Bà
luôn ở cùng chúng ta, vì trong đời sống này có ai mà không một lần đi
chụp quang tuyến X? Đi chữa một cái răng đau, nhổ răng khôn. Đi chụp
phổi, đi soi bao tử fribroscopie, hay đơn giản nhất là té ngã, cũng phải
đi cà nhắc tới imagerie médicale rọi tia X-quang xem xương bị tổn
thương ra làm sao. Đơn giản mà là vậy, bác sĩ đâu có chữa bệnh lơ mơ,
phải thấy rõ, thì đó là chúng ta sống và nhiều lúc phải nương tựa vào
những tìm kiếm và phát minh của bà, không có bài bản chụp quang tuyến
cuộc đời gắn liền với bệnh e gặp nhiều khó khăn.
Ở nước Ba Lan, quê hương hào hiệp, nơi sinh ra nhà bác học vĩ đại Marie
Curie, người đã mang, đã tìm thấy và ứng dụng Uranium vào kỹ nghệ khoa
học, để tìm bệnh và chữa bệnh cho nhân loại. Radium hôm nay rất thịnh
hành ở khắp mọi nơi. Suốt cuộc đời bà, bà đã bỏ ra nhiều năm ròng rã
nung quặng. Bà đi tiếp theo công trình nghiên cứu của hai nhà vật lý
học, một người Pháp là giáo sư Henri Becquerel, một người Đức là giáo sư
Rontgen, hai vị đưa ra đề tài về « tia phóng xạ và năng lượng của phóng
xạ. » Bà giầu nghị lực bắt tay vào việc tìm kiếm, nhìn thấy và sử dụng
Uranium.
Suốt 4 năm ròng rã nung chẩy các quặng hóa học nghi là có chất phóng
xạ, bà có lần khoe với chồng: Em đang tìm nó, chưa tìm ra nó, và em đã
đặt cho nó, và em đã đặt cho các chất có thể tự phát ra tia phóng xạ có
cường độ như nhau là năng lượng phóng xạ.
Đúng vậy sau mấy năm ròng rã nung nấu quặng Uranium để tìm ra phóng xạ
mạnh hơn là Uranium thuần chất. Tháng 7 năm 1898, bà tìm ra nguyên tố
mới Uranium, với lòng gắn bó yêu quê hương, bà gọi nó là Polorium, mạnh
hơn Uranium. Tháng 12 năm 1898, bà tìm thấy Radium mạnh gấp 100 lần
Polraium.
Tháng 6 năm 1903 bà trình luận án đặc biệt tiến sĩ xuất sắc về tính
năng của phóng xạ. Bà Marie Curie cần cù suốt đời, vừa tìm kiếm khoa
học, vừa lo cho gia đình con cái, vừa dậy học… Bà làm rất nhiều việc lợi
ích cho đời. Bà có một hình ảnh đẹp, đẹp rực rỡ của tuổi thơ là cái nổi
trội gắn bó với quê hương chôn nhau cắt rốn Ba Lan, vừa cũng cho chúng
ta hiểu tại sao.
Tại sao ngày nay người xứ sở Ba Lan tích cực giúp đỡ, đóng góp ân tình
với đồng minh Ukraine chống lại bạo lực của Nga. Vì cả hai nước đó có
chung một kẻ thù Moscou từ rất xa xưa. Thù lắm! Trở lại, lại nói về
Marie Curie, bà ra đời tháng 11 năm 1867, ở thủ đô Varsava trong một gia
đình trung lưu, hơi hạn hẹp vì cha mẹ đều đi dậy học. Quê hương Ba Lan
của bà lúc ấy đang bị nước Nga đô hộ, các trường học Ba Lan bị Nga kiềm
tỏa, đồng hóa, bị bắt buộc họ phải học và dậy học bằng tiếng Nga. Sau đệ
I thế chiến, tới năm 1918, đất đai lãnh thổ Âu Châu được chia lại, Ba
Lan mới thoát khỏi sự cai trị của Nga hoàng. Ngày đó, các nhân vật Nga
sang cai trị thuộc địa, hay các nhân vật Ba Lan làm tay sai cho chính
phủ Nga đều phải gọi kính cẩn như thế đó: Bệ Hạ!
