Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Thái Thị Lý: PHÁO KÍCH (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                 Giữa những lằn đạn (Cõi Người Ta 5) – Tranh: THANH CHÂU

  Đại bác đêm đêm dội về thành phố….

           Hay  

                   Những đóm mắt hoả châu….

         Tôi xin mượn những cụm từ của những bài hát mà xét thấy sẽ nhắc nhớ chúng ta về đoạn thời gian xa lắc kia…tầm những năm “một ngàn chín trăm….hồi đó”!

***

         Ngày ấy, tôi độ tuổi tròn trăng và cả tuổi đôi mươi. Thơ ngây và mơ mộng nhưng lại trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh! Cuộc nội chiến kéo dài… mà dù muốn, dù không, trực tiếp hay gián tiếp tôi vẫn là người trong cuộc! Chiến tranh ngày ấy diễn ra ngay trên quê hương tôi, rất gần nơi tôi đang đứng, với đầy đủ âm thanh; hình ảnh tuy chưa thật cụ thể nhưng khi đêm về tôi “sợ lắm”!

            Đó là những chiều, trời chạng vạng, cũng có khi từ khuya qua tới sáng, đứng từ góc lan can nhà, nhìn xa xuống phía Nam, đâu như là miệt An Thạnh, Tuấn Tú…hay một ngôi làng xa xôi nào đó, cả nhà tôi đều thấy những đốm sáng hoả châu, với những đuôi khói dài; cả những tràng rốc- két từ trực thăng bắn xuống, với những đường đạn đỏ rực… tôi sợ, thật sự sợ lắm! Trong trí tưởng tượng của mình tôi hình dung cảnh người chết, nhà cháy… làng mạc tang hoang… Mắt chợt cay, lòng chợt nhói…nhưng chỉ để trong lòng! 

            Đó là những đêm đang trong giấc ngủ, chợt giật bắn người bởi những tiếng nổ thật gần, chát chúa, inh tai … mọi người trong nhà tất bật gọi nhau, cùng nấp vào góc nhà….run bần bật! Thị xã đang bị “pháo kích”!  Cái chết như đã ở trên đầu! Buồn cười, có lẽ trong tâm trạng ấy nên cứ mỗi lần rời giường chạy xuống dưới nhà, tôi đều ôm luôn cái mền đi theo và thường…đội luôn trên đầu! Lẽ đầu tiên là vì tôi không thể ngủ, nếu không đắp một cái gì đó trên người dù Phan Rang là xứ gần như nóng quanh năm; lẽ thứ hai, gần như trong vô thức, tôi sợ, sợ pháo sẽ…trúng mặt. Có chết cũng cần gìn giữ dung nhan thật vẹn toàn chăng?!

***

                 Đêm đó, pháo nổ, cả nhà đoán như ở trên tiểu khu! Vậy là ào ào chạy xuống, sợ họ pháo trúng nhà, bèn chạy hết ra sân sau, núp dưới mấy cây dừa, bỗng có tiếng bà Nội tôi la lớn: 

               – Đứa mô…kéo giùm tao! Giọng thật gấp! 

          Chỉ nghe tiếng nói mà đoán hướng, chú Cựu đến bên gốc dừa, chỗ nhà thường để “vò nước cơm”…. Bà Nội tôi đã ngồi vào đấy! Giải quyết chưa xong thì lại nghe tiếng hô lảnh lót: 

                – Tiểu đoàn 1 rút lui….Tiểu đoàn 5 tiến lên ….

           Ôi! Gần quá! Thật gần! Cả nhà im phăng phắc, lắng nghe động tịnh! Tất cả…im ắng…thật lâu, chẳng còn tiếng “điều quân”, tiếng súng cũng im bặt! Vậy là xong một cuộc tấn công! Sáng ra, bên ngoài đường hẻm ngay trước ngõ có vết ….máu! 

                 Sau đó, như mọi nhà, nhà tôi cũng lo làm “hầm trú”; đó là những bao cát màu xanh xám chất chồng lên nhau thành hầm trú, chỉ để một lối nhỏ chui vào, trên được che chắn bằng những tấm ván dày vốn là những tấm gõ dùng kê “phản”, đặt trên những thanh sắt chữ V rất chắc chắn, bên trên cũng trang bị thêm bao cát…, chiếc hầm này, ban ngày là chỗ bọn trẻ tôi chơi “năm mười”! Đêm nào có pháo kích thì mới là hầm trú ẩn! Công dụng chỉ có vậy nhưng nó được dời dọn cũng đến 2 lần! Khi đặt dưới nhà chính, lời bàn: nhà nặng, sân bằng đúc bằng xi măng cốt thép lỡ….sập xuống thì…chết là cái chắc! Vậy rồi …dời xuống nhà dưới, chỉ là mái tôn, nhẹ hơn…nhưng để chạy đến hầm thì phải qua đoạn đường xa hơn! Cục diện không bình thường, gây ra nhiều bi hài những khi có pháo kích! 

             Tôi có người dượng, chồng cô thứ Bảy! Vốn nặng tai, nặng cỡ nào chưa biết nhưng câu nói “Điếc không sợ súng” là chính xác! Trời ơi, nghe tiếng nổ trong đêm chát chúa, ai cũng giật mình, tôi vừa vơ mền đội đầu, vừa hộ tống bà Nội đã xuống tới hầm mà cô Bảy thì vừa chạy xuống vừa lầu bầu, bực tức vì nói mà “lão” không nghe, biểu xuống hầm lão cứ dửng dưng….Rồi có hôm, dượng xuống nhanh thì lại chẳng chịu vào hầm trú, cứ tơn tơn mở cửa sau ra ngoài, khi vào, cô phải thò đầu ra, kéo dượng vào thì ôi thôi không ai chịu nổi…thúi um trời! Hầm nhỏ, kín, người đông mà ổng mang nguyên một dép toàn “vàng ròng ” thì sao mà chịu nổi?!?! Ôi pháo kích đủ kiểu! Đây là chuyện của “hầm dưới nhà”!

              Hầm được dời xuống nhà dưới, rộng, thoáng hơn nhiều! Để chạy xuống, từ nhà chính có hai lối, cửa trước và cửa sau! Thường thì cả nhà chạy bằng lối sau dù gì cũng chạy trong nhà; chạy cửa trước phải ra sân! Ngày ấy nhà thường có “chiếu bạc”, nên đôi khi có cả những bác hàng xóm ở lại, ai nhà gần một vài căn thì về! Bận ấy, pháo kích lại xảy ra, sau khi sòng tứ sắc mới tan độ gần một tiếng! Pháo nổ thật gần! Cả nhà vừa chui vào hầm, tôi là người nhanh chân nhất, thì bác Đại Thành (thân chủ tứ sắc) đã lù lù trong ấy, tôi suýt la làng, bác đã nhanh miệng nói: 

               – Đại Thành, Đại Thành đây! 

          Ôi trời! Cả nhà ào ạt vào, chưa kịp xoay trở, thì…”ĐÙNG”, tiếng nổ chát chúa, kèm theo là tiếng “rào rào” trên đầu; “chết rồi”, nhà mình trúng rồi! Chưa hết kinh hoàng thì tiếng ba tôi la bai bải, vừa la vừa kêu, hình như cả khóc nữa, ba vốn là vậy, nhát gan lắm! Có lẽ sẽ có một bài “tặng ba” riêng! 

                  – Tui trúng đạn rồi! Đứt cổ, cháy cổ rồi! Cứu…cứu.. Hu…hu….

                          Trời ơi! Sao tiếng la lại ở bên ngoài? Hoá ra, ba chưa kịp vào hầm! Tôi từ bên trong chen vội, phóng ra ngoài! Tiếng pháo vẫn còn ầm ào! Vừa ra đến cửa hầm ba tôi cũng kịp đến nơi! Không dám “thắp sáng”! Trong bóng đêm, tôi cố, mà không nhìn được gì! Lấy tay sờ từ lưng dần lên vai, cổ, không thấy “ướt”! Tạm yên tâm, máu không chảy, vậy là nhẹ thôi! Mọi người xôn xao! Tiếng bác Đại Thành lo lắng: 

                – Nặng không ông Nghĩa?! Chà….

             Tôi lên tiếng trấn an mọi người: 

               – Không máu! Chắc nhẹ! 

             Ba tôi rền rĩ:

               – Cháy cổ ba rồi! Nóng lắm! Rát lắm….hư…hư….

            Tôi giải thích thêm, khi bên ngoài đã thưa tiếng nổ: 

               – Ba còn tỉnh mà! Chờ yên, có đèn mới biết! Con có thuốc sẵn lo gì?

            Không hiểu sao, tôi có ý thích làm cái chuyện cứu thương, nên lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một hộp đựng đủ các thứ cần dùng…khi xảy ra sự cố gì trong nhà thì cứ kêu “con Lý”! Rồi tiếng súng cũng im, khá lâu sau cả nhà mới dám thắp đèn, chỉ một bóng đèn “hột vịt”, chưa ai lên nhà trên! Trên ấy vẫn còn tối đen! Bây giờ tôi mới xem xét vết thương cho ông già, mà xem ra hình như không ai dám nhìn trước. Chỉ là một vết thương nhỏ bằng đồng bạc, không sâu chỉ mất phần da ngoài có lẽ do “cháy”, một vài chút da cháy đen. Chắc do một mảnh văng của trái pháo còn rất nóng lướt qua! Yên tâm, tôi lò dò lên nhà trên lấy dụng cụ y tế! Lời “nhắn gửi” thật dễ thương, của ai tôi chẳng nhớ, mà có lẽ của Bà Nội, vì xét theo tính cách, giây phút đó chẳng ai dám sai tôi, mà có đi chăng nữa cũng đừng hòng! Tôi đang có việc quan trọng: chữa thương!

                    – Xuống, bưng luôn mâm cháo trên bàn luôn nhen! Đói rồi! (Đó là mâm cháo chuẩn bị cho …..sòng tứ sắc).

              Mò mẫm, tôi cũng vào được nhà, vội lắm, nên chẳng kịp mở đèn, tôi mở tủ lấy hộp cứu thương, bưng luôn mâm cháo ngay trên bàn, sát với cái tủ! Lò mò đi xuống! Khi đi ngang qua cầu thang, một bàn tay từ dưới “gầm” đưa ra, đánh nhẹ một cái vào chân, thót tim, phản xạ tự nhiên, căng mắt nhìn xuống, trời ơi, một cái đầu nhô ra kèm theo câu nói không, chính thật là “lời rên”: 

                 – Để lại cho chú …một chén đi cháu!

             Tôi suýt quăng luôn mâm cháo mà chạy nếu chú ấy không kịp lên tiếng nhưng cũng đủ tỉnh táo để kềm chế nỗi sợ và cả bực mình, nói nhanh: 

                 – Chú bưng luôn cho rồi đi! – Bởi vì khi ấy, hai tay tôi đã bưng cái mâm, trên ấy còn cả hộp thuốc mà! 

            Đó là chú dượng của tôi, chồng cô thứ 9! Hức, nghĩ cũng lạ, ai cũng đói, ai cũng muốn ăn nhưng ai cũng …sợ! Lạ nữa, chú vốn là sĩ quan của binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến lẫy lừng sao giờ về với vai trò Cựu Chiến Binh lại mất hết dũng khí vậy không biết?! Và tôi, một con nhỏ nhát hơn thỏ đế, đêm nay bỗng chốc thành một “Nữ Anh Hùng”! Thật thú vị và vô cùng sảng khoái! 

            Khi trời sáng hẳn, dấu vết chiến tranh lưu lại thật đáng sợ! Chân trụ trước thềm nhà bay một góc; mái tôn nhà dưới nơi có hầm trú ẩn thủng lỗ chỗ …xem như hết mái nhà, với diện tích 5mx7m; cây dừa mất hơn nửa ngọn và quan trọng nhất quả pháo nổ ngay trên mái nhà của bác hàng xóm, cách nhà tôi một căn, tuy nhà bác không thiệt hại về người nhưng mảnh đạn đã ghim vào mắt bác, vậy là bác mất một bên mắt trái! 

***

             Thời gian đã lùi xa, thật xa! Nhưng tôi vẫn trăn trở và thỉnh thoảng những chuyện cũ cứ quay về! Kỷ niệm vui buồn của một thời! Chiến tranh, hình như nó vẫn vây phủ trên bốn mặt quê hương! Biên giới, rồi …biển đảo! Có lẽ ta chưa có ngày bình yên! Bao giờ, biết đến bao giờ …

Thái Thị Lý


 

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI