Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Tạp Ghi và Phiếm Luận : HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG. (9)

 

Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

                       HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (9)
                               (Lý thú, Hấp dẫn, Khúc Chiết, Bất ngờ. )
 
  Khi bị người đứng đầu "Tứ Đại Ác Nhân" là Ác Quán Mãn Doanh nhốt vào trong thạch thất chung với Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh mới vỡ lẽ ra là mình đã bị gạt. Sau đó, với âm mưu thâm hiễm của Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh đã bỏ thuốc "Âm Dương Hòa Hợp Tán" vào trong thức ăn mỗi ngày để cho hai anh em loạn luân với nhau hầu bêu xấu gia đình Hoàng tộc của nhà vua Đoàn Chính Minh và bào đệ Đoàn Chính Thuần. Ác Quán Mãn Doanh đã phối hợp với cốc chủ Vạn Kiếp Cốc là Chung Vạn Cừu cho mời tất cả những võ lâm đồng đạo gần đó đến để chứng kiến. Làm cho anh em Đoàn Thị, nhất là Đoàn Chính Thuần vô cùng sợ hãi và lo lắng. Cả người đọc truyện cũng lo lắng dùm cho ông, mặc dù họ cũng giận ông có con riêng rơi rớt khắp nơi. Chỉ tội nghiệp cho anh em Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh đều là nạn nhân do hậu quả việc làm của người lớn gây nên mà phải bị nhục lây. Khi cửa thạch thất được mở ra thì Đoàn Dự áo quần xốc xếch trên tay bồng một cô gái cũng xốc xếch áo quần chạy ra. Mọi người cùng kêu Ồ lên một tiếng, trong khi gia tộc họ Đoàn đều nhắm mắt quay đầu không nở nhìn cảnh xấu hổ nhục nhã đó. Bỗng nghe Chung Vạn Cừu phu nhân kêu lên :"Chung nhi, là con sao !?". Thì ra cô gái mà Đoàn Dự bồng trên tay là Chung Linh con của Chung Vạn Cừu, chớ không phải Mộc Uyển Thanh. Bấy giờ Đoàn Chính Thuần mới hoàn hồn mở mắt ra và nói lời đãi bôi mai mĩa :"Cám ơn Chung Cốc chủ đã hậu ái mà cho Chung tiểu thơ ở chung với khuyển tử. Ta sẽ cho đem lễ vật đến cầu hôn sau !". Chung Vạn Cừu giận tím cả mặt, muốn bêu xấu người ta ngược lại tự bêu xấu mình; ông chạy đến xáng cho con gái bột bạt tai mắng rằng :"Con tiện nhân không biết xấu hổ, ngươi đi đâu trong đó cho nhục nhã vậy !". Đoạn ông chạy vào thạch thất tìm Mộc Uyển Thanh lôi ra để cùng chịu nhục với gia đình ông; nhưng trong thạch thất lại trống trơn nào có thấy bóng dáng của ai đâu !?
     Đọc đến đây người đọc nào cũng thở phào nhẹ nhỏm, họ mừng cho anh em Đoàn Dự khỏi bị nhục, chớ không phải họ yêu thương gì cái ông cha Đoàn Chính Thuần hào hoa bạc tình kia. Nhưng mọi người đều cũng hết sức ngạc nhiên ! Kim Dung đã cho Mộc Uyển Thanh biến đi đâu ? Sao Chung Linh lại ở chung với Đoàn Dự trong thạch thất. Thì ra "Ông Bụt" Kim Dung đã cho Ba Thiên Thạch là một trong Tam Công của nước Đại Lý, ông xuất thân là môt đạo tặc chuyên đào tường khoét vách. Ba Thiên Thạch đã cùng với Hoa Tư Đồ và Phạm Tư Mã lên kế hoạch đào một đường hầm từ bên ngoài Vạn Kiếp Cốc vào đến thạch thất để cứu người, vì địa thế trong cốc quanh co, nên đào nhầm đường lạc vào phòng thuốc của Chung Vạn Cừu, trong lúc Chung Linh đang vào tìm thuốc giải "Âm Dương Hòa Hợp Tán" cho Đoàn Dư và Mộc Uyển Thanh; Ba Thiên Thạch sợ lộ bèn bắt Chung Linh lôi xuống đường hầm, khi ba người đào đến thạch thất cũng vừa lúc bên ngoài quần hùng đang tề tựu, bèn tương kế tựu kế đặt Chung Linh lên tay Đoàn Dư lúc bấy giờ đang mê sảng, cởi áo khoát bên ngoài của Chung Linh khoát lên mình Mộc Uyển Thanh rồi lôi xuống hang và kéo đá lấp miệng hang lại. Thế là "Đẩu Chuyển Tinh Di" hoán đổi một cách tài tình làm cho người trong cuộc người ngoài cuộc đều rất lấy làm ngạc nhiên và vô cùng thích thú !
        
                              Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh trong thạch thất

       Chuyện võ hiệp của Kim Dung hơn người là nhờ vào các tình tiết chuyển tiếp hư hư thực thực thần bí một cách khó đoán như thế đó, nhưng khi vỡ lẽ ra thì lại rất thực tế và hợp với "lô-gích" của đời sống hằng ngày, làm cho người đọc vừa ngạc nhiên vừa thích thú, vừa tò mò lại vừa được thỏa mãn, nên cứ muốn theo dõi và đọc mãi !... Một ví dụ nữa :
       
     Khi Lệnh Hồ Sung đã làm chưởng môn của phái Hằng Sơn rồi; trong lần đại hội ở Hoa Sơn, Nhậm Ngã Hành khuyên Lệnh Hồ Sung đem phái Hằng Sơn nhập vào Nhật Nguyệt Thần Giáo xong sẽ cho chàng làm Phó Giáo Chủ. Lệnh Hồ Sung đã từ chối và Nhậm Ngã Hành đã nổi giận tuyên bố trước mấy vạn giáo chúng là : Trong vòng một tháng sẽ tiêu diệt phái Hằng Sơn và sẽ giết sạch cả chó gà cũng không tha. Lệnh Hồ Sung xuống núi trong cái tâm trạng vô cùng buồn bã lo lắng, vì không thể nào đem phái Hằng Sơn toàn là ni cô nhập vào Ma giáo cho được, không thoả hiệp được với Ma Giáo thì mối tình giữa chàng và Doanh Doanh cũng sẽ hết mong sum họp. Nhưng đối kháng với lực lượng mấy vạn người của Ma giáo, nếu họ cùng kéo lên Hằng Sơn thì với vài trăm nữ đệ tử của phái Hằng Sơn sẽ qủa bất địch chúng và sẽ bị tiêu diệt, chết không chỗ chôn thây. Nếu có cố gắng chống cự thì cũng chỉ giết được vài ngàn  giáo chúng là cùng. Nên chỉ còn có nước ngồi chờ chết mà thôi ! May sao Thiếu Lâm và Võ Đang hay tin cùng huy động số đông anh hùng hào kiệt khắp nơi đến giúp phái Hằng Sơn chống lại Ma giáo, lại đem theo cả thuốc nổ, địa lôi, lập ra nhiều phương án đối kháng quy mô để chống lại Ma giáo, lại lập ra các phòng tuyến định dùng kế để chiêu dụ và tiêu diệt Nhậm Ngã Hành, lại bố trí sẵn cả con đường rút lui để bảo toàn lực lượng. Mọi sự chuẩn bị đều được sắp xếp ổn thỏa đâu ra đó, chỉ còn đợi thời gian để quyết chiến một phen mà thôi. 
     Bỗng có tin là Giáo Chủ Ma Giáo sẽ lên núi để bái phỏng Lệnh Hồ Sung. Mọi người đều khẩn trương không biết là Ma Giáo đang chơi trò hú tim gì đây, tất cả đều cảm thấy lo lắng và hồi hộp chờ đợi. Phương Chứng Đại Sư của Thiếu Lâm, Xung Hư Đạo Trưởng của Võ Đang đều bố trí đệ tử bản môn theo kế hoạch phòng thủ. Một chiếc kiệu hoa lộng lẫy được giáo chúng Ma Giáo hộ tống lên núi với rất nhiều lễ vật qúy giá. Lệnh Hồ Sung đã bí mật tiếp kiến giáo chủ Ma Giáo. Xong xuôi bèn đưa đoàn kiệu xuống núi. Mọi người vẫn còn đang ngơ ngác không biết việc gì đã xảy ra. Đến khi Đào Cốc Lục Tiên tiết lộ, mới biết là ngồi trong kiệu không phải là Giáo chủ Nhậm Ngã Hành mà là Thánh cô Nhậm Doanh Doanh đến báo tin là Nhậm Ngã Hành đã lên cơn bạo bệnh và qua đời rồi. Hiện tại Nhậm Doanh Doanh mới là Giáo Chủ của Nhật Nguyệt Thần Giáo...

      Đến nước nầy, đọc giả mới biết là mình đã bị "Đại hiệp Kim Dung" xí gạt. Ông ta cố hư trương thanh thế làm như là phái Hằng Sơn sẽ bị tiêu diệt đến nơi rồi, làm cho người đọc cũng lo lắng khẩn trương dùm cho phái Hằng Sơn và tội nghiệp cho Lệnh Hồ Sung và Nhậm Doanh Doanh. Cái nầy trong "tam thập lục chước" gọi là Thanh Đông Kích Tây 聲東擊西, ta nói là Dương Đông Kích tây 揚東擊西, nên mặc dù thấy mình đã bị gạt đọc giả cũng vui lòng cho Kim Dung gạt, vì thấy kết thúc bằng cách cho tên Giáo chác ôn Nhậm Ngã Hành chết thì ai cũng cảm thấy nh nhõm và vui lòng cả !
 
                                 Lệnh Hồ Sung và Thánh cô Nhậm Doanh Doanh
    
        Những tình tiết chuyển tiếp bất ngờ gây cấn và thú vị ngoài dự liệu của độc giả. Cũng trong "Tiếu Ngạo Giang Hồ"...
        Định Dật Sư Thái trước khi chết đã ủy thác cho Lệnh Hồ Sung làm Chưởng Môn của phái Hằng Sơn toàn là ni cô. Thấy như có vẻ tùy tiện, một gả đàn ông nam nhi đang lúc trai tráng, có đời sống phóng túng và uống rượu như "hũ chìm" mà cho làm Chưởng Môn của một phái toàn là đàn bà con gái, lại còn là ni cô nữa chứ; chỉ vì anh ta giỏi kiếm pháp Hằng Sơn hơn cả Chưởng môn cũ nữa mà thôi. Nhưng, xét ra thì cũng hợp lý vì tuy mang tiếng phóng túng nhưng Lệnh Hồ Sung lại rất xem trọng đạo nghĩa và rất biết giữ kẻ phân biệt nam nữ một cách cẩn trọng, như trong việc cứu tiểu sư cô Nghi Lâm. Lệnh Hồ Sung bị Điền Bá Quang chém cho bị thương trong khi Nghi Lâm đã bị Điền Bá Quang điểm huyệt không thể lấy thuốc kim thương cất ở trong mình ra để cầm máu cho Lệnh Hồ Sung được, nên bảo Lệnh Hồ Sung mò trong mình mình để lấy. Lệnh Hồ Sung thà chịu đau xé vạt áo buộc đỡ vết thương lại chớ không chịu mò vào mình cô tiểu sư muôi xinh đẹp kia để lấy thuốc cầm máu cho mình. Cho nên, việc ủy thác cho Lệnh Hồ Sung làm chưởng môn của phái Hằng Sơn là một quyết định đúng đắn, chứng tỏ sự kính trọng và tin tưởng anh ta mới giao cho trọng trách đó. Sứ giả của phái Tung Sơn cũng đã phản đối :"Phái Hằng Sơn từ trước đến nay đều do một nữ ni tiền bối đãm trách, Lệnh Hồ Sung là một nam nhân, sao có thể phá đi cái quy củ truyền thống từ mấy trăm năm qua của phái Hằng Sơn được chứ ?. 
        Nhưng những tình tiết chuyển biến của cốt truyện sau nầy phải để cho Lệnh Hồ Sung làm Chưởng Môn của một phái nào đó thì mới tham dự một cách hợp tình hợp lý và danh chánh ngôn thuận khi Tả Lãnh Thiền muốn hợp nhất cả năm phái lại thành NGŨ NHẠC PHÁI, vì bản thân Lệnh Hồ Sung đã bị Nhạc Bất Quần tuyên bố trục xuất khỏi phái Hoa Sơn rồi, nên không còn ăn nhập gì tới Ngũ Nhạc Phái nữa cả ! Kim Dung đã rất có ý và dụng tâm sâu xa khi "Chuyển một cái Tiếp" lắc léo ngoài dự đoán của đọc giả nầy. 
             
                             Lệnh Hồ Sung tiếp nhận  Chưởng môn phái Hằng Sơn

       Kim Dung còn rất giỏi chuyển các tình tiết của câu truyện vào thế bí, rồi tìm cách tháo gở đưa câu truyện lên đến cao trào cho càng hấp dẫn hơn. Đây cũng là một cách viết liều lĩnh của Kim Dung, vì nếu giải quyết không khéo thì câu truyện sẽ trở nên nhạt nhẽo không ra sao cả ! Ví dụ như :
       Trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" Trương Thúy Sơn của phái Võ Đang là danh môn chính phái yêu và kết hôn với Ân Tố Tố là con gái của Ân Thiên Chính Thiên Ưng Giáo là một chi nhánh của Minh Giáo (Ma Giáo). Kim Dung đã cố ý đem hai phe phái chính tà ghép lại với nhau một cách liều lĩnh để tạo thêm những tình tiết gây cấn tột đỉnh cho sau nầy. Khi Trương Vô Kỵ được 5 tuổi, thì vợ chồng Trương Thúy Sơn cùng rời Băng Hỏa Đảo về đất trung nguyên. Dĩ nhiên, Thiên Ưng Giáo và Phái Võ Đang đều vui mừng vô hạn. Nhưng chỉ ít lâu sau, việc Ân Tố Tố đả thương Tam hiệp Dư Đại Nham bại lộ, Trương Thúy Sơn vừa thẹn vừa giận vừa thương vừa lòng đau như cắt, lạy tạ sư phụ và các sư huynh đệ đồng môn xong tự vận ngay đương trường lấy cái chết để tạ tội; Ân Tố Tố thấy chồng đã chết cũng tự vận chết theo. Trong khi niềm vui đoàn viên chưa trọn thì đã có tới hai tử thi chết thảm ở đương trường. Đây là một tình tiết hào hùng bi thảm đầy nghĩa khí giữa Thất hiệp của núi Võ Đang mà cũng đầy tình nghĩa vợ chồng sống chết có nhau của Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố, làm cảm động người đọc một cách chân tình và bất ngờ , vì trước đó không ai nghĩ là "Vợ Chồng Trương Ngũ Hiệp" đều chết cả. Đây cũng là những tình tiết éo le, hấp dẫn dễ đánh động lòng người.
                         Võ Đang Ngũ Hiệp : Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố

      Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung còn hay ở chỗ : Chẳng những tình tiết éo le, ly kỳ, gây cấn, mà những tình tiết đó còn hợp với tình lý của lẽ thường tình và rất thực tế. Những tình tiết của ông luôn luôn ra ngoài dự đoán của người đọc, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì thấy nó cũng rất hợp với ý của người xem. Chỉ là ta không có dụng tâm suy nghĩ cho kỹ mà thôi ! Ví dụ như...
      Trong "Thiên Long Bát Bộ", cái người sống rất bình thản, không có ý tranh danh đoạt lợi hay hơn thua với ai cả, là cái anh chàng Đoàn Dự, thì rốt cuộc lại được làm vua. Còn cái anh chàng Mộ Dung Phục suốt ngày cứ mơ ước được làm vua, sử dụng mọi thủ đoạn, tìm đủ trăm phương ngàn kế để được làm vua, rốt cuộc lại khùng khùng điên điên, xưng vua với lũ trẻ nít ngoài đồng. Còn nhà sư Hư Trúc luôn luôn giữ đúng giới luật thanh qui một cách nghiêm chỉnh, thì cuối cùng lại trở thành Phò Mã của xứ Tây Hạ với đầy đủ vinh hoa phú qúy. Đáng thương nhất, đáng kính trọng nhất, mà cũng hào hùng nhất là Tiêu Phong, con người đầy nghĩa khí với lòng yêu thương dân chúng, muốn cho mọi người được sống an cư lạc nghiệp, ông đã phải hy sinh thân mình để đổi lại sự yên bình cho dân chúng hai nước Đại Liêu và Bắc Tống. Diễn biến cuộc đời của các nhân vật nêu trên, trước đó ta không bao giờ nghĩ tới sẽ có một kết cuộc như thế. Nhưng khi chuyện đã xảy ra rồi thì ta thấy đó cũng là những diễn tiến hợp lý của cuộc đời mà thôi ! Lại như trong...
      "Tiếu Ngạo Giang Hồ" có Nhạc Bất Quần là Chưởng môn của phái Hoa Sơn mà mọi người đều tôn xưng là "Quân Tử Kiếm" lại làm ra những chuyện thương thiên hại lý, bị mọi người nguyền rủa và gọi là "Ngụy Quân Tử". Người đọc có hơi bất ngờ, nhưng nếu quay đầu nhìn lại những việc mà ông ta đã làm thì sẽ thấy không chút ngạc nhiên nào cả ! Trước tiên, ông ta đã cùng lúc với phái Thanh Thành, phái đệ tử và con gái đến cạnh chừng Phúc Uy Tiêu cục để dò la. Rồi nhân lúc Lệnh Hồ Sung bị thương ngất xỉu, ông ta đoạt lấy Tịch Tà Kiếm Phổ, rồi lại ghép tội Lệnh Hồ Sung và trục xuất khỏi sư môn. Thủ đoạn đê hèn thâm độc khiến mọi người đều nguyền rủa. Khi Tả Lãnh Thiền chủ trương hợp nhất Ngũ Nhạc Phái thì Nhạc Bất Quần đứng về phe ông ta không phản đối, để cho ông ta mất cảnh giác không để ý đến mình. Nhưng trong âm thầm Nhạc Bất Quần đã ngấm ngầm tiêu diệt những người phản đối hợp nhất ngũ phái, như sát hại Định Dật Sư Thái của phái Hằng Sơn... Khi bộ mặt thật đã lộ với Tịch Ta Kiếm Pháp chọc mù mắt Tả Lãnh Thiền với giọng nói eo éo bán nam bán nữ, để dành lấy chức vụ Chưởng Môn của NGŨ NHẠC PHÁI, thì mọi người mới thấy kinh tởm cho con người Ngụy Quân Tử nầy. 
        Thì ra, cái kẻ giả danh là quân tử còn đáng sợ hơn là đứa tiểu nhân chính hiệu nhiều !       
           

   Đoàn Dự        Tiêu Phong             Hư Trúc      Mộ Dung Phục         Nhạc Bất Quần          
         
      Còn Âu Dương Phong trong "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" thì luyện công luyện đến tẩu hỏa nhập ma. Vọng ngược đầu trở xuống đi bằng hai cánh tay, nội lực nghịch chuyển thần trí hôn mê tán loạn. Ngay cả nhìn cái bóng của mình mà cũng đâm ra sợ hãi la lên :"Đừng đuổi theo ta, đừng đuổi theo ta !". Ai mà ngờ được kết cục sẽ là như thế đâu; nhưng nếu suy gẫm lại thì cũng hợp tình hợp lý, vì Âu Dương Phong đã bất chấp thủ đoạn tranh giành cho được "Ngũ Âm Chân Kinh giả" Rồi lại cố chấp hấp tấp để luyện cho xong võ công trong đó để tranh hùng xưng bá, muốn làm nhân vật số một trong kỳ "Luận Kiếm Hoa Sơn" sắp tới cho nên mới bị tẩu hỏa nhập ma như thế.

      Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung luôn luôn có những tình tiết ly kỳ ngoài sự dự đoán của mọi người, nhưng lại rất hợp tình hợp lý !  


      Hẹn bài viết tới !

                                                                                              杜紹德
                                                                                          Đỗ Chiêu Đức
 
Ảnh Ngọc Huệ PV
 

 
 

1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...