Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Dốc sông trăng - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

 Mưa ngớt hạt rồi tạnh hẳn, đám cỏ lau bên đường ướt sũng nép vào nhau yên lặng. Khuê nhón chân lội qua vũng nước, con đường đất đỏ nhão nhoét bùn, lông chông những ổ gà, chốc chốc một chiếc xe máy cũ phành phạch vụt qua.

Đằng trước, một chiếc xe bò kéo đầy nhóc than tổ ong lục cục nhích từng bước, ông cụ kéo xe thở phì phò, kéo vạt áo lau mồ hôi đang túa ra trên gương mặt đen nhẻm. Giẫm bình bịch cho rơi hết bùn đất ở chân, ông ghé vào quán nước chè bên đường ngồi vấn thuốc, bâng quơ nhìn ra màn trời xám xịt.

Khuê dừng lại, tần ngần nhìn về cuối con đường, cô lấy mảnh giấy trong túi ra xem, con dốc kia rồi, giờ phải qua hết con dốc này, đến ngã ba cây gòn, cạnh đó có lối rẽ... Tim Khuê bỗng đập thình thịch, chỉ một lát nữa thôi cô sẽ đứng trước nhà Thi, bảy năm rồi còn gì. Hơn năm năm trước, cô được tin anh cưới vợ, ngày đó cô cũng vừa sinh bé Cỏ.

Đoạn đường hơn ba trăm cây số trên tàu, xuống ga Khuê đón xe, chiếc xe cà rịch hết dừng lại bắt khách rồi banh lốp dọc đường, cô xuống xe cuốc bộ, đôi chân giờ cứ chực rơi ra. Đã thế lại mưa, mưa lê thê từ lúc cô rẽ xuống đường làng. Nước mắt cô bỗng ứa ra, “Mình đang làm gì thế này?”. Nghĩ vậy nhưng cô vẫn xốc ba lô lên, bước tiếp. Quán nước bên đường, một bà cụ vận chiếc áo nâu cánh gián đang rót nước chè từ cái ấm đun sôi trên bếp lửa, cụ nhướng đôi mắt kèm nhèm nhìn ra đon đả:

- Vào nghỉ chân uống ly nước cháu ơi!

- Vâng, cảm ơn bà! - Khuê dừng lại - Bà cho cháu hỏi...

- Thế cháu hỏi nhà ai?

- Không ạ! Cháu hỏi làng Diềm còn đi bao xa nữa?

- Sắp đến rồi kia! - Không đợi bà cụ trả lời, cụ ông kéo xe than sốt sắng chỉ tay về cuối con đường, giọng khào khào - Qua con dốc đó, rẽ trái đi vào là làng Diềm, tôi người làng Diềm đây, mà cô hỏi nhà ai bên ấy?

- Cháu hỏi... nhà người bạn ạ! - Khuê lí nhí trả lời, chào ông bà cụ rồi lui ra.

Con dốc càng lên cao càng lầy lội, Khuê mím môi bấu bàn chân vào đôi giày đã nặng trịch bùn đất. Con đường về chiều heo hút vắng, bụi rậm bên đường vẳng ra tiếng cuốc kêu nghe buồn thiu. Cô nhớ có lần anh bảo cuốc là loài chim cực kỳ chung tình, mất bạn đời chúng sẽ gọi cho đến chết. Hôm đó trời mưa, cái lạnh đầu mùa rét căm căm, anh đèo cô trên chiếc xe máy cũ ra ngoại thành, ống pô phành phạch xịt khói dọc đường. Ngày đó cô còn là sinh viên năm đầu khoa văn. Hai đứa tấp vào mái hiên trú mưa. Anh bảo, mọi kỷ niệm của anh đều gắn với mưa, ngày mẹ anh gặp tai nạn trên đường đi đón em gái về, hôm đó trời mưa, ngày bố anh đón một người đàn bà khác về nhà, hôm đó trời cũng mưa, ngày đầu tiên anh nhìn thấy Khuê ngơ ngác ở sân ga, hôm đó cũng là một ngày mưa. Anh trầm mặc và khép kín. Anh thường kể cho cô nghe về làng Diềm quê anh, nơi đó có những con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo, và dốc, những con dốc thoai thoải nối tiếp nhau, vào mùa cỏ lau bạt ngàn, trắng xóa. Quê anh nghèo, người nhà nông ngoài công việc ruộng vườn, chăn đàn gà, đàn vịt còn có nghề làm than tổ ong. Năm lên mười anh đã biết phụ cha đóng than, quanh năm suốt tháng mặt anh lúc nào cũng đen nhem nhẻm, có hôm đến lớp mặt vẫn lấm đầy bụi than. Kể đến đoạn này anh phì cười vì những kỷ niệm ngây ngô ngày đó. Anh kể ngày bố cưới mẹ về làm vợ, mẹ mới mười tám, quanh năm mẹ vẫn chiếc áo cánh nâu cho đến khi nó sờn đi, mỏng như mạng nhện mẹ mới mang lót ổ cho đàn chó con. Mẹ tần tảo và hy sinh, nhường hết cho chồng con những miếng ngon trong bữa cơm. Kể đến đó mắt anh rơm rớm. Học hết năm thứ ba bên Bách khoa anh bỏ ngang, về làng kiếm sống. Bố già yếu, nhìn đàn em nheo nhóc anh chẳng thể đi tiếp con đường của mình. Ngày chia tay ở sân ga cô khóc như mưa, anh kéo cô vào lòng vỗ nhè nhẹ, nụ cười điềm đạm, ấm áp, anh thầm thì: “Mạnh mẽ lên, cô gái của tôi!”.

