Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Tiếng đàn của cha - Vũ Ngọc Giao

Còn nhớ đó là một đêm cuối tháng mười, tôi ngồi co ro trên chiếc giường ướt sũng, ngoài trời mưa như trút, gió rú rít gần một ngày vẫn chưa chịu ngừng. Chốc chốc tôi hé cửa nhìn ra, bốn bề nước trắng xóa. Lúc chạng vạng trong màn mưa tôi cũng kịp nhìn thấy mấy cái mủng cha để sau hè trôi ra ngõ, xác mấy con gà, con vịt nhà ai trôi lềnh bềnh. Ở góc nhà, thỉnh thoảng cha bật lửa châm thuốc, cái hộp quẹt chừng ngấm nước, chỉ xẹt xẹt lên những tia lửa nhỏ rồi tắt ngúm. Cha yên lặng ngồi bó gối nhìn ra biển nước mênh mông. Mưa vẫn trắng trời.

Tôi lớn lên bên con sông Thu Bồn hiền hòa đầy ắp phù sa. Cũng như những đứa trẻ trong làng, tôi biết bơi từ rất sớm. Năm tuổi tôi đã ra sông, theo tụi trẻ con trong làng đi nơm cá, sáu tuổi tôi đã biết lên biền hái dâu, bẻ bắp cho cha. Lần đầu dạy tôi bơi, cha cho tôi lên ghe chèo ra giữa dòng rồi thả xuống tập tôi thở nước. Cha bình thản ngồi trên ghe nhìn tôi choi choi ngụp lặn, cho tới khi tôi ho sặc sụa cha mới xuống dạy tôi bơi. Cũng nhờ nhiều lần ngụp lặn trong nước lụt nên tôi bơi dễ dàng. Không riêng gì tôi, những đứa trẻ trong làng đều vậy.

Ngoài kia gió lại rít lên, bẻ mấy tấm tôn trên nóc nhà kêu răng rắc. Cha ngồi yên như pho tượng, thấy tôi chốc chốc lại hé cửa nhìn ra, ông sốt ruột:

– Tranh thủ ngủ chút đi con, chờ ai đi chờ ông trời!

Tôi nhìn ra màn mưa đen kịt rồi quay sang cha:

– Sao nhà mình không dọn vào miền Nam? Trong đó thời tiết thuận hòa, lại có nhà nội. Sao cha lại chọn miền Trung làm nơi lập nghiệp?

Cha yên lặng hồi lâu, tôi tưởng ông đã ngủ.

– Cha đã gặp mẹ con ở nơi này – Cha bỗng lên tiếng, giọng ông khàn đục, hóa ra cha vẫn còn thức, dưới ánh đèn cầy leo lét gương mặt ông tư lự – Cha đã chọn mảnh đất này như duyên phận mẹ đã chọn cha – Nói đến đây ông lại móc hộp quẹt trong túi áo ra. Lần này bắt lửa, ông vội vàng đốt thuốc, nhìn ra màn mưa dày đặc – Cha chả… mưa kiểu này…!

Tôi biết, cha đang tránh nhắc lại những kỷ niệm ngày mẹ tôi còn. Lụt năm đó tôi và tụi trẻ con trong làng được nghỉ học. Mới lên bảy, tôi đã biết giúp cha khiêng lúa chất lên giàn. Quê tôi nhà nào cũng làm một cái giàn tre trên cao để “chạy lụt”. Làng gần sông, lại là vùng trũng nên khi có lụt, làng ngập sâu, riết rồi cũng quen. Khi tôi và cha khệ nệ khiêng bao lúa cuối cùng lên giàn, nhìn ra ngoài nước đã lên hơn nửa cánh cổng. Mẹ tôi chạy chợ vẫn chưa về, bà là người buôn chuối có tiếng ngon ở chợ làng. Sáng sớm thức dậy nhìn nước, mẹ biết sắp có lụt lớn, tần ngần một lúc, mẹ gỡ chiếc ghe nan treo sau hè xuống, chèo đi. Mẹ tiếc mấy buồng chuối, không chở về coi như mất trắng.

– Thôi bỏ buổi chợ đi mình, lụt lớn đó! – Cha gọi với theo nhưng không kịp, mẹ đã quày quả chèo đi, cha chỉ còn biết nhìn theo bóng mẹ xa dần.

Không riêng gì mẹ tôi, những người đàn bà trong làng đều ham công tiếc việc. Quanh năm, dù mưa hay nắng, lũ lụt hay hạn hán, mẹ và các bà không lên biền thì ra chợ. Sự tần tảo ăn sâu vào máu thịt khiến họ chẳng thể ngồi không. Cha kể, năm mẹ đẻ tôi trận lụt cũng lớn lắm. Mẹ bụng mang dạ chửa ngồi trên chiếc ghe chòng chành, nước lũ cuồn cuộn về, lên nhanh. Nhìn mẹ trở dạ quằn quại từng cơn, cha vừa chèo vừa run. May sao ghe vừa đến trạm xá thì tôi lọt lòng, khóc oe oe. Cha đặt tôi tên May cũng từ đó.

– Con May đâu, thắp cây đèn cầy lên cái coi! Ngồi bần thần chi đó? – Cha đột ngột lên tiếng.
Tôi giật mình, vội vàng tìm cây đèn cầy thắp lên cái chén úp ngược. Cha dò dẫm ra coi nước, lúc trở vào ông lẩm bẩm:

– Ngớt mưa mà nước rút không kịp, năm nay coi bộ… – Nói đến đó cha lại bập bập điếu thuốc hút dở, nhìn ra ngoài trời.

Cha trầm tính, từ ngày mẹ mất cha lại càng trầm hơn, tới bữa cơm lùa vài miếng cha lại chống đũa ngó ra đồng. Có lúc tôi nhìn thấy trong con mắt đục ngầu của cha ngấn nước. Cha khóc mẹ. Làm sao cha quên được cảnh đau thương ngày đó. Người làng kể lại, ghe mẹ chất đầy chuối, mẹ cố chèo trong dòng lũ cuồn cuộn. Về gần đến chợ mẹ còn quay lại cười với ghe bạn buôn, đột ngột gió quật ngược, trong chớp mắt ghe mẹ lật úp. Nhanh tay bám vào một cành cây, mẹ vật lộn với dòng nước nhưng nước hung hãn quá, cuốn mẹ đi… Cha hay tin chạy tìm mẹ, lúc tìm ra mẹ đã được bó trong tấm chiếu, nhợt nhạt. Năm đó tôi lên bảy. Cũng tại cái tính chịu thương chịu khó, bỏ buổi chợ mẹ tiếc, bỏ ghe chuối mẹ tiếc, để bây giờ đêm đêm cha ngồi tiếc mẹ. Có lúc tránh cho tôi nhìn thấy những giọt nước mắt ứa ra, cha giả bộ đập đập mấy con muỗi bu vô chân “Cha bay! Bu chi mà bu dữ ác!”

Rồi cha một mình nuôi tôi lớn lên bằng những con cá ngoài triền sông, bằng những vạt bắp, luống rau cha trồng trên biền. Cha đi đi về về như cái bóng, lầm lũi, câm lặng. Chiều về ăn qua loa chén cơm, hỏi han chuyện học hành, dặn dò tôi dăm ba câu, cha lại ra hiên, có đêm cha ngồi rít thuốc đến sáng. Nội, ngoại thương, khuyên cha đi bước nữa, cha lắc đầu. Có người đàn bà góa trong làng thầm thương cha, bà con mối lái, cha cũng lắc đầu. Có lần bà nội ra thăm, kêu cha lại thủ thỉ “Con May lớn lên rồi cũng lấy chồng, con coi đám nào… chớ ở vậy lúc già yếu có ai”. Cha yên lặng bỏ ra sông. Ngày mẹ mới mất, đêm đêm cha gẩy đàn bầu tới khuya, dưới ánh đèn tù mù, tôi thấy gương mặt cha dại đi, những ngón tay gân guốc run run, tiếng đàn cha nức nở, oán than. Bà ngoại kể, ngày con gái mẹ xinh xắn dễ coi, vậy mà mê cha cũng vì tiếng đàn bầu, đêm đêm mẹ lẻn cửa sau chạy đến với cha. Bà ngoại ngăn cấm cách gì cũng không xong, chuyển qua tỉ tê “Lấy chi thứ đàn ông suốt ngày đàn địch, cực thân lắm con!”. Mẹ chỉ cười, một mực theo cha. Cũng nhờ tiếng đàn mà cha cưới được mẹ. Từ ngày có chồng mẹ bắt đầu biết bươn chải. Mấy ai ngờ cô gái xinh đẹp mơ mộng như mẹ lấy chồng rồi lại tần tảo sớm hôm. Dù mê gẩy đàn nhưng từ ngày cưới mẹ, cha lặng lẽ gác đàn, suốt ngày cắm mặt ngoài biền, ngoài bãi. Ai hỏi cha chỉ cười “Thương mẹ con May! ”.

