Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐƯỢM TÌNH NGƯỜI VẪN LUÔN HIỆN HỮU TRONG THẾ GIỚI CỦA CHÚNG TA-Thien Nam ST

Một hành động bất cẩn có thể gây bất hòa, một cư xử ác ý có thể làm hỏng cả cuộc đời ai đó. Thế nhưng, một cử chỉ yêu thương, dù rất nhỏ cũng đủ đem lại hạnh phúc đến cả người cho và người nhận. Có câu rằng: Cuộc đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy, khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.

Câu chuyện thứ nhất

Cậu bé Souma (17 tuổi) bị mất ví tiền ngay trước khi mua vé máy bay để về quê tham dự tang lễ của người bác. Trong ví có 60 nghìn yên là số tiền cậu dự định để để mua vé máy bay. Cậu vô cùng hoảng loạn vì đó là số tiền rất lớn với một học sinh, lại lo lắng không thể tới kịp đám tang.

Một người đàn ông không quen biết thấy Souma ôm đầu buồn bã ngồi ở nhà ga đã đến hỏi thăm. Sau khi nghe cậu bé kể lại câu chuyện, ông đã đưa cho cậu 60 nghìn yên không chút chần chừ. Nhờ sự giúp đỡ của người đàn ông này mà cậu bé tội nghiệp đã kịp mua vé máy bay trở về quê.

Khi mọi chuyện đã thu xếp ổn thoả, Souma mới nhớ ra là khi nhận tiền của người đàn ông, vì quá vội vã nên cậu chỉ kịp nói tiếng cảm ơn rồi ‪chạy‬ đi mua vé máy bay ngay. Cậu thậm chí còn chưa kịp hỏi tên và cách liên lạc của người đàn ông đã giúp đỡ mình. Không còn cách nào khác, Souma đã nhờ trường học liên lạc với báo chí địa phương để tìm ân nhân. Cậu bé muốn trả lại số tiền mình đã vay và nói lời cảm ơn thêm một lần nữa.

Chỉ trong thời gian ngắn, cậu bé đã tìm được danh tính của người đàn ông tốt bụng. Ông là bác sĩ Kanoya Hiroshi (68 tuổi), là trưởng khoa đột quỵ-thần kinh tại bệnh viện Imusu Miyoshi tỉnh Saitama. Một người đồng nghiệp của ông sau khi đọc bài báo trên đã kể cho ông.

Ông Kanoya Hiroshi xúc động nói rằng:

– Thấy cháu ấy tìm tôi để cảm ơn, tôi cảm động đến phát khóc. Thật may mắn vì tôi đã tin tưởng cháu ấy.

Cậu bé Souma cũng vui mừng nói:

– Cháu vui quá, vui tới mức ngay lập tức muốn liên lạc cho ông. Giờ trong lòng cháu ngập tràn xúc động, nhớ lại lúc được ông giúp đỡ…

Mấy ngày trước, bác sĩ Kanoya Hiroshi kể cho một người quen nghe câu chuyện mình cho một cậu bé 60 nghìn yên, khi không hề biết bất cứ điều gì về cậu. Khi ấy người ta đã đã cười nói và nói với ông rằng “Ông bị lừa rồi đấy”. Nhưng cuối cùng vị bác sĩ tốt bụng đã chứng minh được: Ông đã tin tưởng và trao sự giúp đỡ cho đúng người.

Có lẽ với những người lương thiện, trao đi sự giúp đỡ sẽ luôn là đúng người!

Câu chuyện thứ 2 

Đó là một ngày cuối đông gió lạnh, ông Phillips kết thúc ngày làm việc và chuẩn bị rời văn phòng về nhà thì nhớ ra vợ đã nhờ ông mua một cân chuối. Vừa xuống đường, ông đã nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi trông có vẻ ốm yếu đang ngồi bán chuối ở bên vệ đường. Do không có nhiều thời gian, ông quyết định sẽ mua chuối của bà cụ này mặc dù bình thường ông thường có thói quen mua sắm ở một siêu thị cách đây vài dãy nhà…

Dù hằng ngày vẫn đi qua con đường này nhưng chưa bao giờ ông Phillips chú ý tới sự hiện diện của bà cụ. Gương mặt bà không lộ ra vẻ khắc khổ mà chỉ phảng phất nỗi buồn xa xăm xen lẫn sự hiền lành. Bà ngồi yên lặng nhìn dòng người qua lại, thi thoảng thì lau sạch những quả chuối tươi đang bị bám bụi.

Ông Phillips bước lại phía bà cụ và hỏi về giá của một cân chuối. Bà nhìn ông hiền từ đáp rằng:

– Mỗi cân chuối bà bán với giá 7 đô-la.

Nghe vậy, ông Phillips ngay lập tức không hài lòng:

– Ở siêu thị tôi hay mua chỉ bán có 5 đô-la một cân thôi. Tại sao bà bán rong mà giá cao hơn nhiều như vậy? Nếu bà bán với giá 5 đô-la tôi sẽ mua.

Người phụ nữ thành thật trả lời:

– Xin lỗi ông, tôi không thể bán với giá đó được. Tôi có thể bán cho ông với giá 6 đô-la, tôi không thể hạ giá hơn được nữa. Đó là giá thấp nhất rồi.

Ông Phillips đặt túi chuối vừa mới cầm trên tay xuống rồi nói với bà cụ:

– Vậy thì thôi, tôi không mua nữa.

Ông Phillips quyết định đi đến siêu thị mà ông vẫn thường mua, lựa chọn một túi chuối và tới quầy thanh toán tiền.

Ông vô cùng ngạc nhiên khi được biết mỗi cân chuối ở đây có giá 10 đô-la. Ông hỏi người thu ngân:

– Tôi đã mua chuối ở đây mấy năm rồi. Lần này tăng giá cao quá, cô có thể giảm giá cho khách hàng lâu năm như tôi không?

Người thu ngân bắt đầu giải thích:

– Xin lỗi ông, nhưng đó là giá cố định. Chúng tôi không chấp nhận mặc cả.

Ông Phillips suy nghĩ một vài giây và đặt túi chuối trở lại. Ông quay về quầy bán của bà cụ ban nãy. Ngay lập tức bà cụ nhận ra ông, bà nói:

– Nếu tôi bán cho ông với giá 5 đô-la, tôi sẽ chẳng kiếm được chút tiền lãi nào. Mong ông thông cảm!

Ông nhìn bà với ánh mắt thông cảm:

– Bà không phải lo về điều đó, tôi sẽ trả bà 10 đô-la một cân. Bà bán cho tôi 2 cân nhé!

Người phụ nữ vô cùng ngạc nhiên và vui mừng, bà cân cho ông Phillips 2 cân chuối rồi nói:

– Tôi không thể lấy của ông 10 đô-la được nhưng tôi sẽ bán với giá 7 đô-la. Tôi vô cùng biết ơn lòng tốt bụng và sự hào phóng của ông.

Lúc này, ánh mắt bà thoáng buồn và giọng bà bỗng dưng trầm xuống. Bà nói:

– Chồng tôi đã từng sở hữu một cửa hàng bán hoa quả nhưng không lâu sau thì ông ấy mắc bệnh. Chúng tôi không có con cái hay người thân nào giúp đỡ. Tôi đã bán cửa hàng để lấy tiền chữa trị cho ông ấy nhưng ông ấy vẫn không thể qua khỏi…

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt bà cụ đầy nếp nhăn và lấm tấm đồi mồi của bà. Nhìn bà cụ khắc khổ trong gió rét với đôi tay run rẩy vì lạnh cóng, ông Phillips dường như cảm nhận được tất cả những thăng trầm mà bà đã trải qua.

 Bà cụ đã nói tiếp:

– Tuy nhiên tôi không hề cảm thấy bất hạnh. Ít nhất tôi vẫn còn có thể đi bán chuối để kiếm sống. Tôi trân trọng tất cả những gì mình đang có và sẽ không mãi đau khổ vì những điều đã qua.

Ông Phillips bỗng cảm thấy vô cùng khâm phục sự lạc quan, mạnh mẽ và tốt bụng của bà cụ. Ông nói:

– Kể từ ngày mai tôi sẽ chỉ mua chuối của bà.

Nói rồi, ông đưa thêm cho bà 100 đô-la, dặn dò:

– Bà cầm lấy số tiền này để mua thêm nhiều loại hoa quả khác nữa. Nếu bán đa dạng các loại hoa quả thì sẽ đông khách hơn. Bà cứ coi đây là số tiền tôi trả trước nhé.

Bà cụ nghẹn ngào xúc động, cầm lấy số tiền và cảm ơn ông Phillips.

Kể từ đó, ông Phillips chỉ mua hoa quả của bà cụ. Ông cũng giới thiệu bạn bè tới mua cho bà cụ. Với sự ủng hộ và giúp đỡ của ông Phillips và những khách hàng khác, công việc buôn bán của bà cụ ngày càng thuận lợi, cuộc sống cũng nhờ đó mà tốt hơn.

Người tử tế, họ hiểu rằng, khi làm một việc tốt hay việc xấu, nó sẽ đều quay trở lại với mình trong tương lai, không gần thì xa.

 

1 nhận xét:

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...