Các em học sinh tiểu học và các cấp khác, đặc biệt trường tiểu học của
các em vào lớp tuổi Manie (tên thời thơ ấu của bà Marie Curie) đều phải
học thuộc lòng lịch sử của Moscou. Các em phải trả lời lưu loát khi có
thanh tra người Nga tới thăm và tra vấn về sử học, như phải kể đủ tên
thứ tự các vị vua.
Mania nhanh nhẹn kể: “Catherine II, Paul I, Alexander I, Nicolas I,
Alexander II”. Cô giáo và cô hiệu trưởng đổ mồ hôi hột khi Manie bị tra
vấn. Nghe xong học sinh bé bỏng của mình trả lời lưu loát, cả hai cô đều
thở phào nhẹ nhõm, họ vừa thương hại vừa cám ơn Manie. Tất cả họ vừa
thoát một lần bị kỷ luật.
Nhưng cô giáo, cô hiệu trưởng, ngay cả viên thanh tra, họ nào biết một
câu chuyện riêng tư của Mania và một cô bạn rất thân, ngồi cạnh và cùng
lớp với Mania, tên gọi Kachia, Kachia và Mania học cùng lớp tiểu học,
mỗi ngày hai cô bé ríu rít rủ nhau cùng đi học và cùng về học. Trên
đường đến trường, cả hai luôn phải băng ngang một công viên rộng mát
thoáng đẹp, trong lối vào cổng công viên, phía trong là một đài tưởng
niệm, xây cất công phu, trên đó, người Nga ghi khắc các viên chức Nga
đến đây đầu tiên, có công đặt nền tảng đô hộ, và cả tên vài ba người bản
xứ phục vụ hợp tác với phía Nga, đó là những kẻ xâm chiếm và những kẻ
phản quốc, Mania giải nghĩa như vậy, rõ ràng như vậy cho Kachia hiểu.
Rồi mỗi buổi đi học về ngay ngang tấm bia đá kỷ niệm đó, hai cô học trò
bé bỏng, lượm đầy một túi áo sỏi, dừng chân trước bức tường kỷ niệm, hai
đứa lần lượt lấy sỏi trong túi chọi vào tên từng người, từng đứa, và
quy định mỗi người bao năm tù. Hết túi sỏi, kết án đầy đủ mọi cái tên,
hai đứa rủ nhau vui vẻ về nhà. Hôm đấy, Mania bảo Kachia là xử án tụi nó
xong, mình khỏe ru hả. Chiều nay ăn xúp ngon hơn nhe!
Có lần trời mưa sỏi ướt nhép không lượm được, thì hai đứa thi nhau nhổ
bọt lên đài kỷ niệm. Một lần mưa lớn quá, vội, quên, về tới nhà Mania,
thì Kachia quay đầu chạy ngược trở lại, sau đó, Mania hỏi bạn làm rơi
rớt gì ư? -- Không, không rơi gì cả, mà tại hồi nãy vội quá và khô cổ
quên nhổ lên tụi nó, giờ làm bù! Mania chạy đi kiếm rồi đưa nguyên một
chai nước cho bạn. Hai đứa cười, nhìn nhau đồng ý, hẹn ngày mai nhé.
Trong máu thịt, ngay thuở ấu thơ, Kachia và Mania đã hiểu sâu sắc tình
yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Với những khái niệm từ ấu thơ
là thế, người dân Ba Lan mặc nhiên như có một bản năng bẩm sinh ghét,
thù ghét kẻ ngoại xâm Nga Hoàng ngày xưa và bây giờ là Putin.
Mania, lúc nhỏ được gọi ở nhà như thế vì gia đình muốn nhắc nhở khi ấu
thơ, bà rất giống Đức Mẹ Maria. Gặp hoàn cảnh sa sút của gia đình, từ
lúc cộng quân Nga tràn tới, cha bà bị đuổi trường đuổi dậy. Mẹ bà mất
luôn chức hiệu trưởng trường nữ, gia đình họ sống rất cơ cực, mẹ sau đó
bị bệnh nặng và qua đời. Bà mồ côi mẹ từ lúc mới 10 tuổi. Cảnh nghèo
túng và nỗi buồn tuổi thơ hun đúc cho Mania tính chuyên cần, bền bỉ vươn
lên trong việc học hành và nghiên cứu khoa học về sau. Trước mắt Mania
chỉ có con đường đó thôi. Cộng với lòng ham học hỏi là lòng nhân ái và
tính yêu thích tìm tòi những khám phá mới lạ. Học xong bậc trung học,
thấy chị gái Blonia muốn đi học y khoa, bà đi làm gia sư kèm trẻ em ở tư
gia nuôi chị học trước, bốn năm năm sau chị thành tài, bà ra khỏi quê,
hướng về Paris, chủ tâm vào đại học Sorbonne học Toán và Vật lý rồi tiến
vào công trình khảo sát khoa học. Bắt đầu về Sorbonne, lịch học tập của
Mania dầy đặc, vừa phải học thêm Pháp văn để vượt qua ải ngoại ngữ, vừa
đọc sách bù đắp lỗ hổng về tri thức, vừa phải cố gắng chuyên chú theo
kịp các bài ở giảng đường.
Mania phải vượt qua mọi khó khăn đó cho đến lúc bà cần một phòng thí
nghiệm đầy đủ hơn cho riêng mình, anh chị và bạn đã giới thiệu cho bà
gặp ông Pierre Curie. Họ yêu nhau trong tình yêu khám phá khoa học, và
bà thành thân với ông. Bà mang tên Marie Curie từ đó. Ông Pierre đã đứng
ngoài phòng thí nghiệm, theo dõi cô sinh viên Ba Lan rất khả ái, thành
thạo trong mọi thao tác kỹ thuật, nàng chịu khó miệt mài, giầu sức sáng
tạo. Bà kém ông 8 tuổi, bà sống chung với ông được 11 năm, thì sinh được
hai cô con gái. Mặc dù sau khi sinh nở, bận nuôi con, nhưng bà vẫn
chuyên cần đến phòng thí nghiệm ngồi khoắng quặng tổng hợp, dù gió rét
hay tuyết rơi, bà vẫn đốt củi, hong nóng nồi gang, đổ chất hắc ín là
tổng hợp kim loại có chất Uranium vào chảo. Bà nắm thanh sắt dài, cố sức
khuấy đều chất tạp trong chảo, củi cháy đỏ, phải thỉnh thoảng đưa thêm
than vào lò để tăng đủ độ nóng. Tạp chất từ từ chẩy nhão, rồi sôi, nổi
bong bóng, bà vẫn luôn tay khuấy đều chất hồ nhão màu đen ấy lâu và lâu
cho đậm đặc, dù tay bị phỏng nhiều lần, dù thay khăn lót tay nhiều lần.
Đợi khi tạp chất đen đậm đặc, khói bay mù mịt làm cay mắt, bà dùng vá
sắt múc chất lỏng nóng bỏng đó đổ vào từng lọ lớn, nhiều lọ, rồi bê lọ
lên để trên từng cao trong phòng cho chúng lắng xuống. Tiếp đó, lại đổ
lượt tạp chất, lại nấu, khuấy sôi đều cho đậm đặc, lại múc ra và bê cất
lên cao. Cứ thế bà đã nấu trong 4 năm 8 tấm quặng, sau cùng tinh luyện
ra được 1 décigramme Radium.
Làm việc nặng nhọc, cơ thể đau nhức, tay bị phỏng nhiều chỗ, chân sưng
phồng. Nhưng bên cạnh công việc, tối về, vẫn chăm sóc chồng, con, và may
vá áo quần cho con. Phòng khách nhà bà chỉ có hai ghế ngồi. Hỏi tại sao
ít ghế thế, bà bảo để cho khách đến rồi khách đi mau lẹ vì bà còn bận
nung quặng. Trong khi đó, ông Pierre vẫn đi dậy học, khi có đôi chút thì
giờ rảnh, ông ghé xuống giúp bà cho bà nghỉ mệt. Ông hơi buồn vì thấy
bà cực nhọc, mệt mỏi, sa sút. Ông đề nghị bà nghỉ ngơi một vài ngày, hay
tốt hơn là một vài tuần lễ. Bà khoát tay từ chối, có một lần, một lần
duy nhất trong đời, bà gắt gỏng với ông: « Em chẳng thấy mệt mỏi gì đâu.
