Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Chiếc Võng Quê - Lê Trung Ngân

Chiếc Võng Quê

Hôm qua, trời nóng nực, tôi bước ra hiên nhà nhìn ra đường thì bất chợt thấy một chiếc xe chở hàng chục cái giá võng chạy ngang nhà. Bây giờ, nhà tôi ở là nhà phố, chật hẹp làm sao xài được võng. Trời oi nồng mà thấy giá võng làm tôi nhớ và “thèm” cái cảm giác nằm võng ngày xưa!...
... Những ai từng lớn lên ở miền quê thơm mùi rơm rạ như tôi sẽ chẳng thể nào quên kỷ niệm tuổi thơ êm đềm bên chiếc võng mộc mạc. Tôi nhớ lời ru êm ả của má bên chiếc võng quê nhà:
Ầu ơ …! Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con thi trường học, mẹ thi trường đời.
Lời ru ấy gợi cho tôi nhớ một tuổi thơ với biết bao khoảnh khắc yêu thương bên những người thân trong gia đình.
Mỗi chiếc võng có những chất liệu và màu sắc khác nhau, đa dạng, phong phú. Người Nam bộ hay sử dụng chiếc võng làm bằng sợi đay nên còn được gọi là võng lưới. Cái võng lưới về hình thể, đơn giản có thể là miếng lưới bằng đay đủ rộng và dài buộc túm ở hai đầu chiều dài, treo hai đầu vào hai chiếc cột hoặc giữa khoảng hai gốc cây. Uyển chuyển và linh hoạt như tính cách người Việt, nó thay chiếc giừơng cồng kềnh, nặng nề. Nó ôm gọn em bé không để rơi ra ngoài, nó thay vòng tay người mẹ, ông bà hoặc anh chị, khi mọi người đều tất bật công việc, để ru em dỗ vào giấc ngủ.
Chiếc võng không chỉ sử dụng cho em bé mà còn được những người trong nhà “ái mộ”. Có đứa trẻ nào ngày xưa chưa từng được nâng niu trên chiếc võng quê? Không chỉ nhận nguồn sữa tình mẹ, tiếng ru vào giấc mơ, chiếc võng còn là nơi tôi cùng bè bạn lưu biết bao kỷ niệm một thời hồn nhiên, tinh nghịch. Tôi nhớ ngày cả đám ra đồng mò cua, bắt ốc … rồi đem về chung vui, san sẻ cùng nhau. Cả chục đứa trẻ tranh nhau ngồi trên chiếc võng chòng chành, đến lúc mệt lả thì ngủ quên lúc nào không biết. Những dấu buộc võng lên cây cột dưới mái hiên nhà, hay trên những cây xoài, cây mít sau vườn nhà đã hằn in dấu vết của năm tháng… Chúng tôi đã lớn lên như thế bên chiếc võng quê thân thương, mộc mạc, bình dị.
Mỗi buổi trưa nắng hè lúc rỗi rãnh việc đồng áng, ba tôi hay cột dây võng dưới hiên nhà để đón những cơn gió mát rượi để đọc truyện Tàu rồi dần chìm vào giấc ngủ. Cũng có những buổi trưa ba cũng đem võng ra vườn cây nằm nghỉ lưng. Chiếc võng đay màu vàng nâu ấy đã trở thành người bạn thân tình của ba, của lũ trẻ chúng tôi.
Cái võng lưới là hình tượng văn hoá bởi vì đơn thuần đó không chỉ là một dụng cụ hay một phương tiện để ru em, với tôi chiếc võng còn có cả một hồn dân tộc, không những ru em, có khi người ta còn ví von như ru tình, không dừng lại ở tình yêu mà ru cả cuộc đời những khi an bình hay cả những khi loạn lạc chiến tranh. Chiếc võng lưới gắn liền với nhiều ký ức sống động, gắn liền với con người từ thơ bé đến khi già nua tóc bạc vẫn nằm trên võng để đi tìm giấc ngủ bình yên. Đã lâu lắm rồi tôi không còn nhìn thấy chiếc võng đay mộc mạc thuở xưa - chiếc võng màu vàng nâu giản dị gắn bó bao đời với người nông dân chân lắm tay bùn. Ngày nay chất liệu võng thay đổi nhiều: võng ni-lông, võng vải, võng dù hay võng gấm… Tiện nghi quá và dễ dàng mua ở chợ hay trong siêu thị hay chỉ cần điện thoại là được giao hàng tận nơi, lắp ráp nhanh chóng, để trong nhà tiện lợi, gọn gàng. Với tốc độ đô thị hoá, chiếc võng truyền thống đang mất dần, vì trong nhà có nhiều tiện nghi sinh hoạt khác, vì thời gian đâu mà thong thả nằm đưa võng nghỉ ngơi... Người già thì có ghế đệm “mát xa” có thể ngả lưng duỗi chân, con trẻ thì có giường nôi nhiều màu sắc. Nhiều bố mẹ trẻ sắm cho con chiếc nôi đắt tiền có thể lắc lư nhè nhẹ nhưng thường được gài chặt. Nhịp võng mất đi lời ru bỗng trở nên lạc lõng, trẻ nhỏ khóc òa khi nghe tiếng ầu ơ... Chiếc võng đâu còn là thế giới êm đềm của tuổi thơ như ngày xưa nữa. Dù gì đi nửa, trong lòng tôi vẫn thương hoài chiếc võng quê…

MỜI XEM :


1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...