Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

LỜI HỨA...Song Thao



Ông Tom Cook, cư dân tại tiểu bang Wisconsin, đã trúng lô độc đắc Powerball 22 triệu ngày 10/6 vừa qua. Chuyện này không thành tin. Xổ số mở hàng ngày, có người trúng tới cả trăm triệu. Ông Cook trúng 22 triệu thì ăn thua chi.
Nhưng chuyện thành tin nóng khi ông chia đôi số tiền này với ông bạn Joe Feeney trong khi ông Feeney chẳng góp tiền mua chung tấm vé số. Tất cả chỉ vì một lời hứa. Năm 1992, hai ông bạn chí thân này bắt tay với nhau và hứa nếu một trong hai người trúng số Powerball thì sẽ chia cho người kia một nửa.
Chuyện như đùa mà nay thành thật. Thực ra ông Cook có thể làm lơ một cách dễ dàng. Vì ông Feeney chẳng còn nhớ tới chuyện cũ xì từ 28 năm trước. Khi được ông Cook điện thoại báo tin, ông Feeney tưởng bạn giỡn. “Ông ấy gọi tôi và tôi trả lời "ông có giỡn với tôi không vậy?".
Trả lời báo chí, ông Cook nói: “Lời hứa là lời hứa. Đã nói thì phải giữ lời”. Hai ông dắt tay nhau đi lãnh tiền trúng số. Họ chọn cách lãnh trọn gói một lần. Mỗi ông được 11 triệu đô. Sau khi trừ tiền thuế, mỗi người bỏ túi được 5 triệu 700 ngàn. Cũng đỡ cho hai ông già. Ông Feeney đã nghỉ hưu trước đó. Ông Cook cũng nghỉ sau khi trúng số.
Chuyện giữ lời hứa của ông Tom Cook là chuyện đáng phục.
Thời buổi này mà còn một ông quân tử Tàu như vậy khá hiếm. Có tìm ở bên Tàu ngày nay chắc cũng không có. Nhưng chuyện tôi kể dưới đây li kỳ hơn nhiều.
Phil Seymour là một Trung Sĩ thuộc Đại Đội C, Tiểu Đoàn 1, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 1 của Hoa Kỳ, đóng ở Đà Nẵng. Anh qua Việt Nam vào tháng 12 năm 1966. Đơn vị của anh đóng quân tại một hòn đảo nhỏ gần Hội An. Họ thường vào chơi nơi phố thị này. Khi đi chơi, anh luôn mang theo chú chó cưng được gài sau ba lô. Tên chú chó này là Boot, được anh giải cứu trong một cuộc hành quân trong rừng. Khi đó Boot còn chưa dứt sữa mẹ. Mỗi khi từ thuyền vào đất liền, các anh lính GI này thường được một đám con nít đứng đón để xin kẹo, bánh, đồ hộp và cả thuốc lá.
Thường thì các anh lính trẻ này phân phát đầy đủ cho đám trẻ. Trong đám trẻ có một đứa tên Cam (có thể là Cầm hay Cẩm) luôn mặc bộ đồ ngủ màu xanh, đi chân đất. Cam không nhao nhao như đám con nít chung quanh mà luôn luôn đứng ở phía sau, cam phận.
Lúc đầu Phil và bạn bè tưởng Cam nhút nhát, nhưng không phải. Em không xin mà luôn mang theo dừa, chuối, chanh để trao đổi. Đám lính Mỹ rất thích đứa bé… sòng phẳng này.
Lúc đó Cam chỉ khoảng 9 tuổi. Có lần em mang một trái chuối tặng cho Phil. Phil rất cảm động. Khi anh được đi Thái Lan nghỉ phép, anh hỏi Cam muốn gì anh sẽ mua cho. Cam chẳng biết Thái Lan là cái xứ mô tê nào, tiếng Anh lại ba xí ba tú, cậu bé chỉ vào chiếc đồng hồ Phil đeo trên tay. Phil gật đầu.
Qua Thái Lan, Phil mải vui với các cô gái dễ dãi, với rượu nồng thịt béo, quên mất tiêu lời hứa mua chiếc đồng hồ cho Cam. Trở lại Hội An, Cam chạy ùa ra đón Phil với hy vọng có chiếc đồng hồ. Phil đành xin lỗi và hứa sẽ mua cho Cam sau.
Nhưng đời lính chẳng biết mai này sẽ ra sao. Đơn vị của Phil phải rời Hội An ra vùng phi quân sự ngay sau đó. Đầu năm 1968, Phil được trở về Mỹ. Về nhà, anh vẫn khó chịu vì không thực hiện được lời hứa với cậu bé nghèo nơi đất khổ. Lời hứa vẫn canh cánh bên lòng trong khi anh nghĩ chắc tới chết cũng không thực hiện được.
Anh tại ngũ thêm 27 năm. Chịu khó học lấy được bằng Master về luật, Phil trở thành luật sư của bộ Quốc Phòng. Năm 1995, ông nghỉ hưu.
Ông thường cùng một nhóm bạn đi du lịch khắp nơi. Năm 2007, nhóm du lịch này dự tính tham gia một tour tới vùng Đông Nam Á, có ghé Hội An. Vợ ông, bà Lynne, thúc giục ông phải tham dự chuyến này để trở lại Hội An, tìm gặp Cam, thực hiện lời hứa từ bốn chục năm trước. Phil đồng ý tuy trong thâm tâm ông nghĩ chuyện tìm lại Cam như chuyện mò kim đáy biển. Tuy vậy, ông vẫn mua sẵn môt chiếc đồng hồ.
Tới Đà Nẵng, hướng dẫn viên của đoàn du lịch là một người Hà Nội nhưng quen biết nhiều người ở Hội An. Anh chàng này hứa sẽ liên lạc tìm Cam giùm ông. May là ông Phil còn giữ và mang theo trong người được mấy tấm hình chụp với Cam ngày xưa.
Anh hướng dẫn viên cầm tấm hình đi hỏi thăm. Anh gần như trúng số khi gặp được một người em của Cam. Chỉ cần một cú điện thoại, Cam chạy vội tới khách sạn. Lúc này Cam không còn là một đứa trẻ 9 tuổi mà là một bác thợ mộc 49 tuổi. Anh hướng dẫn viên hỏi Cam có biết ông Mỹ này không. Cam nhận ra Phil liền. “Ổng thường cõng con chó nhỏ trên lưng”. Anh hướng dẫn viên hỏi thêm anh có còn nhớ lời hứa năm xưa không, Cam trả lời liền: “Có, lúc đó tui mới 9 tuổi, nói tiếng Mỹ bập bẹ, nên nghĩ rằng ổng không hiểu nên không mua đồng hồ cho tui thôi”.
Ông Phil nói với Cam là không có sự hiểu lầm nào cả mà chỉ có sự thất hứa. Ông đeo chiếc đồng hồ cho Cam rồi hai người ôm nhau.
Cam cảm động đến rơi nước mắt. Hôm sau, Cam mời vợ chồng ông Phil và anh hướng dẫn viên tới nhà dùng cơm. Bữa ăn do vợ của Cam là Nở và con gái 28 tuổi tên Vy của Cam nấu nướng. Vy mới lập gia đình. Được hỏi về ước muốn của Vy, cô chỉ ước được học Đại học như bốn người em trai. Là phận gái nên Vy không được học hành như các em.
Vợ chồng Phil không ngần ngại chu cấp cho Vy vào Sài Gòn học Đại học. Cô đã đậu bằng Cử nhân vào năm 2012.
Quá vui mừng, vợ chồng Phil đã qua Sài Gòn dự lễ tốt nghiệp của Vy. Họ cũng mua vé máy bay cho vợ chồng Cam vào Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên vợ chồng Cam được đi máy bay! Anh không quên mang theo một số đồ ăn quê mùa Hội An để mở tiệc mừng tại nhà trọ của Vy. Vợ chồng Phil mừng Vy một cái microwave.
Hiện Vy vẫn làm việc tại Sài Gòn và thường điện thoại liên lạc với vợ chồng Phil.
Nói về li kỳ thì chuyện giữ lời hứa của anh GI Phil ăn đứt chuyện chia đôi tấm vé số của ông Cook. Nhưng chuyện giữ lời hứa thì không có thể so sánh hơn kém. Chuyện nào cũng quý cả.
Họ là những quân tử thứ thiệt, thuộc loại hiếm trên trái đất này. Lời hứa của họ như đinh đóng cột. Từ ngàn xưa người ta đã xưng tụng bằng những câu đã biến thành những bài học mà muốn thành người tử tế phải noi theo.
Nhất nặc thiên kim, lời hứa giá ngàn vàng. Nhất ngôn cửu đỉnh, lời nói có sức nặng tựa chín chiếc đỉnh. Quân tử nhất ngôn, người quân tử chỉ nói một lời. Dân gian cũng có những câu như: Một lời nói dối, sám hối bảy ngày. Hoặc: Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
Hứa trong thương trường trở thành chữ tín. Buôn bán với nhau người ta rất trọng chữ tín. Đã nói là phải giữ lời. Không lươn lẹo, không gian dối.

SONG THAO 


FB NinhNguyen

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : TUỔI TỴ RẮN Ở TRÊN CÂY (Đỗ Chiêu Đức)

 Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                TUỔI TỴ RẮN Ở TRÊN CÂY                                             Q úy  T ỵ  2013  ...