Tạp Ghi và Phiếm Luận :
HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (8)
(Lý thú, Hấp dẫn, Khúc Chiết, Bất ngờ. )
Giang Nam Thất quái
Truyện võ hiệp Kim Dung còn làm cho người ta cảm thấy lý thú, hấp dẫn với những tình tiết dí dõm bất ngờ, như cách đặt tên và danh hiệu cho các nhân vật; chẳng hạn trong truyện "Thiên Long Bát Bộ 天龍八部" có "Tứ Đại Ác Nhân 四大惡人" là :
- ÁC Quán Mãn Doanh 惡貫滿盈 là Tội Ác đầy cả trời đất : Đoàn Diên Khánh 段延慶. Ông là cha đẻ của Đoàn Dự.
- Vô ÁC Bất Tác 無惡不作 là Không có cái ác nào mà không làm : Diệp Nhị Nương 葉二孃. Bà là mẹ của nhà sư Hư Trúc.
- Hung Thần ÁC sát 凶神惡煞 là Ông thần hung ác dữ dằn : Nam Hải Ngạc Thần 南海鱷神. Ông muốn thu Đoàn Dự làm đồ đệ, kết cục phái bái Đoàn Dự làm sư phụ.
- Cùng Hung Cực ÁC 窮凶極惡 là người Hung dữ ác độc hết mức : Vân Trung Hạc 雲中鶴. Rất giỏi về khinh công và cũng rất háo sắc.
Ta thấy :
- Người Ác thứ nhất thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng đầu : ÁC Quán Mãn Doanh.
- Người Ác thứ nhì thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng nhì : Vô ÁC Bất Tác.
- Người Ác thứ ba thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng ba : Hung Thần ÁC sát.
- Người Ác thứ tư thì ngoại hiệu có chữ ÁC đứng tư : Cùng Hung Cực ÁC.
Kim Dung đã rất dụng tâm khi tạo ra ngoại hiệu cho Tứ Ác Nhân nầy, khiến người đọc khi nhận ra thì cảm thấy thật lý thú.
Chương mở đầu trong Truyện "Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龍記" có "Côn Luân
Tam Thánh 崑崙三聖". Ai cũng tưởng đó là "Ba ông Thánh ở núi Côn Luân", ngay
cả nhân vật trong truyện là Quách Tương cũng tưởng là thế; Ai ngờ Côn
Luân Tam Thánh chỉ có một người giỏi cả ba môn CẦM, KIẾM, KỲ; là Cầm
Thánh, Kiếm Thánh và Kỳ Thánh; có nghĩa : Người nầy đàn thật giỏi là
Thánh ở môn đàn cầm; Kiếm pháp thật hay là thánh về kiếm pháp và Đánh cờ
thật siêu, là ông thánh của cờ vây. Nhưng lại có cái tên nghe thật
khiêm tốn là họ HÀ, tên là TÚC ĐẠO, là HÀ TÚC ĐẠO 何足道.
HÀ 何 là : Sao mà; TÚC 足 là : Đủ để; ĐẠO là : Nói đến. Vừa hiệu vừa
tên đọc liền một dãy thành :"CÔN LUÂN TAM THÁNH HÀ TÚC ĐẠO 崑崙三聖何足道"; Có
nghĩa :"Sao có thể nói được là Công Luân Tham Thánh chớ ?". Nghe bề
ngoài như rất khiêm tốn nhưng trong thâm tâm cũng có ý rất tự cao, tự
hào :"Tại mọi người gọi tôi là Tam Thánh chớ tôi không dám tự xưng đâu
nhé !".
Côn
Luân Tam Thánh HÀ TÚC ĐẠO là ông Tổ khai sáng ra phái Côn Luân sau nầy,
cũng như Quách Tương khai sáng phái Nga My, Trương Quân Bảo (Tam Phong)
khai sáng phái Võ Đang trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký vậy.
Còn trong TIẾU NGẠO GIANG HỒ 笑傲江湖 thì có HOÀNG HÀ LÃ TỔ 黃河老祖. Mới
nghe ai cũng tưởng chỉ có một người, nhưng thật ra đến hai người, là cặp
bài trùng : Lão Đầu Tử 老頭子, người bào chế ra Tục Mệnh Bát Hoàn để cứu
con gái; và Tổ Thiên Thu 祖千秋, chuyên gia về rượu và ly chén dùng để uống
rượu.
TỔ
THIÊN THU 祖千秋, Họ TỔ 祖 tên TÔNG 宗. TỔ TÔNG 祖宗 là Ông bà Ông vãi; hiệu là
THIÊN THU 千秋. Tổ Thiên Thu là Ông Tổ của ngàn thu ngàn năm.
LÃO ĐẦU TỬ 老頭子, Họ LÃO 老 tên GIA 爺, ai cũng phải kêu bằng LÃO GIA
老爺, là Ông Nội, Ông Chủ; hiệu là ĐẦU TỬ 頭子, Lão Đầu Tử là : Ông già, Ông
Cha, kêu theo kiểu bình dân. Lão Đầu Tử có cô gái vì tiên thiên bất túc
bệnh rề rề suốt năm, nên ông ta đi khắp nơi tìm đủ loại được thảo quý
hiếm để bào chế ra Tục Mệnh Bát Hoàn cho con gái tiếp tục kéo dài sinh
mạng. Ông sợ con gái của mình chết yểu, nên đặt tên cho cô ta là LÃO BẤT
TỬ 老不死; Có nghĩa là :"Đến già cũng không chết"! Cái con nhỏ bệnh ế rề
rề mà lại có tên là "Đến già cũng không chết!). Làm cho ta nhớ lại BAO
BẤT ĐỒNG 包不同 (Bao Bất Đồng có nghĩa : Bảo đãm không đồng ý!), người mà
mở miệng ra là nói ngay bốn chữ "Phi dã, phi dã 非也,非也!"(Không phải,
không phải đâu!). Bao Bất Đông có cô con gái tên là BAO BẤT TỊNH 包不靚.
TỊNH 靚 là đẹp một cách lộng lẫy. Nên BAO BẤT TỊNH 包不靚 có nghĩa :"Bảo đãm
không đẹp lộng lẫy chút nào cả !". Con gái ham đẹp mà lại có tên là :
Bảo đãm Không đẹp chút nào cả !... Thì quả thật là tếu lâm !
Qua các cách đặt tên hiệu ở trên, cho ta thấy Kim Dung vừa hài hước
và cũng vừa sâu sắc một cách dí dõm, làm cho người đọc vừa hụt hẫng vì
đoán sai lại vừa cảm thấy thích thú khi phát hiện ra sự thật.
Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung còn hấp dẫn ở chỗ vượt qua khỏi những
mô hình cổ điển "CHÍNH luôn thắng TÀ". Kẻ gian tà tuy võ công lợi hại
nhưng rốt cuộc luôn bị bại bởi những người chính trực. Cứ rập khuôn như
thế thì đọc riết cũng đâm ra thấy chán. Kim Dung đã bức phá ra khỏi cái
khuôn khổ đó. Như trong "Tuyết Sơn Phi Hồ" và "Phi Hồ Ngoại Truyện" có
Hồ Nhất Đao 胡一刀 là một anh hùng bản sắc chính trực lại trúng phải âm mưu
ám toán của kẻ tiểu nhân thoa thuốc độc lên đao mà vong mạng; Còn kẻ
tiểu nhân thất đức là Điền Quy Nông lại có được một ngoại mạo bề ngoài
thật đoan trang tuấn tú, làm cho vợ của Miêu Nhân Phượng phải bỏ nhà đi
theo. Còn trong "Xạ Điêu Anh Hùng Truyện" thì kẻ ác Tây Độc Âu Dương
Phong không có bị người quang minh chính trực là Cửu Chỉ Thần Cái đánh
bại, mà ngược lại Hồng Thất Công lại bị ông ta hại cho mất hết võ công.
Những kẻ thuộc phe phản diện ác độc gian tà như Âu Dương Khắc, Dương
Khang không phải do phe chính trực sát hại mà đều chết do tay của những
người gian ác. Âu Dương Khắc bị Dương Khang giết, Dương Khang chết là do
chất độc rắn của Âu Dương Phong. Còn Giang Nam Thất Quái chuyên hành
hiệp trượng nghĩa, thì sáu người đều bị chết về tay của kẻ xấu. Kim Dung
đã đặt những nhân vật của mình vào một hoàn cảnh lịch sử khắc khe. Như
Thành cát Tư Hãn đánh tới đâu là tàn sát giết hại dân lành tới đó, đã ép
buộc Quách Tĩnh đem binh đi đánh nhà Tống khiến cho mẹ của Quách Tĩnh
phải tự sát, nhưng ông ta vẫn hoàn thành đại nghiệp Đế quốc Mông Cổ của
mình, trong khi Quách Tĩnh là người dân lành chính trực cũng phải chịu
bó tay mà không thể vãn hồi đại cục cho được...
Kim Dung thường tổng hợp nhiều mô hình tiểu thuyết võ hiệp, như "Mô
Hình Phục Thù 復仇模式" như con báo thù cho cha mẹ, đệ tử báo thù cho sư
phụ... "Mô Hình Tranh Chấp 爭執模式" như tranh giành kho báu, tranh giành bí
kíp võ công, Tranh giành Bảo đao Bảo kiếm hoặc Linh đơn diệu dược...
rồi thêm vào những tình tiết thường thấy, như trên đường phục thù lại
yêu nhầm con cái hay đồ đệ của kẻ thù. Ngoài ra còn có các mô hình khác
như "Tranh Hùng 爭雄" xưng bá võ lâm, "Phục Ma 伏魔" trừng trị kẻ ác, "Kháng
Bạo 抗暴" phản kháng chống lại bạo lực, bạo quyền, "Ngôn Tình 言情" tả lại
những mối tình lãng mãn, những mối tình vượt lễ giáo... Như...
"Bích Huyết Kiếm" viết về Viên Thừa Chí phục thù rửa hận cho cha là
Viên Sùng Hoán. "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" là tranh giành bảo đao Đồ Long và Ỷ
Thiên Kiếm, "Anh Hùng Xạ Điêu" thì tranh giành Võ Mục Di Thư và Cửu Âm
Chân Kinh, "Tiếu Ngạo Giang Hồ" là phục ma diệt bạo những ngườicó tham
vọng như Tả Lãnh Thiền và Ngụy Quân Tử như Nhạc Bất Quần. "Thư Kiếm Ân
Cừu Lục" là kháng chiến chống lại bạo quyền... Kim Dung không lọt vào
khuôn mẫu của các mô hình một cách cứng ngắt thụ động, mà kết hợp nhiều
mô hình lại trong cùng một tác phẩm. Như trong "Xạ Điêu Anh Hùng
Truyện", hai gia đình của Quách Khiếu Thiên và Dương Thiết Tâm gặp nạn,
Quách Tĩnh và Dương Khang cùng quyết tâm trả thù cho cha mẹ gia đình (Mô
hình Phục Thù), cùng tìm kiếm và tranh giành Võ Mục Di Thư và Cửu Âm
Chân Kinh (Mô hình Tranh Báu); Các cao thủ Luận Kiếm Hoa Sơn (Mô hình
Tranh Hùng), Quách Tĩnh và Hoàng Dung cùng giúp quan binh giữ thành
Tương Dương chống quân Mông Cổ (Mô hình Kháng Bạo)... Thậm chí còn chen
vào một số tình tiết Trinh Thám, như Giang Nam Ngũ Quái bị sát hại trên
đảo Đào Hoa, ai cũng nghi là do Hoàng Dược Sư gây nên, nhờ có Hoàng Dung
tinh ý thông minh mới phá được án oan cho cha mình, nhờ vào hai nét chữ
THẬP 十 là bên trái của chữ DƯƠNG 楊, chớ không phải chữ THẬP 十 trên đầu
chữ HOÀNG 黃 và nhất là nhờ vào chiếc giày con có chữ Tỉ Võ Chiêu Thân bị
Diệu Thủ Thư Sinh trước khi chết đã trổ tài "Diệu Thủ Không Không" lấy
được trong mình của Dương Khang... Còn "Thần Điêu Hiệp Lữ" là quyển tiểu
thuyết Ngôn Tình, mở đầu bằng mối tình ngang trái giữa Lục Triển Nguyên
và Lý Mạc Sầu đưa đến sự tàn độc nhẫn tâm của Lý Mạc Sầu sau nầy; Mối
tình vượt ra ngoài vòng lễ giáo giữa thầy trò Dương Quá và Tiểu Long Nữ;
Những mối tình "Đơn Tư 單思" một chiều của Trình Anh, Lục Vô Song, Công
Tôn Lục Ngạc và Quách Tương đối với Dương Quá; Song song cũng có những
mối tình êm đẹp suôn sẻ như Quách Phù và Gia Luật Tề, Anh em nhà họ Võ
với Hoàng Nhan Bình và Gia Luật Yến... và cũng có "Tranh Báu" như phái
Cổ Mộ Lý Mạc Sầu và Tiểu Long Nữ tranh nhau bí kíp "Ngọc Nữ Tâm Kinh", "Kháng Bạo" như quần hùng giúp giữ thành Tương Dương chống lại quân Mông Cổ, Dương Quá dùng Đàn Chỉ Thần Công búng viên đá giết chết Đại Hãn Mông Ca. "Tranh Hùng" như Luận Kiếm Hoa Sơn ở phần cuối truyện...
Tiểu Thuyết võ hiệp của Kim Dung còn hấp dẫn người ta bằng cách
khơi dậy tính tò mò cố hữu của con người, nên ông luôn luôn tạo ra rất
nhiều tình huống làm cho người ta thắc mắc, khó hiểu. Trong thắc mắc lớn
có thắc mắc vừa, trong thắc mắc vừa có thắc mắc nhỏ. Hết lớp nầy đến
lớp khác để khơi dậy tính hiếu kỳ làm cho người ta cứ mãi mê theo dõi
miết đến quên ăn quên ngủ. Như truyện "Tiếu Ngạo Giang Hồ" vậy, mới vào
truyện đã mở ra một tình huống hồi hộp khẩn trương để khơi dậy tính tò
mò thắc mắc của người đọc...
Thiếu gia Lâm Bình Chi của
Phúc Uy tiêu cục cùng người ấu đả. Sau khi vô tình giết chết một người
Tứ Xuyên họ Dư, thì trong đêm đó, các tiêu sư trong tiêu cục trên hai
mươi người cứ nối tiếp nhau lăn ra chết một cách bí mật mà không có
thương tích gì cả. Trước cửa tiêu cục lại có người dùng máu viết hàng
chữ :"Ra khỏi cửa mười bước sẽ chết!". Bầu không khí khủng bố lan tràn.
Tổng tiêu đầu Lâm Chấn Nam phải giải phẫu tử thi để tìm hiểu nguyên
nhân, thì mới phát hiện ra rằng các tiêu sư chết vì Thôi Tâm Chưởng của
phái Thanh Thành ở Tứ Xuyên. Trong tình cảnh nầy vợ chồng Lâm Chấn Nam
quyết định bỏ tiêu cục thoát ra từ ngõ sau để lánh nạn. Nhưng vẫn bị
giết hết cả nhà, chỉ có Lâm Bình Chi là thoát chết...