Ngày cô lấy chồng, anh đến. Vẫn là nụ cười đó, anh chúc cô hạnh phúc, lúc chia tay ra về anh còn dặn cô có dịp về làng anh một lần, anh sẽ đón. Bao nhiêu năm cô vẫn còn nhớ ánh mắt anh ấm áp yêu thương, sâu thẳm trong cô, anh luôn tồn tại như một bức tường vững chắc để mỗi khi mỏi mệt, cô lại tựa vào. Đêm qua chiêm bao cô thấy mình chết đuối, giật mình thức giấc cô nằm yên đến sáng. Tỉnh dậy lòng vẫn chênh chao, cô bần thần nhìn ra cửa, hơn lúc nào hết cô nhớ anh, nhớ đôi mắt nhìn xuống ưu tư, nhớ ổ bánh mì lúc nửa khuya anh dúi qua cửa sổ, nhớ ánh mắt đau đáu buồn ngày chia tay cô ở sân ga. Một cuộc hôn nhân khiến cô luôn thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Mỗi sáng bên hiên chải tóc cho con gái nhỏ, cô mượn gương mặt trong trẻo của nó để tựa vào, cô hít hà mùi tóc thơm thơm, nghe con bi bô kể chuyện. Giấc chiêm bao đêm qua khiến cô bần thần, căn nhà trống trải vì vắng bé Cỏ, nó về ngoại hai hôm nay. Cô ra hiên, con mèo Sơri chết từ bao giờ, nằm co quắp dưới chiếc ghế mây, đôi mắt mở trừng trừng như oan ức điều gì. Cô há hốc miệng đứng nhìn, không thốt lên được lời nào. Mới chiều qua cô còn bế nó trên tay vuốt ve bộ lông mượt mà. Cô lao vào nhà lục tung chồng sách cũ, địa chỉ nhà anh ghi trên mảnh giấy nhỏ kẹp trong cuốn sổ năm xưa. Cầm mảnh giấy, cô vội vàng bỏ bộ quần áo và một ít đồ dùng vào ba lô. Cô phải đi tìm anh, phải tìm anh! Không thể khác! Cô thấy mình nghẹt thở trong cái thế giới không thuộc về cô. Cô ra cửa, sực nhớ quay lại viết vội vào mảnh giấy để trên bàn “Em đi, vài hôm nữa em về!”.

Minh họa: Tuấn Anh

Cây bông gòn kia rồi, nó lạc lõng đứng bên đường giữa những đám cỏ lau. Cô ngước nhìn lên, nhiều trái gòn đã khô, nứt lộ ra những cục bông trắng muốt. Anh kể ngày còn nhỏ anh thường theo đám bạn trong làng đi hái bông gòn về cho mẹ nhồi ruột gối, đêm nằm những hạt bông gòn cứ cộm lên... Bên kia rào giậu, một căn nhà nhỏ quét bên ngoài lớp vôi xanh ngai ngái, nằm lọt thỏm trong khu vườn trồng đầy cải cúc và hương nhu, một cây ổi sum xuê trái bên cạnh giếng nước. Có tiếng kêu quang quác của gà mái mẹ, một cô bé chừng năm tuổi chạy đuổi theo đàn gà. Bên luống cải cúc, đàn gà con đang đào bới, chiêm chiếp. Khuê dừng lại, cô vừa thấy hình ảnh mình ngày xưa vụt qua, cũng bím tóc lúc lắc trên vai, cũng chạy đuổi đàn gà cho mẹ, cũng mảnh vườn rộ những bông hương nhu tim tím. Ngày đó cô đã biết ra giếng lấy nước, biết hái hương nhu cho mẹ nấu nước gội đầu... Cô bé chạy đuổi theo đàn gà chợt thấy người lạ liền dừng lại, lễ phép:

- Cháu chào cô, cô hỏi nhà ai ạ? - Vừa hỏi cô bé vừa nhìn xuống đôi giày đỏ quạch vì bùn đất của Khuê.

