Ở đám cưới người Việt, người ta vẫn
có kiểu chào mời nhau rất quen: “Ăn đi cháu”! Thuở xưa đói kém đã đành
nhưng ngày nay, cả nông thôn lẫn thành thị rốt cuộc vẫn chỉ ăn, ăn và
ăn!
Không ăn thì biết làm gì?
Nếu một đám cưới Việt diễn ra ở làng quê bày biện vài
chục, vài trăm mâm cỗ, ăn đến vài ngày, không ăn hết đem phần về… huy
động cả tấn thịt các loại, được coi điều chuyện bình thường thì giữa
lòng đô thị cũng quá quen với kiểu đám cưới càng đông khách dự càng
hoành tráng.
Thế là bao nhiêu con người xa lạ ngồi cùng nhau, chỉ ăn, ăn và ăn!. Nhưng nếu không ăn thì họ biết phải làm thế nào?
Cô dâu chú rể cũng chỉ đến chào xã giao được một lần, nhạc nhẽo hát hò ầm ĩ trên sân khấu, khách mời không ai biết ai…
Thành ra, trong đám cưới người Việt, ai cũng no! Có chăng, người
không ăn nổi sẽ là cô dâu chú rể. Vì họ còn vướng bận đủ thứ lễ nghi,
chào hỏi, tay bắt mặt mừng với hàng trăm người, lỉnh kỉnh bao nhiêu váy
áo, phụ kiện… xong việc đêm về lại nhoài ra… đếm tiền phong bì.
Giữa đời sống hiện đại, nhiều làng quê Việt vẫn còn duy trì tục lệ
“nhà có đám, cấm lửa cả làng”, ăn ngày ăn đêm dù chẳng “dây mơ, rễ má”.
Những mâm cỗ cưới nhất thiết phải toàn thịt đầy vun, đến khúc giò
cũng phải cắt theo kiểu “ngập chân răng” mới đúng nghĩa là hình ảnh
khiến gia chủ được “nở mày, nở mặt”. Rồi lại có vùng quê, ăn cỗ không
hết sẽ chia chác mang về.
Nhưng có thật con người Việt coi trọng miếng ăn đến thế? Không hẳn.
Thực tế cho thấy chẳng mấy người đi ăn cỗ cưới thấy ngon miệng hoặc tham
lam đến mức phải xách đồ ăn về mà thói quen, phong tục nhiều nơi cho
như thế mới là “phải phép”.
Có lẽ chẳng ở đâu trên thế giới này câu thành ngữ “ăn cỗ đi trước,
lội nước theo sau” được truyền miệng bền bỉ như ở ta. Câu ấy đúng với
người Việt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đơn cử là cách Thủ đô Hà Nội không xa, có địa phương ngoại thành đến
giờ vẫn còn đi ăn cỗ từ lúc tinh mơ gà gáy. Ngày xưa nghe tiếng pháo nổ
sang canh là dân làng biết chủ nhà chuẩn bị xong cỗ cưới nên kéo đến ăn.
Bây giờ, không còn pháo nổ thì đã có điện thoại, đồng hồ báo thức.
Xem ra, trong ngày cưới của người Việt, chuyện ăn uống mới là đại sự!
Mới đây, dân tình bỗng được phen tá hỏa trước thông tin sau đám cưới
nọ, cả trăm người phải đi cấp cứu vì cỗ được chế biến từ thịt con bò bị
bệnh. Bi hài hơn cả, lẽ ra số người nhập viện không đông đến mức ấy,
nhưng vì tục chia thịt đem về nên hậu quả đã thảm lại càng thảm hơn!
Bao giờ mới thôi “trả nợ miệng”
Theo truyền thống của người Việt, chuyện cỗ bàn trong đám
cưới không chỉ đơn thuần là ăn cho no mà còn thể hiện sinh động nét sinh
hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng…
Xưa kia, trong đám cưới quê kéo dài đến ba ngày, ba đêm đã hội tụ đầy đủ bản sắc của ngày đại hỷ.
Đó là hình ảnh giữa nhà lớn, các cụ ông ăn mặc chỉnh tế chuyện trò
rôm rả. Dưới mái hiên, các cụ bà ngồi bổ cau têm trầu. Ở góc sân, các cô
gái trẻ cọ mâm rửa bát. Gia chủ mời khách ăn trầu, uống nước thưa
chuyện dựng vợ gả chồng cho con cháu…
Người Việt cũng từng quan niệm: “Vì tình vì nghĩa, không vì đĩa xôi
đầy”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”… bởi trong văn hóa truyền thống lẫn tâm
linh, hôn nhân là việc hệ trọng. Gọi một cách chính xác phải là lễ cưới
thay vì đám cưới.
Ở đó, những cốm, những hồng, những dây lụa chăng đường, những đồng
dao của trẻ con đọc lúc đưa dâu… tất cả đều hồn nhiên, thiêng liêng và
cảm động.
Tuy nhiên, dường như nhịp sống hiện đại đã giản lược dần tính tương
tác cộng đồng, các giá trị văn hóa truyền thống ý ngh ĩa, còn để lại vẻn
vẹn cảnh “mâm cao, cỗ đầy”.
Khi phong tục, tập quán đã dần mai một thì cách người Việt ăn cỗ cưới
đơn giản chỉ để “trả nợ miệng” lẫn nhau với tâm lý: Thiên hạ từng đi
đám cưới nhà mình, giờ mình không mừng lại chỉ có nước “đeo mo vào mặt”.
Thành ra, đã đến mừng thì phải ăn, ăn cũng là một cách để “điểm danh”
thể hiện mình… lịch sự!
Nhưng sau ăn uống, rượu chè, nhạc nhẽo thì sẽ là gì? Đó là sự mệt
mỏi, ngán ngẩm ai cũng nhận ra nhưng khó lòng thay đổi. Nhiều khi biết
thế là lãng phí, là hình thức… nhưng cả cộng đồng như thế đâu thể không
tuân theo.
Thậm chí, có những người còn phải “bóp mồm bóp miệng” lo tiền mừng
đám cưới, đến nơi lại ngồi trước mâm cỗ ê chề. Nghịch lý là thế!
Ở nước ngoài, một đám cưới thường chỉ mời hai bên họ hàng, bạn bè
thân thiết. Trong lúc cử hành hành hôn lễ, khách mời gần như nín thở cho
giây phút hạnh phúc thiêng liêng, khóc cười cùng cô dâu chú rể.
Sau khi nhảy nhót, chúc mừng thì họ hào hứng đưa chân cặp uyên ương lên đường đi hưởng tuần trăng mật.
Ở ta, trước kia, kết thúc một đám cưới thường là cảnh cô dâu môi son
má phấn, nước mắt nhòe nhoẹt ngồi giữa chồng bát đĩa đầy vun.
Bây giờ, cỗ bàn đã có dịch vụ của nhà hàng khách sạn nên sau khi khách “rút êm” thì cô dâu chú rể cũng uể oải ra về.
Phía sau mâm cỗ cưới của người Việt, chẳng ai quan tâm ai, chẳng ai
lắng nghe ai… nó khiến người ta ngán ngẩm từ lúc nhận tấm thiệp mời.
Ấy thế nhưng chẳng biết bao giờ người Việt mới thôi cảnh ăn uống bét nhè để “trả nợ miệng” lẫn nhau.
Theo GIA ĐÌNH & XÃ HỘI.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)
Tạp Ghi và Phiếm Luận : Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ Ăn x ổi ở th ì,...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét