Bà tôi
Bà tôi thương yêu tôi nhất trong gần hai mươi đứa cháu nội ngoại của bà. Bà bảo tôi tuy nghịch ngợm nhưng biết nghe lời và học chăm, học giỏi. Bà cho rằng tôi học giỏi vì tôi mới bẩy tuổi mà đã biết đọc sách, đọc báo, biết xem đồng hồ, biết làm tính cộng tính trừ và biết cả tiếng Tây!
- Thằng bé sáng dạ ra phết. Mai sau thế nào Bà cũng được nhờ…
Ông tôi mất sớm. Ông mất từ lúc thầy tôi còn nhỏ, đem theo xuống suối vàng cả nỗi nước ao kỳ nguyện được trông thấy con cái học hành đỗ đạt, nên danh nên phận vẻ vang giòng họ. Lúc sinh tiền - bà tôi kể lại - ông tôi nghiêm khắc lắm, bao giờ cũng khuyên răn, nhắc nhở các con phải chuyên cần đèn sách. Ông tôi ấp ủ kỳ vọng, gói ghém ước ao, vun trồng tin tưởng bằng cách đặt tên cho các con là Văn, Bút, Thư, Đăng, Nghiên, Nến… Chao ôi, tấm lòng cha mẹ bao la như biển rộng sông dài. Ai chả muốn cho con cái nên người, công thành danh toại, chức trọng quyền cao làm rạng rỡ tổ tông, hiển vinh thân phận? Nhưng trời chẳng chiều người, ông tôi rời cõi hồng trần quá sớm, ngậm ngùi mộng ước trôi theo. Các bác các chú và thầy tôi đều đi không trọn bước đường khoa cử, thành ra bà tôi đem đặt tất cả kỳ vọng vào nơi tôi, dù tôi không phải cháu đích tôn của bà.
Trong đám anh em thúc bá, chỉ có mình tôi được học ở Hà Nội. Tôi học trường tiểu học Nguyễn Du, gọi nôm na là trường Hàng Vôi. Bà tôi hãnh diện lắm vì có thằng cháu học trường công nơi đất ngàn năm văn vật. Bà thường khen tôi thông minh, sáng dạ. Bà lấy ngón tay dí vào trán tôi:
- Cái trán này này!… Mai sau thế nào cũng đỗ ông Nghè, ông Cống nuôi bà.
Rồi ôm tôi vào lòng, Bà âu yếm:
- Thế nó có nuôi bà không, hay đến lúc làm quan, có nhà cao cửa rộng lại đuổi gái già này đi ăn mày?
Những lúc ấy, tôi dạt dào cảm động. Tôi dụi đầu trong vòng tay êm ái của Bà, nói lí nhí:
- Dạ thưa Bà có chứ. Cháu phải nuôi Bà chứ…
Đêm về, tôi nằm mơ. Tôi mơ thấy mình thi đỗ. Thấy mình được làm quan, mặc áo gấm, đội mũ cánh chuồn, ngồi trên kiệu có tàn vàng lọng tía, một bầy lính tráng theo hầu… “Trạng nguyên đầu trọc” vinh quy bái tổ, làng trên xóm dưới đổ xô ra xem mặt ông Nghè, đứng chật ních hai bên vệ đường, trầm trồ bàn tán.
Nhưng chỉ là mơ đấy thôi. Thời buổi tân thời làm gì còn hình ảnh ông Nghè ông Cống với võng lọng nghênh ngang như thời xưa cũ. Như trong các câu chuyện cổ thần tiên kỳ ảo Bà thường kể cho anh em chúng tôi nghe vào những đêm trăng sáng, trên manh chiếu trải giữa vườn ngào ngạt hương cau, lẫn với mùi thơm dịu dàng tươi mát của hoa chanh, hoa bưởi, và bao giờ cũng bắt đầu bằng hai tiếng “Ngày xưa…” êm đềm huyễn mộng…Tôi bèn mơ thành ông Huyện mặc com-lê, đeo cà-vạt, đi giày đơ-cu-lơ bóng loáng, có tài xế lái ô-tô đưa về làng… Tôi bắt chước kẻ sang, ngồi chễm chệ nạt thằng tài xế bóp còi cho dân làng xã tránh đường xe chạy. Tài xế là con nhà Lương. Thằng du côn chuyên môn bắt nạt, ăn hiếp tôi – phải làm tài xế cho tôi – dạ vâng khúm núm mỗi lần tôi nạt nộ. “Mày hà hiếp ông thì ông phải hành mày cho hả!...” Tôi khoái tỉ, lòng phơi phới hả hê. Tôi tưởng ra cái mặt tôi trong mơ, chắc là hớn hở vênh vang dễ ghét lắm? Dễ ghét như bản mặt lão phán Dư hách-xì xằng có cái ô-tô cà tàng mỗi lần về từ Hà Nội, chưa tới đầu xóm đã nhặng xị bóp còi như thể ta đây ghê gớm lắm.
Tuổi thơ có những giấc mơ quá đẹp, có cả một thế giới kỳ ảo thần tiên. Tôi sống những ngày óng ả hồn nhiên với không một âu lo tư lự. Nhìn bà tôi tóc bạc, da mồi, lưng ngày thêm còng xuống vì gánh nặng thời gian, tôi bồi hồi ao ước làm sao có phép, vươn vai thành người to lớn như ngài Phù Đổng, đỗ đạt vẻ vang để bà tôi được sung sướng thỏa nguyện trước khi nhắm mắt như bà thường bầy tỏ.
Nhưng than ôi, thời gian trôi chậm quá. Tôi thủa ấy mới chỉ là đứa trẻ non dại, thỉnh thoảng vẫn còn đái dầm trong giấc ngủ và học hành cũng dốt tàn dốt tệ chứ giỏi giang gì mà bà yêu tôi, lúc nào cũng khen tấm tắc. Bà bảo tôi học giỏi nhưng tôi tự biết rằng tôi học dốt. Không dốt mà mãi đến năm lớp Nhất tôi vẫn còn mù tịt không biết làm tính chia số lẻ và chuyên môn cóp-pi toán động tử!... Cũng bởi lý do tôi cứ bị chuyển trường xoành xoạch nên xáo trộn học trình. Mỗi lần dọn nhà là một lần tôi phải đổi trường. Từ trường Hàng Vôi – Nguyễn Du, đến Sinh Từ – Lý Thường Kiệt, rồi Ngô Sĩ Liên, rồi lại trở về Hàng Vôi… Có năm giữa niên học tôi phải học trường tư nữa. Thành ra mãi tới cuối năm lớp Nhất, gần đến ngày thi Tiểu học, tôi mới “vỡ” ra, mới biết cách làm tính chia có nhớ! Có gì đâu. Một hôm ăn xôi lúa, tình cờ tôi vớ được tờ giấy gói xôi là tờ giấy xé ra từ sách dạy làm toán, bài tính chia có nhớ! Tôi tẩn mẩn xem qua và hiểu ngay tút suỵt!… Dễ ơi là dễ, thế mà bấy lâu cứ ù ù cạc cạc, tốn bao nhiêu tiền mua đồ ăn, đồ chơi cúng cho lũ bạn để được chúng nó cho cóp-pi toán đố!
Các anh em con chú con bác tôi đều ở Bạch Mai, học trường tư, “Dốt nát lêu lổng làm sao bằng thằng cháu này của bà được?”, bà tôi bảo thế. Tôi nghe mà nở gan phồng ruột. Hàng năm vào mỗi độ hè, tôi được theo bà về Bạch Mai một tháng trước khi trở lại Hà Nội học hè. Tôi đem theo cả sách vở để vây vo, tất nhiên trừ sách toán! Tôi chỉ đợi mỗi khi có khách lạ hay những lúc nhà có đông người, làm như chăm chỉ văn bài, làm như hiếu học, lôi sách ra đọc ông ổng những bài Tập đọc, những bài học thuộc lòng trong quyển Tân Quốc Văn, những bài Sử ký…Thế nào cũng có người chú ý hỏi han, khen ngợi. Ai khen tôi cũng khiến bà vui lòng hả dạ:
- Cháu nó học trên Hà Nội, thông minh đáo để. Thầy giáo, cô giáo nào cũng khen sáng dạ, học giỏi. Bác xem, thằng bé chịu khó thế đấy, về chơi mà còn đem theo sách vở để học… Dễ có mấy đứa chăm chỉ như nó?
Tôi như mải mê sách vở không nghe câu chuyện nhưng thực tình vểnh tai nghe chẳng sót một câu, trong lòng khoan khoái.
Tôi buồn cười mãi về chuyện bà tôi khoe với mọi người rằng tôi biết cả… tiếng Tây! Bà đâu biết rằng tôi “chộ” bà. Suốt niên trình năm ấy, tôi chỉ có mỗi một bài Việt sử trong đó nói đến một anh Tây mũi lõ: bài Giặc Cờ Đen đánh thành Hà Nội, giết chết Đại tá Henri Rivière ở ô Cầu Giấy. Hôm đó cả lớp xôn xao. Thầy viết bài trên bảng cho chúng tôi chép lại. Cái tên Tây được thầy Doanh viết theo lối phiên âm rời “Hen-Ri Ri-Vi-E-Rơ”, chữ nào chữ nấy to tướng như con gà mái thế mà lũ học trò cứ giả vờ nhìn không rõ, lũ lượt nối đuôi nhau lên tận bảng đen nắn nót cóp từng chữ vào quyển vở, nhao nhao như ong vỡ tổ:
- Thưa Thầy chữ này đọc làm sao ạ?
- Thưa Thầy chữ này phải viết hoa hay viết thường ạ?
- Thưa Thầy sao tiếng Tây gạch nối nhiều thế ạ?...
Một đứa đưa ra câu trầm trồ ngớ ngẩn:
- Thưa Thầy, tiếng Tây… hay nhỉ?!
Lớp học ồn hơn cái chợ. Lũ nhóc tì chạy đi chạy lại dăm lần bẩy lượt từ bàn học tới bảng đen, chỉ tay, dí mắt vào từng chữ. Đứa thì lẩm nhẩm đọc thầm, tay cầm quản bút hoa lên không khí như phù thủy vẽ bùa, mặt mũi đăm chiêu chỉ sợ về tới chỗ ngồi mấy cái chữ Tây rơi mất trước khi viết lên trang giấy. Đứa thì giọng mũi đọc to ra vẻ Tây con, cãi nhau, đẩy nhau, kêu la chí chóe khiến thầy giáo phải đập rầm rầm thước kẻ trên bàn, quát tướng lên bắt về chỗ hết, bấy giờ mới yên đám giặc.
Về nhà, tôi biểu diễn. Lựa lúc Thầy tôi vui vẻ, tôi đem vở ra, vờ vịt hỏi Thầy tôi cách đọc rồi suốt mấy ngày trời, tôi cứ ra rả đọc đi đọc lại bài Việt sử đến đỗi Thầy tôi cáu sườn, gắt lên:
- Học với hành… ngu như con bò! Có mỗi một bài ngắn vài câu mà lải nhải mãi không thuộc. Tưởng thế là hay hớm, tưởng thế là thông thái lắm đấy?
Tôi… tịt mít. Thầy tôi thừa biết tôi vây vo chăng nhố làm tôi ngượng quá, không dám đọc thành tiếng nữa. Bài học ấy cả lớp thuộc như cháo, đứa nào cũng dơ tay xin đọc bài để được điểm cao. Thầy Doanh tủm tỉm cười:
- Giỏi lắm. Bài nào các ông các bà cũng thuộc như bài này thì phúc đức cho tôi quá!