Khuê bất ngờ, cô thả vội gấu quần còn xăn quá gối:

- À... ừ... cô hỏi nhà chú Thi... ngày trước là...

- Là bố cháu ạ! Nhà bố cháu đây! - Cô bé reo lên chạy về phía cánh cổng đang mở toang - Mời cô vào nhà! Lát nữa thôi bố cháu về ngay!

Cô bé nhanh nhảu chạy ra kéo tay Khuê vào, Khuê ngẩn người đi theo cô bé, vào đến giữa sân Khuê lơ ngơ nhìn quanh. Trong vườn mùi hương nhu thoang thoảng, những vạt cải cúc vừa bị xéo lên vì đàn gà. Bên trong nhà đầy những vệt vôi tróc loang lổ, bộ bàn ghế cũ kỹ kê giữa nhà, màu gỗ mốc thếch, cạnh đó một chiếc giường kê sát tường. Tất cả đều ẩm thấp, tối tăm. Nhà anh đây sao? Cuộc sống hiện tại của anh đang bày ra trước mắt cô. Khuê đứng sững cố nén cảm xúc đầy ứ đang chực trào ra. Cô bé đến bên Khuê thỏ thẻ:

- Cô cần rửa chân không ạ? Cháu dắt cô ra giếng, giếng gần đây thôi!

Khuê theo cô bé đến bên cái giếng thấp tè, cô bé buông gàu, nhìn cánh tay thoăn thoắt, Khuê thầm nghĩ, trẻ con nông thôn thật sớm tự lập. Cô bé đưa gàu nước mát lạnh cho Khuê, vừa rửa chân, Khuê vừa kín đáo ngắm cô bé. Đôi mắt to đen láy, mái tóc dày tết lại thành bím vắt vẻo trên vai, khuôn mặt cương nghị và đẹp dù nhìn ở góc nào... Tất cả là của anh, nó được gắn lên gương mặt non tơ này. Khuê ngồi thụp xuống bên giếng nắm bàn tay cô bé đưa lên má ấp thật lâu:

- Cháu ở nhà một mình thôi sao?

- Không ạ! Có mẹ cháu nữa, mẹ đang ở trong kia! - Cô bé liến thoắng - Để cháu vào gọi mẹ.

Nói rồi cô bé hất bím tóc ra sau vội vã chạy vào nhà. Nước giếng mát rượi, những ngọn gió quê trong lành khiến Khuê tỉnh táo hẳn. Cô ngước nhìn lên cây ổi sum xuê trái, mùi ổi chín thơm nức, có lẽ là cây ổi Thi thường kể cô nghe, ngày còn nhỏ anh thường trèo lên hái bọc vào vạt áo rồi ra sau hè ngồi ăn cho đỡ đói vì cơm nhường hết các em. Có lần cha biết được, cha ôm Thi vào lòng rồi khóc...

Có tiếng dép và tiếng ho khe khẽ, Khuê quay lại. Trước mặt cô là một thiếu phụ còn khá trẻ, mái tóc đen dài óng ả phủ xuống gương mặt trái xoan trắng xanh.

- Mẹ cháu đây! - Cô bé giới thiệu. 

Người thiếu phụ tròn mắt nhìn Khuê, Khuê cũng nhìn sững vào đôi mắt ấy, nó đẹp đến nao lòng, và cái miệng đang mấp máy kia như muốn nói điều gì. Thiếu phụ khẽ gật đầu chào Khuê, miệng cười duyên dáng.

- Chào cô! - Khuê gật đầu.

- Mẹ cháu không biết nói cô ạ! - Cô bé hồn nhiên - Nhưng mẹ cháu có thể nghe.

Khuê bất ngờ khi nghe câu cô bé vừa thốt ra. Thiếu phụ lại gật đầu nhìn Khuê mỉm cười như xác nhận lời con gái, rồi cúi đầu ra hiệu mời Khuê vào nhà. Vào bên trong, Khuê ngồi yên như phỗng, bao nhiêu dự định bay đâu mất cả. Trước mắt cô cuộc sống của Thi đang bày biện ra. Một căn nhà nhỏ, một mảnh vườn, một cô con gái nhỏ và một người vợ câm. Khuê nhìn quanh căn nhà đơn sơ, ngơ ngẩn đón ly nước vối vàng óng vừa được rót ra từ cái ấm cáu đen. Xoay xoay chiếc ly trong tay hồi lâu Khuê vẫn chưa biết bắt đầu bằng chuyện gì. Ngoài vườn, bụi hương nhu tím sẫm lại trong chiều muộn, gà mẹ lục tục dắt đàn con về chuồng. Người thiếu phụ nhìn Khuê thân thiện, cô đưa tay ra hiệu, cô bé ngồi bên “phiên dịch” cho mẹ.