Mới đầu truyện đã treo lơ lửng nhiều nghi vấn : Tại sao lại xảy ra
thảm kịch của Phúc Uy tiêu cục ? Nhà họ Lâm đã làm gì nên nỗi nầy ? Lâm
Bình Chi thoát chết tương lai sẽ ra sao ? Có học được võ công thượng
thừa để rửa thù tuyết hận hay không ?... Một lô thắc mắc thôi thúc đọc
giả phải đọc tiếp xem cốt truyện về sau sẽ ra sao ? Nhưng khi truyện
trước chưa giải quyết được tới đâu thì những biến cố sau đã dồn dập tới :
Cao thủ của phái Hành Sơn là Lưu Chính Phong rửa tay gát kiếm, thoái ẩn
giang hồ, nhưng Ngũ Nhạc kiếm phái lại hết sức cản trở, đến nỗi muốn
sát hại cả nhà của Lưu Chính Phong, đó là vì lý do gì ? Đại đệ tử của
phái Hoa Sơn là Lệnh Hồ Sung liều mạng cứu sư muội của phái Hằng Sơn là
tiểu ni cô Nghi Lâm, thiếu chút nữa thì mất mạng, lại bị mọi người ghét
bỏ, còn bị sư phụ trách phạt phải "Diện bích tư quá 面壁思過"là tại sao ?...
Hết thắc mắc nầy đến nghi vấn khác cứ chồng chất lên nhau một cách chặc
chẽ để lôi cuốn người đọc và sẽ được Kim Dung tháo gở lần lần, có lắm
khi tới hồi kết thúc vẫn còn chưa tháo gở xong một cách dứt khoát, mà để
dành phần cho đôc giả tự "tháo gở" lấy tùy theo thiên kiến của mỗi
người. Như ở cuối truyện "Tuyết Sơn Phi Hồ", có người hỏi Kim Dung là
:"Cuối cùng thì nhát đao đó Hồ Phỉ có chém xuống hay là không ?". Kim
Dung đã cười mà đáp lại rằng :"Chính tôi cũng không biết nữa !". Ý là :
Tùy theo cách nhìn và cách giải quyết sự việc của mỗi người. Nhát đao
của Hồ Phỉ chém xuống thì sẽ như thế nào, không chém xuống thì sẽ như
thế nào, và câu chuyện sẽ kết thúc ra sao ? Tất cả mọi người đều có
quyền "tham gia" giải quyết và tháo gở cái gút mắc gây cấn, phức tạp và lý thú nầy !
Kim Dung còn giỏi ở khâu cho cốt truyện diễn biến một cách đột xuất
bất ngờ để gợi ý tò mò cuả độc giả một cách mạnh mẽ như trong một câu
truyện trinh thám. Truyện "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", chỉ trong một đêm ngủ
thức dậy thì Triệu Mẫn và thuyền Ba Tư biến mất, Hân Ly bị rạch mặt, Chu
Chỉ Nhược bị xẻo tai, Ta Tốn và Trương Vô Kỵ đều cảm thấy trong mình uể
oải... Ai, ai đã cướp đi Đồ Long Đao và Ỷ Thiên Kiếm ? Nếu là Triệu
Mẫn, thì sao nàng ta phải làm như vậy ? Tại sao lại không giết hết mọi
người để cho dứt hậu hoạn ?... Rất nhiều rất nhiều nghi vấn làm cho
người đọc phải nóng lòng theo dõi miết mà quên cả ngủ nghê ăn uống !
Kim Dung còn có thủ pháp tạo sự nghi ngờ như đánh đố để cho người
đọc đoán già đoán non với những tình tiết mập mờ, khi mờ khi tỏ, khi tối
khi sáng. Trong cái nghi ngờ lớn có cái nghi ngờ nhỏ, như trong truyện
"Hiệp Khách Hành"...
Bài thơ "Hiệp Khách Hành và Thái
Huyền Kinh" trong các hang đá trên Đảo Hiệp Khách là cái gút mắt đánh đố
lớn nhất của câu truyện, làm phát sinh những gút mắt đánh đố nhỏ tiếp
theo sau đó để tạo nên diễn tiến của câu truyện. Vì không giải mã được
các bí kíp võ công trong hang động trên Đảo Hiệp Khách, nên Long Mộc nhị
Đảo Chủ mỗi mười năm mới cho hai sứ giả Thưởng Thiện Phạt Ác đi mời các
Chưởng Môn, Bang Chủ, Người đứng đầu của các phe phái võ lâm về Đảo để
ăn Cháo Lạp Bát và cùng nghiên cứu võ công trên vách trong hang động.
Nhưng các Bang Chủ Chưởng Môn đều có đi mà không có về, vì ai nấy đều
mãi mê nghiên cứu võ công, khi chưa giải mã được các bí kíp thì đều
không chịu rời đảo. Nên hễ đáo hạn mười năm là võ lâm lại xôn xao về
chuyện Thưởng Thiện Phạt Ác. Vì thế mà Trường Lạc Bang mới bóc đại một
tên Cẩu Tạp Chủng lấy tên là Thạch Phá Thiên lên làm Bang Chủ vì có dung
mạo giống hệt như là Thạch Trung Ngọc, một hoa hoa công tử chuyên ăn
chơi và tán gái được đưa lên làm Bang Chủ trước đó để nạp mạng cho Đảo
Hiệp Khách. Những gì mà tên bại hoại Thạch Trung Ngọc làm thì tên Cẩu
Tạp Chủng Thạch Phá Thiên đều phải lảnh hậu quả, tạo nên nhiều chuyện
ngỡ ngàng tréo ngoe khó mà phân biệt được thân thế của hai nhân vật nầy.
Đưa đến mối tình tay ba trước đây giữa Hắc Bạch Song Kiếm Thạch Thanh,
Mẫn Nhu và Mai Phương Cô, cũng như mối tình tay ba giữa Uy Đức Tiên Sinh
Bạch Tự Tại, Sử Tiểu Thuý và Đinh Bất Tứ... Tình tiết phức tạp cái nọ
xọ cái kia. Đến kết cục, Kim Dung cũng chỉ giải quyết có nửa vời khi cho
mẹ nuôi của Cẩu Tạp Chủng là Mai Phương Cô tự vẫn, khi Cẩu Tạp Chủng
Thạch Phá Thiên chưa kịp hỏi về thân thế của mình; Nên chỉ có Thạch Phá
Thiên là còn thắc mắc :"Cha ta là ai ? Mẹ ta là ai ? và TA là AI đây ?"
Nhưng mọi người đều tự hiểu ngầm rằng Thạch Phá Thiên là anh em sinh đôi
với Thạch Trung Ngọc và đều là con của Hắc Bạch Song Kiếm Thạch Thanh
và Mẫn Nhu.
Cái đánh đố lớn nhứt, phức tạp nhứt mà cũng lý thú nhất là Thân
thế của ba nhân vật chính trong truyện "Thiên Long Bát Bộ 天龍八部".
* ĐOÀN DỰ 段譽 : là một thư sinh vương tử của Đoàn Hoàng Gia nước Đại
Lý, không biết võ công nhưng hay lo chuyện bao đồng, lấy đạo lý làm
người để giảng cho những vũ phu chỉ biết lộng đao múa kiếm. Cũng chính
vì tính chính nghĩa của chàng thư sinh gàn bát sách mà lại đánh động
lòng yêu thương cảm mến của các cô gái đẹp mới lớn như Chung Linh, Mộc
Uyển Thanh... Nhưng vì ông cha Đoàn Chính Thuần phong lưu hết mực, đi
đến đâu là có người yêu đến đó, nên tất cả những cô gái mà Đoàn Dự cảm
mến đều là em gái cùng cha khác mẹ với mình, kể cả người mà Đoàn Dự gọi
là "Thần Tiên Tỉ Tỉ" Vương Ngọc Yến (sau Kim Dung đổi tên thành Vương
Ngữ Yên) mà Đoàn Dự yêu chết mê chết mệt, đeo đuổi vất vả lắm mới được
nàng yêu lại. Nhưng sau nầy phát hiện ra cũng là em gái cùng cha khác mẹ
với mình, thì chàng ta lại thất vọng muốn buông xuôi tất cả kể cả tính
mạng của mình. May mà nhờ Kim Dung... tháo gở cho ở nước chót ! Thì ra,
mẹ của Đoàn Dự là Vương Phi Đao Bạch Phụng vì giận chồng quá hào hoa
phong nhã, nên đi lấy một tên ăn mày dơ dáy để... trả thù. Nào ngờ tên
ăn mày đó chính là Thái Tử Đoàn Diên Khánh bị thương vì loạn quân làm
phản. Thế là theo phong tục tập quán của nước Đại Lý lúc bấy giờ (và có
lẽ cho đến hiện nay?!) Dù là anh em chú bác hai đời nhưng không cùng cha
cùng mẹ thì đều lấy nhau được cả !
* KIỀU
PHONG 喬峰 (sau nầy là TIÊU PHONG 蕭峰) : Thân thế của Kiều Phpng là một bi
kịch lớn cho đến hồi kết thúc. Trúng gian kế của Mộ Dung Bác, quần hùng
trung nguyên giết nhầm gia đình Tiêu Viễn Sơn. Là người Khất Đan, nhưng
Kiều Phong lớn lên và thành Bang chủ của Cái Bang ở Trung nguyên. Vì là
một bản sắc anh hùng chỉ chú trọng kết giao bằng hữu nên lơ là với tấm
tình si của Mã Phu Nhân Khang Mẫn, mới bị người đàn bà dâm ác nầy làm
cho thân bại danh liệt, và còn hại cho A Châu người yêu của Kiều Phong
phải chết dưới chính tay của Kiều Phong. Truy tìm Thủ lĩnh đại ca, thì
những người biết việc nầy đều bị giết hại. Khi vỡ lẽ ra, thì người giết
hại những người đó lại chính là cha ruột của mình. Sau cùng mặc dù là
Nam Viện Đại Vương của nước Đại Liêu nhưng luôn luôn muốn cho dân hai
nước được chung sống hòa bình, không muốn dấy động can qua, nên đành
phải hy sinh một cách oanh liệt hào hùng ở ngoài cửa ải Nhạn Môn Quan.
* HƯ TRÚC 虛竹 : là một hòa thượng trẻ thuôc đời thứ ba của Thiếu Lâm
Tự. Qua sự kết giao với Đoàn Dự và Tiêu Phong thân thế mới được từ từ lộ
ra. Giải thích luôn là tại sao Vô Ác Bất Tác Diệp Nhị Nương lại hay
bắt con của người khác nựng nịu xong thì lại giết đi. Giải mã tại sao Hư
Trúc vừa sanh ra thì đã làm hòa thượng rồi. Thông qua Tiêu Dao Tử,
Thiên Sơn Đồng Mỗ, Lý Thu Thủy, Công Chúa Tây Hạ... làm cho nhà sư HƯ
TRÚC phải hoàn tục thành HƯ TRÚC TỬ 虛竹子 và là Phò Mã của nước Tây Hạ
hưởng trọn vẹn vinh hoa phú qúy mà trước đó có nằm mơ nhà sư Hư Trúc
cũng không bao giờ dám nghĩ đến !
Ba câu
truyện, ba thân thế, ba hoàn cảnh sống được Kim Dung sắp xếp cho hòa
quyện vào nhau, hô ứng nhau một cách chặc chẽ tạo nên một truyện võ hiệp
không tiền khoáng hậu đầy đủ cả Tham Sân Si, lục dục thất tình, ân oán
giang hồ với những võ công tuyệt thế làm nền cho những câu truyện sau
nầy như Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp của Cái Bang; Nhất
Dương Chỉ của Đoàn Hoàng Gia vẫn còn âm hưởng ở các truyện "Xạ Điêu Anh
Hùng Truyện" và "Thần Điêu Hiệp Lữ" sau nầy !
Mời Xem Lại :
bài rất hay
Trả lờiXóa