VIÊM THOÁI HÓA ĐIỂM VÀNG (Age-related Macular degeneration-AMD)
Chào các bạn.
Hôm nay có một nữ thân hữu tên H. 64 tuổi ở Vũng Tàu VN nhờ "tham vấn": "Hơn 7 tháng nay tôi bị chứng mắt mờ, thấy cây cột đèn nó cong queo như rắn bò, nhìn đồ vật không thấy phần chính giữa. Đi khám mắt, Bác Sĩ nói tôi bị bệnh thoái hóa điểm vàng, rất khó chữa khỏi. Xin hỏi: Sao gọi là thoái hóa điểm vàng? Đông Y có thuốc trị không, làm ơn cứu tôi với"...
Tuy không phải BS chuyên khoa, nhưng do yêu cầu, tôi xin đóng góp ý kiến theo sự hiểu biết hạn hẹp như sau:
I. Nhận định:
-Viêm thoái hóa điểm vàng, một thuật ngữ y khoa chỉ võng mạc của mắt bị viêm hoặc bị lão hóa do tuổi già (tiếng Anh gọi là “age-related macular degeneration-AMD” dẫn tới tình trạng giảm thị lực, nặng nhất là gây mù lòa.
-Về tên gọi, đến nay vẫn chưa được thống nhất:
1. Theo Von Graefe (1866) gọi là “viêm võng mạc trung tâm tái phát”.
2. Theo Asayana (1892) gọi là “viêm võng mạc trung tâm”.
3. Theo Richer (1932) gọi là “viêm hắc võng mạc trung tâm tiêu dịch (Chorio rétinité séreuse centrale”.
4. Theo Savin (1955) gọi là “viêm võng mạc chung quanh có thắt mao mạch”.
II. Về lâm sàng học:
1. Ngoại chẩn:
-Thị lực giảm đến mức thấp nhất: 3/10 - 2/10 - 1/10.
-Thị lực 2 mắt giảm không đồng đều, thường chênh lệch từ 2-3/10.
-Ám điểm (vùng bị mờ, tối) trung tâm to, nhỏ khác nhau.
-Nhìn thấy đồ vật bị biến dạng (đường thẳng thành đường cong).
-Một số bệnh nhân còn cảm thấy đau vùng chẩm gáy, hay chảy nước mắt, hoa mắt, nhức 2 hốc mắt, đau lưng, táo bón, tiểu vàng…
2. Soi đáy mắt:
-Thấy hoàng điểm (điểm vàng) có màu sẫm hoặc hơi nhạt.
-Có ánh sáng vùng trung tâm, có thể kèm theo phù nề.
-Có nhiều điểm lấm tấm màu trắng, sẫm hoặc vàng nhạt xuất hiện quanh điểm vàng và ngay giữa trung tâm.
III. Phân loại:
Thoái hóa điểm vàng (AMD) gồm có 2 thể bệnh:
1. AMD thể ướt: Do các mạch máu nằm sau võng mạc bất ngờ phát triển dưới hoàng điểm (vùng chức năng của thị lực trung tâm). Những mạch máu này rất nhỏ và thường rỉ máu và chất dịch. Máu và dịch sẽ gây tổn thương hoàng điểm bằng cách phá vỡ và nổi phồng lên khỏi vị trí bình thường ở đáy mắt. Người mắc bệnh nầy có thể mất thị lực trung tâm rất nhanh. Một triệu chứng sớm của AMD thể ướt là khi nhìn đường thẳng mắt sẽ thấy nó gợn sóng.
2. AMD thể khô: Thể nầy phổ biến nhất. Bệnh do những tế bào nhạy ánh sáng ở hoàng điểm dần dần bị phá vỡ khiến thị lực trung tâm của mắt mờ dần. Khi AMD thể khô trở nên nghiêm trọng hơn, thị lực trung tâm xuất hiện một vết mờ. Theo thời gian, AMD thể khô làm nhiều tế bào hoàng điểm bị tổn thương, gây mất thị lực. AMD thể khô thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, tuy nhiên mất thị lực có thể chỉ xảy ra với một mắt trong khi mắt còn lại không bị ảnh hưởng.
IV. Nguyên nhân:
-Do tuổi tác: Tuổi già, trên 60 tuổi, là nhân tố hàng đầu. Mặc dù tuổi trung niên cũng có thể mắc bệnh nhưng người già có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất.
-Do hút thuốc lá.
-Do béo phì.
-Do chủng tộc: Dân có màu da sáng dễ mắc bệnh hơn những sắc dân có màu da tối.
-Do tiền sử gia đình: Người có cha mẹ mắc bệnh có nguy cơ cao hơn người thường.
-Do giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
V. Điều trị:
1. Tây Y: Do Bác Sĩ quyết định (gồm thuốc chống viêm, chống nhiễm trùng, thuốc dãn mạch…). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh AMD.
2. Đông Y: Bệnh AMD được xếp vào thể “Can Thận lưỡng hư” và đây là bài thuốc kinh nghiệm: Thục địa 25g, Sơn thù nhục 20g, Thạch quyết minh 20g, Tử Đan sâm 15g, Bạch thược (sao rượu) 12g, Hoàng cầm 12g, Câu kỷ tử 12g, Thảo quyết minh 12g, Cốc tinh thảo 12g, Cam cúc hoa 12g, Mật mông hoa 10g, Xích thược 10g, Long nhãn nhục 8g, Thuyền xác 8g, Xuyên khung 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, cứ 20 thang là một liệu trình điều trị. Tùy mức độ AMD nặng nhẹ, sau 2-3 liệu trình có nhiều chuyển biến tốt đẹp. Chúc chị H. và quý vị có bệnh AMD được tọai nguyện.
Cảnh Thiên.
Mời Xem :
bài rất hữu ích
Trả lờiXóa