- Mẹ cháu bảo cô ở lại đây ăn cơm, để mẹ cháu ra vườn bắt con gà vào làm thịt.

- Đừng - Khuê xua tay - Đừng để mẹ nấu nướng gì cho vất vả.

- Ôi cô đừng lo! - Cô bé cười - Bố cháu chăm mẹ lắm, cứ đi làm về là bố cháu giành hết việc nhà, không cho mẹ làm gì.

Khuê lại nhìn lên cây ổi bên giếng nước, bâng quơ, nhưng lòng cô lại trào lên những cảm xúc đan xen, khó tả, nửa mừng vui, nửa dỗi hờn... Người thiếu phụ ngồi yên nhìn Khuê và con gái chuyện trò, sau mỗi câu nói của con, cô lại gật gật đầu, mỉm cười dịu dàng. Khuê kín đáo nhìn người thiếu phụ. Trong căn nhà tối tăm, gương mặt nhu mì của cô vẫn không giấu nổi niềm hạnh phúc đang dâng lên trong sóng mắt. Mình đang làm gì vậy? Khuê giật mình. Thiếu phụ bỗng quay sang Khuê, cô dừng lại hơi lâu trên đôi mắt Khuê. Trong một thoáng linh cảm của hai người đàn bà cùng gặp nhau...

Khuê uống nốt ngụm nước rồi tìm cớ đứng lên.

- Có lẽ tôi phải về, muộn rồi, tôi ghé thăm người bà con gần đây rồi còn trở ra cho kịp chuyến tàu đêm.

Người thiếu phụ ra hiệu cho con gái nói hộ.

- Bố cháu cũng sắp về rồi - Cô bé ngước nhìn Khuê bằng đôi mắt trong veo.

- Thôi, cô phải về cho kịp tàu! - Khuê xốc ba lô lên lưng, cúi xuống xoa đầu cô bé - Cô đi nhé!

Cô bé khẽ “vâng” rồi nép vào mẹ đưa Khuê ra ngõ.

Thiếu phụ chậm chạp mở cánh cổng, ấn vào tay Khuê bịch ổi hái từ bao giờ, Khuê đọc được trong đôi môi mấp máy kia: “Em gửi cho cháu ở nhà”. Khuê quay lại nhìn căn nhà lần nữa. Nơi này người cô từng yêu đang sống, cuộc sống nghèo nàn, nhưng hạnh phúc và bình yên. Người thiếu phụ và cô bé con xinh xắn kia là hạnh phúc của người bao năm qua cô âm thầm mượn hình bóng để tựa vào khi mỏi mệt. Từ chái bếp làn khói mỏng nhẹ bay lên, hai mẹ con chuẩn bị bữa cơm chiều. Cô chợt thấy làn khói như linh hồn bay đến bên cô thì thầm: “Về đi! Hãy để họ được yên...”.

Ra đến ngã ba đường cô ngoái lại một lần nữa. Căn nhà nhỏ của anh trong buổi hoàng hôn nằm lặng lẽ như một dấu chấm của cuộc đời. Trên con dốc đổ xuống một chiếc xe máy dập dềnh như đang trôi chầm chậm. Cô căng mắt nhìn, chiếc xe chạy đến cây gòn, rẽ vào. Cô nép sát vào bụi cỏ lau, run rẩy như vừa trót làm điều tội lỗi. Tiếng xe máy dừng lại bên hàng giậu, tiếng cót két của cánh cổng tre, tiếng cô bé reo lên, cánh cửa gỗ mở ra rồi khép lại. Có lẽ giờ này bên trong nhà đang ríu rít bữa cơm chiều. Cô quay đi, lê bước trên con dốc lầy lội, con dốc ngày xưa anh thường kể cô nghe, vào mùa trăng bọn anh thức thật khuya để thả diều, thích nhất những đêm trăng con dốc nhuộm màu bàng bạc, uốn lượn như một dòng sông.

Đêm bắt đầu buông, từ đỉnh dốc nhìn xuống cô thấy một dòng sông đang trôi, dòng sông nhỏ sóng sánh ánh trăng. Bên tai cô như có tiếng anh thầm thì: “Nào! Mạnh mẽ lên, cô gái của tôi!”. Cô bước nhanh hơn, hình ảnh bé Cỏ với đôi mắt luôn mở to ngơ ngác, có lẽ giờ này nó đang ngóng ra cửa đợi mẹ. Cô mỉm cười thầm thì “Đợi mẹ nhé! Mẹ sắp về đây!”.

Sau lưng cô, dòng sông trăng vẫn trôi mênh mang... mênh mang...

Báo Thanh Niên

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...