Tôi đem bài sử cũ rích về Bạch Mai lòe thiên hạ. Mỗi lần đọc đến đoạn có tên “Hen-Ri Ri-Vi-E-Rơ” là tôi uốn lưỡi đọc to hơn, ấp a ấp úng làm ra vẻ chữ Tây khó đọc và để ý xem có ai khâm phục tôi không. Bà tôi trìu mến nhìn tôi. Nhác thấy anh Hộ con bác Trưởng Văn lẩn quẩn gần đấy, Bà mắng:
- Mày xem nó đấy, không bằng một góc nó. Nó là em, nó bé hơn, thế mà đã biết đọc cả tiếng Tây... Không biết xấu hổ! Ngữ này bé không học, lớn làm tướng cướp!
Anh vẫn thường bị Bà tôi chê dốt, đâm ra ghét tôi. Thấy Bà khen tôi, anh tức, trề môi tương vào mặt tôi một câu:
- Tây?... Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột!
Tôi “chuế” quá, không thèm học nữa. Tôi lôi trong cặp ra tập truyện bằng tranh “Trúc Mai” cắt từ báo Giang Sơn, mấy cuốn tạp chí Mickey, sách hình Zorro, Tarzan, những tập truyện Nhi đồng như “Ông Vua Tai Lừa”, “Hoàng Tử Tí Hon”, “ Cậu Bé Trong Bắp Cải”… bầy ra bàn, dở xem từng quyển. Tôi gióng tiếng:
- Eo ơi ghê quá. Con cá sấu ghê quá!...
Tôi chỉ cho anh Thọ, chị Dậu từng hình vẽ, giảng giải. Anh Hộ mới đầu còn làm cao, không thèm lại gần. Anh lấy đồ chơi bầy ra phản, nói trổng:
- Đứa nào theo tao, tao cho cái này…
Anh muốn dụ anh Thọ và chị Dậu bỏ tôi để chơi với anh. Nhưng mấy cuốn sách hình của tôi quyến rũ hơn bộ khăng, dăm hòn bi đá, con quay tu, mấy đồng xèng… Những thứ đồ chơi “nhà quê”…!
Anh Thọ ghé vào tai tôi thì thầm:
- Tao thèm vào! Tao chơi với mày thích hơn.
Tôi ba hoa chích chòe lật những trang hình phụ đề chữ Pháp. Chỉ xem rồi đoán mò giải nghĩa chứ tôi biết khỉ gì đâu mà anh Thọ với chị Dậu phục tôi sát đất. Một lát sau, chơi một mình chán quá, anh Hộ mon men lại làm lành. Tôi tỏ ra mình cao thượng, không chấp nhất chuyện vừa bị anh châm chọc, ngọt ngào nói với anh:
- Anh thích xem cuốn nào em cho mượn? Rồi mai anh đi câu cá, cho em đi với nhá, anh Hộ nhá?…
Chúng tôi quên cả giận hờn. Những mái đầu xanh chụm lại, hể hả cười nói vang nhà. Nhìn chúng tôi hòa thuận, bà tôi vui thích vô cùng.
***
Hồi nhỏ, tuy ham chơi nhưng tôi rất mê đọc sách, đọc truyện. Thầy tôi có cả một tủ sách lớn nhưng tôi không được phép đụng tới. Thầy tôi bảo đó là những sách truyện dành cho người lớn, tôi chưa đến tuổi để đọc và hiểu. Thầy tôi sợ tôi mải mê tiểu thuyết xao nhãng học hành…
- Cứ học cho giỏi đi, mai kia khôn lớn tha hồ mà đọc. Chỉ sợ lúc ấy lại mê mẩn ăn chơi không thèm rờ tới sách!
Thầy tôi chỉ cho tôi xem các loại sách tuổi thơ lành mạnh, những loại Sách Hồng, Nhi Đồng Độc Bản, loại sách Măng Non, Tre Xanh, các truyện cổ tích bằng tranh, các truyện dã sử, phiêu lưu đường rừng… nặng tính chất giáo dục hoặc đôi khi là những tiểu thuyết phong tục, đồng quê, tiểu thuyết xã hội có thể văn nhẹ nhàng như tiểu thuyết của Ngọc Giao, Trần Tiêu, truyện loài vật của Tô Hoài, hay truyện của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn, vv…
Vào những ngày nghỉ, Thầy tôi mở tủ lựa ra một hay hai cuốn phát cho tôi đọc, lần nào cũng dặn dò:
- Chỉ được đọc truyện sau khi đã học thuộc bài, làm xong bài thôi đấy nhé. Sách gì cũng thế, phải giữ gìn cho cẩn thận, không được làm rách, không được bôi bẩn, không được làm quăn tai chó… Học trò phải biết thương quý sách vở.
Tôi nhất nhất vâng lời. Thầy tôi bảo đọc sách là để mở mang trí tuệ, để học hỏi, để tăng vốn hiểu biết chứ không phải chỉ để giải trí mà thôi. Thầy tôi cấm tuyệt không cho tôi đọc các sách truyện nhảm nhí vô bổ. Có lần Thầy tôi cho tôi mượn hai bộ truyện dầy để đọc khiến tôi thích quá. Đó là cuốn “Lá Huyết Thư” của Đồ Phồn và cuốn “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng. Tôi đọc ngấu nghiến chỉ vài ngày là hết.
Truyện “nhảm nhí vô bổ” mà Thầy tôi nói đến, là những bộ truyện kiếm hiệp mà có một lần bắt quả tang tôi dấu trong áo chui vào chuồng xí đọc lén, Thầy tôi đã khện cho tôi một trận nên thân rồi đem đốt hết. Tôi nhớ trận đòn đau nhưng vẫn không chừa, vẫn lén đi mua bằng tiền nhịn ăn quà sáng, đi thuê, hay đi mượn bạn bè về đọc. Tôi là thân chủ của nhà sách phố Hàng Dầu, của nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh, của nhà sách Thế Giới. Truyện kiếm hiệp in từng tập mỏng, phát hành hàng tuần, bán mỗi tập một đồng bạc. Một đồng bạc hồi ấy là bữa quà sáng linh đình của tôi, mua được một ổ bánh mì ba-tê súc xích tiêu muối thơm lừng, hay một đĩa xôi lạp xưởng ngon lành béo ngậy. Mấy đứa bạn cũng mê kiếm hiệp như tôi, hôm nào vào lớp cũng đem các tình tiết gay cấn võ hiệp kỳ tình để bàn với nhau, cãi nhau ỏm tỏi về những ước đoán diễn tiến của hồi kế tiếp. Truyện đọc dở dang tức anh ách. Chúng tôi chỉ lăm le đợi ngày phát hành, hoặc đi học sớm, hoặc chờ tan học là ba chân bốn cẳng chuồn ra, trước khi hồi trống tan trường chấm dứt, trốn lễ hạ kỳ, chạy thẳng tới nhà sách mua kiếm hiệp. Sách mới ra lò, chưa ráo mực in, mỗi đứa mua một tập khác nhau như đã thỏa thuận, đem về ngấu nghiến đọc cho xong đêm đó để sáng mai trao đổi. Có đứa mê quá, vừa đi vừa đọc lắm khi đụng cả vào cột đèn hay bộ hành, hàng quán bên vỉa hè.
Tôi tuy nôn nả nhưng không dám lang thang đọc truyện ngoài đường, nhỡ có ai trông thấy về mách; hoặc Thầy tôi đi làm về tình cờ bắt gặp là ốm đòn. Những trận đòn thừa sống thiếu chết của Thầy tôi thật đáng sợ, nhưng cái ham mê của tuổi thơ vẫn mãnh liệt hơn nỗi sợ hãi bị đòn và tôi vẫn chứng nào tật ấy. Hình ảnh những tay giang hồ hiệp sĩ võ nghệ cao cường biết thuật phi hành, biết phun kiếm quang phì phì ra lỗ mũi trong các bộ Bồng Lai Hiệp Khách, Giao Trì Hiệp Nữ, hay Long Hình Quái Khách… là những thần tượng của chúng tôi. Quả thật ông Đại tá Hen-Ri Ri-Vi-E-Rơ là ông nào, mặt mũi ra sao, tôi không biết. Nhưng hỏi tôi về “Thần Hành Thái Bảo” Vạn Nhân Địch, về “Quái Kiệt” Thường Ngộ Xuân, về Ngọc Kỳ Lân, Kim Hồ Điệp, cùng hai chị em Bạch Mẫu Đơn, Hồng Khởi Phượng… là tôi biết hết, quen hết, thân như bè bạn…! Truyện võ hiệp tôi chỉ đem tán phét với bạn bè trong lớp. Còn với bà tôi, kho tàng truyện cổ tích của bà toàn những Thần, Tiên, Phật, Bụt hiền lành. Những con Tấm, con Cám, những anh học trò nhà nghèo hiếu học thi đỗ làm quan. Những người hóa cóc, người lấy tiên, những thằng Bờm, chú Cuội, Thạch Sanh, Lý Thông, Trương Chi, Mỵ Nương… Chao ơi, truyện kể của bà đầy những gương hiếu thảo, lễ nhân trung tín ở đời và bao giờ bà tôi cũng mở đầu bằng hai tiếng“Ngày xưa…” và kết thúc bằng câu răn dạy:
- Chúng mày nhớ lấy để mà ăn ở sao cho có nhân có đức, có thủy có chung. Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác… Ai như cái thằng Lý Thông, như cái con Cám ấy? Chúng nó ăn ở bạc bẽo gian ác thế nào cũng bị Trời Phật ra tai giáng họa cho đáng đời đáng kiếp chúng nó.
Ở Bạch Mai, mỗi lần dưới Mơ có phiên chợ, Bà đưa tiền cho tôi theo chị Vy đi mua những truyện bằng thơ về đọc cho bà nghe rồi bà trả công. Công khó của tôi được bà đền bù bằng dăm hào bạc, bằng cái bánh đa, củ khoai bột, kẹo lạc, kẹo vừng, rổ ngô rang, hay quả na, quả ổi… ăn vào ngọt lịm, thơm bùi, ngát nồng những vị thương yêu đằm thắm của bà. Những sách truyện bằng thơ của nhà Tân Việt, của Bình Dân Thư Quán ở cuối chợ Đồng Xuân mỏng dính in trên giấy bản, bìa vẽ ngô nghê, văn chương mộc mạc quê mùa nhưng chứa đựng cả một kho tàng luân lý bây giờ không thể tìm thấy ở đâu và chính những trang sách xưa của thời thơ ấu ấy đã mở trí khai tâm cho tôi biết thế nào là trung hiếu lễ nhân của đạo đức con người.
Nhiều khi chỉ có hai bà cháu, vào những ngày hè oi bức, hay những chiều đông ủ dột có mưa phùn buồn sũng không gian, bà nấu chè đậu ván, bà ủ ngô rang để tôi vừa nhấm nháp ăn vừa đọc truyện cho bà. Bà tôi mua nhiều truyện lắm. Ngoài mấy bộ kinh Phật và quyển “Sấm Trạng Trình” bà để riêng trên một góc bàn thờ, tất cả sách truyện bà đựng trong một cái thùng gỗ ngay dưới đầu giường bà nằm, trong đó toàn là sách truyện bằng thơ như Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Bích Câu Kỳ Ngộ, Nữ Tú Tài, Bần Nữ Thán, truyện Phan Trần, Trinh Thử, Trê Cóc, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Chân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, truyện Hoàng Trừu, Chiêu Quân Cống Hồ, Đồng Tiền Vạn Lịch, Gái Khuyên Chồng, Trai Khuyên Vợ, Lý Thị Vọng Phu, Cây Thịt Đội Đèn… ôi thôi kể ra không hết. Truyện nào tôi cũng đọc đi đọc lại bao nhiêu lần mà bà tôi vẫn thích nghe, trong khi nhiều lúc chán quá, tôi ăn gian bà, đọc bỏ đoạn…
Tưởng bà lim dim ngủ không biết thằng cháu ăn gian nhưng tôi lầm! Bà tôi thuộc từ đầu chí cuối từng pho truyện, không thiếu một câu, chẳng sai một chữ. Bà biết ngay chỗ nào tôi đọc sai, quãng nào tôi đọc láo, đoạn nào tôi đọc nhẩy. Bà mở mắt nhìn tôi, cười độ lượng:
- Cha bố thằng lười, mày dám đánh lừa bà nhá!... Hết câu đó phải tới câu này chứ?...
Rồi bà đằng hắng lấy giọng, ngâm nga cái đoạn mà tôi bỏ qua không đọc. Tôi bẽn lẽn nhìn bà:
- Cháu tưởng Bà biết rồi nên cháu không đọc. Bà thuộc rồi mà?
Bà tôi lại cười, tát khẽ vào má tôi:
- Bà thuộc đã đành, nhưng mày không được lừa bà. Những đứa “đi dối cha, về nhà dối chú” hư lắm biết không? Bà muốn cháu cũng thuộc như bà, bà thích nghe cháu đọc cơ. Cháu tốt giọng, đọc nghe hay lắm!...
Tôi nghe bà khen tôi tốt giọng, sướng quá, đỏ cả mặt. Bà tôi khuyên dạy chúng tôi về những điều nghĩa lý bằng các câu chuyện cổ, bằng những câu thơ, các vần điệu ca dao, các câu tục ngữ… Lúc nào bà cũng nhắc nhở con cháu phải ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức. Anh em trong nhà phải hòa thuận, phải hiếu thảo, phải biết trên kính dưới nhường, thương yêu giúp đỡ người nghèo khó, đối xử tử tế với kẻ ăn người ở trong nhà…Tôi nhớ những lần đọc truyện “Nữ Tú Tài Di Hoa Tiếp Mộc” cho Bà tôi nghe. Đến cái đoạn nàng Tuấn Khanh vào ngục thăm cha là Văn Tham Tướng bị vu cáo hàm oan, về cải nam trang lên kinh dâng sớ giải oan cho thân phụ. Nàng e thân gái dặm trường, ngỏ ý muốn có vợ chồng nô bộc Văn Long theo hầu:
Ta là thân gái bọt bèo
Vì cha nên phải quyết liều mình đi
Quan san nghìn dặm quản chi
Nhưng hiềm thiếu kẻ nữ nhi theo đòi
Phiền ngươi kiếm lấy một người
Trá hình nam tử với ngươi theo cùng…
Tuấn Khanh là tên hiệu của nàng Phi Nga, con gái quan Tham tướng Văn Sác, cưỡi ngựa bắn cung giỏi từ nhỏ. Nàng giận vì triều đình nhà Tống lúc bấy giờ trọng văn khinh võ nên bèn cải nam trang theo nghề nghiên bút và kết bạn rất thân với Đỗ Tử Trung và Ngụy Soạn Chi. Ba người cùng thi đỗ Tú tài trong một khoa Hương. Cả hai chàng Đỗ, Ngụy đều là trang anh tuấn tài kiêm văn võ, Tuấn Khanh khó bề chọn lựa nên nàng lấy cung bắn sẻ để bói xem ai nhặt được thì lấy làm chồng. Cái trớ trêu của cuộc tình duyên bắt đầu từ trò bắn sẻ này. Tử Trung nhặt được mũi tên có khắc chữ ký của Phi Nga, nhưng vội trở về bèn giao cho Soạn Chi. Họ Ngụy hỏi chuyện Tuấn Khanh, cứ yên trí Phi Nga nào đó là chị Tuấn Khanh nên nhờ trao ngọc trang để đính hôn. Tuấn Khanh thì cũng đinh ninh Soạn Chi là anh chàng bắt được tên, cho là số trời đã định, nhận giữ ngọc trang và định bụng sau khi thi Hội xong sẽ thành hôn cùng họ Ngụy.
Nhưng Tuấn Khanh không đi thi vì sợ bị lộ chân tướng. Trong khi đó Văn Tham tướng bị tên Binh Đạo vu cáo, vua bắt giam, tịch biên gia sản, cả họ liên lụy nhưng chỉ có Tuấn Khanh được miễn vì là văn nhân. Nàng vào ngục thăm cha rồi lên kinh dâng sớ khiếu oan. Tới kinh, vào quán trọ, Tuấn Khanh gặp Cảnh tiểu thư thấy “chàng” nho nhã phong lưu, đem lòng yêu, nằng nặc năn nỉ ông ngoại sang ngỏ lời xin lấy. Tuấn Khanh từ chối không được, liền đem ngọc trang của Ngụy Soạn Chi gửi cho Phi Nga khi trước, trao cho Cảnh tiểu thư để đính ước, hẹn ẩu rằng sau khi xong việc trở về sẽ làm lễ nghênh tân.
Bấy giờ thi Hội vừa xong, Đỗ Tử Trung đậu Trạng nguyên, Ngụy Soạn Chi đỗ Thám hoa nhưng đã trở về quê. Tuấn Khanh tìm đến chỗ trọ của Tử Trung nhờ tiễn dẫn vào triều dâng sớ tấu. Tử Trung xem trộm văn sớ mới khám phá ra Tuấn Khanh chính là Phi Nga giả trai, nên nhất định làm cho lộ chân tướng. Tuấn Khanh biết không thể dấu diếm được, phải thú thực và nói cho Tử Trung hay mình đã lỡ đính hôn với Soạn Chi. Tử Trung té ngửa, vội phân trần rằng chính chàng là người bắt được mũi tên nhưng đưa cho Soạn Chi mới thành cớ sự…
Hai người thành vợ chồng và sau đó Văn Tham tướng được minh oan, phục chức cũ. Còn Soạn Chi, anh cu này hí hửng đến chực làm lễ thân nghênh Phi Nga nhưng khi ngã ngũ ra Phi Nga chính là Tuấn Khanh và đã bị Tử Trung phỗng tay trên, bèn biểu diễn màn Tarzan nổi giận! Để giải quyết, Tuấn Khanh cùng Tử Trung đến thành đô nói sự thực cho Cảnh tiểu thư và làm mối em này cho anh Ngụy Soạn Chi. Hai bên trả lại của tin cho nhau và bốn họ Đỗ, Ngụy, Cảnh, Văn cùng vinh quy một đoàn náo nhiệt…
Truyện Nữ Tú Tài tình tiết éo le, đủ điều gay cấn, thế mà Bà tôi lần nào cũng chỉ để ý đến những đoạn tầm thường, như đoạn nói về lòng trung nghĩa của vợ chồng Văn Long khi đáp lại ý muốn của cô thiếu chủ:
Vợ chồng Long mới bảo nhau
Rằng trong nghĩa nặng, ân sâu chưa đền
Bây giờ người mắc oan khiên
Không dưng ai có cần phiền đến ai?
Con người quốc sắc nữ tài
Còn liều chẳng nghĩ dặm dài xông pha
Huống chi hai kẻ chúng ta
Mình đừng e ngại đường xa nỗi gần
Hễ lòng ta ở có nhân
Ắt là thiên địa đền ân sau này
Vợ Long người cũng ngoan thay
Nghe lời chồng bảo, bước ngay vào nhà
Đổi thay quần áo đàn bà
Mặc đồ nam tử bước ra tức thì…
Bao giờ bà tôi cũng bắt ngưng ở đoạn này. Bà ôn tồn giảng giải cho chúng tôi về tình phụ tử, nghĩa phu phụ xướng tùy, lòng trung với chủ…
- Chúng mày xem đấy để mà làm gương. Vợ chồng Văn Long là phận con hầu đầy tớ thế mà cũng biết đạo nghĩa thủy chung với chủ, cư xử đúng lẽ cương thường… Chúng mày học chữ thánh hiền, phải nên bắt chước, làm sao cho khỏi thua kém những đứa tôi đòi ít học.
Chúng tôi ngoan ngoãn nghe bà khuyên dạy. Lời bà như những búng cơm dẻo ngọt, như bầu sữa mẹ thơm lành cho chúng tôi bú mớm. Lời bà là chất dưỡng sinh, thấm nhuần, chảy mạnh, nuôi nấng tuổi thơ tôi lớn dậy, nên người, cho đến cuối đời, tôi cũng không sao quên được…
Người bà này thật tuyệt vời
Trả lờiXóa