Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

Bệnh ù tai & Chữa lãng tai

Bệnh ù tai


Hỏi:

• Mấy bữa nay em cứ nghe tiếng “u u” hai trong hai tai, lúc có lúc không, thường lớn hơn vào buổi tối, hay khi yên lặng. Hình như cứ mỗi lần mất ngủ hay bị căng thẳng là nó lại xảy ra, hoặc bị nặng lên. Xin cho biết như vậy có nguy hiểm không, và phải làm sao để ngừa và trị?

• Lỗ tai bên phải của tôi cứ bị nghe “re re” như chuông reng, đã một tuần nay, lúc lớn lúc nhỏ, nhưng hầu như liên tục, rất khó chịu. Xin cho biết như vậy là bệnh gì, có nguy hiểm không, tôi phải làm sao?

Ear Pain Stock Illustrations – 2,062 Ear Pain Stock Illustrations, Vectors  & Clipart - DreamstimeTreatment of outer ear infections | Clarkson, WA

Ðáp:

Ù tai có thể là tiếng “u u,” reng như tiếng chuông, “xì xì” như gió thổi, hoặc có thể là những tiếng động khác mà ta cảm nhận được trong khi không có tiếng động nào như vậy bên ngoài lúc đó cả. Nó có thể là cảm giác của cả hai tai hay chỉ một tai, nghe như ở trong đầu hay từ xa xăm.


Ù tai có thể liên tục hay không liên tục. Dù cả hai đều có thể làm cho người bị ù tai rất khó chịu, loại ù tai không liên tục, lúc có lúc không, thường tương đối ít trầm trọng hơn.


Theo một số thống kê ở Hoa Kỳ, có tới khoảng một phần sáu dân số Mỹ bị ù tai, trong số đó có khoảng một phần tư bị ù tai trầm trọng đến mức làm cản trở các hoạt động hàng ngày của người bệnh.


Ù tai thường gặp hơn ở đàn ông, và thường gặp hơn ở người lớn tuổi. Cũng theo một số nghiên cứu ở Mỹ, ù tai thường gặp nhất trong khoảng tuổi 40 đến 70, trong đó, chỉ 1% những người dưới 45 tuổi có bị ù tai, tỉ lệ này là 12% ở những người từ 60 đến 69 tuổi, và 25% đến 30% ở những người 70 đến 79 tuổi.


Nguyên nhân của chứng ù tai


Ðầu tiên, ta cần phân biệt giữa ù tai với ảo thính.


Ù tai đã được định nghĩa trên đây, còn ảo thính là cảm giác nghe thấy những tiếng động có ý nghĩa, như có ai nói gì đó với ta, hoặc tiếng nhạc, trong khi thật sự không có những tiếng động đó. Ảo thính có thể là một trong những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), hoặc do một số bệnh tâm thần hay thể chất khác, nó cũng có thể là biến chứng của một số thuốc.


Có thể phân biệt ù tai thật sự thành hai nhóm chính: chủ quan và khách quan.


Ù tai khách quan


Là loại ù tai mà không chỉ bệnh nhân, mà cả bác sĩ cũng có thể nghe thấy. Loại này hiếm gặp, thường gây ra bởi các rối loạn về mạch máu hoặc các cơ thần kinh, u bướu trong đầu, cổ, hay não, hoặc các khiếm khuyết của một số cấu trúc của tai. Ù tai có thể cảm giác như mạch đập, hoặc có thể đồng nhịp với nhịp tim. Bị ù tai như mạch đập đồng nhịp với tiếng tim cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán càng sớm càng tốt, vì đây có thể là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm.


Ù tai chủ quan


Là những tiếng ù chỉ có bệnh nhân cảm thấy. Loại này chiếm đại đa số (95%) các trường hợp ù tai. Trong số này, hơn 60% trường hợp không thể tìm ra nguyên nhân dù là có làm các xét nghiệm phức tạp. Trong số các trường hợp có thể tìm ra nguyên nhân, các nguyên nhân thường gặp nhất là:


– Do tuổi cao. Một phần của ù tai có thể liên quan với sự lãng tai ở người lớn tuổi do sự thoái hóa của thần kinh liên quan đến thính giác.


– Do ảnh hưởng của tiếng ồn quá độ. Ví dụ như những công nhân làm việc trong các hãng xưởng với nhiều máy móc ồn ào, nhạc sĩ nhạc rock, lính trận thường xuyên phải chịu đựng tiếng súng, những người làm trong phi trường…


– Bệnh Méniere, là một bệnh của tai trong, với các cơn chóng mặt, mất thính lực, ù tai.


– Do ráy tai hoặc dị vật làm nghẹt tai.


– Bất thường của ống tai.


– Viêm tai giữa đi kèm với tràn dịch gây ra điếc do tổn thương sự dẫn truyền tiếng động trong tai.


– Xơ cứng các xương tai, cũng là một nguyên nhân gây điếc do tổn thương sự dẫn truyền tiếng động trong tai.


– Do thay đổi của huyết áp.


– Các bệnh nội tiết, như bệnh tiểu đường hay các bất thường của tuyến giáp.


– Tổn thương vùng đầu cổ.


– Bất thường của vùng khớp hàm thái dương.


– Thuốc men, cũng là một trong các thủ phạm rất thường gặp gây ra ù tai. Một số thuốc thường gặp có thể gây ra ù tai: Aspirin, một số thuốc chữa cao huyết áp, một số thuốc kháng sinh, một số thuốc trị trầm cảm và lo lắng, một số thuốc antihistamine, một số thuốc giảm đau, chống viêm, một số thuốc an thần.


– Bướu thần kinh thính giác, nếu không được cắt bỏ kịp thời, có thể chèn ép thần kinh, gây điếc.

 

Ảnh hưởng của chứng ù tai đến sức khỏe


Triệu chứng ù tai có thể gây ra nhiều vấn đề, ví dụ: Mất ngủ, mất tập trung, trầm cảm, bực bội…


Ngoài ra, các bệnh gây ra ù tai, cũng có thể gây ra điếc, chóng mặt, buồn nôn…


Cách chữa chứng ù tai


Ðiều quan trọng nhất là chữa nguyên nhân kịp thời và thích hợp, đặc biệt là những người bị ù tai không cân xứng giữa hai tai, hoặc chỉ bị ù một bên tai, hoặc bị ù tai liên tục.


Nếu bác sĩ chuyên khoa tai không tìm ra nguyên nhân của ù tai, một số phương pháp có thể giúp làm giảm ù tai, dù nhiều phương pháp chưa được chứng minh rõ ràng bằng các nghiên cứu khoa học. Một số trong số này có thể được tự thực hiện ở nhà một cách dễ dàng.


Ví dụ:

– Thể dục đều đặn, giúp cho máu đến vùng đầu cổ đầy đủ hơn.

– Tránh rượu và những thứ có rượu, thuốc lá, chất caffeine, phó mát, vì các thứ này có thể làm ù tai tệ hơn.

– Bớt ăn mặn.

– Nghỉ ngơi đầy đủ.

– Tránh tiếng ồn.

– Kiểm soát huyết áp đúng mức.

– Thư giãn, ví dụ như tập dưỡng sinh.

– Dùng các tiếng động nhẹ nhàng khác để “đè” tiếng ù, như nghe nhạc nhẹ, dùng tiếng quạt máy… nhất là vào giờ đi ngủ.


Trên đây là một số cách mà ta có thể tự thực hiện. Các bác sĩ có thể dùng nhiều thuốc men hoặc một số phương pháp chuyên môn khác để giúp ta giảm hoặc khỏi ù tai. Các thuốc này cần toa cũng như cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ, mỗi trường hợp có thể hoàn toàn khác nhau và đòi hỏi thuốc men cũng như các phương pháp khác nhau.


Cũng như trong các đại đa số các trường hợp bệnh tật khác, ta không nên “mượn” thuốc hoặc cho nhau thuốc, vì đôi khi điều đó có thể gây ra nhiều nguy hiểm nếu không dùng đúng thuốc trị đúng bệnh, và không được bác sĩ theo dõi cẩn thận để kịp phát hiện và chữa trị các tác dụng phụ hoặc biến chứng của thuốc và của bệnh.


Tóm lại, nếu quá khó chịu vì ù tai mà chưa được bác sĩ khám cẩn thận, nhất là nếu bị ù tai không cân xứng giữa hai tai, hoặc chỉ bị ù một bên tai, hoặc bị ù tai liên tục, hoặc bị ù theo mạch đập, cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được làm các xét nghiệm và gởi đến các bác sĩ chuyên khoa thích hợp nếu cần, hầu chữa trị kịp thời, tránh các biến chứng không đáng có và có thể nguy hiểm.


Khi các bác sĩ đã khám xét kỹ và không thấy có nguyên nhân gì nguy hiểm và không cần thuốc men gì đặc hiệu, ta có thể áp dụng các phương pháp kể trên để giảm thiểu sự khó chịu của chứng ù tai.


Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
 (714) 531-7930
Email: drnguyentranhoang@gmail.com

Website: www.nguyentranhoang.com
 -------------------------

Chữa lãng tai

Lãng tai là sự giảm hoặc mất sức nghe, thường xảy ra với những người cao tuổi. Khi ở vào tình trạng lãng tai thì thật là khổ, không nghe ai nói được lời nào. Rồi sanh ra nhiều chuyện nghe nhầm, hiểu không đúng, xảy ra nhiều chuyện buồn cười như câu chuyện ”Điếc cả làng” . Ngoài ra người lãng tai không thể giao tiếp với mọi người nên họ không trả lời đối đáp được với ai. Riết rồi đành sống trong thế giới riêng mình. Đó là chưa kể người lãng tai đi ra đường, không nghe tiếng xe cộ để tránh thật là nguy hiểm…

Khi bước vào tuổi 50, loa tai bị lão hoá kém khả năng tiếp nhận âm thanh từ bên ngoài. Màng nhĩ bắt đầu bị xơ hóa, trở nên dày đục, xuất hiện các mảng xơ nhĩ. Chuỗi xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) nằm trong tai giữa bị loãng xương và vôi hóa khiến việc dẫn truyền âm thanh suy giảm đi

Dây thần kinh thính giác và mạch máu nuôi dưỡng cũng bị thoái hoá, kết hợp với sự đặc dần của các ống xương mà nó đi qua, làm giảm sự dẫn truyền cũng như tiếp nhận âm thanh ở cơ quan thính giác.
Sau một thời gian dài không được chua tri, người bệnh sẽ bị suy giảm thính lực

Theo ý kiến các nhà chuyên môn thì tình trạng lãng tai của người già (suy giảm thính lực) là tình trạng lão hoá, không thể hồi phục được

Qua sự tiếp xúc với những bệnh nhân cao tuổi, tôi thấy rất nhiều người già bị lãng tai. Và qua kinh nghiệm điều trị tôi rất ngạc nhiên khi thấy một số lớn các cô bác đã cải thiện sức nghe của mình chỉ bằng 5 động tác tập thể dục đơn giản cho đôi tai trong một thời gian trung bình khoảng 02 tháng

Hình ảnh sau đây là 1 trong nhiều bệnh nhân đã nhận được lợi ích từ bài tập thể dục đơn giản để hồi phục sức nghe của mình. Tôi xin giới thiệu với các bạn, bác H..66 tuổi, lãng tai hơn 10 năm. Sức nghe của bác đã được cải thiện tốt sau khi tập những động tác đơn giản chỉ trong vòng 2 tháng:

Vô giá vì không phải tốn tiền nhưng vô cùng quý giá vì có thể hồi phục sức nghe ở người cao tuổi

Trước khi bước vào bài tập xin mời các bạn lướt sơ qua phần giải phẫu tai:
Tai được chia làm 3 phần: tai ngoài, tai giữa, tai trong.
– Tai ngoài gồm loa tai, ống tai.
– Tai giữa (phía trong màng nhĩ) gồm 3 xương con là xương búa, xương đe, xương bàn đạp và vòi Eustache nối liền tai giữa và thành sau họng.
– Tai trong gồm ốc tai, các ống bán khuyên và thần kinh tiền đình, thần kinh thính giác.

Tai nghe âm thanh như thế nào ?

Đầu tiên là âm thanh từ ngoài chạm đến loa tai, đi vào trong ống tai ngoài và tác động trên màng nhĩ. Rung động này truyền đến nhóm xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp). Sau đó, rung động âm thanh lan đến ốc tai rồi được dẫn đến dây thần kinh thính giác truyền lên não. Lúc bấy giờ chúng ta nghe được âm thanh
Ở TUỔI GIÀ, tất cả bộ phận thính giác (loa tai, màng nhĩ, nhóm xương con, dịch trong ốc tai…) đều bị ảnh hưởng bởi sự lão hoá.

Những động tác tập sau đây thực tế đã cải thiện tốt sức nghe của một số lớn người già.

Bài tập thể dục cho tai gồm 5 động tác
 
MỖI NGÀY TẬP 2 LƯỢT: SÁNG TẬP 1 LƯỢT, CHIỀU 1 LƯỢT
 
1 – Kéo Loa tai: dùng 2 ngón tay cái và trỏ kéo loa tai xuống 20 lần, kéo ngang 20 lần, kéo lên 20 lần. Mục đích làm tăng sự tiếp nhận âm thanh vào loa tai
  
2 – Xoay tròn Loa tai: Áp sát và kín lòng bàn tay vào tai + xoay tròn 30 vòng rồi xoay ngược lại 30 vòng: Động tác này giúp giảm xơ cứng các xương đe, búa, bàn đạp
  
3 – Bịt kín 2 tai rồi buông: Áp kín 2 lòng bàn tay vào 2 tai rồi buông ra đột ngột 30 lần, giúp màng nhĩ căng giãn tốt

4 – Vỗ vào xương chẩm (sau đầu) : Lòng bàn tay áp kín tai rồi dùng các lòng ngón 2,3,4,5 (ngón trỏ, giữa, áp út và ngón tay út) vỗ vào vùng xương chẩm (phía sau đầu) 30 lần

5 – Xoa Loa tai: Lòng ngón cái đặt dọc sau tai, lòng bàn tay đặt tại loa tai. Xoa lên xoa xuống 30 lần, tập cho thần kinh của loa tai nhạy cảm với âm thanh hơn

Ngoài ra các bạn nên tránh tiếp xúc các tiếng động quá ồn trong thời gian dài (thường nghe headphone, gần các xưởng máy, quán...) 
Rất có kết quả ,nếu chịu khó tập.
Anatomy and physiology of the ear | Osmosis

Hearing and the Structure of the Ear
(Từ __,_._,___

Từ Cảnh chuyển

Xem Thêm :

THUỐC CŨ TRỊ BỊNH TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2 - BS.Đặng Quang Tâm  

Thói quen ăn uống phổ biến làm tăng 152% nguy cơ tiểu đường  

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI