Ngô Viết Trọng
Chuyện diễn ra vào thời Xương Phù (Phế Đế) nhà Trần.
Hôm
ấy, giới tăng đồ và Phật tử ở chùa Giao Thủy đã tổ chức
một buổi lễ cầu an cho Thiền sư Tuệ Tĩnh và sa di Thiện Ứng
lên đường về Thăng Long để sang Tàu. Lệnh vua triệu tập đã đến
quá gấp rút. Thiền sư Tuệ Tĩnh không thể nào chọn kịp người
kế thừa để lo tiếp kế hoạch phục vụ dân sinh trên lãnh vực y
dược đang thực hiện dang dở của ngài. Vì Thiền sư tuổi đã
ngoài ngũ tuần, già yếu, nên tăng đồ đã tuyển chọn một vị
thị giả để giúp đỡ ngài. Sa di Thiện Ứng mới tuổi mười sáu,
thể chất khỏe mạnh, lại thông minh hoạt bát đã tình nguyện
làm việc này và đã được chấp thuận.
Đây
là một buổi lễ cầu an đặc biệt hiếm có. Xưa nay dù là vào
các buổi lễ lớn, chùa Giao Thủy chưa bao giờ có dịp tiếp đón
một lượng dân chúng đến tham dự đông đảo như thế. Rất nhiều
người ở phương xa cũng kéo nhau về tham dự. Ngoài số Phật tử
còn có cả những bệnh nhân hoặc người thân của họ đã được nhà
chùa cứu chữa khỏi những cơn bệnh ngặt nghèo. Nhà chùa phải
dựng thêm hai cái rạp lớn nhưng vẫn không đủ chỗ chứa. Rất
nhiều người đã phải đứng ngoài trời để cầu nguyện, chúc
phúc.
Trên gương mặt mọi
người đều lộ vẻ băn khoăn, lo lắng. Dân chúng đã loan truyền cho
nhau biết chuyến đi của Thiền sư khá bất thường. Thiền sư đã
lớn tuổi, chuyến đi lại quá xa xôi, thật khó mong ngày trở
lại. Theo đòi hỏi của vua Minh, Đại Việt phải cống nạp cho
thiên triều một số tu sĩ đạo cao đức trọng, một số thầy thuốc
giỏi, một số thợ khéo tay nhiều nghề, một số thanh thiếu niên
tốt mã, đặc biệt là hạng mắc chứng “trung tính” tự nhiên v.v…
Nhà Trần lúc bấy giờ đã quá suy yếu, muốn yên thân tất nhiên
không thể từ chối các yêu sách đó. Thiền sư Tuệ Tĩnh không may
đã được triều đình chọn làm một trong số những “cống phẩm
sống” ấy.
Trước sân chùa
Giao Thủy, chư tăng đã cho dựng một sân khấu nhỏ, có bắc mấy
tấm ván tạo sẵn một lối đi lên. Một vị sư đã đại diện cho
chùa đứng ở sân khấu ấy để điều khiển chương trình lễ cầu an.
Khi lễ cầu an đã dứt, vị sư ấy lại thay mặt ban tổ chức thưa
chuyện với quần chúng:
-Kính
thưa đại chúng, trong nhiểu năm gần đây, một vùng đất rộng lớn
thuộc trấn Sơn Nam Hạ, hầu hết dân chúng đều có một cuộc
sống vui vẻ, an lành. Bóng ma dịch bệnh quái ác đã hoàn toàn
biến mất, những cảnh chết chóc đau khổ đã giảm thiểu, khác
hẳn với thời gian trước kia. Nhờ đâu chúng ta có được sự an
toàn ấy? Chắc hẳn ai cũng rõ, chính là nhờ bàn tay thần diệu
của Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ngài là một vị thần y đại tài, rất
linh mẫn về việc chẩn mạch, đoán bệnh. Ngài đã dạy chúng ta
phép giữ vệ sinh, ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh. Ngài cũng
dạy chúng ta các phương pháp chữa bệnh phổ thông như châm,
chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông v.v… Ngài đã cùng các
đồ đệ bỏ nhiều công sức để sưu tầm, nghiên cứu dược tính của
nhiều loại cây cỏ và chế biến ra nhiều loại thuốc để chữa
bệnh rất hiệu quả. Ngài vừa hành nghề, vừa ghi chép những gì
đã nghiên cứu được, những thành quả chữa trị, hệ thống hóa
lại thành những tập tài liệu quí giá để truyền lại cho đời
sau. Tiêu biểu là 2 tác phẩm “Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư” và “Nam
Dược Thần Hiệu”. Qua thực tế, ngài đã chứng minh được dùng
thuốc Nam cũng hiệu quả không kém gì thuốc Bắc. Ngài đã triệt
để chủ trương dùng phương sách “Nam dược trị Nam nhân” và tin
tưởng sẽ có ngày trên đất Việt, ngành thuốc Nam sẽ hoàn toàn
thay thế ngành thuốc Bắc quá đắt tiền đối với dân nghèo. Ngài
đã không ngừng gắng công ra sức phát triển cái công trình cứu
dân độ thế ấy mỗi ngày mỗi thêm rộng lớn. Ngài còn vạch ra
kế hoạch hoạt động cho tương lai, mỗi ngôi chùa sẽ trở thành
một y xá. Hiện nay đã có 24 ngôi chùa có triển vọng kiêm luôn
công việc của một y xá để chữa bệnh cho dân. Trong thời gian
này, ngài đã ráo riết tuyển lựa, khuyến khích những Phật tử
có lòng giúp ngài một tay… Xin lỗi đại chúng, bần tăng quên
nói điều này, sư Tuệ Tĩnh cũng là một bậc chân giác ngộ khó
có người sánh được. Dù đã mấy lần đỗ đạt vinh hiển như đỗ
Thái học sinh (1351), đỗ Hoàng giáp (1374) nhưng ngài nhất định
không chịu ra làm quan mà quyết lòng theo đuổi nghề làm thuốc
và tu hành để cứu độ chúng sinh như nguyện ước ban đầu của
ngài. Nhưng tiếc thay, người muốn nhưng trời chẳng chiều lòng.
Ngày mai Thiền sư sẽ phải lên đường về kinh theo lệnh của vua.
Một con người đã hi sinh gần hết cuộc đời mình để thực hiện
một lý tưởng cao đẹp nhưng việc chưa thành tựu đành phải bỏ
dở, theo thiển nghĩ của bần tăng, dù vị đó là tăng hay tục
thì nỗi buồn, nỗi tiếc nuối chắc cũng chẳng khác nhau mấy…
Lát nữa thôi, Thiền sư sẽ lên đây có vài lời để giã từ đại
chúng. Xin đại chúng giữ im lặng để nghe lời vàng ngọc của
ngài…
Vừa lúc đó sa di
Thiện Ứng cùng hai sa di khác đã phò Thiền sư ngồi trên một cỗ
xe lên sân khấu. Vị tăng đang nói chuyện quay người lại để vái
chào Thiền sư trong khi bên dưới đại chúng vỗ tay vang rền, điểm
thêm những tiếng kêu nức nở, nghẹn ngào “Thầy ơi, thầy đừng
đi, thầy ở lại với chúng con”. “Thầy đi rồi ai chữa bệnh cho
chúng con?”. Vị tăng lại phải vẫy tay ra hiệu một hồi không khí
im lặng mới được vãn hồi. Thiền sư ngồi trên xe, dáng vẻ mệt
mỏi nhưng vẫn nở một nụ cười từ ái như thường lệ, chắp tay
vái chào đại chúng. Ngài bắt đầu lên tiếng:
-A
Di Đà Phật! Kính thưa đại chúng, vừa rồi thầy đã bất ngờ
nhận được chiếu chỉ của hoàng đế truyền phải cấp tốc tựu về
Thăng Long để chờ ngày đi Yên Kinh. Ngày mai thầy sẽ phải lên
đường. Đây là việc quốc gia đại sự. Lệnh vua đã xuống tất
nhiên không ai có thể nghĩ bàn gì nữa. Thầy chỉ còn biết ước
mong, sau khi hoàn tất sứ mạng, nếu chúng ta còn nhân duyên với
nhau, thầy sẽ được trở lại đây để cùng đại chúng đi tiếp con
đường “Nam dược trị Nam nhân” đang dang dở. Đối với con nhà
Phật, cảnh tụ tán, còn mất coi như chuyện thường. Nhưng dù sao
thầy vẫn còn nợ với đại chúng một ước nguyện chưa thành.
Kiếp này chưa trả được, đành hẹn lại kiếp sau vậy! Giờ đây
thầy chỉ còn biết thành thật cám ơn đại chúng đã tỏ lòng yêu
quí, quyến luyến thầy, đã tề tựu về đây để cầu an và chúc
phúc cho thầy lên đường. Thể xác thầy tuy già yếu nhưng xin đại
chúng yên tâm. Đã có sa di Thiện Ứng, một Phật tử trẻ đầy
sức sống sẽ đỡ đần mọi việc khó khăn giúp thầy. Đại chúng
đã cầu nguyện cho thầy cũng xin cầu nguyện luôn cho sa di Thiện
Ứng. Thầy cũng chỉ còn biết cầu nguyện chư Phật gia hộ cho
đại chúng thêm sức mạnh tinh thần để tiếp tục xây dựng một
cuộc sống mới an lành và hạnh phúc… Nam Mô A Di Đà Phật!
Nói
xong, Thiền sư chắp tay vái chào đại chúng rồi ra hiệu cho mấy
sa di quay xe trở vào. Lời lẽ Thiền sư ngắn gọn, bình dị nhưng
nếu ai để ý sẽ nhận thấy ngài có vẻ không được tự nhiên và
có vẻ mệt mỏi. Thật vậy, lâu nay ngài vẫn luôn đi bộ chứ có
bao giờ chịu ngồi xe cho đệ tử đẩy? Giữa lúc đó trong đại
chúng lại có nhiều âm thanh nghẹn ngào nấc lên: “Thầy ơi, thầy
ơi, thầy ơi…”. Vị tăng đang đứng trên sân khấu vội vàng vẫy tay
trấn an mọi người:
-Xin đại
chúng giữ trật tự, không có chuyện gì đâu. Chuyến ra đi này
của Thiền sư là một sứ mệnh đối với đất nước và cũng là
một vinh dự lớn lao cho ngài. Chẳng qua Thiền sư hơi bị xúc
động vì cái lệnh vua xuống quá bất ngờ trong khi công việc của
ngài lại quá bề bộn nên ngài không kịp sắp xếp gì kịp. Hai
hôm nay ngài đã làm việc quá độ, quên cả ăn uống, quên cả ngủ
nghỉ, tất nhiên ngài không tránh khỏi sự xuống sức. Chư tăng
cũng biết vậy mà nào ai nỡ khuyên can vì công việc của ngài
phải để ngài tính liệu chứ! Ta cứ tin vào thần lực và ý chí
của ngài, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Cái cảnh đại chúng đã
đến cầu an, chúc phúc và tiễn đưa ngài đông đảo như thế này
chắc hẳn đã làm ngài ấm lòng lắm rồi. Cuộc cầu nguyện tới
đây coi như tạm đủ. Bây giờ ai muốn ở lại cứ tự nhiên, ai có
công việc nhà cứ về giải quyết cho xong… Nhà chùa cũng đang
sắp xếp, chuẩn bị hành trang để Thiền sư lên đường… Nam Mô A Di
Đà Phật!
*
Sa
di Thiện Ứng bấy giờ mới mười sáu tuổi đời và chỉ mới vào
chùa chưa tới năm năm. Chính Thiền sư Tuệ Tĩnh đã đặt pháp danh
và xuống tóc cho chú. Vốn thông minh, lanh lẹ, lại chịu khó
học hỏi nên chú rất được Thiền sư quí mến. Đi đâu ngài cũng
đem chú theo như hình với bóng. Đáp lại, Thiện Ứng cũng một
mực sùng kính Thiền sư. Việc gì Thiền sư đã dạy bảo việc chú
đều cố gắng thực hiện trôi tròn. Nhờ tinh thần khắn khít thân
mật giữa hai thầy trò như thế nên khi Thiện Ứng tình nguyện
giữ vai trò trợ lý của Thiền sư trong sứ mạng làm “cống phẩm
sống” cho thiên triều, chú đã được Thiền sư và chư tăng đồng ý
ngay.
Khi đã về tới Thăng
Long, hai thầy trò Tuệ Tĩnh đã được sắp xếp tạm nghỉ ở một
căn phòng thuộc dãy công quán. Trước khi vào lạy chào vua để
xuất cảnh, các thành viên “cống phẩm sống” được vua ban đặc ân
đi thăm viếng các đền chùa, các danh lam thắng cảnh hoặc nơi
nào muốn biết trong phạm vi kinh thành. Tất cả mọi phí tổn như
ăn uống, các phương tiện đi lại đều do nhà nước đài thọ. Sa di
Thiện Ứng hỏi Thiền sư:
-Sư phụ có ý định đi thăm viếng chùa nào hay dạo chơi đâu không?
-Ta
không định đi đâu cả. Ở chốn kinh thành này, ngày xưa khi đi
thi, ta đã viếng qua được một số thắng địa. Nay già rồi, ở
nhà tụng kinh niệm Phật cũng được. Con còn trẻ, cần thu thập
thêm kiến thức. Cho phép con thích đi chơi chỗ nào cứ đi. Đây là
lần đầu và cũng có thể là lần cuối trong đời của con được
dịp đến kinh đô của tổ quốc, nên đi một vòng cho biết.
-Bạch thầy, thầy không đi con cũng xin ở nhà với thầy.
-Hãy nghe thầy, đây là dịp hiếm có, con phải đi cho biết.
-Bạch
thầy, con xin lỗi có thể sẽ làm thầy không vui. Thú thật hiện
tại nội tâm con đang bị xao động nên dù đi đâu cũng khó thu
thập kiến thức hay thưởng ngoạn cảnh vật được. Chi bằng ở nhà
để tụng kinh niệm Phật hay hơn.
Thiền sư cười cười nhìn Thiện Ứng:
-Ta
hiểu rồi. Nội tâm con đang xao động vì con nhận thấy thái độ
của ta trong mấy ngày nay hơi khó hiểu chứ gì? Phải vậy không?
Thắc mắc điều gì cho phép con cứ hỏi, đừng ngần ngại.
Thấy nét mặt sư phụ có vẻ cởi mở, Thiện Ứng thưa:
-Bạch
thầy, thầy đã cho phép nói, con không dám dối. Thầy đã từng
dạy con bài thơ “Thị Đệ Tử” của sư Vạn Hạnh “Thân như điện ảnh
hữu hoàn vô, Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô, Nhiệm vận thịnh suy
vô bố úy, Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. (Người đời như ánh
chớp, có rồi lại không, Vạn loại cây cối mùa xuân xanh tươi,
sang thu đều khô héo, Cứ để mặc vận đời đưa đẩy dù thịnh dù
suy, chớ sợ hãi, Vì sự thịnh suy cũng mong manh như giọt sương
trên đầu ngọn cỏ mà thôi). Thầy cũng đã dạy con khi đã quyết
chí tu thì phải tập trung tinh thần vào việc tu hành, đừng để
tâm bị xao động vì tác động của ngoại cảnh. Ngay cả tấm thân
mình cũng cứ tùy vận, dẫu còn hay mất vẫn coi thường, không
có gì để phải sợ hãi. Con vẫn sùng tín thầy tột cùng: Một
bậc đại khoa không chịu làm quan để hưởng vinh hoa phú quí lại
chịu cuộc sống dưa muối kham khổ để nuôi tâm dưỡng đức! Ngoài
việc tu hành thầy luôn vất vả trèo đèo lội suối vào chốn
rừng rú tìm cây thuốc, thức khuya dậy sớm để nghiên cứu, bào
chế thuốc để chữa bệnh cho dân. Khi nghe có người bị bệnh nguy
ngập ở đâu, thầy không hề ngại xa xôi, không kể giờ giấc, sẵn
sàng tìm đến cứu giúp họ. Đối với con, thầy quả là một vị
Bồ Tát sống. Vậy mà không hiểu sao từ khi nhận được lệnh vua
phải làm “cống phẩm sống” cho nước Tàu thầy lại có vẻ lúng
túng, băn khoăn, mất hết vẻ bình thản thường ngày. Chắc phải
có một vấn đề gì quan trọng lắm mới gây ảnh hưởng lớn đến
thầy như vậy. Chính điều đó đã làm con cảm thấy hoang mang.
Mong thẩy chỉ bảo cho con ít lời…
Thiền sư lộ vẻ vui tươi:
-Khá
khen cho con vừa thông minh vừa thẳng thắn. Ta thật hài lòng.
Hôm nay chúng ta đã được vua ban đặc ân mặc ý đi thưởng ngoạn
các danh lam thắng cảnh tại kinh đô miễn phí. Nghĩ con còn quá
trẻ, ta đã khuyên con cũng nên đi một vòng cho biết. Thế nhưng
vì lo nghĩ về ta, con đã dùng dằng không chịu đi. Thôi, thế
cũng được. Con đã ở nhà thì ta tính chuyện khác. Ta đã thu
nhận con làm đệ tử hơn năm năm nay mà thật sự chưa có dịp nào
để tâm tình với con. Bây giờ con đã thẳng thắn bày tỏ thắc
mắc trong lòng với ta, ta ngại gì mà không giải đáp cho con
biết! Hãy đi pha một bình trà loại trà vua mới ban tặng rồi
ngồi lại đây ta sẽ nói cho con nghe.
Thiện Ứng hớn hở dạ một tiếng rồi đi pha trà. Một lát sau chú bưng trà lại rồi thưa:
-Bạch thầy, trà này chắc ngon. Con nghe cái mùi có vẻ hấp dẫn lắm.
-Tất
nhiên. Của vua ban mà! Con hãy ngồi cùng uống với thầy một
chén để chia sẻ chút ân huệ của vua. Đây là chỗ dành riêng cho
thầy trò ta, tưởng cũng nên giản tiện bớt chuyện lễ nghi phiền
phức. Con cứ tự nhiên ngồi nghe ta nói chuyện.
*
Ta
sinh ra ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, huyện Cẩm
Giàng, Hải Dương. Hồi ấy cha mẹ ta mới có ta nên đã cưng quí ta
như vàng. Cha ta là một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh, làm
việc cần mẫn nên gia đình ta cũng đủ sống. Mẹ ta chỉ ở nhà lo
việc bếp núc, may vá và săn sóc ta. Cha ta định đợi ta lớn
thêm chút nữa sẽ tìm một học xá để gởi ta đến học hành.
