Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Ngôn ngữ Quảng Nôm, Quảng Ngãi

 (Ngộ Không Phí Ngọc Hùng biên soạn)

(nguồn: qnb.net.vn)

Theo lý giải của giáo sư Trần Quốc Vượng khi dạy cho học trò ở giảng đường đại học về việc thế nào là giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam được nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú dẫn lại trong sách Có 500 năm như thế thì “đó chính là giọng của các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt! Các mẹ Chàm có chồng Việt phải nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ của mình. Cái giọng ấy truyền cho con cái để thành nên giọng Quảng hôm nay!”.[2]

***

Như ta đã được biết, Chiêm Thành khi xưa được hợp thành từ hai bộ tộc lớn là tộc Cau ở phía Nam và tộc Dừa ở phía Bắc, việc hai bộ tộc này đều là người Chăm dùng sự khác nhau về tín ngưỡng và văn hóa để phân biệt kiểu như người Chăm ở Ninh Thuận và người Chăm ở Tây Ninh hiện nay. Và điều quan trọng là hai bộ tộc này có sự thống nhất về ngôn ngữ hay không? Và khi người Việt vào đất Quảng Nam thì họ giao thoa với ngôn ngữ của bộ tộc nào trong hai bộ tộc trên để hình thành giọng nói ngày nay? Đó là những vấn đề mà khoa học ngày nay chưa có câu trả lời xác đáng.

Nhưng không vì thế mà chúng ta không thể giải thích về giọng nói của người Quảng, đã có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về vấn đề này, và chúng tôi – theo cách tiếp cận riêng của mình có sự “định hướng” của GS. Trần Quốc Vượng, bằng một phương pháp luận cơ bản và phép phân tích logic kết hợp với tư liệu lịch sử có được cũng mạnh dạn đưa ra kiến giải về vấn đề này.

Theo dòng lịch sử, chúng ta người Việt di cư vào Nam theo từng đợt khác nhau. Ở đây chúng tôi chọn ba mốc thời gian là các năm 1306, 1402, và 1471 để tìm hiểu vấn đề.

1. Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý để cưới công chúa Huyền Trân, tức là vùng đất từ nam Đèo Ngang đến bắc sông Thu Bồn, và lịch sử đã cho thấy dân Việt đã vào tiếp quản vùng đất mới này. Nhưng có thể dễ dàng nhận thấy là trong giai đoạn này ngọn núi Hải Vân là trở ngại rất lớn cho đoàn người vào Nam, nên họ dừng lại ở vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên, có lẽ vì thế mà giọng nói của ba tỉnh nói trên có sự giống nhau cả về phương ngữ và từ ngữ, mà nó cũng không khác nhiều với giọng nói của người Việt vùng Nghệ – Tĩnh, chúng tôi tạm gọi đây là đợt lai lần đầu.

2. Ở đợt di cư tiếp theo, năm 1402, dưới sự tổ chức có hệ thống của cha con họ Hồ, người Việt vượt đèo vượt biển để đến vùng đất từ nam Hải Vân đến bắc sông Thu Bồn. Thành phần người di cư từ Bắc vào có thể là cư dân của vùng Nghệ An – Thanh Hóa, có thể có những người ở xa hơn nữa và tất nhiên một số lượng người không nhỏ phải có là dân vùng Bình – Trị – Thiên hiện nay. Vậy sẽ có những người nói giọng lai lần 1 lai với giọng Chăm, chúng tôi gọi đó là sự biến đổi giọng nói lần hai.

3. Ở lần thứ ba, sau năm 1471, người Việt di cư đến tận Quảng Ngãi, đẩy người Chăm lui về Bình Định, sự giao thoa văn hóa và giọng nói diễn ra lần thứ ba.

Thử suy luận về ba lần di cư này, lần đầu người Việt gặp người Chăm đã chuyển đổi giọng nói theo phương ngữ của vùng Bình-Trị-Thiên, lần thứ hai với những con người có giọng nói lai ấy và một bộ phận người ngoài Bắc nữa vào đến bắc sông Thu Bồn, hòa hợp và sản sinh ra giọng nói người Quảng Nam ở các huyện như Điện Bàn, Hội An.

Ở lần thứ ba, cũng những người ở ngoài Bắc, một số ở vùng từ Đèo Ngang đến Hải Vân, lại thêm một số nữa ở ba huyện nói trên vượt sông Thu Bồn để vào định cư dải đất phía Nam, sự giao thoa ngôn ngữ và giọng nói lại diễn ra và hình thành giọng của những người ở huyện Duy Xuyên, Thăng Bình cho đến Núi Thành. Ba lần di dân lớn ở ba giai đoạn ấy đã làm nên đặc trưng giọng nói của người Quảng Nam ?!

***

Chữ Nôm và giọng Quảng Nam

Vấn đề trở nên thú vị khi ta ngẫm nghĩ thêm về nguồn gốc giọng Quảng Nam. Trích từ Chương Dẫn Nhập của cuốn “Có 500 năm như thế” tác giả Hồ Trung Tú/HTT (Nhà Sách Phương Nam, 2011)

“.. Nhiều người không hiểu cái giọng nói của người Quảng Nam nó xuất phát từ đâu trong khi tất cả các gia phả của các dòng họ đều ghi rõ rằng thủy tổ của họ là người Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương… vào đây.

Giáo Sư Trần Quốc Vượng bảo:

“Thì các cụ vào đây đâu có đem vợ con đi được nên lấy vợ Chàm rồi sinh con đẻ cái là cái chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt ấy đã truyền lại cho con cái mình cái giọng của người Chàm nói tiếng Việt.

Cái giọng đó chính là giọng Quảng Nôm nhà cậu”.

(hết trích).

Tác giả HTT còn đề nghị là “… người Quảng Nam nói tiếng Việt bằng giọng Chăm …’”. Đây không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này nhưng cần được khai triển trong tương lai, để cho thấy những đóng góp không nhỏ của phương ngữ trong quá trình hình thành tiếng Việt.

(trích dẫn Nguyễn Cung Thông)

NGỘ KHÔNG PHÍ NGỌC HÙNG

(Biên Soạn)


 

1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...