Em không thích bỏ cuộc giữa đường. Chỉ những người chí bạc tài hèn mới
làm như vậy…»
Rồi một lần vào buổi tối, lo cho con cái ăn uống xong, sắp đi ngủ, thì
bà nắm chặt tay ông nói rằng: « Anh ơi, em có cảm giác có tiếng đang gọi
em ». « Cái phòng thí nghiệm nó gọi em chứ gì. » « Đúng thế, hay chúng
ta trở lại đó xem sao ». « Chúng ta mới rời nơi đó khoảng 2 giờ đồng hồ,
chớ có lâu lắc gì, nhưng thôi, em muốn thì chúng ta đến xem, mới đó,
chắc có đứa con cưng đang ra đời ». Và họ cùng đến nơi. « Pierre, coi
kìa, coi kìa!» Cả hai sung sướng nhìn thấy những tia sáng huỳnh quang
hơi màu xanh lục đang lấp lánh trong các lọ thủy tinh để trên các kệ bàn
cũ kỹ, ánh sáng huyền bí ấy quét lên các máy móc cửa phòng thí nghiệm
và cả 4 bức tường xung quanh. Căn phòng bình dị của bà sáng lên như một
cung điện pha lê trong truyện cổ tích huyền diệu. Cả hai người, đắm chìm
trong hạnh phúc thành công, họ không nói lên lời mà cùng đẫm nước mắt,
cùng với chất Radium đang tỏa sáng lấp lánh, lấp lánh.
***
Việc
phát hiện ra Radium mở ra thời đại nguyên tử, có năng lượng nguyên tử,
loài người mới đi vào vũ trụ. Chất Radium áp dụng trong kỹ nghệ không
ngừng, ngoài ra nó còn mang hạnh phúc đến cho con người, dùng trong y
khoa, chống lại bệnh ung thư. Sau hai lần nhận giải Nobel, bà mang số
tiền gửi cho các quỹ mở nhà thương, tu bổ bệnh viện cũ và trang trải học
phí cho các sinh viên nghèo.
Sau 11 năm chung sống với ông, ngày 19 thang 4 năm 1906, Pierre mất bất
ngờ vì tai nạn xe, bà đã gục xuống vì đau buồn, nhưng rồi bà lại can
đảm đứng lên, bà đi lấy một tấm hình của bà ngày còn trẻ mà ông thích
nhất, đặt tấm hình ây lên ngực thi thể chồng và nói: « Đây cô sinh viên
thông minh, anh đã đến và yêu cô ấy, nay hãy để cô ấy theo anh về nơi
lạnh giá, anh sẽ cảm thấy hạnh phúc… »
Tai nạn khủng khiếp của Pierre Curie làm chấn động mọi người. Chính phủ
Pháp và trường đại học đến chia buồn và kính tặng gia đình bà một số
tiền lớn, nhưng bà từ chối, xin để cho các sinh viên nghèo. Trường đề
nghị bà làm giáo sư vật lý kiêm giám đốc phòng thí nghiệm lý hóa Paris.
Hai tuần lễ sau, bà ổn định tư tưởng, bình thản bước lên bục giảng của
giảng đường, giảng tiếp những bài học mà Pierre Curie đang dậy nửa
chừng. Các phóng viên và học giả đến nghe xem bà bắt đầu như thế nào, họ
ngạc hiên thấy bà điềm nhiên mở lời: « Chúng ta học tiếp bài về điện và
vật chất… » Buổi giảng đầu tiên thành công mỹ mãn, có sinh viên rơi
nước mắt xuống bài vở.
Nhưng bà không ngủ say trước những lời khen ngợi, bà vẫn say mê với
công việc, với bổn phận và dù có lúc thương nhớ Pierre vô cùng, bà lại
tự nhủ: Gánh có nặng thêm, đường dù có gian truân hơn, mình vẫn tiếp tục
đi, đi cho các con, đi cho tương lai hậu thế, đi cho cuộc đời.
Khi đã vào tuổi 50, bà qua vương quốc Anh, Thụy Điển, trở về quê hương
Varsava, đi nhiều nơi và viện nghiên cứu Radium được thành lập làm trung
tâm nghiên cứu khoa học, chữa trị ung bướu. Bà từng phát biểu ở mỗi
quốc gia bà đặt chân đến: “Bất cứ ai cũng không nên làm giầu từ chất
Radium. Nó là một nguyên tố thuộc về tất cả mọi người trên thế giới.
Chinh vì thế đó mà Pierre và tôi từ bỏ ý nghĩ về độc quyền chất Radium”.
Năm 54 tuổi, bà được tổng thống Winson chào đón thân tình, tổng thống
gọi Marie Curie là hóa thân của trí tuệ. Thành phố New York vào tháng 5
năm 1921 hoa nở rực rỡ, người dân ở đây ăn mặc đẹp đẽ, hát, múa chào đón
“bà mẹ, vị ân nhân của loài người”. Người ta bảo là lòng quý mến nhiệt
tình của người dân Mỹ dành cho bà nhiều hơn hẳn nhiều nguyên thủ quốc
gia đã đến đó trước bà.
Einstein cũng vậy, ông từng nói là “Trong những người nổi tiếng, chỉ có
Marie Curie là người duy nhất không thay đổi trước danh lợi”.
Mười năm sau ngày Pierre Curie mất, tháng 2 năm 1916, trận chiến khốc
liệt diễn ra ở Pháp quê hương chồng cũng là quê hương thứ hai của bà.
Cũng tháng 2 đó Marie Curie từ bỏ tạm thời phòng thí nghiệm và giảng
đường. Bà đến miền Verdun, nơi 270000 binh sĩ Đức đang mở cuộc tấn công
vào nước Pháp. Bà đã ngày đêm hiện diện ở chiến trường, di chuyển theo
xe cứu thương, bà luôn tay luôn mắt điều chỉnh dòng điện, tự chụp hình
các vết thương trong bóng tối, cứu sống từng thương bệnh binh đang cận
kề sống chết. 20 chiếc xe cấp cứu và 200 trạm chiếu X-quang được dựng
lên, được di chuyển làm việc không ngừng của bà Marie Curie đã mang lại
sự sống cho hàng triệu chiến sĩ.
Ngày hôm nay, trong thế kỷ này, năm 2023, chiến cuộc do Nga áp đặt đang
bùng lên dữ dội tàn phá Ukraine, chiến cuộc Đông Âu vẫn đang là dầu sôi
lửa bỏng. Kẻ bắn giết cứ bắn giết, người đi cứu thương vẫn tiếp tục đi
cứu thương, mỗi người đều chăm chú vào nhiệm vụ của mình. Những dòng xe,
những bệnh viện dã chiến di chuyển ở Bakhmut, Kherson, Zaporizhia hay
Mariopul… nối đuôi nhau như hoảng hốt, vội vã và kiên trì chạy đua với
tử thần, với bom đạn hỏa tiển để cứu các thương binh cả bên này lẫn bên
kia.
Người ta có lúc tự hỏi có bà Marie Curie trong đoàn y tế cứu thương đó
không? Có, hẳn là có, bà ở đó, hiện diện làm việc và chỉ đạo sáng suốt
vì X-quang là con đẻ của bà mà!
Bà là ai? Nhà bác học vĩ đại! Có thể là hiện thân của Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp Maria! Có thể là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm Cứu Khổ Cứu Nạn!
Đoàn xe cứu thương của bà Marie Curie đã nối đuôi nhau vùn vụt đi xa,
xa rồi, chẳng đặng đừng, họ bỏ lại đó, bỏ lại chiến trường những xác
thây binh sĩ nằm la liệt. Ai lượm? Ai thu dọn ? Ai cho họ những nấm mồ?
Chẳng chóng thì chầy, sẽ có đoàn người đi lượm, đi liệm và đi chôn xác
người chết trận. Họ chết không toàn thây, văng vãi, tung tóe, ngổn
ngang… vì vũ khí ngày nay văn minh quá độ.
Là như thế, là những tấm lòng vị tha, nhân ái luôn ở cạnh chúng ta, ở trong cuộc đời này!
-- Chúc Thanh
(Paris, 10-04-2023)
Xem Thêm :
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa