Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

NHÀ CỦA MÌNH - Nguyễn Gia Việt


Xin kể một câu chuyện
Một sinh viên lên Sài Gòn ở nhà người quen đi học, nhà lầu cao, ngày lau ba lần.
Một lần chủ nhà nói:
"Ở đây sướng hen? Nhà mày sao bằng nhà tao, nhà mày thấp, nóng bức, nghe mùi cứt gà, cứt heo không hà!"
Trong lòng chàng sinh viên chưa hề mơ hồ ý thức được điều gì.
Nhưng qua suốt thời gian đi học, đi làm, ôm ba lô đi khắp nơi chàng nhận ra một điều, nhà mình vẫn là nơi an bình nhứt, đáng sống.
Nhà cao cửa rộng, nhà có sang trọng đến mấy nhưng là nhà bà con, nhà thuê, nhà bạn bè, khách sạn có sao thì vẫn không phải nhà của mình. Nhà của mình thì mình có quyền, mình muốn ăn, muốn ngủ, muốn làm gì tùy ý. Đó là sự thoải mái và vui sướng tột đỉnh, tự do phơi phới.
Ở nhà người, bạn phải đi rón rén, phải ăn ở cho vừa lòng chủ nhà, phải nghe tiếng nặng tiếng nhẹ hàng ngày, phải gò ép mình theo chủ ý người khác thì không bao giờ có niềm vui trọn vẹn.
Nếu mình nghèo, nhà mình là cái chòi rách, gió lùa, gà vịt kêu lép nhép thì vẫn là cái nhà của mình. Mình ngủ ngon, mình mơ giấc đẹp, mình sống giữa kỷ niệm đẹp.
Thấy nhiều bạn rất vui, đi nước ngoài về chê nhà mẹ mình nóng, dơ và đành đoạn ôm va ly qua nhà bà con cao sang hơn ở vài bữa.
Nếu bạn không yêu gia đình, cái nhà của bạn thì bạn không bao giờ làm người trưởng thành được.
Nhiều người đi qua năm tháng, bước vào những thăng trầm cuộc đời, rốt cuộc nhận ra là:
"Mẹ ơi, thế giới mênh mông không đâu bằng nhà mình" ;
"Ba ơi, giờ con đã hiểu không ở đâu bằng nhà mình"
Nhà của mình, nơi chốn thân quen, nơi đó là sự ấm áp, là sự thanh thản và tràn trề những niềm vui
Nhà của mình, chính là cái nơi mỗi lần đi xa, đi khuya luôn có một làn hơi ấm tràn trề mỗi khi ta mở cửa bước vào
Có một bộ phim truyền hình, tôi chưa coi tập nào, nhưng phải khen biên kịch vì cái tựa quá hay: "Về nhà đi con", đó cũng là cái câu mà cha mẹ hay nói với con mỗi khi con ra đời vấp ngã.
Về nhà là một đặc ân mà không phải ai cũng có, là vì nhiều người muốn về cũng không được.
Có nhiều bạn ra đi và vĩnh viễn không thể bước về nhà vì nhiều lý do
"Mẹ có biết không?
Thế giới xung quanh con rất là rộng lớn
Giữa thành phố nhiều người mà con vẫn cô đơn, lạc lõng, buồn - vui, những đêm ngồi nhớ mẹ
Nước mắt tự nhiên rơi con lại muốn về nhà"
Những ngôi nhà tạo ra cái xóm, xóm giềng và xóm chòm,
từ xóm thành làng, thành xã, quê hương mình chỉ gói gọn có bấy nhiêu thôi mà thành văn hiến, ký ức, lịch sử.
Đi xa ai cũng nhớ quay quắt, thắt thẻo, quéo lòng và người ở nhà cũng ngóng trông mòn mỏi
"Bao năm rồi từ lúc em đi
Mẹ trông chờ em hoài mà chẳng thấy
Mâm cơm chiều bên mái tranh xưa,
Con nước lên nghe tiếng bìm bịp kêu chiều"
Người Việt Nam nào cũng có một quê nhà trong lòng, dầu người đó sanh ra ở nông thôn, ngoại ô hay đô thị, sống cả đời trong lòng đô thị, thành phố ngựa xe như nước
Quê là quê hương, hương là cái mùi lúa gạo đó. Bạn không sanh ra ở quê, không hửi được mùi lúa trổ đòng đòng thì chắc một điều bạn vẫn hửi được mùi gạo, mùi cơm hàng ngày. Người Việt nào cũng ăn cơm ngày hai bận.
Chúng ta ai cũng có một quê hương, một miền ký ức tuổi thơ cái nơi chúng ta sanh ra, lớn lên một quãng thời gian, có cái nhà mà ở đó có ông bà, cha mẹ, có những giấc ngủ thời thơ ấu nhẹ nhàng lớn từng ngày qua lời ầu ơ ví dầu của mẹ
Quê nhà của chúng ta là những đêm con cháu tụ hội làm đám giỗ tới hai ngày mệt xỉu, ánh đèn dầu đốt sáng rực cả cái nhà trên và nhà dưới, tiếng nói chuyện rôm rả suốt canh thâu.
Quê nhà thân yêu còn là những ngày gần Tết, ngày 25 tháng Chạp linh thiêng con cháu tụ về dẫy mả và cúng kiếng, cả dòng họ tụ lại.
“Ta đi giữa lòng đất mẹ
Vẳng nghe tiếng hát ầu ơ
Ngay từ cái thuở ban sơ
Thơm thơm đôi dòng sữa mẹ”
Chúng ta cố bám víu vô những cái đó để biết rằng mình còn có quê hương, đất thiêng và bằng mọi cách cố mà giữ nó
Bài học này xin khắc ghi trong lòng

1 nhận xét:

Trang Thơ NKĐ : CHÓ SĂN,CHÓ CẢNH ,BẼ BÀNG,VỨT ĐI , TRÁNH ĐÂU,BÂY GIỜ, ĐỔI KHÁC (T.12/2024 . 2 )

CHÓ SĂN , CHÓ CẢNH Con chó săn trung thành với chủ "Suỵt" tiếng thôi, lành dữ sợ chi ! Lao về phía trước tức thì Ngoạm con mồi đó,...