Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Kem Đánh Răng Hynos Và Perlon – Tiền Thân Của Kem Đánh Răng P/S Ngày Nay

Vào những năm trước 1975, có một số thương hiệu gắn liền với đời sống của người dân miền Nam Việt Nam. Khi nhắc đến những kỷ niệm xa xưa, có thể bạn sẽ nghe họ kể về một số thương hiệu lúc bấy giờ như kem đánh răng Hynos, kem đánh răng Perlon, pin Con Ó,… Đây đều là những cái tên ăn sâu vào tiềm thức của dân Sài Gòn thời bấy giờ.

Thật ra kem đánh răng P/S mà các gia đình sử dụng hiện nay cũng là một trong những thương hiệu lâu đời. Tiền thân của nó chính là kem đánh răng Hynos và Perlon. Nếu như hiện tại bạn thấy kem đánh răng P/S hầu như được nằm “chễm chệ” trên kệ nhà vệ sinh của mọi nhà thì trước kia, Hynos trứ danh một thời từng là bá chủ của hãng hem miền Nam Việt Nam ta.

Kem đánh răиg Hynos đã ăn sâu vào tiềm thức

Lịch sử hình thành cùng sự táo bạo trong quảng cáo đem đến sự thành công của thương hiệu

Rất nhiều người Sài Gòn sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn vào thế kỷ 20 không ai là không nghe đến kem đánh răng thương hiệu Hynos. Tại thời điểm đó, kem đánh răng thương hiệu Hynos không những thành công vang dội tại thị trường miền nam Việt Nam mà còn phát triển sang tận Hồng Kông và các nước tại Đông Nam Ấ. Nhờ vào khả năng nhìn xa trông rộng của ông Huỳnh Đạo Nghĩa (Còn gọi là Vương Đạo Nghĩa), ông đã giúp cho thương hiệu này in sâu trong tâm trí người dùng và phát triển rộng rãi ra các nước Đông Nam Á.

Lúc đầu Hynos là hãng kem đánh răng do một người Mỹ gốc Do Thái sinh sống tại Sài Gòn kinh doanh, hãng kem đánh răng Hynos lúc bấy giờ chỉ mới là một hãng kem nhỏ, chưa có tên tuổi. Còn Huỳnh Đạo Nghĩa vốn chỉ là một người làm công cho ông ấy. Nhưng nhờ sự trung thành và tận tụy, ông Huỳnh Đạo Nghĩa rất được người chủ này tin tưởng. Vậy nên sau khi vợ của ông chủ mất, vì quá đau buồn nên ông ấy quyết định về Mỹ và bán lại hãng kem này cho ông Huỳnh Đạo Nghĩa. Ấy thế mà sau khi ông quyết định tiếp nhận thì đã cố gắng và không ngừng phát triển thương hiệu này.

Nhờ những nỗ lực của doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa mà chỉ trong vòng khoảng 10 năm, hãng kem đánh răng này từ một thương hiệu chưa ai biết đến, nó đã may mắn trở thành sản phẩm được biết đến rộng rãi. Cũng nhờ ông nắm bắt được chất lượng có sẵn của sản phẩm, cùng kiến thức làm ăn cấp tiến kiểu phương tây, Huỳnh Đạo Nghĩa đã thực hiện cuộc “cách mạng” Marketing đối với sản phẩm này. Chính xác là doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa đã cho hình ảnh sản phẩm xuất hiện trên tất cả những nơi có đông người qua lại có thể nhìn thấy. Các biển quảng cáo xuất hiện khắp nơi, các pano quảng cáo ngoài trời được ông tận dụng để sản phẩm xuất hiện trong mắt khách hàng. Thuở ấy, các tòa nhà cao tầng, các khu chợ lớn nhỏ, đường quốc lộ tại Sài Gòn những năm trước 1975 đâu đâu cũng là hình ảnh của kem đánh răng Hynos.

Doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa còn thông minh hơn khi tạo nên sự tương phản của kem đánh răng và hình ảnh anh da đen người Ấn Độ cười rạng rỡ mà mọi người gọi với cái tên quen thuộc là anh Bảy Chà. Lúc này đây, theo như từ ngữ chuyên ngành của Marketing hiện tại thì ông Huỳnh Đạo Nghĩa đã chọn hình ảnh anh da đen làm “đại sứ thương hiệu” cho sản phẩm của mình. Hay đúng hơn, người Sài Gòn xưa đã “thuần Việt” tên thương hiệu kem đánh răng Hynos thành kem anh Bảy Chà. Sau này, những bảng hiệu, pano ngoài trời ngoài những màu sắc đen trắng thì cũng đã được thiết kế nhiều màu sắc hơn để tăng thêm sự nổi bật.

Hình ảnh anh Bảy Chà trở thành “đại sứ thương hiệu”

Ý nghĩa cái tên anh Bảy Chà

Thời xưa, Người Việt thường gọi người Indo da ngăm đen sống ở Sài Gòn là người Chà Và, bởi vì Chà Và là cách gọi trại của chữ Java – một hòn đảo của Indonesia. Tuy nhiên, người Nam Á cũng được người Việt Nam mình gọi bằng cái tên Chà Và, nhất là người Ấn Độ. Vì dân mình lúc ấy không phân biệt được đâu là người Indo, người Ấn, người Mã Lai.

Những người Ấn sau khi gặp nhau xong, họ thường nói “Baay Baay”, trong tiếng Ấn Độ từ này có nghĩa là “tạm biệt” (giống từ bye bye trong tiếng anh). Từ đó họ gọi anh người da đen là anh Bảy Chà. Còn ông Huỳnh Đạo Nghĩa lấy hình ảnh anh da đen để quảng cáo sản phẩm nên mọi người gọi luôn tên hãng kem đánh răng Hynos là kem anh Bảy Chà.

Sau này, để phát triển thêm thương hiệu, ông Huỳnh Đạo Nghĩa còn dành ra phân nửa lợi nhuận để đầu tư vào việc quảng cáo. Ông cho phát sóng thương hiệu Hynos lên tất cả các mặt báo, sóng truyền hình, rạp chiếu bóng lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, ông còn chi tiền để thuê họa sĩ vẽ truyện tranh lồng ghép thương hiệu Hynos hoặc anh Bảy Chà vào truyện, chỉ cần có hình ảnh Hynos hay anh Bảy Chà là được.

Ngoài ra, ông còn sử dụng hình thức tặng kèm sản phẩm khi mua hàng bằng cách tặng một tuýp kem đánh răng nho nhỏ cho những ai mua thuốc lá với thông điệp tựa như làm sạch răng miệng, tẩy mùi thuốc lá. Thời đó, những người dân Sài Gòn những năm 1965 – 1966 ít nhiều sẽ biết đến đoạn quảng cáo trên đài phát thanh thương mại do Ngô Bảo thực hiện. Hồi những năm 1966, phương tiện giải trí chưa được rộng rãi như bây giờ, chủ yếu là được phát sóng trên radio. Nội dung đoạn quảng cáo dí dỏm và dễ nhớ như sau: “Anh yêu em hay anh yêu kem hay anh yêu anh Bảy Chà da đen? Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen”.

Ngoài đoạn quảng cáo trên, còn có những giai điệu ngân nga trên phố:

“Chà chà chà, Hynos, chà chà chà

Chà chà chà, hàm răng em trắng bóc

Cha cha cha, cha cha cha

Và ngàn nụ cười, nụ cười tươi như hoa”.

Dần dà những câu hát, những tiếng phát thanh đã được in sâu vào tâm trí mọi người giúp thương hiệu Hynos ngày càng được nhiều người biết đến.

Đặt nền nóng cho “TVC” quảng cáo cho sản phẩm

Đặc biệt hơn nữa, doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa còn có tư tưởng hết sức đặc biệt mà lúc bấy giờ ít ai nghĩ tới. Ông đã mời tài tử Hồng Kông những năm thập niên 70 là Vương Vũ và La Liệt quảng cáo cho hãng Hynos của mình bằng cách đóng một đoạn quảng cáo.

Nội dung trong đoạn quảng cáo nói về Vương Vũ đóng vai thổ phỉ tấn công đoàn xe bảo tiêu của La Liệt hộ tống. Cả hai người đánh nhau ác liệt và cuối cùng là phần thắng thuộc về Vương Vũ. Cuối đoạn, Vương Vũ mở thùng hàng và lấy ra kem đánh răng Hynos. Kết quả, đoạn quảng cáo này mang lại hiệu ứng đến với khách hàng rất cao.

Sở dĩ đoạn quảng cáo này thành công đến thế và vì vào thời ấy, hai tài tử này được rất nhiều người hâm mộ. Việc bỏ ra số tiền lớn để mời hai tài tử đóng phim là bước đi liều lĩnh của Huỳnh Đạo Nghĩa. Cuối cùng, kết quả đạt được từ đoạn quảng cáo ấy vô cùng vang dội. Đoạn quảng cáo được chiếu tại rạp trước khi vào phim chính nên tiếp cận đông đảo lượng khách hàng. Ngoài ra, bộ phim được chiếu rộng rãi sang các nước Đông Nam Á nên thương hiệu Hynos cũng được truyền bá ra các nước bạn, góp phần phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Sau đó, kem đánh răng Hynos (kem anh Bảy Chà) không chỉ được bày bán ở Việt Nam mà còn sản xuất ra các nước Lào, Campuchia, Thái Lan,…

Không những thế, Hynos còn xuất hiện trên báo bằng mẩu quảng cáo ngắn như sau:

“Trồng lúa mới có gạo mà ăn…

Thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn! Vì không săn sóc răng một cách chu đáo, có người đã bị sâu răng và mất nhiều răng.

Với Hynos phosphate, đánh răng sớm chiều, răng vững bền nhiều”.

                           Mẩu quảng cáo kem đánh răng Hynos dí dỏm

Mẩu quảng cáo với nội dung này có thể hiểu rằng doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa muốn  cho mọi người thấy tầm quan trọng của việc sử dụng kem đánh răng, đặc biệt là kem đánh răng thương hiệu Hynos sẽ giúp răng chắc khỏe bền vững.

Có thể nói, doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa là một trong những nhà tiên phong phát triển cho ngành Marketing cho đến ngày hôm nay.

Kem đánh răng Perlon cũng từng là sản phẩm chiếm lĩnh thị trường

Khi nhắc đến thương hiệu kem đánh răng thời đó, không thể không nhắc đến kem đánh răng Perlon. Tương tự như Hynos, đây cũng là hãng kem được nhiều người dùng. Lại một lần nữa, nếu bạn hỏi ông bà ở Sài Gòn xưa khoảng năm 1960, họ sẽ trả lời cho bạn rằng những tấm biển quảng cáo, pano ngoài trời lúc đó đã chiếm trọn các mặt tiền của chợ Bến Thành, tòa nhà Viễn Đông (Ngã 4 Lê Lợi – Pasteur).

Pano kem đánh răиg Perlon chiếm trọn mặt tiền chợ Bến Thành

Tuy nhiên, theo năm tháng, hãng kem này dần bị thay thế bởi hãng kem đánh răng Hynos. Theo nguồn tin cho biết, trụ sở lúc xưa của kem đánh răng Perlon nằm trên con đường Hồng Bàng ở Chợ Lớn. Kem đánh răng Perlon có mùi xanh ngọc và hương vị bạc hà rất thơm.

Trụ sở của kem đánh răng Perlon tại đường Hồng Bàng xưa

Kem đánh răng Hynos chật vật tìm lại chỗ đứng nhưng không thành công

Sau năm 1975, hãng kem đánh răng Hynos và Perlon dần bị bão hòa và được bàn giao lại cho nhà nước, sau đó sáp nhập lại với công ty Kolperlon trở thành xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan.

Năm 1980, xí nghiệp này liên doanh với các công ty nước ngoài rồi đổi tên thành xí nghiệp Liên Hiệp Hóa Mỹ Phẩm. Đến năm 1990, xí nghiệp lại bị giải thể và kem đánh răng Phong Lan đổi tên thành công ty hóa phẩm P/S.

Những năm 1988 – 1993, kem đánh răng P/S trở thành một trong những nhãn hiệu kem đánh răng nổi tiếng, chiếm lĩnh tới 60% thị trường. Đến năm 1997, tập đoàn Unilever liên doanh cùng với công ty hóa phẩm tạo thành công ty Elida P/S. Công ty hóa phẩm không còn sản xuất nữa mà chuyển sang gia công vỏ hộp kem đánh răng.

Kem đánh răng Hynos trứ danh một thời

Đáng tiếc thay, sau 10 năm liên doanh, công ty cổ phần P/S có dự định tái sinh lại kem đánh răng thương hiệu Hynos vào năm 2007 nhưng không có bước tiến khả quan. Việc bán sản phẩm tại các nông thôn không có doanh thu cao nên P/S quyết định đem thương hiệu này quay lại thành thị và bán tại các siêu thị. Tuy nhiên, Hynos ngày càng mất thị trường vì không còn phát triển trong tâm trí người dùng như trước kia nữa. Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy thương hiệu kem đánh răng Hynos nổi tiếng một thời với những tuýp nhỏ tầm 5ml tại khách sạn mà thôi.

 

 

1 nhận xét:

Thơ XH : ( Ngủ ngôn,Đồng Âm ) EM MONG ANH VỀ :Lý Quang Nghĩa,Ngọc Ánh, Liên Bùi

Bài Xướng : [ Ngũ Ngôn ] Đồng Âm ♡♡ EM MONG ANH VỀ ♡♡ ☆♡☆ ♡ ĐÔNG về Anh ...