Tôi có người bạn từ thời học trung học, mấy chục năm ở nước ngoài đến giờ mới “chịu” về thăm quê nhà. Muốn mời bạn một bữa cơm gia đình cho thân tình thay vì mời ăn ở nhà hàng, nên hỏi bạn “nhớ” món ăn gì của quê nhà mà lâu nay chưa có dịp “gặp” lại. Bạn cũng thân tình trả lời: “Trong bảng thực đơn ăn uống lâu nay của mình chỉ còn thiếu một miếng cơm cháy quê nhà, mà cơm cháy nấu bằng nồi đồng mới đúng điệu”. Ôi, cái thèm của bạn hết sức chân thành, hết sức khiêm tốn, hết sức dễ thương nhưng nghĩ lại thì hết sức khó thực hiện, vì thời buổi này tìm đâu ra chiếc nồi đồng để nấu cơm cháy đãi bạn, mà dẫu có đến nhà hàng thì cũng chỉ là “cơm niêu nồi đất”!...
Tôi chợt nhớ lại thời tôi con nhỏ, trong nhà tôi ăn cơm hàng ngày bằng chiếc nồi đồng. Nghe đâu chừng là nồi từ thời bà nội tôi để lại cho ba tôi. Rồi chiến tranh loạn lạc, ba tôi chạy giặc vẫn mang đồ vật lĩnh kĩnh của ông bà nội để lại rồi sau đó mới cưới má tôi. Má quý các món “hồi môn” đó lắm nhất là cái nồi đồng, luôn nhắc nhở mấy chị tôi bưng bê rửa ráy phải cẩn thận, tránh rơi vỡ. Nhưng tôi còn nhớ rõ cái nồi đồng đó do “chạy giặc” quá nhiều nên lạc cái nắp nồi, má “chế” cái nắp bằng cái dĩa nhôm móc thêm cọng dây kẽm làm quai xách, rồi một thời gian sau nó cũng móp méo vài chỗ nên ba tôi dùng búa gõ sửa chỗ móp. Lúc nhỏ, tôi nghe má kể, thuở đó ở quê, mọi nhà toàn xài đồ đất. Cơm nấu nồi đất ăn cũng tạm; nhưng thức ăn kho nấu bằng đồ đất đúng là chuyện “khổ nạn”: mùi cá thịt, mắm muối… ngấm vào các vật đựng bằng đất không cách nào rửa sạch mùi. Mùi ấy bám lưu cữu lâu ngày bốc hôi không chịu nổi. Vậy nên có cái nồi đồng dùng nấu nướng thay cho nồi đất thực sự là đáng quý.
Ngày xưa, cái thời nấu cơm bằng nồi đất rồi đến nồi đồng, cơm cháy là miếng ăn “vương giả” của con nhà nghèo, của những người thiếu ăn. Đong gạo đổ vào nồi - buổi trưa chỉ đủ cho cả gia đình ăn, buổi chiều dư ra một chút cho phần cơm nguội sáng mai, vo bằng nước giếng, canh sao mực nước trong nồi vừa đủ chín cơm, không khô, không nhão. Nhúm lửa củi, bắt lên bếp. Khi chụm lửa cho cơm sôi phải chọn que củi cho than lâu tàn để khi cơm cạn, bươi tro than ra, vần xuống bếp để than đủ nóng làm cho cơm vừa cháy dưới đáy nồi. Phải nhớ vần nồi và xới đều cơm cho cơm nở và chín đều quanh nồi. Thêm một chi tiết nữa là khi cơm cạn, từ trên đầu ba ông táo đất vần xuống tro than, nhớ đậy một miếng lá chuối tươi giữa miệng nồi và nắp vung để giữ kín hơi nóng làm cho cơm mau chín. Mỗi lần nhấc nồi cơm ra khỏi bếp, phái nhúng đáy nồi vào chậu nước lạnh để cơm cháy dễ bóc ra, dễ lấy. Trưa nào ba má về trễ, bới để phần cho hai người xong, mấy chị em quây quần bên mâm cơm, đứa nào cũng muốn có được một miếng cơm cháy. Cơm cháy ngon nhất là cơm nấu bằng gạo lúa mới, gạo tẻ, gạo tám thơm đầu mùa. Hạt cơm vàng ngậy dính kết nhau thành một dề lớn, thơm nức mũi, chỉ nhìn thấy đã thèm chảy nước miếng. Đó là vàng, là phần thưởng của con nhà nghèo, của những người thiếu ăn. Chỉ cần một miếng, bẻ từng chút một, bỏ vào miệng nhai từ từ để thưởng thức cái hương vị ngọt ngào của đất, của khí trời, của nước, của lửa và của cả mồ hôi nước mắt người nông dân hợp lại rồi tất cả tan dần ra, thấm vào từng tế bào của mình... Ôi, sung sướng biết bao!
Ngày nhỏ, mỗi lần má bận, mấy chị đi làm hết, giao cho tôi làm nấu cơm, tôi rất sợ chuyện “nhấc nồi”. Mấy cái nồi đồng nặng trịch, đôi tay nhỏ yếu của tôi nhấc lên nhấc xuống không khéo là… tuột, lăn quay! Ngoài chuyện nặng nề, cái bất tiện nữa của nồi đồng là thức ăn nấu bữa nào phải ăn hết bữa đó, không được chứa trong nồi qua đêm. Nồi đồng đựng thức ăn để qua đêm sẽ bị “teng”, tạo ra muối sulfate đồng màu xanh ăn vào rất độc. Chuyện này tôi được má dạy từ nhỏ, không cần phải đợi lớn lên học hóa học rồi mới biết. Riêng những cái ưu việt của nồi đồng thì tôi tự biết không cần ai dạy. Do đồng dẫn nhiệt tốt nên thức ăn đun nấu bằng nồi đồng mau sôi, mau chín, chín đều và ít bị “cháy háp” nơi đáy nồi (do bất cẩn thức ăn cạn nước còn để lửa to). Đặc biệt, nồi đồng dùng nấu cơm rất ngon. Cơm thổi nồi đồng cháy sém đều bốn phía, có “mùi nồi đồng” đặc trưng rất hấp dẫn. Ai từng ăn cơm nồi đồng sẽ không bao giờ quên cái mùi ấy. Ăn nhiều hơn sẽ… đâm nghiện. Chính vậy nên sau này, khi cuộc sống đi lên, bếp nhà tôi đã được “trang bị” thêm các thứ nồi xoong bằng nhôm, gang đun nấu tiện lợi, nhẹ nhàng hơn, má vẫn giữ lại chiếc nồi đồng để thổi cơm hằng bữa.
Cơm nồi đồng đã nuôi tôi khôn lớn suốt một thời ấu thơ bên má, bên gia đình. Những bát cơm nồng nàn tình quê hương, tình mẫu tử được xới ra từ chiếc nồi đồng ngày ngày má vẫn cẩn thận giữ gìn, nấu đun, chùi rửa. Rồi tôi và các anh em tôi khôn lớn, đi học, đi làm xa, mình má vẫn cứ… nồi đồng thổi cơm. Má bảo không xài được nồi điện, bếp gas. Nửa phần đó chỉ là cái cớ. Người già quen nếp cũ; huống chi má đã gần hết một đời gắn bó cùng vị bùi, thơm của miếng cơm nấu nồi đồng…
…Trở lại chuyện bạn tôi đòi ăn cơm cháy nồi đồng, tôi biết bạn tôi thời nhỏ cũng từng khốn khổ, cũng giống như tôi, nên trong máu thịt và trong tâm thức vẫn tiềm ẩn hương vị thơm ngon của miếng cơm cháy nấu bằng nồi đồng. Nó giống như một hạt giống đã vượt qua bao thời gian, bao không gian, bao thăng trầm, bao thương nhớ để chờ dịp nẩy mầm. Bây giờ gặp lại hương đất, khí trời thân thuộc, chỉ còn thiếu nước và lửa....
Mời Xem :
Đôi Điều Về Quán Cà Phê Xưa- Lê Trung Ngân :
bài rất hay
Trả lờiXóa