945… vậy đấy, bao nhiêu xương máu của con người nơi đây mới giữ được vùng châu thổ phì nhiêu này cho con cháu chúng ta thụ hưởng.

Một đàn cá đen nhảy rào rào trên mặt nước, thân đụng cồm cộp vào chiếc tam bản. Mắt ba sáng lên, người sang sảng đọc hai câu ca dao:

“Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm”

Con có biết cù lao ông Chưởng giàu có đó ở đâu không? là ở An Giang đấy, nơi rạch Ông Chưởng nối sông Tiền và sông Hậu. Còn ông Chưởng là danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những người có công lớn nhất trong việc khai phá miền Nam từ thế hệ các chúa Nguyễn đầu tiên. Ngoài ông ấy, còn biết bao những danh nhân khác mà cuộc đời đã hiến dâng cho mảnh đất này. Từ những văn thần võ tướng người Bắc kẻ Nam như Nguyễn Cư Trinh, Thoại Ngọc Hầu, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương… đến cả những người Trung Hoa tị nạn như cha con Mạc Cửu, đều có công khai phá, đánh dẹp; lại có những người con của miền Tây sẵn sàng chết trong cuộc chiến với người Pháp để giữ lấy vùng đất yêu dấu như là Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Trương Định, Nguyễn Trung Trực… con ơi, cứ nhắc đến những cái tên ấy là lòng ba lại trào dâng niềm xúc động và biết ơn.

Còn ông Chưởng là danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những người có công lớn nhất trong việc khai phá miền Nam từ thế hệ các chúa Nguyễn đầu tiên. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Tôi kéo ba ra khỏi phút trầm ngâm xúc động bằng cách tuốt một cọng lúa ma.

- Ồ hết sảy ba ơi, sao thân lúa dài thế ba nhỉ.

- Nó ngoi lên mặt nước lụt mà. Nước cao đến đâu nó cũng không bị ngập, nó cũng giống người dân miền Tây đấy con: dân dã, tự nhiên, chân thật, rộng rãi và kiên cường.

Vừa lúc đó, một âm thanh từ ngoài xa vẳng đến:

Hò ơ ơ ớ ớ… “Ngó qua sông Tiền thấy mênh mông sông nước. Dòm về Thường Phước thấy sóng bủa lao xao. Thấy cặp cá đao nó nhào vô lưới. Ôi biết chừng nào anh cưới được em?”.

- Cụ Năm Hò đó con. Ba tôi khẽ cười. Ta ra thăm cụ chút.

Giữa cánh đồng nước, một chiếc xuồng tam bản lớn đang trôi dập dềnh. Một lão ngư phủ tráng kiện tay quăng mẻ lưới xuống mặt nước lấp lánh ánh vàng, miệng hò, giọng hò cao vút, ngọt ngào theo gió lan tỏa vào không gian, vang vang trên mặt nước. Chẳng ai ngờ nó là của một ông lão đã ngoài sáu mươi.

Chúng tôi đã đến sát thuyền của cụ Năm Hò.

- Chào cụ Năm, cụ hò hay quá.

Tôi cũng khoanh tay chào cụ. Cụ Năm Hò chào lại:

- Dạ, tui chào cha con giáo sư. Giáo sư quá khen.

- Cụ đang bắt cá gì đó?

- Tui quăng lưới cho zui thôi giáo sư. Mấy hổm rầy tui kéo được đủ rồi. Cha chả, cá linh nhiều quá trời giáo sư ơi. Tui ăn đến mát trời ông Địa, làm mắm không hết. Hổm bữa kéo nhiều quá sợ rách lưới tui lại phải thả xuống. Giáo sư cầm tạm chục ký này về nấu với bông điên điển cho sấp nhỏ ăn.

Những bụi điên điển mọc ở nơi trước kia là bờ ruộng, nay cũng chìm trong nước, lá điên điển xanh um nhưng hoa nở vàng ruộm, tô điểm chút màu sắc tươi sáng cho vùng châu thổ mùa mưa lụt. Tôi bảo đi hái nhưng ba ngăn lại nói: “không ai hái bông điên điển lúc sáng, khi nụ hoa đã nở, ong đến bướm đi, bông không còn mật ngọt, độ bùi thơm nữa. Phải hái vào buổi chạng vạng tối, lúc bông vừa hé nhụy. Khi hái nhớ nâng niu, tuốt nhẹ, để dập cánh mất ngon”.

“Không ai hái bông điên điển lúc sáng, khi nụ hoa đã nở, ong đến bướm đi, bông không còn mật ngọt, độ bùi thơm nữa..." (Ảnh: Shutterstock)
Ba cảm ơn cụ Năm Hò và xách mớ cá về xuồng. Ba bảo: “người nơi đây thực lòng lắm, con không nhận là họ giận đấy”. Rồi ba con tôi bơi xuồng đi tiếp.

Trời đang nắng, bỗng chốc mây đen kéo đến rồi mưa lớn rơi xuống thật nhanh, người nơi đây gọi là “mưa đồng”. Ba dựng mái tam bản lên che mưa. Dưới nước, trâu nối đuôi nhau bơi thành đoàn. Ba bảo: “giờ là mùa len trâu đó con”, những con trâu băng đồng tìm cỏ và chỗ đất cao để tránh nước.

Mưa rơi trắng đồng, sóng gió nổi lên khiến người ta liên tưởng tới khung cảnh hàng nghìn năm trước, lúc nơi đây còn là biển cả. Nhưng mưa càng lớn, nước lên càng mạnh thì tôm cá lại về càng nhiều.

Ba tôi nhìn về phía chân trời, vẻ tư lự buồn, người đọc câu thơ trong bài “Qua sông” của Tô Thùy Yên:

“Mùa mưa như một trận mưa liền

Châu thổ mang mang trời nước sát

Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên…”

Không khí thơm phức mùi sen, gió hây hẩy thổi khiến cánh hoa rung rinh, càng đưa hương sen đi xa bát ngát. (Ảnh: Shutterstock)
Chiếc tam bản của chúng tôi vẫn trôi theo dòng. Mưa chừng hai tiếng mới dứt hẳn. Khí trời trong trẻo và hơi lành lạnh. Gió thổi hiu hiu. Trong không gian sực nức hương tràm, hương mù u theo gió từ đâu đưa lại, hình như lại có phảng phất hương sen. Đi thêm chừng một cây số nữa, xuồng chúng tôi đến một hồ sen đang nở. Giữa một vùng lá màu xanh nhạt, to bản, hàng nghìn bông màu hồng đỏ vươn cao, nở ra những đóa hoa cỡ đại rực rỡ; không khí thơm phức mùi sen, gió hây hẩy thổi khiến cánh hoa rung rinh, càng đưa hương sen đi xa bát ngát. Tôi lười nhác nằm gác đầu lên thành xuồng ngắm ráng chiều đỏ hây hây. Sau mưa, nước đã trong hơn, ánh hồng loang loáng, không biết nước phản chiếu màu sen hay màu trời. Ngoài xa xa, một đàn cò trắng muốt bay là là mặt nước. Cha con tôi im lặng tắm mình trong hương sen ngào ngạt, chỉ sợ một lời cất lên sẽ phá vỡ không gian thanh khiết thiêng liêng này của cảnh thiên đàng dưới thế. Ước chi cảnh tượng này kéo dài vĩnh viễn trên vùng châu thổ.

Bỗng tôi giật mình tỉnh giấc. Té ra chỉ là một giấc chiêm bao. Tôi thấy lòng mình như thắt lại. Ba đã mất vài năm trước ở thành phố. Mùa nước nổi giờ cũng không còn nữa.

Và Mekong cũng đang hấp hối.

Kính mời quý độc giả đón xem Kỳ 2: nước mắt vùng châu thổ.
Nguyên Phong

Chú thích:

(1): chục với những địa phương ở miền Tây có số lượng khác nhau, có nơi là 12 hoặc 14 hoặc 16

(2): Campuchia

(3): Một loài chim hình dáng và trọng lượng gần giống như gà; lông xanh và đen, mỏ và mào đỏ, phá lúa.


(Từ 30/4 DEN )

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...