Tương lai của ta tưởng sẽ sáng sủa như vậy. Bất ngờ một trận
dịch ác nghiệt đã quét qua làng ta. Trận dịch ấy đã giết hại
nhiều người, trong đó có cả người cha thân yêu của ta. Thế là
mẹ con ta bắt đầu nếm mùi đau khổ. Tất nhiên mẹ ta phải dấn
thân làm các công việc vất vả để nuôi sống hai mẹ con. Lúc ấy
dù chỉ mới lên bốn nhưng ta đã nhận biết nỗi cực nhọc, khó
khăn mà mẹ ta phải gánh. Ta chẳng còn ham chơi, chẳng còn đòi
ăn ngon mặc đẹp như trước mà luôn vâng lời mẹ, phụ làm các
việc nhỏ nhặt để đỡ tay cho mẹ. Tưởng chỉ như thế thì hai mẹ
con cũng gắng chịu đựng qua ngày tháng được. Nhưng khốn nỗi
họa vô đơn chí! Hai năm sau mẹ ta lại qua đời vì một trận tiêu
chảy không cầm được. Thử tưởng tượng một đứa bé mới sáu tuổi
lâm vào cảnh mất sạch cả cha lẫn mẹ sẽ phải đau đớn đến cỡ
nào? Ta đã quá tuyệt vọng, chỉ muốn tìm cách theo chân cha mẹ
ta luôn! May thay, những người hàng xóm tốt bụng đã cùng nhau
giúp việc an táng mẹ ta. Mặt khác, họ đã tận tình ra tay cứu
vớt ta. Họ thay nhau khuyên lơn, an ủi, dỗ dành để ta bớt đau
khổ, bi quan. Họ thay nhau giúp ta kẻ bát cơm, bát cháo, người
năm ba củ khoai… đủ cho ta tạm sống qua ngày. Một người cô họ xa
của ta – một góa phụ neo đơn, đã đề nghị đến ở nhà ta để
sớm hôm cô cháu nương tựa nhau. Tất nhiên ta rất vui lòng vì có
cô, ta cũng đỡ bớt cảm thấy cô đơn, trống vắng. Nói cho cam,
người cô của ta cũng thuộc hạng vụng về. Cô tự lo cho bản thân
cũng đã vất vả lắm, ta đâu dám mong cô giúp đỡ gì. Nhờ đã
quen làm các công việc lặt vặt giúp mẹ ta từ hai năm qua nên ta
đã mạnh dạn tình nguyện theo làm giúp những ai có những công
việc tương tự. Ban đầu là việc lượm rác, nhổ cỏ dại, tìm bắt
sâu bọ ở hoa màu, dần dần bước sang việc gieo hạt giống. Bất
ngờ chưa bao lâu ta đã nổi tiếng là tay gieo hạt giống rất nhanh
và gọn. Cũng dễ hiểu vì người lớn muốn gieo hạt khỏi trật
lỗ đào thường phải cúi gập mình xuống, đau lưng khó chịu lắm.
Còn ta thấp bé chẳng cần cúi, lại nhanh tay hơn họ nhiều.
Thấy ta siêng năng, nhanh nhẹn, làm được việc, ai cũng hài lòng.
Từ đó hết người này đến người nọ dồn dập mướn ta đi gieo
giống. Thế là ta không còn phải lo sợ chuyện đói rách nữa. Ai
nhờ giúp việc gì ta cũng làm hết lòng, trả công sao cũng
được. Chẳng bao giờ ta so đo, đặt điều kiện hay đòi hỏi nọ kia.
Nhờ vậy mà ta đã chiếm được cảm tình của hầu hết những
người chung quanh.
Trong lúc đi làm mướn, ta vẫn thường được nghe đủ thứ chuyện do người lớn nói với nhau.
Lần kia, khi đang gieo hạt cho một nhà ở xóm trên, ta nghe một người kể:
-Cái
mạng vợ tôi thế mà to lắm, nếu không nay tôi đã phải cúng 49
ngày cho bà rồi. Bà ấy bị tiêu chảy hai ngày liền không cầm
được, đã đuối sức tưởng phải xuôi tay. May sao lúc đó lại có
ông anh họ tôi đến thăm. Anh ấy liền bày cho tôi kiếm lả ổi nấu
lấy nước cho bà uống. Không ngờ nước lá ổi uống hiệu quả
lắm. Tôi mới nài ép vợ tôi uống được một bát thì thấy cơn đi
sông của bà đã có vẻ giảm. Mừng quá, tôi liền mớm cho bà mấy
muỗng cháo lấy sức rồi lại cho bà uống thêm mấy đợt nữa.
Cuối cùng chứng đi sông của vợ tôi ngừng hẳn. Thật là phước
đức ba đời để lại. Tiếp đó chỉ cần cho bà ăn uống bồi dưỡng
cho lại sức thôi.
Một người thốt lên:
-Lá ổi công dụng đến thế mà lâu nay mình đâu biết!
Ta giật mình nhớ chuyện nhà mà tiếc hận bất giác bật khóc:
-Trời
ơi, thật như thế sao? Trong vườn con có đến bốn cây ổi mà mẹ
con cũng mất vì cái bệnh tiêu chảy không cầm được đó!
Ông chủ nhà tỏ vẻ thông cảm với ta:
-Thế
à, oan uổng chưa! Ai ngờ nằm trên cây thuốc mà đành chịu chết,
đáng tiếc thật! Dù sao chuyện cũng đã lỡ rồi cháu ơi. Xưa nay
người ta chết oan như vậy cũng nhiều.
Mấy người khác nghe thế ai cũng lựa lời an ủi giúp ta nguôi cơn tiếc hận.
Đêm
đó ta cứ thao thức suy nghĩ mãi. Ta lại hồi tưởng trận dịch
ác nghiệt đã tước đoạt mạng sống của cha ta. Hồi ấy dân làng
ta bị chết rất nhiều. Nơi nào cũng nghe tiếng khóc bi ai của
những người mất cha, mất mẹ hay mất em… Một điều tức cười là
ai mất trước hóa ra lại may mắn hơn những kẻ mất sau. Những
người mất sớm nhờ nhân lực của làng còn dồi dào nên đã được
chôn cất khá chu đáo. Càng về sau nhân lực của làng càng hao
mòn nên việc chôn cất nạn nhân càng qua loa, cẩu thả. Tới lúc
cha ta mất thì nhân lực của làng đã bị kiệt quệ. Hầu như
những kẻ may mắn sống sót đều bị nhuốm bệnh cả. Vì vậy,
những gia đình có người mất muộn như cha ta đều gặp khó khăn
trong việc chôn cất. Giữa lúc mẹ con ta còn lúng túng thì may
sao, vị quan phủ Thượng Hồng đã phái một đội quân đến cứu
giúp làng ta. Đội quân này đã hoàn tất việc chôn cất những
người xấu số còn lại. Đồng thời, họ cũng phát gạo, phát
thuốc uống và hướng dẫn dân làng vài cách thức ngừa bệnh,
chống bệnh… Nhớ đến đây ta tự hỏi, nếu không có đội quân tốt
bụng ấy giúp đỡ, mẹ con ta biết xoay xở ra sao? Ta cũng hồi
tưởng lại lúc mẹ ta mất, nếu không có những người láng giềng
tốt bụng an ủi, giúp đỡ thì bản thân ta sẽ ra thế nào? Chính
ta đã mang một khối ơn nghĩa quá to lớn của xã hội, của xóm
làng. Phải làm sao để đền đáp tấm ơn nghĩa to lớn đó? Lại
nghĩ đến cái vụ mẹ ta sống trong một vườn ổi mà lại phải
chết vì cái bệnh tiêu chảy không cầm được ta càng tiếc hận. Ta
đã phân vân suy nghĩ gần suốt đêm. Cuối cùng ta quyết định
phải học cho được nghề làm thuốc để trả ơn đời.
Từ
đó, hễ nghe ai nói đến chuyện bệnh tật, thuốc thang ta lại
tìm cách làm thân với người đó để hỏi han, tìm hiểu. Nhờ
ngày nào cũng đi giúp việc, gần như khắp làng, nên ta đã có
rất nhiều cơ hội để tìm hiểu. Lâu lâu ta lại gặp được một vài
người hiểu biết khá sâu rộng giải thích về các chứng bệnh
tật và chỉ bảo cho ta cách sử dụng các giống cây cỏ có dược
tính để chữa trị. Lúc này ta mới dần biết cây cỏ ở nước ta
có rất nhiều loại có dược tính. Thế rồi ta đã dủng toàn bộ
thời gian nghỉ giải lao để tìm kiếm các loại cây cỏ đó. Ta đã
cố gắng tìm hiểu cách sử dụng chúng. Sự tò mò tìm hiểu về
các loại cây cỏ của ta dần dần được những người lớn chú ý.
Ngày kia, trong khi mấy người cùng dọn rẫy làm mùa đang ngồi
nghỉ, thấy ta loay hoay cố vạch một bụi gai rậm để hái lá một
cây thuốc bên trong, một người khen:
-Thằng bé Bá Tĩnh thông minh và có chí lắm. Rồi đây nó sẽ trở thành một ông thầy thuốc giỏi thật đó.
Một người khác tán thành:
-Nó có chí lắm! Cũng mong cho nó thành công con cháu mình sẽ được nhở!
Nhưng liền đó ta nghe một giọng phản bác:
-Thông
minh, có chí mà không ai đỡ đầu cũng vứt đi. Dễ gì mà thành
thầy thuốc? Học thuốc mà không tới nơi tới chốn không khéo chỉ
thành lang băm hại người thôi. Các bác chưa nghe vụ một thầy
thuốc vì dốt dùng lầm hai thứ thuốc khắc nhau để chữa trị
một con bệnh kết cuộc con bệnh phải qua đời sao? Cũng có
trường hợp gia chủ vì nôn nóng mà mời tới hai thầy thuốc giỏi
để chữa cho một con bệnh rồi con bệnh vẫn không qua khỏi chỉ
vì hai ông thầy không ăn ý nhau, dùng thuốc nghịch nhau sao? Một
ông thầy thuốc giỏi ít nhất cũng phải biết chữ. Phải ghi chép
từng chi tiết diễn biến của từng con bệnh, phải ghi chép từng
sự cố xảy ra liên hệ đến bệnh tật để rút kinh nghiệm chứ
đầu óc nào mà nhớ nổi vô số những điều thấy được? Bá Tĩnh
đào đâu ra chữ nghĩa để ghi chép, để nghiên cứu? Kiếm miếng ăn
chưa đủ khéo mơ ước chuyện viển vông.
Câu
nói ấy đã làm ta giật mình! Quả thật, ta chỉ mới thu thập
một ít kiến thức về dược tính của các loại cây cỏ mà đã có
vẻ nhớ không xuể rồi. Đó là chưa nói đển những điều rắc rối
khi hốt thuốc nữa. Ta đã nghe nói, nhiều loại cây thuốc có
thể mang dược tính giống nhau nhưng không thể dùng chung vì bản
chất của chúng khắc kỵ nhau. Nếu thầy thuốc không rành, hốt
một thang thuốc nhằm nhiều loại cây thuốc khắc kỵ nhau thì
việc chữa trị có thể bị giảm hoặc mất hiệu nghiệm. Có khi
còn gây nguy hại cho bệnh nhân nữa. Với bao nhiêu rắc rối như
thế, nếu không có sổ sách trợ sức, đầu óc nào mà nhớ nổi?
Nỗi thất vọng đột nhiên ập đến: Tiên thánh nào có thể giúp ta
chữ nghĩa đây?
Ta đang lo bấn ruột thì may sao, lại có một giọng khác cất lên:
-Bác
cho là Bá Tĩnh không thể thành thầy thuốc giỏi sao? Đừng
khinh, đó chỉ là ý riêng của bác. Sông có khúc, người có lúc,
khi nên trời giúp mấy hồi? Kẻ có chí có tài lo gì không lập
thân được. Nghe nói mai mốt đây chùa Hải Triều (ngày nay là
chùa Giám ở làng Yên Trung, huyện Cẩm Giàng) sẽ đến phát chẩn
ở vùng mình. Trong dịp này ta thử thưa về tình cảnh của Bá
Tĩnh với chùa xem sao? Biết đâu chùa chẳng đưa nó về cho học
hành giúp nó làm nên? Ông Lý Công Uẩn ngày xưa cũng là một
trẻ mồ côi, nhờ ở chùa mà phát tích trở thành ông tổ triều
Lý đấy!
Nhiều người nhao nhao tán thành:
-Phải
rồi, ý đó hay lắm. Nếu Bá Tĩnh thực hiện được ước muốn thì
sau này con cháu mình sẽ được nhờ chứ ai! Chúng ta phải xin
chùa giúp Bá Tĩnh xem sao.
Ta
nghe mà mát lòng mát dạ hết sức! Những lời nói ấy đã xua
tan nỗi thất vọng trong ta. Ta tiếp tục hăng hái vừa đi làm vừa
sưu tầm các loại cây cỏ có dược tính…
Quả
thật chừng hơn mười ngày sau thì hai vị sư ở chùa Hải Triều
đã dẫn một phái đoàn mang đồ cứu trợ đến giúp dân nghèo ở
các làng thuộc phủ Thượng Hồng. Khi phái đoàn phát chẩn qua
làng Nghĩa Phú, mấy người trong làng đã thưa trường hợp của ta
với các sư. Vị trưởng đoàn là sư Trí Đức liền cho gọi ta đến
hỏi:
-Con muốn xuất gia theo thầy vào chùa không?
-Bạch thầy, con rất muốn.
-Vì sao con lại muốn xuất gia nói rõ cho thầy nghe được không?
Ta đã thành thật trình bày:
-Bạch
thầy, con đã thấy tận mắt cảnh chết chóc đau thương của dân
làng vì một trận dịch cách đây năm sáu năm, trong số người
chết có cả cha của con. Mẹ con cũng bị chết vì bệnh cách đây
ba năm vì bệnh tiêu chảy. Con quá sợ hãi, quá ghê tởm các
giống bệnh tật. Bởi lẽ đó, con muốn trở thành một người thầy
thuốc để giúp đời nhưng con lại không biết chữ nên con lo ngại
chí nguyện sẽ khó thành. Vì vậy, con muốn đến chùa để được
học đạo và cũng để ăn mày chữ nghĩa. Con nghĩ việc tu hành
và việc làm thầy thuốc đều hướng về một mục đích cứu khổ
cứu nạn chúng sinh chắc hẳn không gây trở ngại cho nhau. Hi vọng
nhà chùa sẽ không từ chối.
Sư Trí Đức mỉm cười:
-Ai
dạy con ăn nói khéo thế? Được rồi, thầy sẽ cho con về ở chùa
Hải Triều. Con hãy thu xếp chuyện nhà cửa, thăm viếng từ giã
bà con bạn bè trong vòng hai ngày rồi thầy sẽ cho người đến
đón.
-Dạ, con xin đa tạ thầy.
Sau
khi từ giã sư Trí Đức, ta vui mừng trở về thu xếp việc nhà.
Thật tình ta cũng chẳng có gì để thu xếp, nhà đã có người cô
họ ở, cứ để vậy cũng xong. Ta chỉ nhờ người cô nhớ hương
khói ngày kỵ của cha mẹ ta là đủ.
Bác Huấn, thuộc loại khá giả cùng xóm nghe ta sắp vào chùa liền đề nghị:
-Chúc
mừng con. Con còn bé mà đã nuôi một ý nguyện quá cao đẹp,
bác rất nể phục. Bác đã có ý muốn giúp con chút đỉnh để con
thực hiện ý nguyện đó nhưng chưa có dịp. Nay con được đưa về
chùa tất nhiên ý nguyện của con thế nào cũng thực hiện được.
Để chia sẻ niềm vui này, bác muốn bày một bữa cơm thân mật ở
nhà để mời những người quanh xóm mình đến chúc mừng và chia
tay với con. Những người ở xóm khác, ai thân thiết với con cứ
tùy ý mời họ tới dự. Bác sẽ bao hết. Nhận lời bác tức là
con đã tặng bác một niềm vinh dự đấy. Con vui lòng nhé!
Bác
Huấn là người tốt, đã nhiều lần giúp đỡ nhả ta. Ta cũng
từng giúp việc cho bác, lúc nào cũng được bác trả công hậu
hĩnh. Thấy bác tỏ ý thành thật giúp ta nên ta rất cảm động,
cám ơn bác và nhận lời.
Thế
là trưa hôm sau, tại nhà bác Huấn, một cậu bé mới chín tuổi
(là ta) đã được ngót bốn mươi người cả nam lẫn nữ đến chúc
mừng, dặn bảo với những lời những lời lẽ ân cần, tha thiết
làm ta rất xúc động… Thấy ta cứ lí nhí cám ơn, bác Huấn lớn
tiếng:
-Cháu Bá Tĩnh đã
quá xúc động trước tình cảm nồng thắm của bà con nên cứ ấp
úng nói không ra lời, tôi xin tạm thay mặt cháu cám ơn tất cả
mọi người đã bỏ chút thì giờ quí báu để đến chia tay và cho
cháu những lời chúc mừng, những lời khuyên bảo quí giá, hi
vọng những lời này sẽ rất bổ ích cho cháu trên quãng đường
đời kế tiếp.
Nói thế xong bác Huấn quay sang bảo ta:
-Bá Tĩnh, con muốn nói gì với bà con nữa không?
Ta
lúng túng trình bày đại khái: Cháu bị mồ côi cha mẹ từ lúc
còn thơ dại. May được bà con xóm làng giúp từng bát cháo,
từng củ khoai, từng manh áo, từng lời an ủi, khuyên dỗ dịu
ngọt cháu mới vượt qua được những ngày đói rách, đau khổ. Món
nợ ân tình quá to lớn đó cháu làm sao quên được? Vả lại,
cháu còn mang một nỗi tiếc hận riêng. Mẹ cháu đã chết vì
bệnh tiêu chảy trong khi vườn nhà cháu lại có rất nhiều ổi mà
nước lá ổi nấu lại là thứ cầm tiêu chảy rất hiệu nghiệm!
Khi biết ra thì sự đã rồi. Sau nhiều lần suy nghĩ, cháu đã
quyết định phải làm sao để trở thành một ông thầy thuốc để
giúp đời. Từ đó, trong khi đi giúp việc cho bà con để nuôi thân,
cháu đã không ngừng tìm hiểu, học hỏi về dược tính của các
loại cây cỏ và cách dùng. Ban đầu cháu cứ ngỡ mình sẵn trí
nhớ tốt, việc thu lượm, tích lũy kiến thức về các loại cây
cỏ có dược tính không khó, tất nhiên việc trở thành một người
thầy thuốc cũng không khó. Thế nhưng chỉ mới tập tễnh những
bước đầu cháu đã ngộ ra mình đã vấp một trở ngại quá lớn:
Cháu đã được học hành gì đâu? Không biết chữ để đọc sách
nghiên cứu, để học hỏi thêm, để ghi chép kinh nghiệm mà mong
trở thành thầy thuốc giỏi sao được? Trong lúc cháu đang bối
rối thì may sao, bà con xóm làng lại một lần nữa ra tay giúp
cháu. Nếu cháu được về ở chùa, tất nhiên mối lo chữ nghĩa
của cháu sẽ không còn. Nếu mai kia cháu được trở thành một
lương y như ý, cháu nguyện sẽ trở về phục vụ bà con, xã hội
để đền đáp ơn sâu mà con đã mang…
Ta
nói chưa dứt lời mọi người đã vỗ tay bôm bốp. Nhiều người đã
ôm ta mà hôn hít khiến ta xúc động đến rơi nước mắt.
Khi
về chùa Hải Triều ta đã được xuống tóc, thọ giới sa di với
pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Trong chúng sa di đã sẵn có bốn chú,
ta là sa di thứ năm, cũng là sa di nhỏ nhất, mới chín tuổi.
Hằng ngày, ngoài việc học kinh kệ, chúng sa di có trách nhiệm
về một số việc vặt như hái củi, gánh nước, trồng hoa, nhổ cỏ
quanh sân chùa, báo khách đến… Thỉnh thoảng quí sư đi hành lễ
đâu đó mới dẫn một vài sa di theo để phụ việc. Bình thường
thì chúng sa di tự phân chia công việc để làm, ta nhỏ nhất nên
cũng được phân chia công việc nhẹ nhất. Những khi rảnh rỗi ta
lại được sư Trí Đức dạy cho học chữ. Ta siêng học và nhớ dai
lẳm. Có lần sư Trí Đức đã nói đùa “Con học như thế không bao
lâu nữa chắc thầy hết chữ mất”. Thế rồi sư lại càng siêng dạy
ta hơn. Về sau ta lại được đưa đến chùa Giao Thủy, còn gọi là
chùa Keo (Thái Bình) để học hành thêm.
Tuy
vừa học đạo, vừa gắng học thêm chữ nghĩa, ta vẫn không ngừng
việc tìm hiểu về các loại cây cỏ có dược tính. Nói thật
tình, vì ta đã quyết chí phải trở thành một vị lương y nên ta
đã chú tâm vào việc học chữ và học thuốc hơn là việc học
đạo. Nhờ việc học đạo đã có lề lối sẵn, mình cứ thực hiện
theo công thức thường ngày cho trôi tròn là đủ. Ta không có thì
giờ để tìm hiểu, nghiên cứu tính cao thâm của giáo lý nhà
Phật như các vị chân tu đâu. Sở dĩ ta được tôn xưng vào bậc
Trưởng lão hòa thượng như hiện nay chỉ nhờ sự sống lâu ra lão
làng chứ thực chất hạnh tu của ta chưa có gì gọi là đạt đạo.
Bản chất ta vẫn hoàn nguyên là một phàm nhân. Ta vẫn biết
ghét, biết thương như mọi người. Ta đã từng bỏ ăn, bỏ ngủ để
học hỏi, nghiên cứu, thử nghiệm, khổ công cả một đời mới trở
thành một vị lương y. Nếu ham công danh phú quí ta đã ra làm
quan từ lâu. Ta đâu muốn lăn lộn giữa chốn quan trường? Ta chỉ
quyết lòng thực hiện ước nguyện: phục vụ đám dân quê chân chất
sống đầy ắp tình người để đền ơn họ đã từng cưu mang ta khi
ta còn bé dại. Ta rất yêu thương họ và muốn sống gần gũi với
họ suốt đời. Thế mà bây giờ lại bị ép phải đem cái sở học
bình sinh của cả một đời ấy để phụng sự một triều đình đế
quốc tham lam, tàn ác lúc nào cũng chực làm hại nước ta bảo
ta vui sao được? Nói thế chắc con đã hiểu vì sao ta có vẻ khổ
tâm trong chuyến đi này rồi?
Sa di Thiện Ứng thở dài:
-Cám
ơn thầy, giờ con đã hoàn toàn hiểu tâm trạng của thầy. Thầy
có thể cho con góp một ý nhỏ xem thử có giúp ích được chút
gì cho thầy không?
Thiền sư nghe Thiện Ứng nói hơi ngạc nhiên:
-Có ý gì cứ nói thầy nghe thử.
-Bạch thầy, thầy được cống cho thiên triều với tư cách là danh y hay danh tăng?
-Tất nhiên với tư cách danh y. Trước đây không lâu họ đã đòi nước ta cống 20 danh tăng rồi.
-Vậy,
nếu họ tuyển thầy vào viện Thái Y, con nghĩ thầy không nên
trổ tài, cứ tỏ ra vụng về kém cỏi may ra họ chán nản mà trả
thầy về nước chăng?
-Ối chà, có lý lắm đấy! Để thầy coi lại.
*
Sáng
hôm sau, bộ Lễ triệu tập số người được cử sang phục vụ Minh
triều về điện Chấn Hưng để nghe vua Xương Phù ban hiểu dụ. Khi
mọi người đã được tập trung đầy đủ, vị quan bộ Lễ đã cẩn
thận dặn dò họ khi nghe trung quan hô “Hoàng đế giá lâm” thì
phải làm sao, khi vua bước vào điện thì phải lạy chào như thế
nào. Viên quan bộ Lễ cũng cho biết có khi vua bận việc, ngài
sẽ cử một vị thân vương thay mặt đến, khi đó nghi thức đón
chào có thể thay đổi ít nhiều. Hầu hết những người cống phẩm
sống này đều chưa được chiêm ngưỡng mặt rồng bao giờ nên họ
đều hồi hộp ngóng đợi…
Cuối
cùng vua Xương Phù không đến thật. Trang Định vương (Trần Ngạc)
đã thay mặt vua đến hiểu dụ mọi người về sứ mạng của chuyến
đi Bắc. Đại khái Trang Định vương cho biết Đại Việt đang gặp
nhiều khó khăn. Phía Nam đang bị Chiêm Thành quấy rối không
ngừng, phía Bắc lại bị Minh triều uy hiếp. Nhà Minh cứ nay yêu
sách này, mai yêu sách nọ liên miên. Nếu mình không thỏa mãn cho
họ, họ có thể lấy cớ đó để gây chiến. Sợ chiến tranh nổ ra
thì muôn dân sẽ càng khổ nên triều đình phải cố nhịn nhục.
Những người sang phục vụ cho Minh triều sẽ được coi như những
anh hùng đã hi sinh cho sự sống còn của đất nước, sẽ được tổ
quốc ghi ơn, sẽ được tôn vinh mãi mãi…
Thấy một số người lộ vẻ băn khoăn, lo ngại, Trang Định vương trấn an:
-Nói
là hi sinh nhưng các ngươi chớ nên lo lắng, sợ hãi lắm. Những
người đã ra đi trong các chuyến triều cống trước đều được Minh
triều trọng dụng, được hưởng một cuộc sống đầy đủ, an nhàn
cả. Tuy vậy, ta cũng dặn nhỏ các ngươi, đừng nên khoe khoang về
nhân tài, về những sản vật quí báu của nước mình làm gì.
Người Minh rất tham lam, thấy nước nào có cái gì quí báu, tốt
đẹp họ đều muốn vơ vét hết. Trước đây hai tên nội nhân được
đưa đi cống là Nguyễn Tông Đạo và Nguyễn Toán đã khoe “tăng nhân
nước Nam biết dựng đạo tràng giỏi hơn tăng nhân phương Bắc”
khiến Minh triều đòi hỏi nước ta phải cống nộp 20 tăng nhân. Hai
tên nội nhân này cũng khoe nước ta có nhiều loại trái cây rất
ngon như vải, ổi, mít, cau v.v… khiến người Minh lại đòi nước ta
phải bứng gốc một số loại cây trên chuyển sang cho họ làm
giống. Dân ta đã phải phục dịch khốn khổ trong việc này, nhưng
các loại cây ấy lại không chịu nổi khí tiết lạnh lẽo của
phương Bắc nên mới chuyển đi nửa đường đã chết hết. Khoe khoang
như thế là vô tình gây hại cho tổ quốc, phải cẩn thận mới
được. Ta nói như thế đã tạm đủ. Thay mặt hoàng thượng, ta cầu
chúc các ngươi có được một chuyến đi tốt lành.
Sau
khi Trang Định vương lui bước, viên quan của bộ Lễ mời mọi
người ra vườn hoa sau điện Chấn Hưng để dự bữa yến của nhà vua
ban. Ngoài việc ban yến, vua Xương Phù còn chỉ thị bộ Lễ tặng
mỗi người một số tiền để tiêu xài dọc đường.
*
Căn
cứ vào văn thư giới thiệu sẵn, khi đoàn “cống phẩm sống” An
Nam vừa đến Yên Kinh, Thiền sư Tuệ Tĩnh liền được bổ nhiệm ngay
về viện Thái Y. Lúc bấy giờ Thiền sư đã vào tuổi 56, đi đâu
ngài cũng dắt theo sa di Thiện Ứng bên mình. Khi Thiền sư được
đưa đến viện, chính viện trưởng Lục Sâm đã đón tiếp với những
lời nồng nàn:
-Viện tôi
rất vui mừng được sự hợp tác của một danh y nước Nam. Trước
đây viện tôi cũng đã được một số danh y của các nước Triều
Tiên, Nhật Bản hợp tác, nay có thêm ngài nữa, hi vọng công việc
của Viện mỗi ngày một khởi sắc hơn.
Thiền sư Tuệ Tĩnh thưa:
-Thưa
ngài viện trưởng, bần tăng không xứng đáng với hi vọng của
ngài đâu! Thật tình bần tăng chỉ là một kẻ tu hành thôi. Chẳng
qua vài lúc rảnh rỗi bần tăng tập tành sưu tầm một ít dược
thảo để dùng những khi nhức đẩu sổ mũi, đáng chi mà gọi là
danh y.
Viện trưởng Lục Sâm cười:
-Thôi,
ngài đừng khiêm tốn nữa. Khỏi lo việc tu hành của ngài bị
trở ngại. Bổn viện sẽ thu xếp, mọi sự sẽ êm đẹp hết. Ngài
cứ yên tâm làm việc với viện. May mắn hiện trong khuôn viên viện
có sẵn một ngôi nhà trống cũng khá đầy đủ tiện nghi. Thầy
trò ngài cứ việc thu xếp lại theo ý mình mà ở. Ổn định chỗ
ở xong ngài sẽ bắt đầu làm việc.
Nói
xong ông viện trưởng sai một nhân viên dẫn thầy trò Tuệ Tĩnh đi
xem nhà. Thiền sư nói nhỏ với sa di Thiện Ứng:
-Thôi, từ từ mình sẽ tính.
Không
ngờ ngay hôm sau có một nhà hào phú họ Nguyễn ở Kim Lăng, vốn
là một Phật tử, đến gặp sư và tự nguyện bỏ tiền ra thiết
lập giúp Thiền sư một bàn thờ với một pho tượng Phật bằng
ngọc thạch trong ngôi nhà ấy để sư tiện việc kinh lễ hôm sớm.
Nhà hào phú này cũng tự nguyện giúp ngài việc bố trí, phân
cách ngăn nắp chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ làm việc trong ngôi nhà
ngài ở đâu ra đấy đàng hoàng.
Không từ chối được, ngài chỉ biết than thở với sa di Thiện Ứng:
-Họ ràng buộc đến thế thầy nghĩ mình cũng khó xoay xở đấy.
-Bạch thầy, đành gắng chờ dịp khác vậy!
*
Từ
khi Thiền sư Tuệ Tĩnh bắt đầu làm việc ở viện Thái Y, ai
cũng tỏ vẻ nể nang, tin tưởng ngài. Họ bàn tán với nhau: “Với
sự cộng tác của người thầy thuốc tài danh xứ An Nam, chắc
chắn công việc của viện sẽ tiến bộ hơn”.
Thế
nhưng khi Thiền sư bắt tay vào công việc mọi người dần đâm ra
thất vọng. Sống với thái độ khép kín, thụ động, rất ít nói,
gần như ngài chẳng muốn tiếp xúc với ai. Cấp trên giao công
việc gì ngài lặng lẽ làm công việc đó, không phàn nàn, không
đòi hỏi. Khi ai hỏi đến chuyện y dược, ngài tỏ vẻ lúng túng,
ấm ớ trả lời không đâu ra đâu hết. Có lần một vị thái y khó
tính bực mình đã gay gắt với ngài:
-Ngài
là vị thầy thuốc nổi danh nhất nước Nam nên quí quốc mới
chọn ngài sang phục vụ thiên triều. Há lẽ quí quốc đã dối
trá với thiên triều sao? Vậy mà khi hỏi tới thuốc thang ngài
cứ ấp a ấp úng giấu giếm như thế nghĩa là thế nào?
Thiền sư Tuệ Tĩnh từ tốn đáp:
-Sở
nguyện của bần tăng là tu hành để giác ngộ, để cứu độ chúng
sinh chứ không có mục đích nào khác. Những lúc rảnh rỗi, bần
tăng có võ vẽ sưu tầm và áp dụng vài ba bài thuốc. Có lẽ
vì nể bần tăng là kẻ tu hành nên các thầy thuốc ở An Nam
nhường cái vinh dự đi phục vụ thiên triều cho bần tăng chứ
trình độ thuốc thang của bần tăng có bao nhiêu bần tăng đã thưa
bấy nhiêu chứ đâu dám dối trá.
Suốt
ba tháng làm việc ở viện Thái Y, Thiền sư Tuệ Tĩnh chỉ thỉnh
thoảng tiếp xúc với một bạn đồng viện người Triều Tiên là
Lý Hân. Ngoài Lý Hân, ngài không còn tiếp xúc với ai khác. Hầu
như các bạn đồng viện khác cũng không còn bận tâm tới ngài
nữa. Mọi người đã chấp nhận tình trạng thực tế. Làm sao ép
một ông sư có trình độ y dược rất giới hạn phục vụ trong viện
Thái Y tốt hơn được?
Mãi
hơn một năm sau, khi vua Minh hỏi về Tuệ Tĩnh, viện trưởng Lục
Sâm cứ sự thật tâu trình. Khi ấy vua Minh mới tỏ vẻ giận dữ
phán:
-Bọn Nam man dám khi
quân đến thế sao? Tuệ Tĩnh vô dụng như vậy lưu giữ y làm gì?
Trẫm sẽ cho tra xét lại việc này.
Nhưng rồi vẫn chẳng thấy việc gì xảy ra.
*
Thấm
thoát Thiền sư Tuệ Tĩnh phục vụ ở viện Thái Y đã gần hai
năm. Ngài đã làm việc như một viên thư lại dở hơi, kém cỏi.
Bởi lẽ, thân xác ngài tuy sống ở đất Tàu nhưng gan ruột của
ngài lại hoàn toàn hướng về đất Việt. Ngài không thể quên
được cảnh đau khổ của đồng bào khi các trận dịch ác nghiệt
quét qua xứ sở của ngài. Ngài không thể quên được cảnh đói
rách của đồng bào ngài những năm bị thất mùa… Ngài càng không
thể quên được cảnh những người xóm giềng tốt bụng đã cứu
mạng và đùm bọc chính ngài khi ngài còn bé dại… Càng hồi
tưởng ngài càng tiếc cái công trình mở rộng ngành thuốc Nam
trong dân dã để cứu giúp đồng bào nghèo mà ngài từng thực
hiện ở quê nhà. Đó là nguyện vọng tha thiết nhất trong đời
của ngài.
Một hôm, Thiền sư
nghe các bạn đồng viện xôn xao bàn tán về chứng bệnh hiếm hoi
mà Trịnh vương phi – người được vua Minh đang sủng ái nhất –
mắc phải. Chính viện trưởng Lục Sâm nói ông đã gặp vài bệnh
nhân mắc bệnh tương tự và các người này đã không ai thoát
chết. Dù đã cố giả ngu giả dại nhưng đầu óc của một người
suốt đời chuyên nghiên cứu thuốc men đã không cho phép ngài làm
ngơ về một chứng bệnh lạ. Ngài đã âm thầm lắng nghe, theo dõi.
Hôm sau ngài vẫn tiếp tục nghe các bạn đồng viện nói về bệnh
tình của vương phi với vẻ căng thẳng hơn. Hôm kế tiếp, Minh đế
đã triệu viện trưởng Lục Sâm vào triều. Khi viện trưởng trở
về ông liền triệu tập các thái y lại rồi tuyên bố:
-Nguy
to rồi! Thánh thượng hết sức giận dữ vì tình trạng sức khỏe
của Trịnh vương phi. Nếu vương phi có bề nào, chắc thánh
thượng sẽ trút tội xuống đầu bọn ta. Hôm nay ngay tại triều,
ngài đã mắng bọn ta là một đám ăn hại vô dụng! Chúng ta đã
cố gắng hết sức nhưng gặp phải trường hợp lạ đời này biết
làm sao? Giờ ta chỉ còn biết nhờ trời thôi. Tôi e lần này trong
bọn ta sẽ có một số bị bãi việc, trước hết có thể là tôi.
Mọi
người đều lắc đầu nhìn nhau lo lắng. Giữa lúc bầu không khí
căng thẳng, ngột ngạt đang phủ trùm cả phòng hội bỗng một
người lên tiếng:
-Thưa viện
trưởng, hay thử yết thị kêu gọi các danh y trong thiên hạ xem ai
có khả năng chữa cho vương phi được không?
Viện trưởng Lục Sâm lắc đầu:
-Không
kịp đâu. Bệnh vương phi đã quá nguy ngập. Tôi nghĩ bệnh này
khó có ai chữa nổi. Chúng ta hãy cố gắng vài ngày nữa. Tới
đâu hay tới đó. Nếu có gì xảy ra thì cũng do số phận cả. Tôi
báo cho các đồng viện biết chuyện này để chuẩn bị tinh thần
thôi. Bây giờ thì các đồng viện có thể trở về với công việc
của mình.
Thấy Lý Hân cũng
là một trong những thái y hay ra vào chẩn bệnh trong cung,
Thiền sư bèn đến hỏi thăm Lý Hân. Lý Hân cũng thiệt tình tả
lại bệnh trạng của Trịnh vương phi cho ngài hay. Nghe xong ngài
lộ vẻ đăm chiêu một hồi…
Khi về nhà, Thiền sư gọi sa di Thiện Ứng bảo:
-Con hãy lấy hộp thuốc viên của thầy ra cho thầy coi.
Lát
sau Thiện Ứng mang một cái hộp gỗ đến cho ngài. Ngài mở hộp
lấy ra một chiếc túi gấm nhỏ màu đỏ rồi mở miệng túi để
trút vật bên trong vào một cái bát. Đó là những viên thuốc tễ
màu nâu nhỏ cỡ cái trứng của giống chim sâu. Ngài đếm được
cả thảy 40 viên. Ngài bỏ 20 viên trở lại túi gấm, sai Thiện
Ứng đem cất. Sau đó ngài bảo Thiện Ứng gói 20 viên còn lại
giao cho ngài. Xong, ngài hỏi Thiện Ứng:
-Con có nhớ những viên thuốc này chế bằng thứ gì không?
-Dạ,
con nhớ. Nhổ cây bồ trất rửa thật sạch, băm nhỏ cả thân lẫn
rễ, trộn với lá của nó đem nấu. Sau đó chắt lấy nước, chưng
cho kẹo đặc lại rồi hòa với mật ong theo một lượng ngang nhau
để đúc thành viên.
-Con nhớ kỹ lắm. Thuốc này chế bằng nước bồ trất với mật ong. Con biết dùng để chữa bệnh gì không?
-Dạ,
con không biết. Con chỉ nhớ kỹ nhờ hôm đó thầy sai chính con
băm nhỏ thân và rễ cây rồi canh chừng nồi nấu cũng khá lâu. Cây
bồ trất này ở nước mình khá nhiều.
-Ừ, ở nước mình nhiều nhưng ở phương Bắc hiếm lắm vì giống nó không chịu lạnh.
Hôm sau ngài đem gói thuốc vào gặp Lục viện trưởng. Viện trưởng ngạc nhiên nói:
-Hôm nay ngài tự động vào thăm tôi hi vọng ngài đem tin lành cho tôi?
-Không dám. Bần tăng nghe viện trưởng đang gặp khó khăn nên vào đây cốt để vấn an ngài thôi.
Lục viện trưởng cười cười:
-Tôi
biết mà. Ngài đã vào đây tất là ngài đã có chủ ý giúp tôi.
Xin ngài cứ thẳng thắn cho ý kiến. Tôi đang nóng lòng chờ nghe
những lời tốt đẹp của ngài đây.
-Viện
trưởng đã nóng lòng thì bần tăng cũng không dám chần chờ
nữa. Bần tăng vào đây cũng chỉ vì có thiện ý với viện
trưởng. Ngài có thể cho bần tăng biết sơ về bệnh tình của
vương phi không?
Viện trưởng liền thuật lại bệnh tình của vương phi cho Thiền sư nghe rồi nói thêm:
-Bệnh
này tôi đã gặp vài lần rồi và tôi chưa thấy người nào qua
khỏi được. Nếu ngài cứu được ngài muốn gì tôi cũng chịu.
Thiền sư Tuệ Tĩnh hé một nụ cười:
-Nếu trị lành bệnh, ngài viện trưởng xin Minh đế cho bần tăng về nước được không?
-Tôi
xin hứa sẵn sàng giúp ngài. Tuy quyền quyết định do Minh đế
nhưng tôi rất hi vọng ngài sẽ chấp thuận vì ngài sủng ái
Trịnh vương phi lắm.
Thiền sư Tuệ Tĩnh trao gói thuốc cho Lục viện trưởng rồi nói:
-Đây
là gói “Tản Viên thần dược”, nó không kỵ bất cứ loại thuốc
nào. Ngài cho vương phi uống thử 2 viên xem sao. Nếu thấy có dấu
hiệu tốt, nửa ngày sau ngài cho uống tiếp 2 viên khác. Nếu
vẫn thấy kết quả khả quan, ngài cho ngưng hết các loại thuốc
vương phi đang uống mà chỉ cho bà uống một loại thuốc này thôi.
Có thể trong ba bốn ngày bệnh sẽ dứt.
Lục viện trưởng lộ vẻ vui mừng:
-Trời
ơi, thế thì ngài là vị cứu tinh của Trịnh vương phi rồi! Ngài
cũng còn là ân nhân của tôi nữa. Nếu vương phi có mệnh hệ nào
chắc tôi cũng không còn ngồi ở cái ghế này được! Nhưng ngài
có thể cho tôi biết sơ về xuất xứ của gói “Tản Viên thần
dược” để lỡ khi hoàng thượng hỏi đến tôi trả lời được không?
-Thưa
ngài viện trưởng, trước đây, khi bần tăng còn ở nước Nam, có
gặp trường hợp vợ của một ông trưởng giả cũng mắc chứng bệnh
như Trịnh vương phi bây giờ. Các thầy thuốc tại địa phương đều
chạy hết. Quá tuyệt vọng và quá thương vợ, ông ta bèn mời một
số tăng nhân đến nhà cầu an cho vợ trước khi bà giã từ cõi
thế. Bần tăng dẫn đầu số tăng nhân này. Trong lúc chúng tăng
đang cầu nguyện bỗng có một vị dị nhân tự xưng ở núi Tản Viên
đến xin gặp gia chủ. Gia chủ thấy hình dung cổ quái của vị
dị nhân quá sợ liền nhờ bần tăng cùng ông ra đón tiếp. Vị dị
nhân bèn hỏi chủ nhân về bệnh tình của bà vợ. Nghe xong, vị
dị nhân lấy trong túi ra ba liều thuốc mỗi liều 20 viên với cái
toa có ghi sẵn cách dùng trao cho bần tăng và dặn: “Nhà sư hãy
giúp gia chủ cho bệnh nhân uống. Chỉ cần cho uống một liều là
bệnh lành. Hai liều còn lại nhà sư hãy giữ lấy sẽ có ngày
dùng đến”. Vị dị nhân dặn xong bèn cáo từ ra đi. Gia chủ mừng
quá rối rít cảm tạ và xin dị nhân cho biết danh tính nhưng vị
dị nhân đã vùn vụt đi mất. Bần tăng cứ theo lời dặn, giúp chủ
nhân cho bà vợ ông ta uống hết một liều. Quả nhiên khi uống
xong liều thuốc ấy thì bà lành bệnh. Vì không rõ nguồn gốc
liều thuốc nên bần tăng gọi tạm nó là “Tản Viên thần dược”
vậy. Chuyện này xảy ra đã lâu. May mắn bần tăng còn giữ được 2
liều thuốc của vị dị nhân ấy, cứu được ai thì cũng là cái
duyên của người đó thôi. Nếu ngài viện trưởng dùng nó mà cứu
được Trịnh vương phi xin cứ coi như đó là nhờ sự mát tay của
ngài viện trưởng cũng được. Làm sao gặp được vị dị nhân nữa
mà truy nguyên?
Nghe xong, Lục viện trưởng cám ơn Thiền sư Tuệ Tĩnh rồi vội vã vào cung thăm bệnh Trịnh vương phi.
Ba ngày sau Lục viện trưởng mời Thiền sư Tuệ Tĩnh vào phòng vui vẻ nói:
-“Tản
Viên thần dược” quả đúng là thần dược! Bệnh vương phi mười
phần đã lành hết tám, Minh đế vui mừng lắm. Hi vọng nguyện
ước hồi hương của ngài sẽ được thỏa mãn. Nhưng để chắc hơn,
đề nghị với ngài cần thêm một tiếng nói nữa sẽ có sức mạnh
hơn. Số là hoàng thân Nhân Vinh nghe tin vương phi đã thoát cơn
hiểm nghèo ông ấy liền tìm tôi thăm hỏi. Tôi vô tình cứ sự
thật trả lời. Hoàng thân liền níu lấy tôi, nài nỉ phải xin cho
ông ta liều thuốc còn lại. Hóa ra Nhân Vinh phu nhân cũng đang
mắc một chứng bệnh như thế. Tôi nghĩ ngài là kẻ tu hành có
sẵn thuốc quí mà gặp người bệnh hiểm nghèo đang cần thuốc đó
chắc ngài không nỡ làm ngơ. Nếu bệnh của Nhân Vinh phu nhân
được chữa lành chắc chắn hoàng thân sẽ đội ơn ngài mà hết
lòng báo đáp. Tiếng nói của hoàng thân chắc chắn giá trị hơn
tiếng nói của tôi nhiều. Ngài nghĩ sao?
Sư Tuệ Tĩnh chỉ biết cười rồi đáp:
-Ngài đã nói như vậy bần tăng làm sao làm sao không nghe được! Ngày mai bần tăng sẽ đem thuốc trao cho ngài.
Mười
ngày sau hoàng thân Nhân Vinh đích thân đến thăm Thiền sư Tuệ
Tĩnh và hết lời cảm tạ. Hoàng thân hứa sẵn sàng giúp tất cả
việc gì ngài cần trong phạm vi khả năng của ông. Thiền sư lại
ngỏ ý nhờ hoàng thân xin vua Minh cho ngài được hồi hương. Hoàng
thân hứa sẽ hết lòng giúp nhưng xin đợi một thời gian.
Một
hôm Thiền sư vừa mới ở viện về nhà bất ngờ Lục viện trưởng
lại đến thăm. Sau khi chào hỏi nhau, Lục viện trưởng vui vẻ
nói:
-Hôm nay tôi đến thăm
ngài mục đích báo với ngài một tin vui. Hoàng thân Nhân Vinh và
tôi đã xin yết kiến Minh đế để trình bày về việc xin hồi
hương của ngài. Minh đế đã rất khen ngợi ngài và hứa sẽ tưởng
thưởng ngài thật xứng đáng. Minh đế cũng hứa sẽ cứu xét vấn
đề hồi hương của ngài sớm. Chúng tôi thành thật chúc mừng
ngài. Từ hôm nay ngài khỏi bận tâm với công việc ở viện Thái Y
nữa. Ngài cứ thoải mái ở nhà để lo việc kinh kệ. Hi vọng
mọi việc sẽ ổn cả. Xin cứ tạm thời ở lại viện tôi để chờ
ngày đón nhận Thánh ân.
*
Chừng
một tháng sau, Minh đế đã cử chính hoàng thân Nhân Vinh mang
chiếu chỉ đến phong cho Thiền sư Tuệ Tĩnh tước hiệu “Đại Y
Thiền Sư” và cho phép ngài xây dựng một ngôi chùa lớn nhỏ tùy
ý, bất cứ nơi nào trên đất Giang Nam để tu hành. Tất cả mọi
chi phí sẽ được Minh triều đài thọ.
Sau khi bái tạ ơn vua xong, Thiền sư hỏi hoàng thân Nhân Vinh:
-Như vậy là Minh đế không nói gì đến điều thỉnh cầu của bần tăng cả?
Hoàng thân Nhân Vinh đáp:
-Có chứ. Minh đế bảo việc đó sẽ giải quyết sau và hoàn toàn tùy thuộc vào Thiền sư.
-Thưa hoàng thân, bần tăng thật tình chưa rõ ý của Minh đế. Chính bần tăng đã xin hồi hương mà?
-Minh
đế cho biết, sau này muốn hồi hương, Thiền sư chỉ cần đáp ứng
một điều kiện do triều đình đưa ra là sẽ được thỏa mãn ngay.
-Triều đình yêu cầu bần tăng làm gì?
-Triều
đình không tin “Tản Viên thần dược” đó do vị dị nhân nào tặng
hết. Triều đình nghĩ thứ thần dược ấy do chính Thiền sư bào
chế ra. Nay chỉ cần Thiền sư cho viện Thái Y biết vật liệu và
công thức bào chế loại thần dược ấy là mọi việc sẽ tốt đẹp.
Hễ hôm nay Thiền sư thực hiện điều kiện ấy thì hôm sau sứ giả
của thiên triều sẽ đưa Thiền sư trở về cố quốc. Xin Thiền sư
tự quyết định lấy.
Sa di
Thiện Ứng đứng hầu trà nghe hoàng thân Nhân Vinh nói vậy nét
mặt sáng rỡ lên, sung sướng nhìn Thiền sư. Nhưng chú vô cùng
kinh ngạc khi thấy Thiền sư lắc đầu:
-Mô
Phật! Như vậy là Minh đế nhất quyết không cho bần tăng hồi
hương rồi! Khả năng của bần tăng bao nhiêu mà bào chế được loại
thần dược ấy? Triều đình đã không tin lời bần tăng đành chịu
thôi. Bần tăng xin cám ơn hoàng thân đã hết lòng giúp đỡ bần
tăng trong việc này.
Hoàng thân lộ vẻ buồn rầu:
-Thật
đáng tiếc. Chúng tôi đã mang ơn của Thiền sư rất lớn. Chúng
tôi quyết đợi dịp khác khi Minh đế vui vẻ sẽ cố xin cho Thiền
sư được thỏa nguyện chúng tôi mới đành lòng! Cứ tạm gác
chuyện đó lại đã. Còn bây giờ việc xây dựng chùa Thiền sư
tính sao?
-Thưa hoàng thân,
bần tăng chỉ cần một ngôi chùa nhỏ là đủ. Trước đây, trên
đường sang Yên Kinh, khi đi qua phủ Thiệu Hưng bần tăng tình cờ
thấy có ngọn núi Điểu Sơn cảnh sắc tươi tốt, xin thánh thượng
ban cho bần tăng một ngôi chùa nhỏ ở đó được không?
-Dĩ nhiên là được. Thiền sư muốn đặt tên chùa là gì?
-Thưa hoàng thân, nếu cho phép chọn tên bần tăng sẽ đặt tên Việt Điểu Tự?
-Thiền sư yên tâm. Chừng ba bốn tháng nữa Thiền sư sẽ có Việt Điểu Tự.
Sau khi hoàng thân đã ra về, sa di Thiện Ứng liền hỏi Thiền sư:
-Tại
sao hoàng thân cho biết điều kiện để thầy trò ta được hồi
hương dễ dàng như vậy mà thầy lại từ chối? Khi họ biết cách
bào chế loại thần dược đó họ sẽ bào chế ra nhiều để cứu
thêm nhiều bệnh nhân càng tốt chứ? Hay thầy ngại Minh đế sẽ
lật lọng?
Thiền sư Tuệ Tĩnh cười buồn:
-Con
còn trẻ quá nên có nhiều vấn đề con chưa hiểu thấu. Không
phải thầy sợ Minh đế lật lọng đâu. Nhưng con phải biết, loại
thần dược đó bào chế từ cây bồ trất. Giống bồ trất lại chịu
nóng mà không chịu lạnh nổi. Vì thế mà ở phương Bắc rất
hiếm giống cây này. Như con đã biết, giống cây này ở nước ta
lại có khá nhiều. Người Minh rất tham lam, khi họ đã biết cách
bào chế “Tản Viên thần dược”, họ sẽ cày nát nước Nam ta để
tìm bồ trất. Khi đó con biết cuộc sống của dân ta sẽ như thế
nào không? Dù họ không cố ý xâm lăng, sớm muộn nước Nam cũng
mất vào tay họ thôi! Cũng may những viên thuốc ta chỉ mới bào
chế được mấy liều và mới dùng thử cho mấy người đều có kết
quả tốt nhưng chưa kịp phổ biến giữa quần chúng. Hiện giờ thứ
thuốc đó coi như đã mất hết tăm tích! Thật sự nó sẽ biệt
tích vĩnh viễn! Tuy rủi nhưng lại hóa may cho dân tộc Việt! Từ
nay hãy quên hẳn vụ bào chế thuốc lần đó đi!
-Tiếc quá, bao nhiêu công sức nghiên cứu, bào chế thứ thuốc thần diệu đó của thầy giờ đành bỏ hết?
-Đành
vậy con ơi. Nếu để người Minh nắm được cái công thức và nguyên
liệu chế tạo thứ thần dược ấy nước Nam sẽ không cách nào
tránh khỏi tai họa đâu! Thầy không muốn mắc tội với tổ tiên,
nòi giống.
*
Sau
mấy lần sai hoàng thân Nhân Vinh lẫn viện trưởng Lục Sâm thuyết
phục Đại Y Thiền sư Tuệ Tĩnh trao đổi bí quyết bào chế “Tản
Viên thần dược” để được hồi hương không kết quả, Minh đế bèn
cho Đại Y Thiền sư về trụ trì ngôi chùa mới cất mang tên “Việt
Điểu Tự” trên ngọn núi nhỏ Điểu Sơn ở phủ Thiệu Hưng như ý
muốn của Thiền sư. Các khoản chi phí về lương thực, y phục,
dầu đèn và các thứ vật dụng linh tinh khác tại chùa đều được
nhà nước đài thọ. Lúc bấy giờ Thiền sư đã vào tuổi sáu
mươi. Ngài không còn được khỏe mạnh, bén nhạy như trước nhưng
vẫn cần cù, chăm chỉ làm việc. Nhận chùa xong, ngài dẫn sa di
Thiện Ứng đi quan sát chung quanh một vòng rồi bảo:
-Ở
đây cảnh vật tươi tốt, xa khu dân cư nên cũng khá thanh tịnh,
rất thuận lợi để thầy trò ta tập trung ý chí vào việc tu
hành.
Thấy sa di Thiện Ứng có vẻ đăm chiêu, Thiền sư tiếp:
-Bây
giờ ngõ hồi hương đã bị bít, lối vào rừng thuốc cũng vô
phương, thầy trò ta chỉ còn đường yên tâm tu học thôi!
Từ
đó, Thiền sư cùng Thiện Ứng ngày ngày chuyên lo việc dâng hương
niệm Phật, đọc sách để nghiên cứu giáo lý. Những khi cảm
thấy tinh thần không thoải mái Thiền sư lại bảo Thiện Ứng dẫn
ngài dạo quanh ven rừng để giải trí. Một hôm Thiện Ứng hỏi
ngài:
-Thầy có vẻ thích thưởng ngoạn cảnh rừng rú lắm?
-Khi
được trông thấy cảnh rừng rú, được nghe tiếng nước suối chảy
róc rách, được nghe tiếng chim kêu vượn hót là khi ta cảm thấy
gần gũi với quê hương, đất nước mình nhất. Ta rất sung sướng
với những cuộc đi dạo thế này.
-Bạch thầy, vậy là hình ảnh đất nước, quê hương cũ lúc nào cũng canh cánh trong lòng thầy?
-Đúng.
Ta đã trải hơn năm mươi năm sống gắn liền với quê hương, đất
nước thân yêu, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của ta, làm sao mà
quên được? Thật tình hằng đêm ta vẫn thả mộng hồn về đất nước
cũ, xúc động đến nhiều khi tỉnh dậy nước mắt còn nhạt nhòa…
-Bạch
thầy, lòng thầy luôn thiết tha hướng về cố quốc như vậy làm
sao mà chịu đựng mãi được? Con thấy gần hai năm thầy trò mình
về Việt Điểu Tự, Minh triều chẳng hề có một hành vi nào gọi
là theo dõi cả. Chính quyền địa phương cũng chẳng hề dòm ngó
đến thầy. Chắc họ nghĩ thầy đã già rồi, không thể làm gì gây
phiền cho họ nên họ hết quan tâm rồi. Hay con tìm cách đưa thầy
về quê cũ để sống những ngày cuối đời?
Thiền sư bỗng giật mình nói với Thiện Ứng:
-Sao
con có ý nghĩ khờ dại đến thế? Bây giờ thì có vẻ như Minh
triều chẳng quan tâm gì đến thầy trò ta thật, nhưng nếu khi
thầy trò ta biến mất con có biết họ sẽ phản ứng ra sao không?
Không phải họ sợ thầy trò ta đâu! Nhưng họ sẽ lấy sự biến mất
của chúng ta để sách nhiễu, để làm khó làm dễ nhà Trần,
không khéo họ lấy đó làm cái cớ tốt để thôn tính cơ nghiệp
nhà Trần nữa! Con phải nghe lời ta dặn, ngay cả khi ta đã tịch
rồi, con không được tự ý tìm cách trở về cố quốc vì con sẽ
không liệu được hậu quả về việc làm của con đâu!
-Cám ơn thầy đã khai ngộ cho con. Con xin hứa ghi nhớ mãi lời thầy!
*
Chừng
ba tháng sau, cũng trong một lần dạo chơi như thế, Thiền sư đã
vô tình vấp phải rễ cây nên bị té sấp một phát hơi mạnh. Sa di
Thiện Ứng vội cõng ngài về chùa để săn sóc thuốc men. Sau khi
đã uống thuốc và sai Thiện Ứng thoa bóp, thấy không có biểu
hiệu gì đáng ngại, ngài vẫn gắng ngồi tụng kinh niệm Phật.
Sáng hôm sau ngài vẫn tiếp tục làm việc. Không ngờ khn gần trưa
ngài gọi Thiện Ứng lại bảo:
-Thầy
đã lầm lẫn rồi! Thầy tự biết thầy sẽ không còn sống được
bao lâu nữa! Sau khi thầy tịch, trên mộ bia của thầy con nhớ
phải khắc một câu “Sau Này Có Ai Về Nước Nam Cho Tôi Về Với”.
Con chỉ làm vậy là đủ chứ không nên tìm cách đem thầy về nước
Nam. Con phải ở lại đất Tàu để tu hành tới nơi tới chốn thay
thầy! Con phải nhớ đấy!
Sa di Thiện Ứng vừa kinh ngạc vừa hốt hoảng rơi nước mắt:
-Bạch thầy con xin hứa. Nhưng thầy chưa đến nỗi nào đâu!
Ai
ngờ Thiền sư đã nói đúng: Ngày hôm sau thì ngài tịch! Đám
tang của ngài được tổ chức rất đơn giản. Theo lời dặn của
Thiền sư, sa di Thiện Ứng đã lập mộ bia cho ngài đã khắc đậm
câu “Sau Này Có Ai Về Nước Nam Cho Tôi Về Với”.
*
Gần
ba trăm năm sau, dưới đời Lê Hy Tông, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi
sứ sang nhà Thanh (1691), cũng đi qua phủ Thiệu Hưng, tình cờ
nghe được chuyện ngôi mộ của Đại Y Thiền sư Tuệ Tĩnh, ông liền
ghé thăm. Nguyễn Danh Nho cũng người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm
Giàng, Hải Dương. Quá xúc động trước nỗi lòng của vị đồng
hương tiền bối, Nguyễn Danh Nho đã sao lục văn bia của Thiền sư
rồi thuê thợ khắc vào một tấm đá khác để mang về nước. Tương
truyền khi tấm bia được chở về tới ranh giới hai làng Văn Thai
và Nghĩa Phú bất ngờ thuyền bị chìm. Dân hai làng tin nơi đó
là đắc địa nên đã cho dựng tấm bia của Thiền sư ở địa điểm
ấy gọi là Đền Bia.
Thiền
sư Tuệ Tĩnh là người Việt đầu tiên chủ trương “Nam Dược Trị Nam
Nhân”, ngài đã dày công nghiên cứu, khai thảc dược tính của
các loại cây cỏ để bào chế thuốc chữa bệnh, ngài cũng dạy
dân phép giữ vệ sinh để phòng bệnh. Các công trình nghiên cứu
của ngài đều được ghi chép lại để truyền cho người đời sau nên
ngài cũng được tôn là ông tổ của ngành thuốc Nam.
Ngô Viết Trọng
Lương y như từ mẫu
Trả lờiXóa