Mẹ qua một trăm ngày, cha gác luôn đàn lên giàn. Mỗi năm đến ngày giỗ mẹ, cha lại lấy xuống, phủi bụi rồi rờ rẫm thiệt lâu, bàn tay run run nắn lại cần đàn. Có lần tôi nói “Lâu rồi con không nghe cha đàn!” Cha thẫn thờ, đêm đó tiếng thở dài của cha sâu hơn.

Đêm. Nước vẫn trắng đồng. Tôi tìm cây nến khác thắp lên.

– Thắp một cây thôi con, còn để dành! – Cha ngồi trong góc nhà húng hắng ho.

Tôi dạ, cất cây đèn cầy vô chạn bếp, lên giường ngồi hít hà vì lạnh. Trong tiếng nước lắp xắp tôi nghe có tiếng cốc cốc. Tôi ngồi yên, đoán chừng nước đẩy thanh gỗ chắn đập vào cánh cửa, phát ra tiếng động. Cốc cốc lần này tiếng gõ mạnh hơn, rõ mồn một. Cha bập bập điếu thuốc vất ra cửa, quay sang tôi:

– Ra coi ai gõ cửa giờ này, con!

Tôi cầm cây đèn cầy đi ra, khó khăn lắm mới đẩy được cái chốt cài ngâm trong nước. Tôi giơ cao cây đèn cầy, lom lom nhìn ra, trước mắt tôi một người đàn bà đứng co ro, tay dắt một đứa bé gái chừng bốn, năm tuổi, ôm cái bọc tôi đoán là áo quần.

– Dạ cô hỏi ai? – Tôi ngạc nhiên nhìn bà.

– Không… Tôi hỏi xin nghỉ nhờ một đêm… có được không? – Người đàn bà rụt rè.

Tôi tần ngần chưa biết tính sao, cha đã đến sau lưng.

– Cho họ vô đi con!

Tôi nép qua một bên cho người đàn bà và đứa bé đi vào. Trong lúc chờ hai mẹ con cởi áo mưa, tôi kín đáo quan sát, trông họ hiền lành và có phần lam lũ, cô bé rụt rè hết nhìn cha lại nhìn tôi rồi níu tay mẹ thỏ thẻ điều gì không rõ.

– Coi còn mì gói nấu cho cô với em ăn đi con! – Cha như hiểu ý đứa bé.

Tôi khêu lại cái bấc bếp dầu, châm lửa, vài phút sau mang ra hai tô mì. Đứa bé thấy tô mì nó giương mắt nhìn mẹ chờ đợi. Thấy mẹ gật đầu, nó cắm cúi ăn. Có lẽ hai mẹ con đang đói nên con bé hồn nhiên ăn luôn tô của mẹ. Chừng con bé đã no, mẹ nó mới vớt những cọng mì còn sót lại, nhỏ nhẻ ăn. Sực nhớ trong nồi còn cơm nguội, tôi vội vàng xới ra, gắp thêm vài con cá kho.

– Còn tô cơm nguội, cô ăn tạm!

Người đàn bà nhìn tôi, đôi mắt đen u uẩn dưới ánh nến, gương mặt xanh xao cúi xuống giấu nỗi ngại ngùng. Góc nhà, cha lẳng lặng soạn mùng mền chiếu gối, vậy là có chỗ cho hai mẹ con nằm tạm. Ngoài trời mưa vẫn như trút, gió quật cây cối tơi tả, cây đèn cầy cháy đến cái bấc, lóe lên nổ lép bép. Con bé mới thỏ thẻ với mẹ giờ đã lăn ra ngủ khì, thỉnh thoảng ú ớ nói mê. Người đàn bà nằm sát vào con, tiếng thở đều đều, mệt nhọc. Chừng đã khuya, tôi vẫn không sao ngủ được, cái giường ướt hết phân nửa chỉ đủ tôi ghé lưng. Trong góc nhà, tiếng võng kèn kẹt, thỉnh thoảng cha lại trở mình, tôi biết cha cũng khó ngủ. Gió ngoài trời vần vũ như chưa muốn thôi. Gần sáng tôi thiếp đi lúc nào chẳng hay, tỉnh dậy đã thấy hai mẹ con ngồi bên bậu cửa, đứa bé ôm khư khư bọc quần áo đêm qua. Thấy tôi thức giấc người đàn bà reo lên:

– Con dậy rồi! Cô đợi để chào con, mẹ con cô đi đây! Cảm ơn hai cha con nhiều lắm!

Tôi nhìn ra, mưa đã tạnh, nước cũng rút đi nhiều. Hai mẹ con ra hiên, đứa bé líu ríu nắm vạt áo mẹ. Tôi nhìn quanh nhà không thấy cha đâu, như hiểu ý tôi, người đàn bà khẽ nói:

– Lúc gần sáng ông mặc áo mưa đi rồi!

Tôi yên lặng. Tính cha là vậy, ông làm gì có trời mà biết, ít khi ông thổ lộ với ai điều gì. Có tiếng húng hắng ho. Cha về, trên tay một xâu cá đồng và mấy ngọn rau bí dập nát. Thấy hai mẹ con khăn gói chuẩn bị đi, cha ngạc nhiên:

– Hai mẹ con giờ về đâu?

Người đàn bà cúi đầu im lặng.

– Chưa biết về đâu thì cứ ở tạm đây, đừng ngại! – Cha xoa đầu đứa bé.

Người đàn bà bật khóc, nghẹn ngào:

– Thiệt tình… tôi cũng chưa biết về đâu!

Tôi nắm tay đứa bé dắt vào nhà, người đàn bà cũng yên lặng đi theo. Cha xách xâu cá ra ảng nước ngồi đánh vảy, thấy vậy tôi liền đi nhen lửa nấu cơm. Người đàn bà quệt nước mắt, cắm cúi ngồi lặt ngọn rau bí. Bữa cơm dọn ra, dĩa cá đồng kho tiêu, ngọn bí luộc, chừng đó thôi mà ai cũng ăn ngon lành. Ăn xong người đàn bà nhanh nhẹn bưng mâm ra ảng nước ngồi rửa.

– Cô thứ ba, tên Duyên, con cứ kêu cô Duyên cho tiện – Người đàn bà nói khi tôi lăng xăng bên cạnh.

– Mẹ con cũng thứ ba – Tôi buột miệng.

Người đàn bà ngước nhìn tôi:

– Mẹ con đâu?

– Mẹ con mất rồi, khi con lên bảy tuổi.

Bà nén tiếng thở dài, lẳng lặng rửa chén bát, xếp hết vào cái rổ, không hỏi gì thêm. Đứa bé tỏ ra dạn dĩ hơn, nó cầm chiếc thuyền giấy tôi vừa gấp cho, ra sau hè thả xuống vũng nước mưa. Tôi và cha bắt đầu dọn dẹp, nước lúc này đã rút hẳn, để lại sình bùn quanh nhà. Người đàn bà cũng phụ cha con tôi, cặm cụi lau chùi. Thỉnh thoảng tôi kín đáo nhìn, gương mặt bà luôn nhìn xuống, cái nhìn của người cam chịu và an phận. Đêm, ngoài trời vẫn tối như hũ nút, không trăng sao, không đèn điện, tôi lại tìm cây đèn cầy thắp lên. Trong góc nhà, cha lại ngồi rít thuốc, đóm thuốc cháy lập lòe, dạo này cha hút nhiều hơn. Con bé ngồi trước mặt bắt chước tôi gấp thuyền giấy, vừa gấp nó vừa cười hinh hích. Chừng đã khuya, người đàn bà đến trước mặt cha khẽ thưa:

– Cảm ơn anh và cháu đã cho mẹ con tôi nương nhờ trong lúc ngặt nghèo. Sáng mai mẹ con tôi xin phép đi.

Cha lặng thinh, lúc sau lên tiếng:

– Nhà cửa trôi sạch rồi, giờ về đâu?!

– Tôi về nhờ bà con dựng lại nhà trên nền cũ. Tôi phải đi tìm cha con bé – Giọng người đàn bà chùng lại – Ngày trước cha nó bị tai nạn ở đầu rồi nhớ nhớ quên quên, một lần đi lang thang rồi không về nữa.

– Giờ biết tìm cha nó ở đâu?

– Tôi chưa biết tìm đâu, nhưng cứ tìm… biết đâu… – Người đàn bà nghẹn lại – Để con bé có cha…

Yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng thở dài của cha lẫn vào đêm. Tôi nhìn ra ngoài, đêm vẫn đặc quánh. Người miền Trung quê tôi bao đời vẫn vậy. Cha thôi đốt thuốc, tôi cũng tính chuyện đi nằm. Giường bên, đứa bé đã ngủ khì từ lúc nào, người đàn bà vẫn ngồi, ánh mắt đăm đăm nhìn ngọn nến lép bép cháy. Tôi nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rả ở vườn sau, bỗng nhớ ngày còn nhỏ, những đêm trăng cha dắt tôi ra sông, chỉ cho tôi ánh trăng in xuống mặt sông rồi kể, lần đầu cha đã gặp mẹ trên bến sông này… Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ. Trầm trầm không gian mới rung thành tơ… Từ góc nhà, tiếng đàn bầu rung lên khe khẽ. Tôi lặng người. Cha gẩy đàn. Bao nhiêu năm rồi tôi mới lại được nghe tiếng đàn cha vang lên trong đêm vắng. Tôi nhìn cha, dưới ánh nến leo lét hắt lên tường vôi loang lổ, bóng cha cúi xuống, bàn tay gân guốc run run gẩy đàn, bản nhạc quen thuộc sao đêm nay nức nở. Người đàn bà rưng rưng nhìn cha, dưới ánh nến, tôi thấy mắt bà long lanh những giọt nước…

Sáng sớm cha đã lục đục trở dậy. Giường bên, người đàn bà cũng đánh thức con, con bé ngái ngủ đầu cứ nghẹo xuống. Tôi gói xôi và bánh ít mặn cho vào cái bao:

– Cô cầm theo đi đường, lỡ khi em đói…

– Cảm ơn con! – Người đàn bà nắm tay tôi thiệt lâu, ra đến cửa bà cúi xuống đứa bé – Chào bác, chào chị rồi đi, con!

Con bé đã tỉnh ngủ, trên tay cầm chiếc thuyền giấy, nó nhoẻn miệng cười chào cha và tôi, giọng nói ngọng nghịu khiến cha bật cười. Cha xoa đầu rồi ôm nó vào lòng. Hai mẹ con dắt díu nhau về hướng sông. Xa rồi con bé còn ngoái lại nhìn tôi, bàn tay nhỏ xíu đưa lên vẫy vẫy. Bên hiên, cha tựa cửa trông theo.

Chiều tắt nắng. Cha vác cuốc lên vai lững thững ra ngõ. Cha lại lên biền dâu, nhiều năm rồi tôi thuộc tính nết cha. Trong ráng chiều vàng vọt, bóng cha lầm lũi đi. Tôi chợt nhận ra cha cô độc biết bao, trong dáng đi, trong nụ cười và cả trong tiếng đàn bầu nức nở đêm qua. Mắt tôi cay xè… Làn khói mềm như lụa bay lên từ những chái bếp, làng tôi đã trở lại nhịp sống quen thuộc với mùi thơm ngọt đồng bãi… Nhá nhem. Cha về. Tiếng cổng tre cót két. Dựng cuốc vô góc vườn, cha ra giếng dậm chân cho bớt bùn đất rồi kéo gàu nước lên dội ào ào. Gương mặt cha trong buổi hoàng hôn buồn rượi, lãng đãng khói sương. Tôi chợt nhớ những chiều phai theo cha ra sông vớt lục bình trôi, ngày đó cha hãy còn trẻ lắm.

Đêm. Tôi thiu thiu ngủ, trong tiếng côn trùng rả rích tôi nằm đếm những giọt nước rơi xuống từ cái máng xối sau nhà. Trong giấc ngủ mơ màng tôi nghe tiếng đàn cha rung lên réo rắt, nỉ non. Tôi bỗng thấy ngoài hiên bóng ai như mẹ, gương mặt sáng rỡ, mẹ ngồi trên chiếc ghe nan, bàn tay đưa lên vẫy vẫy cha con tôi như thay lời tạm biệt. Trên vách tường bóng cha cúi xuống, tiếng đàn bầu lại rung lên trong đêm, khắc khoải, đợi chờ…

V.N.G

 Nhà văn Vũ Ngọc Giao, sinh năm 1972, quê quán tỉnh Quảng Ngãi, hiện sống và viết văn tại thành phố Đà Nẵng. Chị có hơn 100 tác phẩm đã đăng báo Trung ương và địa phương.

1 nhận xét:

NỖI NHỚ MUỘN MÀNG - Thơ Ngoc Anh Nguoideplongyen

T ranh Hứa Xuân Trường   NỖI NHỚ MUỘN MÀNG   Hè ở đây vẫn ngày nồng đêm lạnh Nhớ quê nhà mùa bão tố chưa qua Nhớ dòng sông nước chảy những c...