Bài Xướng CÁI LƯỠI
Trương Nghi còn nó, vẫn ung dung (*)
Mềm mại không xương lắm chỗ dùng (*)
Tục tử ăn ngon đầy thú vị
Danh nhân nói giỏi tựa anh hùng
Trai tài thiện nghệ trao tình ái
Gái sắc thâm khuê vẹn chữ tùng
Lắt léo nhiều đường đời hạnh phúc (*)
Trời cho cái lưỡi sướng vô cùng.
(Phan Thượng Hải)
9/10/14
(*) Chú thích:
- Diễn nghĩa từ Đông Châu Liệt Quốc:
Trương Nghi lúc hàn vi bị ông chủ bắt tội đánh tan da nát thịt. Khi được khiêng về nhà, người vợ khóc quá.
Trương Nghi liền le lưỡi và hỏi vợ:
“Nàng có thấy cái lưỡi của ta còn không?”
“Dạ, còn tốt”
“Vậy thì Nàng khỏi lo, mọi sự sẽ tốt đẹp”
Sau này Trương Nghi và Tô Tần là 2 nhà ngoại giao miệng lưỡi du thuyết hàng đầu trong thời Chiến Quốc. Từ 2 ông có một phái (school) trong Lục Gia (6 schools) là Tung Hoành Gia. (Trong Lục Gia có Nho Gia của Khổng tử và Mạnh tử và Đạo Gia của Lão tử và Trang tử là nổi tiếng nhất).
- Từ câu "Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" (Tục ngữ)
Thơ Họa:
1./ CÁI LƯỠI
(Họa nghịch vận)
Cái lưỡi không xương lợi tột cùng
Uốn cong ba tấc khác cây tùng
Dân thương buôn đón cười khôn khéo
Nhà chính trị ăn nói rất hùng
Biến hóa trắng đen luôn áp dụng
Đổi thay tốt xấu vẫn thường dùng
Miễn sao đạt được điều mình muốn (*)
Phương tiện đúng sai cũng chẳng dung. (*)
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)
11/22/16
(*) Chú thích: Từ câu: "Cứu cánh biện minh cho phương tiện".
2./ CÁI LƯỠI
Cái lưỡi không xương khá được dung
Riêng mùa bầu cử lắm người dùng
Tô mình tài giỏi, hay, can đảm
Vẽ địch gian tham, dở, hãi hùng
Chửi bới vô bằng, phe chống đối
Ngợi khen không chứng, nhóm tùy tùng
Uốn cong sự thật là công dụng
Phải trái, mấy ai hiểu tận cùng.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
11/23/16
3./ CÁI LƯỠI TRƯƠNG NGHI
Trương Nghi du thuyết rất ung dung
Miệng lưỡi khôn ngoan mãi được dùng
Lúc hứng thi tài tranh khẩu luận
Khi vui hòa điệu nhịp thư hùng
Vợ khen nức nở tăng nguồn phúc
Chồng thích say mê thấy phục tùng
Lầu thuộc tình đời muôn vạn thức
Chồng vui vợ thỏa mãi không cùng.
(Uyên Quang)
11/24/16
4./ CÁI LƯỠI
Đâu vì uốn dẻo bởi hình dung
Thiện, ác do tâm tạo cách dùng
Thị tứ ngôn phong tường gái đảm
Ba quân khẩu khí rõ trai hùng
Trung trinh khách thuyết nên hòa hợp
Chánh trực vua nghe phải phục tùng
Đạo đức, lương tri ngoài cửa miệng
Tà gian múa lưỡi, nói khôn cùng.
Lý Đức Quỳnh
4/6/2023
5./ LẺO LƯỠI
Cái lưỡi không xương dáng dẻo dung,
Nhân gian còn lắm kẻ ưa dùng.
Uốn cong biến trắng thành đen thối,
Ẽo quẹo vẽ ngu tưởng tướng hùng.
Bè bạn bấy lâu thành xấu lánh,
Gian manh tự thuở cúi lưng tùng.
Thế đời nham hiểm ai ngờ được,
Cái lưỡi không xương khó tốt cùng.
HỒ NGUYỄN (06/06/2023)
6./ KHẨU TỤNG TÂM SUY
Cái lưỡi gian hùng chẳng thể dung,
Tiểu nhân vô sỉ khó tin dùng.
Uốn cong dẻo quẹo mình mềm nhũn,
Nói ngược ra oai vẻ thị hùng.
Nghịch nhĩ ngoa mồm loài cỏ dại, (*)
Trung ngôn chính trực dáng cây tùng.
Lời vàng, miệng độc đều do lưỡi,
Khẩu tụng tâm suy lẽ chẳng cùng.
Đỗ Quang Vinh
06-6-2023
(*) quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo
(đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu
Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
lưỡi là sướng nhất đó
Trả lờiXóa